Khi nào người dân không cần nghe lệnh chính quyền ?
1. Bối cảnh
1.1 Tiểu sử triết gia John Locke
· người Anh (1632-1704)
· bố theo phe Quốc hội trong cuộc chiến chống lại Charles I
· học triết học và y khoa tại Oxford
· sống lưu vong ở Hà lan trong những năm 1680; ở lại đó cho đến sau Cách mạng Vinh quang 1688 khi William Orange lên ngôi vua nước Anh.
· Các tác phẩm triết học nổi tiếng
· Luận văn về giác tính con người (1690) - một tác phẩm kinh điển trong lĩnh vực nhận thức luận của truyền thống duy nghiệm
· Hai khảo luận về chính quyền (1690)
§ Khảo luận thứ nhất: “chủ yếu là một cuộc bút chiến, một cuộc tranh cãi về sự diễn giải kinh thánh, chống lại các tác phẩm của Robert Filmer” – đặc biệt là với tác phẩmPatriarcha (1680), trong đó Filmer bảo vệ sự quan điểm cho rằng quyền lực chính trị có nguồn gốc từ quyền lực thần thánh (điều này phù hợp với quan điểm của nền quân chủ Stuart, đặc biệt là James I).
§ Khảo luận thứ hai: Về chính quyền dân sự (1690) – xuất bản hai năm sau khi loại bỏ James II khỏi ngai vị nước Anh trong cuộc Cách mạng Vinh quang, nhưng được viết trước sự kiện đó – một phần của tác phẩm liên quan đến việc nổi loạn chống lại quyền lực chính trị hiện hành; và trong thực tế Locke ủng hộ cách mạng lật đổ James II)
- Locke tóm tắt các luận điểm của ông nhằm chống lại lý thuyết về thẩm quyền thần thánh của Filmer trong Chương 1 của Khảo luận thứ hai. Ông bắt đầu tác phẩm với việc bác bỏ câu trả lời cho câu hỏi Điều gì biện minh cho xã hội chính trị, hay thẩm quyền chính trị có nguồn gốc từ đâu? Và câu trả lời mà ông muốn bác bỏ là: thẩm quyền thần thánh.
1.2 Locke người khai sinh ra Thuyết tự do
Locke ủng hộ quan điểm về một chính phủ với quyền lực bị giới hạn và sự khoan dung đối với các quan điểm và lối sống khác nhau, vì vậy ông là một trong những người hình thành truyền thống tự do chính trị (với lập trường chính trị đề cao sự tự do cá nhân). Trong truyền thống này, sự tự do cá nhân được cho là bị đe dọa nhiều nhất bởi sự can thiệp của chính quyền, vì vậy họ ủng hộ quan điểm về một chính phủ với quyền lực bị giới hạn.
Tuy nhiên, có một truyền thống tự do khác vốn bắt nguồn từ Jean Jacques Rousseau (1712-1778) xem sự đe dọa lớn nhất đối với sự tự do của con người là sự phân phối không công bằng các nguồn lực và cơ hội. Theo truyền thống này, nếu bạn nghèo đói, hoặc nếu bạn đang sống trong một hệ thống xã hội mà thiên vị cho một số cá nhân hay tầng lớp nào đó bằng cách nô dịch cá nhân hay tầng lớp khác, thì bạn không tự do theo nghĩa đầy đủ nhất. Vì vậy thay vì ủng hộ một chính phủ với quyền lực bị giới hạn, truyền thống này ủng hộ sự can thiệp của chính quyền để làm giảm bớt nghèo đói và các bất công xã hội.
1.3 Những điểm chính trong triết học chính trị của Locke
· thẩm quyền chính trị phải dựa trên sự đồng thuận của nhân dân
· xã hội là một cấu trúc nhân tạo có mục đích phục vụ lợi ích của các thành viên của nó, cụ thể hơn là: để đảm bảo hòa bình và an ninh của các thành viên, để họ có thể theo đuổi các nỗ lực cá nhân, và để bảo vệ quyền sống, tự do, sở hữu của họ.
· cá nhân có thể sống đời sống riêng tư của mình như mình muốn, bao lâu họ còn tuân theo luật của tự nhiên (luật bắt nguồn từ Thượng đế, và có thể biết được thông qua lý tính)
· các sản phẩm của lao động của một người là tài sản của riêng người đó
Câu hỏi đầu tiên mà Locke phát biểu trong Khảo luận thứ hai: “nguồn gốc” hay khởi nguồn của quyền lực chính trị là gì? Với “quyền lực chính trị” Locke muốn nói:
“quyền làm luật và phạt tử hình, và quyền đối với tất cả các hình phạt khác nhằm mục đích quản lý và bảo vệ sở hữu, quyền sử dụng sức mạnh của cộng đồng khi thực thi những luật như vậy và khi bảo vệ cộng đồng khỏi tự tấn công từ bên ngoài; tất cả quyền này được sử dụng chỉ vì lợi ích chung”.
Định nghĩa này về quyền lực chính trị gợi ý hai điều thú vị:
· Locke (như Plato, Aristotle and Hobbes) quan tâm đến quyền lực chính trị quy phạm – ông muốn biết làm thế nào người cai trị có được quyền làm luật, vv…
· Ông thừa nhận rằng, bất kể nguồn gốc của quyền lực chính trị quy phạm là gì, nó có những giới hạn – đó là, nó được thực thi vì lợi ích chung.
2. Tình trạng đạo đức tự nhiên của con người (Khảo luận thứ hai, ch 1-6)
2.1 Luật tự nhiên
Locke cho rằng đạo đức tồn tại trước khi hình thành nhà nước, và con người có một số quyền và bổn phận mà chúng không phụ thuộc vào sự tồn tại của xã hội dân sự. Các quyền và bổn phận này có trước khi xuất hiện nhà nước, và chúng dựa trên luật tự nhiên. Theo quan điểm của Locke, luật tự nhiên có đặc điểm sau:
· không phải là một khoa học có tính mô tả; nhưng nó là luật đạo đức quy phạm – luật khuyên con người phải sống như thế nào
· không phụ thuộc vào luật dân sự (luật do nhà nước xây dựng) hoặc thỏa ước xã hội
· có thể hiểu được bằng cách sử dụng lý tính – con người có thể biết những luật này bằng cách suy luận
· phản ánh ý chí của Thượng đế - chúng được tiết lộ trong kinh thánh cũng như thông qua lý tính của con người
· phổ quát – chúng áp dụng cho mọi người, mọi thời đại
Nhưng điều này không chỉ ra bất cứ điều gì về nội dung của luật tự nhiên – những gì mà luật này thực sự bắt chúng ta phải làm. Locke tiết lộ những gì ông nghĩ như là một phần của nội dung đó khi ông miêu tả luật nền tảng của tự nhiên như sau:
“... theo luật nền tảng của tự nhiên, con người phải được bảo vệ tới mức tối đa có thể…
...luật tự nhiên nền tảng thứ nhất, luật sẽ chi phối việc lập pháp, là bảo tồn xã hội, và mọi thành viên của nó”.
Luật nền tảng này được biện minh một cách chính đáng bởi sự kiện chúng ta là tạo vật của Thượng đế, “được tạo ra để làm hài hòng ngài chứ không phải làm hài lòng người khác”. Vì Thượng đế tạo ra chúng ta (một yêu sách thần học mà Locke thừa nhận là đúng đắn), nên sẽ là hợp lý khi tin rằng Ngài mong chúng ta tồn tại bao lâu Ngài muốn. Đây là một yêu sách nền tảng đối với triết học chính trị của Locke, và là lý do tại sao Locke tin rằng con người không có quyền hủy hoại chính họ, và do đó không thể chuyển nhượng một quyền như vậy cho quyền tối cao.
Từ luật tự nhiên nền tảng này, con người có thể suy ra các luật khác: ví dụ, từ luật là tất cả phải được bảo vệ tới mức tối đa có thể (cộng với thực tế là con người cần một số thứ để sinh tồn), dẫn đến mỗi người có quyền tự nhiên để tiếp cận với những gì anh ta cần cho sự sinh sống của mình.
2.2 Trạng thái tự nhiên
Trong trạng thái tự nhiên (xã hội trước khi thành lập chính phủ), con người là:
· tự do theo đuổi mục đích của riêng mình, và
· bình đẳng về quyền lực
Nhưng điều này không phải là nguyên nhân dẫn tới chiến tranh tất cả chống lại tất cả. Locke không chấp nhận thuyết vị kỉ tâm lý của Hobbes, thay vào đó, ông tin rằng con người duy lý sẽ, bằng lý tính của mình, nhận ra luật tự nhiên mệnh lệnh cho anh ta phải bảo vệ cuộc sống, sự thịnh vượng, và tài sản của người khác bao lâu mà việc làm như vậy không đặt chính mình vào tình trạng nguy hiểm.
“trạng thái tự nhiên có luật tự nhiên quản lý, luật bắt buộc đối với mọi người: và lý tính, là luật đó, dạy tất cả mọi người, khi anh ta hỏi nó, rằng tất cả mọi người là bình đẳng và độc lập, không ai có quyền làm hại đến sinh mạng, sức khỏe, sự tự do hay tài sản của người khác”
Vì con người trong trạng thái tự nhiên là tự do và bình đẳng, nên họ:
· có nghĩa vụ hành động để “bảo vệ” (không làm hại) sinh mạng và tài sản của người khác (cũng như họ có nghĩa vụ bảo vệ chính họ và tài sản của họ)…
· ngoại trừ để trừng phạt những người vi phạm luật tự nhiên (không theo cách hung hăng hay “quá mức”, nhưng tỷ lệ với sự vi phạm)…và
- mọi người có quyền để trừng phạt như vậy đối với những người vi phạm luật tự nhiên: “..mọi người có quyền trừng phạt người vi phạm, và là người thực thi luật tự nhiên”
- sự biện minh chủ yếu cho sự trừng phạt là sự ngăn chặn: để ngăn chặn người vi phạm, cũng như người khác, khỏi vi phạm luật tự nhiên; và mục đích của sự ngăn chặn này là để “bảo vệ” con người. Vì tất cả mọi người có quyền bảo vệ loài người, nên họ có quyền trừng phạt những người vi phạm luật tự nhiên để ngăn chặn những vi phạm trong tương lai.
- Ngoài ra, bên bị thiệt hại có quyền trừng phạt người vi phạm để nhận lại sự bồi thường từ người vi phạm
Vì vậy, trong trạng thái tự nhiên của Locke (không như Hobbes), nếu mọi người là duy lý, họ sẽ tuân theo luật tự nhiên và hòa bình sẽ được bảo đảm và không ai có nhu cầu thực thi quyền trừng phạt của mình tới những người vi phạm luật tự nhiên.
Nhưng không phải tất cả mọi người đều duy lý
“Khi vi phạm luật tự nhiên, người vi phạm tuyên bố anh ta sống theo quy tắc khác với quy tắc của lý tính và công lý chung vốn là thước đo mà Thượng đế đặt lên các hành động của con người vì sự an toàn của con người; và vì vậy anh ta trở thành mối đe dọa với nhân loại, sự ràng buộc, vốn đảm bảo cho mọi người khỏi bị tổn thương và bạo lực, bị anh ta coi thường và phá vỡ”
Vì vậy trong trạng thái tự nhiên. Luật tự nhiên (luật quy phạm) mệnh lệnh rằng con người phải tôn trọng các quyền tự nhiên của người khác, nhưng đôi khi con người vẫn vi phạm các quyền tự nhiên của người khác.
2.3 Quyền lực thực thi luật tự nhiên
“Quyền trừng phạt” như được miêu tả ở trên, được Locke gọi là quyền lực thực thi của luật tự nhiên. “Quyền lực” này thực sự bao gồm ba quyền:
· tự mình pháp quyết xem một hành động có vi phạm luật tự nhiên hay không
· cố gắng để ngăn chặn người khác khỏi vi phạm luật tự nhiên, bằng bạo lực nếu cần thiết
· tự mình phán quyết (trên cơ sở suy nghĩ thận trọng và chu đáo) đâu là hình phạt thích hợp cho người vi phạm và cố gắng để thực thi sự trừng phạt đó
Điều quan trong có tính quyết định đối với giải thích của Locke về thẩm quyền của chính quyền dân sự là cá nhân trong trạng thái tự nhiên có một số quyền như là quyền lực thực thi luật tự nhiên, bao gồm quyền trừng phạt: điều này là vì, theo quan điểm của Locke, thẩm quyền của chính phủ dân sự phải bắt nguồn từ thẩm quyền mà cá nhân có trong trạng thái tự nhiên, trước khi có xã hội dân sự. Vì vậy nếu cá nhân trong trạng thái tự nhiên không có quyền trừng phạt người khác, thì họ không thể chuyển quyền đó tới quyền tối cao (chính quyền).
2.4 Trạng thái chiến tranh
Hobbes cho rằng trạng thái tự nhiên (cuộc sống bên ngoài xã hội chính trị, ví dụ như trạng thái vô chính phủ) là một trạng thái chiến tranh mà tất cả chống lại tất cả; ông không phân biệt giữa trạng thái tự nhiên và trạng thái chiến tranh. Mặt khác, Locke lại nghĩ có một sự khác biệt quan trọng giữa chúng. Locke định nghĩa trạng thái chiến tranh như sau:
“Trạng thái chiến tranh: xảy ra khi một cá nhân vi phạm các quyền tự nhiên của người khác, như lỗ lực giết chết anh ta, hoặc nô lệ anh ta, hoặc ăn cắp tài sản của anh ta.”
Trong trạng thái chiến tranh:
· cá nhân có quyền tự nhiên để bảo vệ chính anh ta chống lại những ai vi phạm quyền tự nhiên của anh ta
· khi A bắt đầu trạng thái chiến tranh giữa anh ta và B bằng cách ăn trộm tài sản của B, thì B có quyền giết A khi A đang cố gắng để ăn trộm của B – thậm chí nếu A chỉ cố gắng ăn trộm “con ngựa hay áo choàng” của B.
Trạng thái chiến tranh có thể xảy ra trong trạng thái tự nhiên và trong xã hội chính trị
Trong trạng thái tự nhiên:
“Trạng thái chiến tranh tiếp tục ngay cả khi việc trộm cắp đã xảy ra, và nạn nhân có quyền giết kẻ trộm “cho đến khi kẻ gây hấn đề nghị hòa bình …”
|
Trong xã hội dân sự:
Nhưng…nếu có một “biểu hiện rõ ràng của sự bất công” (kẻ gây hấn được thả tự do bởi vì hệ thống pháp luật suy đồi), điều này sẽ khởi đầu một trạng thái chiến tranh khác, mà nạn nhân có quyền tương tự như được miêu tả ở trên.
|
“Một lý do vĩ đại” mà con người đưa chính họ ra khỏi trạng thái tự nhiên và tham gia vào trong xã hội (là lý do mà chính phủ được thành lập) là tránh khỏi trạng thái chiến tranh.
2.5 Sở hữu
Locke muốn giải thích làm tại sao cá nhân lại có quyền đối với một tài sản, mà cá nhân khác lại không có quyền, dù Thượng đế đã trao trái đất và tất cả những gì thuộc về nó chung cho cả loài người.
Dựa trên các giả định sau…
· Thượng đế trao trái đất và tất cả những gì thuộc về trái đất cho chúng ta để chúng ta sinh tồn
· mỗi chúng ta có quyền lấy những gì chúng ta cần để sống
· mỗi cá nhân khởi đầu với “tài sản” của riêng anh ta, là chính anh ta và lao động của anh ta
… Locke miêu tả những điều kiện sau đối với quyền sở hữu của cá nhân:
c1. Bạn có quyền giành lấy những gì mà bạn “trộn lẫn” sức lao động của chính bạn với (Locke cho rằng giá trị của vật chất chủ yếu nằm ở sức lao động)
c2. Bạn có quyền giành lấy chỉ vừa đủ mà bạn có thể sử dụng trước khi nó bị hỏng (để cho một thứ gì đó bị hỏng là phá hoại mục đích ban đầu của Thượng đế khi ban cho chúng ta tài sản)
c3. Bạn có quyền giành lấy vừa đủ để còn để lại đủ cho người khác sinh sống
Bất cứ tài sản nào không đáp ứng được ít nhất một trong ba điều kiện trên cho sở hữu tư nhân thì là sở hữu chung. Với những điều kiện này, quyền sở hữu tài sản của cá nhân sẽ bị giới hạn rất nhiều so với xã hội hiện đại….và ngay chính với xã hội của Locke.
Nhưng Locke đưa ra thêm giải định khác: trong trạng thái tự nhiên, con người phát minh ra tiền. Điều này dẫn tới sự mở rộng quyền tự nhiên đối với tài sản bằng cách thay đổi điều kiện thứ nhất và nới lỏng hai điều kiện kia.
Thay đổi điều kiện c1: bằng tiền, X có thể trả Y vì công lao động của Y – và công lao động khi đó là của X. Ví dụ tôi thuê ba người lao động đốn cây và dựng một ngôi nhà cho tôi trong rừng. Vì tôi trả cho công lao động của họ, nên sản phẩm lao động của họ (ngôi nhà và mảnh đất được phát quang) là của tôi.
Nới lỏng điều kiện c2: những thứ dễ bị hỏng có thể chuyển thành tiền không bị hỏng (“một số thứ tồn tại lâu dài mà không bị hư hỏng”, “vàng, bạc có thể tích trữ mà không làm tổn thương đến ai; những kim loại này không bị hỏng trong tay của người sở hữu”.)
Nới lỏng điều kiện c3: tiền làm cho buôn bán mở rộng; kết quả là, nó trở nên có lợi cho cá nhân sở hữu để một lượng đất đai mà có thể tạo ra nhiều hơn nhu cầu của chính anh ta; điều này dẫn đến một số cá nhân sở hữu nhiều đất, trong khi cá nhân khác không sở hữu đất. Nhưng điều này có thể chấp nhận được, vì đất được trồng trọt đáng giá gấp 10 lần đất không được trồng trọt, tức là nó sẽ tạo ra gấp 10 lần. Điều đó là chấp nhận được đối với cả những người sở hữu nhiều đất và những người không sở hữu đất, vì chủ đất sẽ sử dụng đất đó để tạo ra đủ nguồn lợi cho phép mọi người sinh sống. Một cách nhìn khác vào điều này là: cá nhân không nhất thiết cần đất để sống; anh ta cần những những gì đất tạo ra. Vì vậy c3 không hàm ý rằng sẽ là sai khi chủ đất sở hữu quá nhiều đất trong khi người khác lại không có đất; bao lâu những người không sở hữu đất có đủ những thứ cần thiết để sinh sống, thì c3 không bị vi phạm.
Việc xuất hiện tiền làm xói mòn các điều kiện mà luật tự nhiên quy định đối với việc chiếm hữu và sở hữu tài sản, dẫn đến quyền tự nhiên để sở hữu một lượng tài sản gần như vô hạn. Quan trọng là điều này xảy ra trong trạng thái tự nhiên, trước khi xuất hiện chính quyền. và Đây là một lý do cho việc xuất hiện chính quyền để bảo vệ quyền của cá nhân đối với tài sản của anh ta.
3. Quan hệ chính trị (Khảo luận thứ hai, ch 7 – 9)
Khi dịch chuyển từ trạng thái tự nhiên sang xã hội dân sự, cá nhân vẫn giữ lại một số quyền tự nhiên (như quyền bảo vệ chính mình) nhưng trao nhiều quyền cho nhà nước (như quyền tự nhiên để trừng phạt người khác – nhà nước có toàn quyền sử dụng vũ lực). Câu hỏi đối với Locke là: làm sao sự chuyển dịch này từ trạng thái tự nhiên sang xã hội dân sự được biện minh về mặt đạo đức?
3.1 Chuyển giao quyền thực thi Luật tự nhiên
Theo quan điểm của Locke, một xã hội chính trị là một xã hội trong đó mọi người chuyển quyền thực thi luật tự nhiên cho “cộng đồng”. Sau đó cộng đồng trở thành một dạng “trọng tài”, với thẩm quyền:
a. Giải quyết bất đồng giữa các cá nhân liên quan đến việc liệu luật tự nhiên đã bị vi phạm hay chưa
b. Quyết định sự trừng phạt nào cho một hành vi vi phạm cụ thể (“quyền làm luật”)
c. Trừng phạt những người bên ngoài cộng đồng làm tổn thương các thành viên của cộng đồng (“quyền chiến tranh và hòa bình”)
d. “Sử dụng” “quyền lực” của các thành viên để thực thi pháp luật
Mục đích của tất cả điều này là để bảo vệ “tài sản [bao gồm thân thể và cuộc sống] của tất cả các thành viên của xã hội trong trừng mực tối đa có thể”. Đây là định nghĩa nổi tiếng của Locke về quyền lực chính trị ở cuối chương I:
“Quyền lực chính trị, là quyền để xây dựng luật, phạt tử hình, và tất cả các hình phạt khác để quản lý và bảo vệ tài sản, và quyền sử dụng sức mạnh của cộng đồng, khi thực thi những luật này, và khi bảo vệ cộng đồng khỏi sự tổn thương bên ngoài; và tất cả những điều này là vì lợi ích chung”.
Vậy, xã hội chính trị đi đến tồn tại khi cá nhân chuyển giao quyền thực thi luật tự nhiên cho cộng đồng. Đầy là cây trả lời của Locke cho câu hỏi thứ nhất: “Xã hội chính trị là gì?”.
3.2 Từ trạng thái tự nhiên đến xã hội dân sự
Sự chuyển dịch từ trạng thái tự nhiên sang xã hội dân sự trải qua hai bước:
a. Tạo ra một cộng đồng sở hữu chung quyền thực thi luật tự nhiên của mọi người:
“Cách duy nhất, qua đó cá nhân tự tước bỏ sự tự do tự nhiên của chính mình, và khoác lên mình các ràng buộc của xã hội dân sự, là sự đồng ý với người khác để gia nhập và liên kết thành một cộng đồng, vì cuộc sống tiện lợi, an toàn, hòa bình giữa họ, vì sự sự đảm bảo cho sự hưởng thụ những tài sản của họ, và sự an toàn lớn hơn chống lại người khác không thuộc về cộng đồng”.
· Cộng đồng này giống như “một cơ thể, với một ý chí duy nhất là sự quyết định của đa số”. Khi tạo ra một cộng đồng, cá nhân kết hợp chính họ vào trong một thực thể đơn nhất với khả năng đưa ra các quyết định thông qua xem xét điều gì đa số của nó muốn.
· Việc chuyển giao quyền thực thi luật tự nhiên của cá nhân sang cộng đồng dựa trên sự đồng thuận tự nguyện: “con người, bởi bản chất, là tự do, bình đẳng, độc lập, không ai có thể bị bắt ra khỏi tình trạng của họ, và buộc phải phục tùng quyền lực chính trị của người khác, mà không có sự đồng thuận của anh ta” [sự đồng thuận có thể công khai hay ngầm]
Nhưng công đồng không phải là nhà nước – vì “không có một cơ quan được thành lập chính thức” để ban hành và củng cố luật. Một cơ qua như vậy được tạo ra ở bước thứ hai:
b. Chuyển giao quyền thực thi luật tự nhiên cho một dạng chính thể
· Cộng đồng chuyển giao quyền thực thi luật tự nhiên của mình cho một dạng chính thể nào đó, mà không chuyển giao trực tiếp cho những cá nhân cụ thể; và dạng chính thể sẽ xác định các cá nhân cụ thể nào có quyền thực thi hợp pháp quyền lực chính trị.
· Các thành viên có thể quyết định trao quyền thực thi luật tự nhiên cho:
1) chính thể dân chủ
2) chính thể đầu sỏ
3) chính thể quân chủ lập hiến
· Việc lựa chọn dạng chính thể sẽ được quyết định bởi quy tắc đa số; trong bước 1, mỗi cá nhân ngầm đồng ý tuân theo các quyết định của đa số trong cộng đồng
3.4 “Mục đích của xã hội chính trị và chính quyền”
3.4.1 Tại sao chúng ta dời bỏ trạng thái tự nhiên
Các cá nhân đồng ý chuyển giao quyền thực thi luật tự nhiên cho cộng đồng (bước thứ nhất khi rời khỏi trạng thái tự nhiên) để bảo vệ tài sản của họ. Ở đây Locke sử dụng từ “tài sản” theo nghĩa rộng bao gồm “sinh mạng, sự tự do, và tài sản”
“Vì tất cả cố gắng làm những gì có thể, và họ tương đương về khả năng, và phần lớn không tuân theo sự vô tự và công chính, nên việc thụ hưởng tài sản trong trạng thái như vậy là không an toàn, và không đảm bảo. Điều này làm anh ta sẵn sàng rời bỏ tình trạng này, dù tự do, nhưng chứa đầy nỗi sợ hãi và sự đe dọa liên tục; và sẵn lòng gia nhập vào trong một xã hội với người khác, những người cũng sẵn sàng như vậy, để bảo vệ về cuộc sống, tự do, và đất đai, mà vốn gọi chung là tài sản. Do đó, mục đích chính và vĩ đại mà con người liên kết thành một cộng đồng, và đặt họ bên dưới một chính quyền, là để bảo vệ tài sản của họ”
“Dạng chính thể” mà cộng đồng chuyển giao sự thực thi quyền lực tự nhiên sẽ bảo vệ tài sản của cá nhân bằng cách cung cấp:
a. một bộ luật là tiêu chuẩn về đúng sai để giải quyết các bất đồng
b. một quan toàn vô tư, người quyết định sự bất đồng sẽ được giải quyết như thế nào, thực hiện như thế nào theo đúng luật
c. một sức mạnh để củng cố các quyết định hợp pháp của quan tòa
1.4.2 Giới hạn đối quyền lực chính quyền
Sau khi giải thích tại sao cá nhân lại trao quyền thực thi luật tự nhiên tới cộng đồng, Locke lập luận như sau:
a. Cá nhân tạo ra xã hội dân sự vì lợi ích của chính họ (để bảo vệ tài sản của họ).
b. Do đó, quyền lực của xã hội “không bao giờ được mở rộng quá xa ngoài lợi ích chung”
c. Do đó, cá nhân không thể đưa ra một sự đồng thuận trói buộc để tham dự vào trong một sự dàn xếp mà không cải thiện điều kiện của họ so với tình trạng tự nhiên.
d. Và do đó, nếu một chính quyền hành động để làm giảm sự thịnh vượng của các công dân của nó tới bên dưới mức của trạng thái tự nhiên, thì chính quyền đó không còn có thẩm quyền.
4. Các loại quyền lực (khảo luận thứ 2 ch XI - XIII).
4.1 Phân chia quyền lực
Locke liệt kê ba quyền lực chính trị tách biệt (dù chúng thuộc về một thực thể duy nhất, nhưng về mặt khái niệm, chúng tách biệt nhau):
· lập pháp -- quyền làm luật
· hành pháp -- quyền củng cố luật
· liên bang -- quyền chiến tranh, hòa bình, và quan hệ với các cộng đồng khác
Không giống Hobbes, người cho rằng tất cả quyền lực của quyền tối cao phải thuộc về một thực thể duy nhất (một cá nhân hay một hội đồng), Locke ủng hộ sự phân chia và phân phối những quyền lực này giữa các thực thể khác nhau.
4.2 Giới hạn chung đối với quyền lập pháp
Quyền lập pháp là “quyền lực tối cao của cộng đồng”
Nhưng nó không có tính tuyệt đối (như trong hệ thống của Hobbes)
· nó hành động như một người được ủy thác của cộng đồng, ví dụ, cộng đồng giao phó nhánh lập pháp sự thịnh vượng của nó [khế ước mà qua đó cộng đồng từ bỏ quyền thực thi luật tự nhiên là một khế ước ủy nhiệm, không phải là khế ước chuyển nhượng]
· khi cộng đồng thấy rằng niềm tin đã mất (khi nhánh hành pháp chống lại lợi ích của cộng đồng), quyền thực thi luật tự nhiên sẽ trở về với cộng đồng, sau đó có thể chuyển giao nó cho một bên khác:
…“quyền lực tối cao vĩnh viễn nằm trong tay cộng đồng để bảo vệ họ khỏi bất cứ nỗ lực, ý định của bất cứ cơ quan, thậm chí cơ quan lập pháp của nó, mỗi khi nào chúng trở nên quá dại dội, hay quá xấu xa tiến hành những ý định chống lại sự tự do của người dân”
· Một sự cảnh báo: cộng đồng có quyền tối cao, nhưng chỉ bên ngoài khuôn khổ của chính quyền: “quyền lực tối cao này của người dân không bao giờ có thể xảy ra, khi chính quyền chưa bị giải tán” Trong khi vẫn còn có một chính quyền, thì nhánh lập pháp có quyền lực chính trị tối cao.
5. Giải thể chính quyền (khảo luận thứ hai, ch 19)
5.1 Khi chính quyền đánh mất thẩm quyền hợp pháp của nó
Có hai điều kiện chung cấu thành “sự giải thể” của chính quyền – khi những điều kiện này thỏa ứng, chính quyền tự động đánh mất thẩm quyền cai trị của nó.
1. Chính quyền thay đổi bản chất của nó
Locke liệt kê ra bốn trường hợp
a. Khi ông vua (có quyền hành pháp) thay đổi luật lệ do cơ ban lập pháp tạo ra (ví dụ ông ta coi ý chí tùy tiện của mình như là luật pháp)
b. Khi ông vua cấm cơ quan lập pháp làm các công việc của nó
c. Khi ông vua thay đổi đổi cách bầu cử được tiến hành mà không có sự đồng thuận của cộng đồng
d. Khi xã hội được giao cho một quyền lực bên ngoài (hoặc bởi một ông vua hoặc bởi chính cơ quan lập pháp; nếu là trương hợp sau, thì đây là “tội lớn nhất mà con người phạm phải liên quan đến người khác”).
