Chính quyền đứng về phía dân hay phía kẻ cướp?
Bạch Hoàn 3-12-2017 Tôi suy nghĩ mãi về sự xuất hiện của những kẻ được cho là giang hồ ở trạm thu phí BOT Cai Lậy hôm qua. Những kẻ ấy dám doạ nạt tài xế ngay giữa thanh thiên bạch nhật như thể một nơi vô pháp vô thiên. Anh em tài xế đã tìm ra danh tính, về tận nhà kẻ doạ nạt kia để tìm hiểu và được biết là có người thuê.
Người thanh niên được thuê để gây sự với anh
em tài xế ở BOT Cai Lậy. Ảnh: Cắt từ Clip.
Kẻ bỏ tiền ra thuê giang hồ để doạ nạt những người dân lương thiện đang đấu tranh với những điều sai trái là ai? Câu trả lời, có lẽ tôi không cần phải nói ra vì các anh chị thừa tư duy để hiểu. Bởi đáp án nằm ở thái độ dung túng của nhân viên BOT Cai Lậy. Họ đã để cho kẻ lạ mặt được lộng hành trên ngay địa phận do mình quản lý.
Vậy mà cho đến tận bây giờ, một ngày dài đã trôi đi trong không khí nặng nề của sự ngạc nhiên và phẫn nộ, tôi vẫn không thấy những người có trách nhiệm làm được điều gì cho xứng với những đồng thuế mà nhân dân đang nuôi họ.
Có người nói, cấu kết, bao che cho kẻ cướp thì có thể là tướng cướp. Một chính quyền đồng loã với kẻ phạm tội là một chính quyền tội phạm. Tôi không nói chính quyền nơi tôi đang sống là một chính quyền như vậy. Tôi rất không muốn chính quyền hiện nay lại là một chính quyền như vậy. Vì thế, tôi thực lòng mong mỏi và chờ đợi họ sẽ lựa chọn người dân yếu thế trong câu chuyện BOT Cai Lậy.
Những người có trách nhiệm, những cơ quan có chức năng liên quan, không thể nào tiếp tục để anh em tài xế phải đơn độc trong hành trình đấu tranh này được nữa. Mọi hành động đấu tranh trong khuôn khổ pháp luật cho phép để loại trừ những thứ bất hợp lý đều đáng được cổ vũ và tôn trọng. Có như vậy mới giúp môi trường sống ngày một tốt đẹp hơn, đất nước ngày một phát triển hơn. Bởi vì đơn giản, mâu thuẫn là động lực của sự phát triển.
Những vụ việc như BOT Cai Lậy sẽ là cơ hội để chính quyền sửa chữa những quyết định chưa đúng, những quyết định có thể ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của người dân và sự phát triển của đất nước. Con người ai cũng có những lúc làm sai. Quan trọng là có biết sửa sai để hoàn thiện hay không. Chính quyền cũng vậy, phải biết sửa sai và hoàn thiện mới có thể vững vàng. Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng, hãy dũng cảm thừa nhận những việc làm chưa đúng và sửa chữa nó. Đừng sợ, vì lòng dân đủ rộng để tha thứ cho những người đã biết quay đầu.
Nhưng, những vụ việc như BOT Cai Lậy cũng sẽ là một nguy cơ nếu như quyết định của chính quyền không xuất phát từ quan điểm lấy dân làm gốc. Mâu thuẫn chỉ trở thành động lực của sự phát triển khi những người có quyền ra quyết sách biết lắng nghe và hành động, đặt lợi ích của nhân dân, của quốc gia dân tộc lên trên lợi ích của một nhóm người. Nếu không như vậy, thì chắc chắn rằng, mâu thuẫn sẽ biến thành đối kháng, gió sẽ góp thành bão. Mà khi bão nổi thì nó có thể quật ngã bất cứ tượng đài nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét