Triệu Lạc Tế - Người cầm đầu “Đội quân đả Hổ” ở Trung Quốc trong 5 năm tới
31/10/2017 Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng hủ bại của ông Tập Cận Bình tiến hành 5 năm qua, Triệu Lạc Tế là Trưởng ban tổ chức nhiệm kỳ đầu tiên đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc “tuyển, dụng người hiền”, tìm kiếm khảo sát, cung cấp và giám sát về nhân sự cho Đảng.
Ông Triệu Lạc Tế
Ông Triệu Lạc Tế sinh ngày 8/3/1957, quê ở Thiểm Tây, đồng hương với ông Tập Cận Bình nhưng sinh ở Thanh Hải do cha mẹ ông là cán bộ tăng cường cho khu vực biên giới này. Ông là cử nhân Triết học Đại học Bắc Kinh và Kỹ sư kinh tế, là Ủy viên Trung ương các khóa 16, 17, khóa 18 vào Bộ Chính trị và giữ chức Bí thư TW, Trưởng Ban Tổ chức TW. Triệu Lạc Tế hiện là Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị và giữ chức Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (UBKTKLTW).Từ thanh niên trí thức “hạ phóng” trở thành chính trị gia xuất sắc
Năm 1974, Triệu Lạc Tế là thanh niên trí thức “hạ phóng” về nông thôn huyện Quý Đức, Thanh Hải lao động sản xuất, vào Đảng năm 1975 rồi trở về thành phố làm giao thông viên ở Văn phòng Ty Thương nghiệp Thanh Hải; tháng 2/1977 ông vào học tại Đại học Bắc Kinh với tư cách sinh viên Công-nông-binh khóa đầu.
Năm 1980, sau khi tốt nghiệp đại học, ông quay về công tác tại cơ quan cũ và dần lên đến chức Trưởng ty vào năm 1991. Sau đó, Triệu Lạc Tế thăng tiến rất nhanh: lần lượt là Trợ lý Tỉnh trưởng, Trưởng ty Tài chính, Phó tỉnh trưởng rồi Phó Bí thư tỉnh ủy Thanh Hải kiêm Bí thư thành ủy Tây Ninh (1997), Tỉnh trưởng Thanh Hải (1/2000) khi mới 42 tuổi, là tỉnh trưởng trẻ nhất Trung Quốc khi đó. Năm 2003 ông là Bí thư tỉnh ủy Thanh Hải – Bí thư tỉnh trẻ nhất cả nước. Trong thời gian làm lãnh đạo Thanh Hải, ông đã đưa tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh nghèo này cao hơn cả tốc độ bình quân của cả nước, phần lớn thời gian đạt trên 12%/năm.
Sau gần 30 năm công tác ở Thanh Hải, tháng 3/2007, ông Triệu Lạc Tế được điều chuyển về quê hương Thiểm Tây giữ chức Bí thư. Tại Đại hội 18, ông được bầu vào Trung ương, vào Bộ Chính trị và giữ chức Bí thư TW kiêm Trưởng ban Tổ chức TW. Tại Đại hội 19, ông tiếp tục được bầu vào Trung ương, tham gia Bộ Chính trị và vào Ban thường vụ, kiêm chức Bí thư UBKTKLTW thay thế ông Vương Kỳ Sơn về nghỉ hưu.
Trong gần 5 năm làm “Tổng quản nhân sự”, ông Triệu Lạc Tế được coi là tỏ ra rất kín kẽ, ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, người ta chỉ biết đến tên tuổi, chức vụ Triệu Lạc Tế khi ông xuất hiện vào những dịp thay đổi quan trọng về nhân sự địa phương, như vụ thay thế chức Bí thư thành ủy Trùng Khánh của Tôn Chính Tài bằng ông Trần Mẫn Nhĩ. Ông đã lần lượt đề ra nhiều quy định mới về xây dựng đảng và quy định nhân sự như “Điều lệ công tác về tuyển chọn, đề bạt cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền”, “Ý kiến về việc ngăn chặn đề bạt cán bộ “có vấn đề”, “Thúc đẩy thực hiện Quy định về việc cán bộ lãnh đạo có lên có xuống”…Những văn bản này được coi là có tác dụng rất lớn trong công tác sắp xếp đội ngũ và xây dựng các thê đội nhân sự những năm gần đây. Hội nghị TW1 khóa 19 trao chức vụ quyền lực thứ hai trong Đảng từ ông Vương Kỳ Sơn cho Triệu Lạc Tế trong khi ông được coi là chưa từng làm công tác kiểm tra kỷ luật đảng đã khiến ông trở thành tiêu điểm quan tâm của báo chí trong, ngoài nước.
Tờ “Financial Times” (Thời báo Tài chính) của Anh từng đăng bài “Điều ít người biết về Ban Tổ chức trung ương của ĐCS Trung Quốc”, viết: Ban Tổ chức là trụ cột quyền lực của Trung Quốc, nắm đại quyền về nhân sự của chính quyền các cấp và các bộ, ngành. Ở Trung Quốc, trừ ngoại lệ, hầu như tất cả các chức vụ đối đẳng đều do đảng bổ nhiệm thông qua Ban Tổ chức. Ban này không thể thiếu vắng trong việc kiểm soát chính quyền các cấp và các bộ, ngành. Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng hủ bại của ông Tập Cận Bình tiến hành 5 năm qua, Triệu Lạc Tế là Trưởng ban tổ chức nhiệm kỳ đầu tiên đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc “tuyển, dụng người hiền”, tìm kiếm khảo sát, cung cấp và giám sát về nhân sự cho đảng.
Tờ Nhân dân Nhật báo thì đánh giá, trong thời gian ông Triệu Lạc Tế giữ chức Trưởng ban Tổ chức, ban này đã thay đổi phương thức tuyển chọn cán bộ hậu bị biến thành khảo sát kiểu lập thể trọng nội dung và hiệu quả. Đặc biệt, Trung Quốc đã thay đổi phương thức hình thành ban lãnh đạo cấp cao của Đảng từ tiến cử bằng lá phiếu ở các khóa trước thành gặp gỡ tham vấn trực tiếp trong quá trình chuẩn bị Đại hội 19.
Tượng ông Tập Trọng Huấn trong khu Lăng và Nhà kỉ niệm ở Thiểm Tây
Có mối quan hệ gần gũi với ông Tập Cận Bình
Ngoài những thành tích chính trị nổi bật, giữa hai gia đình họ Triệu và Tập cũng có mối quan hệ rất gắn bó. Tướng Triệu Thọ Sơn là ông trẻ của Triệu Lạc Tế là bạn chiến đấu thân thiết của ông Tập Trọng Huân, cha ông Tập Cận Bình khi xưa. Ông Triệu Thọ Sơn là Phó Tư lệnh Dã chiến quân Tây Bắc, còn ông Tập Trọng Huân là Phó Chính ủy. Tuy ông Sơn nhiều hơn ông Huân gần 20 tuổi, nhưng giữa họ có một mối tình bạn vong niên gắn bó keo sơn. Tạp chí “Viêm Hoàng Xuân Thu” số 3/2012 viết: Triệu Thọ Sơn quê huyện Hộ, Tập Trọng Huân người huyện Phú Bình cùng tỉnh Thiểm Tây. Tháng 9/1962, Phó Thủ tướng kiêm Tổng thư ký Quốc vụ viện Tập Trọng Huân bị quy thành “Tập đoàn phản đảng” có liên quan đến “vụ án Lưu Chí Đan”. Triệu Thọ Sơn nghe tin liền vào tận Trung Nam Hải tìm gặp ông Mao Trạch Đông để tự mình trình bày gỡ oan ức cho bạn.
Năm 2007, khi ông Triệu Lạc Tế chủ trì lãnh đạo Thiểm Tây đã cho tu sửa lăng mộ và mở rộng ngôi nhà cũ của ông Tập Trọng Huân thành Nhà kỉ niệm, trở thành một khu lăng mộ danh nhân, điểm tham quan nổi tiếng ở tỉnh Thiểm Tây. Người ta cho rằng, những việc làm trên đây của ông Triệu Lạc Tế trước đây đã tạo nên sự tin cậy và quan hệ gần gũi đối với ông Tập Cận Bình và là một trong những nhân tố khiến ông được trao chức Bí thư UBKTKLTW đầy quyền lực.
Sẽ tiếp tục con đường của người tiền nhiệm Vương Kỳ Sơn
Trong phong trào chống tham nhũng hủ bại mang tên “đả Hổ” mạnh chưa từng có trong lịch sử 5 năm qua, với vai trò người đứng đầu UBKTKLTW – đội quân “đả Hổ”, ông Vương Kỳ Sơn đã giúp ông Tập Cận Bình bắt hơn 200 quan chức cấp cao, bao gồm những “đại Hổ” có âm mưu “cướp đảng, đoạt quyền” như Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Bạc Hy Lai, Tôn Chính Tài. Trong 5 năm qua, UBKTKLTW đã lập hồ sơ điều tra xử lý 440 cán bộ cấp tỉnh, quân đoàn trở lên và diện trung ương quản lý; trong đó có 43 Ủy viên TW chính thức và dự khuyết, 9 Ủy viên UBKTKLTW.
Hôm 18/10, trong Báo cáo chính trị đọc tại phiên khai mạc Đại hội 19, ông Tập Cận Bình đã nêu rõ quyết tâm chống tham nhũng: “Kiên trì “tùng nghiêm trị đảng” (nghiêm khắc xây dựng chỉnh đốn đảng)” là 1 trong số “14 kiên trì” được nêu lên trong nhiệm kỳ tới. Ông khẳng định: “tham nhũng là mối đe dọa lớn nhất của đảng hiện nay…Tình hình cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay vẫn rất nghiêm trọng phức tạp; cần phải giữ vững quyết tâm củng cố xu thế áp đảo, giành lấy thắng lợi mang tính áp đảo. Phải kiên trì điều tra xử lý cả đưa và nhận hối lộ; kiên quyết ngăn chặn hình thành các nhóm lợi ích trong Đảng; xây dựng nên diễn đàn tố giác tố cáo phủ khắp hệ thống kiểm tra kỷ luật. Ông nhấn mạnh “Phải tiếp tục đẩy mạnh hơn để giành thắng lợi áp đảo trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng”; đồng thời đề xuất xúc tiến lập ra đạo luật quốc gia chống tham nhũng, xây dựng ban hành Luật giám sát quốc gia. Đối với các phần tử bỏ trốn: bất kể trốn đến đâu, đều phải bắt về quy án, trừng trị theo pháp luật.
Tại phiên thảo luận tổ tại đoàn đại biểu tỉnh Quý Châu hôm 19/10, ông Tập Cận Bình lại phát biểu về vấn đề xây dựng chỉnh đốn đảng. Ông nói: “Muốn giải quyết tốt mọi việc của Trung Quốc, then chốt là Đảng…“Tùng nghiêm trị đảng” không chỉ là yêu cầu căn bản của việc Đảng CSTQ nắm quyền trong thời gian dài; mà cũng là đảm bảo căn bản cho việc phục hưng dân tộc…”. Ông nói: trong vấn đề “Tùng nghiêm trị đảng” không thể có ý nghĩ “khá rồi là thở phào”, không được có ý nghĩ đánh thắng rồi thì có thể nghỉ ngơi, cũng không thể thấy hiệu quả ban đầu đã thu quân, “phải siết chặt thêm ốc vít quản đảng, trị đảng”.
Với những phát biểu mang tính định hướng đó, cho thấy ông Triệu Lạc Tế sẽ tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng mà người tiền nhiệm Vương Kỳ Sơn đã kiên trì tiến hành rất hiệu quả suốt 5 năm vừa qua.
Về gia đình của ông Triệu Lạc Tế, ít có những thông tin về vợ con ông. Người ta chỉ biết ông có người em trai tên Triệu Lạc Tần, sinh năm 1960, hiện đang giữ chức Bí thư thành ủy Quế Lâm (Quảng Tây).
Ngô Tuyết
Tương lai chính trị Trung Quốc sau Đại hội Đảng 19
Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản TQ lần thứ 19 đã bế mạc, và nhiều câu hỏi đang được đặt ra về một “kỷ nguyên” Tập Cận Bình.
Những bất ngờ đáng chú ý trong dàn lãnh đạo mới của Trung Quốc
Việc ông Dương Khiết Trì được vào Bộ Chính trị khiến nhiều nhà bình luận thời sự quốc tế bất ngờ.
Khi ông Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc không bành trướng
Trong báo cáo, ông Tập Cận Bình đã cam kết Trung Quốc sẽ kiên trì con đường phát triển hòa bình, vĩnh viễn không xưng bá, vĩnh viễn không bành trướng.
Ra mắt Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa 19
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc (CPC) khóa 19 sáng 25/10 đã công bố danh sách 7 ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Cơ cấu cơ quan quyền lực nhất Trung Quốc 2017 - 2022
Dưới đây là danh sách 25 ủy viên trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/nguoi-cam-dau-doi-quan-da-ho-o-trung-quoc-trong-5-nam-toi-407869.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét