Ký sự Cuba: 'Cuba làm gì có người ăn xin (!?)'
Phương Thảo - Trong các sách du lịch họ nói rằng Cuba không có người ăn xin, tôi rất ngạc nhiên và thán phục vì không hiểu họ làm cách nào mà không có người ăn xin trên đường phố trong khi ở đâu trong mấy nước Âu Mỹ cũng có người vô gia cư đứng ở góc đường, siêu thị xin tiền.Đi trên con phố chính tập nập Obpiso ở Havana cổ, một người phụ nữ ngoài 50 khều khều tôi, đưa lên một ngón tay rồi nói "Un peso - một peso". Đó là người xin tiền đầu tiên mà tôi gặp.
Sau đó là vô số những người già cứ đi theo du khách để xin tiền, họ cầm đồng cắc một peso rồi ra hiệu cho họ xin một đồng như vậy. Có người sán vô du khách và nói " change, change - tiền lẻ, tiền lẻ."
Cũng có người xin tiền tinh vi hơn bằng cách rao bán tờ tiền giấy với mệnh giá 3 peso trên đó có in hình Che. Nhiều du khách cũng bị sụp bẫy khi mua một tờ như vậy với giá 1-2 CUC ( 25-50 ngàn) trong khi có thể dễ dàng đổi lấy nhừng tờ tiền mới cứng ở nhà bank.
Trên các con phố trong khu phố cổ có những ông già mặc vest, đội mũ phớt hay những phụ nữ mặc quần áo truyền thống sặc sỡ cầm theo điếu xì gà thật to ngồi trên bệ cửa. Nếu muốn chụp hình với họ thì phải trả cho họ 1 CUC vì ít du khách có sẵn tiền peso trong túi. Nếu chỉ giương máy về phía họ và bấm một cái họ cũng sẽ đòi tiền chụp.
Trong các sách và trang web về du lịch có xuất hiện những người này được xem như là biểu tượng của Havanamà có người gọi là " Ugly Beauty - Nét đẹp xấu xí." Thế là dĩ nhiên, du khách nào cũng muốn có một tấm hình tạo dáng với người như vậy.
Nếu có hai người thì phải trả tiền gấp đôi, đôi khi một người được du khách kêu lại thì lại có luôn ba bốn người khác xúm lại bu quanh để chụp hình và dĩ nhiên khi trả tiền thì trả cho từng đầu người chứ không trả chỉ một lượt được.
Họ chỉ cần có 20 du khách nộp mạng trong một ngày thì với 20 CUC - 500 ngàn đã bằng với số tiền một tháng lương của một người Cuba bình thường hay cao hơn gấp rưỡi lương hưu của một người già. Tiền dễ kiếm như vậy, dễ gì bỏ qua?
Cho gì cũng lấy, thấy gì cũng xin,
Không hiếm những người phụ nữ đến thẳng du khách nữ, hỏi xin son môi, kem dưỡng da mà không hề ngần ngại.
Ở các tỉnh nhỏ không có người ăn xin " bán công khai" như vậy. Những người già ngồi trong nhà, thấy du khách đi ngang qua thì chìa tay ra xin. có người cầm tay nắm vào áo ra dấu muốn xin quần áo. Cũng có người đi thẳng tới tôi và hỏi xin xà bông quần áo. Tôi chỉ vô cái áo đang mặc nói " Tôi chỉ có một cái không cho được." hoặc " Tôi nhỏ xíu, mặc áo tôi sao vừa!"
Một bữa trưa trên phố Habana, tôi dừng lại lấy banh quy ra ăn, bịch bánh quy của tôi có chừng chục cái. Tôi lấy ra 3 cái, còn lại thì cất lại vô giỏ. Lúc đó có người phụ nữ ngoài hai mươi khều tôi.
"My friend, one for me! - Bạn tôi, cho tôi một cái đi!"
Tôi ngạc nhiên và chìa luôn mấy cái bánh cho cô ấy. Cô ta cầm lấy, nói cám ơn và vừa đi vừa ăn rồi nói cười rất khoái trá. Tôi ngạc nhiên vì không hiểu sao họ lại có thể hồn nhiên đến như vậy. Ở Việt nam ngay cả khi xưa nghèo đói cũng đâu có ai đi xin (đồ) ăn của du khách thản nhiên đến như vậy?
Ngày tôi đi tham quan Thung Lũng Mía Đường ở vùng Trinidad. Lúc đi bộ trên con đường với đầy các quầy hàng lưu niệm, một người phụ nữ bán hàng thấy tôi đang nhai kẹo cao su bà ta không ngần ngại hỏi tôi có còn thì cho bà ta một cái.
Tôi cũng thật thà móc túi đưa cho bà ta, cho rồi tôi mới thấy bà ta vẫn đang nha kẹo cao su nhóp nhép trong miệng. Một tiếng đồng hồ sau quay ra, lại điệp khúc xin ăn lặp lại. Lần này không phải là xin kẹo cao su nữa.
" Cô ơi, tôi có con nhỏ ở nhà, có có cái bánh nào không cho tôi mang về cho nó với."
Tôi vẫn còn một lốc bánh trong giỏ nên lấy ra cho. Vừa đưa cho cô ta xong, thì ngay lập tức một chục bàn tay chìa tới ngay trước mặt tôi. Hoảng hồn tôi lật đật bỏ chạy và nói với lại là họ phải chia nhau gói bánh.
Từ đó cho tới lúc ra khỏi khu du lịch ít ra có thêm dăm bảy người cùng điêp khúc xin bánh, kẹo cao su cho con nhỏ hay là xà bông và kem đánh răng.
Ở thành phố biển Varadero ken đầy các khu resort nghỉ mát dành cho người nước ngoài. Đường phố tráng nhựa phẳng lỳ, khu dân cư là nhà biệt thự với sân cỏ làm cho du khách cứ ngỡ như đang ngang đi một khu nhà ở Mỹ. Khi thấy tôi một người phụ nữ hỏi chúng tôi có kẹo cao su hay sô cô la hay không. Tôi hỏi để làm gì, thì bà ta nói để cho đám con của bà ta. Khi tôi nói không thì bà ta nổi giận, la lối om xòm, còn đám con nít quanh đó cũng hùa vô la hét inh ỏi.
Quà cho người Cuba
Trong các website như tripadvisor hay lonelyplanet, người ta hay đặt câu hỏi là nên mang gì làm qùa cho người Cuba vì họ chỉ biết đến tin đồn người Cuba rất nghèo và thiếu thốn đủ thứ.
Những người đi trước chỉ cho người đi sau mang theo xà bông, kem đánh răng, vật dụng vệ sinh phụ nữ, quần áo, giày dép, bút, sách mang theo làm quà. Ai đến Cuba cũng cùng ý nghĩ như thế và người ta tạo cho người Cuba thói quen xin đồ dùng từ du khách mà không biết xấu hổ khi xin là gì.
Những người không mang quà thì sẽ bù lại bằng cách cho những người làm trong khu vực dịch vụ thật nhiều tiền tip.
Đúng là lương không cao, nhưng họ không đói mà chính phủ cũng không để cho họ quá no. Lương chỉ có 500 tới 1000 peso một tháng nhưng người ta sẵn sàng ăn một buổi trưa giá 40 peso - 40 ngàn hay mua một cái pizza giá 70 peso - 70 ngàn. Giả sử với mức lương 1.000 - 2.000 euro một tháng thì cũng không có ai bỏ ra 70 euro để trả cho một bữa ăn trưa nếu như quy về tỷ lệ lương và chi tiêu như vậy.
Lương chỉ có chừng đó, họ không được phép buôn bán trước đây. Vậy họ lấy đâu ra tiền để mua và sửa nhà cho du khách thuê hay để mua sắm những thứ vật dụng hàng ngày ngoài tiêu chuẩn với giá trên trời?
Arnaldo, một hướng dẫn viên du lịch nói rằng "À thì họ có người nhà ở Mỹ, nên họ nhận tiền Mỹ; còn không thì đó là những nhà giàu có tiền của từ trước cách mạng."
Với tôi đó là một câu trả lời không thoả đáng và mang đầy tính ngoại giao.
Phương Thảo
Hậu quả của bao nhiêu năm xây dựng XHCN ưu việt!
Trả lờiXóa