Nhưng thường thì, khi những thay đổi như vậy xảy ra, đã quá muộn để cộng đồng có thể cứu vãn bằng cách tạo ra một cơ quan lập pháp mới (dù họ có quyền làm như vậy). Và đây là lý do mà Locke thừa nhận rằng một chính quyền không cần thực sự thay đổi theo một trong những cách liệt kê ở trên khiến cho nó phải “giải tán” (đánh mất thẩm quyền của nó). Những chỉ điều sau đây là đủ:
2. Chính quyền đánh mất niềm tin của cộng đồng bằng cách vi phạm các quyền sở hữu cá nhân – theo nghĩa rộng của Locke về “tài sản” vốn bao gồm “sinh mạng, sự tự do, và tài sản”.
Theo quan điểm của Locke, sự vi phạm này là đủ nghiêm trọng để lấy lại thẩm quyền của một chính quyền được bầu, vì lý do là cộng đồng và chính quyền được hình thành trước hết là để đảm bảo sự bảo vệ tài sản của cá nhân (bao gồm cả “sinh mạng” và “tự do”).
5.2 "Nổi loạn"
Locke coi việc không tuân theo chính quyền đã đánh mất thẩm quyền hợp pháp của nó là hợp pháp đối với cộng. Theo ông, cộng đồng có thể loại bỏ bằng vũ lực, nhưng vẫn hợp pháp đối với chính quyền trong điều kiện như vậy (trước hợp pháp, giờ không còn hợp pháp). Như ông viết cuối chương XIII:
…“Quyền lực tối cao vĩnh viễn nằm trong tay cộng đồng để bảo vệ họ khỏi bất cứ nỗ lực, ý định của bất cứ cơ quan, thậm chí cơ quan lập pháp của nó, mỗi khi nào chúng trở nên quá dại dội, hay quá xấu xa tiến hành những ý định chống lại sự tự do của người dân”.
Vì vậy, theo Locke, cộng đồng có thể đứng lên và phế truất bằng vũ lực một chính quyền đã đánh mất thẩm quyền của nó. Nhưng đây không phải là sự nổi loạn. Locke sử dụng từ “nổi loạn” không phải để đề cập tới sự lật đổ một chính quyền được bầu ra bởi cộng đồng, mà tới sự từ chối từ bỏ quyền lực của chính quyền khi cộng đồng yêu cầu nó làm như vậy.
Các điều kiện để coi như nổi loạn:
a. Chính quyền đánh mất niềm tin của nó ở cộng đồng vốn bầu ra nó, do vậy đánh mất thẩm quyền thực thi quyền tự nhiên mà cộng đồng trao cho nó.
b. Chính quyền (và giờ là bất hợp pháp) từ chối từ bỏ quyền lực, và nỗ lực giữ quyền lực bằng sức mạnh, do đó bắt đầu trạng thái chiến tranh. Theo Locke, sự từ chối từ bỏ quyền lực này là sự nổi loạn. đó là một chính quyền bất hợp pháp đang nổi loạn, chứ không phải cộng đồng nổi loạn!
Vì vậy, theo Locke, đó không phải là cộng đồng nổi loạn chống lại chính quyền; mà chính quyền nổi loạn khi nó từ chối từ bỏ quyền lực mà ban đầu nó được trao cho, và giờ quyền lực đó không còn là của nó hợp pháp nữa.
5.3 Cá nhân chống lại cộng đồng
Dù Locke thừa nhận rằng cộng đồng có thể giải tán chính quyền của nó (khế ước giữa cộng đồng và chính quyền là ủy nhiệm, chứ không phải chuyển nhượng), nhưng ông chỉ ra rằng cá nhân không thể rời bỏ cộng đồng một khi anh ta đã gia nhập:
“… Quyền lực mà mỗi cá nhân trao cho cộng đồng, khi anh ta trở thành một thành viên cộng đồng, không bao giờ trở lại với cá nhân một lần nữa, bao lâu xã hội còn tồn tại, nó sẽ mãi nằm trong tay cộng đồng; bởi vì nếu không có quyền lực này sẽ không thể có cộng đồng, như vậy sẽ trái với thỏa thuận ban đầu…”
Nói cách khác, khế ước giữa cá nhân và cộng đồng là khế ước chuyển nhượng.
https://tinhthankhaiminh.blogspot.com/2015/06/nhap-mon-triet-hoc-chinh-tri-p4.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét