Thứ Hai, 14 tháng 5, 2018

(3) Nhìn thời cuộc, nhớ tới nhà báo Trường Phước

Một bài viết rất cảm động về anh Nguyễn Trường Phước. Cám ơn bác Thọ Nguyễn đã viết bài này làm tôi xúc động nhớ đến người anh cũ. Anh Phước cũng là bạn thân của tôi dù anh hơn tôi rất nhiều tuổi (điều kỳ lạ là tôi thường chỉ thân với các anh hơn mình hàng chục tuổi), chúng tôi rất hợp nhau nên có thể nói chuyện với nhau cả ngày không hết. Những lần ở Mockba với nhau trong nửa cuối thập kỷ 80, chúng tôi thường lang thang trong vườn hoa công viên rồi tán chuyện về đất nước, con người, thế giới quan, nhân sinh quan. Anh Phước say mê đủ thứ, bập vào thứ gì là có thể nói cả ngày về thứ đó. Đặc biệt nói chuyện qua điện thoại với anh thì mỗi lần phải 2-3 tiếng; nếu mình không chủ động cắt thì không biết đến khi nào mới xong. Mà hồi đó tiền điện thoại rất đắt chứ không như bây giờ. Sau này anh bị bệnh, tôi thì quá bận việc chuyên môn, rồi sống chủ yếu ở nước ngoài, nên dần dần anh em cũng ít gặp nhau, nhất là từ khi anh chuyển từ khu tập thể Trung Tự về ở trong một căn nhà nhỏ trong ngõ cũng nhỏ đường Thái Hà, thì càng ít gặp vì không tiện đường. Tuy nhiên tôi vẫn luôn luôn nhớ đến anh, thỉnh thoảng đọc những tin người dân, doanh nghiệp bức xúc với các cơ quan công quyền hay các tác phẩm văn học hay, tôi thường nghĩ đến anh, đến những bài báo và phát ngôn trên tivi của anh. Làm bạn được với giáo sư Hoàng Ngọc Hiến chắc chắn không phải là người tầm thường, phải cực kỳ giỏi và thông minh, đồng thời phải có lòng yêu nước, yêu dân; một lòng vì nước vì dân. Mục "vấn đề hôm nay" trên VTV do anh phụ trách rất được dư luận cả nước yêu thích, tiếng vang của nó không kém "những việc cần làm ngay", Nói và Làm" của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Tôi cũng rất khâm phục chị Huyền Dung, người vợ đã hy sinh tất cả cho chồng. Chị cũng là nhà báo, cũng rất giỏi và tâm huyết với nghề, nhưng vì sự nghiệp, sức khỏe của chồng mà hy sinh tất cả. Tiếc là chúng ta càng tiến lên CNXH, đạo đức, lý tưởng, tình người... càng đi xuống; xã hội đồng tiền càng thống trị tuyệt đối. Giờ đây đất nước còn được bao nhiêu người phụ nữ dám hy sinh tất cả cho chồng như chị Huyền Dung ? Ít lắm, hiếm lắm. Tôi viết ít dòng này để tưởng nhớ anh Trường Phước, một người đàn ông chân chính, một nhân cách vĩ đại, một tầm nhìn vượt thời gian, và để tỏ lòng kính trọng chị Huyền Dung, một phụ nữ phi thường, một tình người hiếm có.
Bạn tôi - Trường Phước
FB Tho Nguyen - Người có tư cách sẽ tìm cách bảo vệ điều mà mình cho là đúng, dù trong khuôn phép chật hẹp nào. Phước là người như thế. 30 năm trước, giữa dòng xoáy của chiến dịch Z30 đánh vào các doanh nhân, Phước đã dũng cảm bảo vệ ông Chuẩn, Vua Lốp ở Hà Nội. Là phóng viên nông nghiệp, bạn đã luôn ủng hộ quan điểm giải phóng nông dân, đã giúp ông Nguyễn Ngọc Trìu đưa chủ trương khoán nông nghiệp lên sóng VTV.
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, cận cảnh
Tho Nguyen - Tôi vừa nhận được một bức ảnh của cháu Phượng gửi sang: „Chú ơi, cháu dọn nhà thấy quyển sách này của chú tặng bố cháu“.


Đó là quyển Tự điển Đức-Việt, cẩm nang của tôi từ năm 1967. Năm 1973, tôi tặng bạn tôi, Nguyễn Trường Phước để bạn mang đi Đức. Phước là người bạn Việt Nam đã có ảnh hưởng đến tư tưởng và nhận thức của tôi về con người, về xã hội. Nhiều bạn đọc ở đây chắc còn nhớ đến nhà báo Trường Phước.

Phước sinh năm 1948, hơn tôi ba tuổi, nhưng chúng tôi thân nhau như hai người bạn cùng lứa. Ấn tượng đầu tiên Phước để lại cho tôi trong một đại hội Đoàn của đài Tiếng Nói Việt Nam(1) ở khu sơ tán Vân Đình vào mùa thu 1972, vài tháng trước vụ ném bom B52 lịch sử. Giữa cuộc họp buồn tẻ, tôi bỗng nghe đươc một tham luận „cháy bỏng tâm hồn“ của một biên tập viên trẻ. Tôi hỏi người ngồi bên: Tay nào vậy?

-Hắn tên là Phước, thủ khoa tổng hợp Văn mới về đài đấy.

Một gã như vậy không thể bỏ qua. Thế là chúng tôi đến với nhau. Tôi mê những hiểu biết của Phước, còn Phước chắc thích sự tò mò ở tôi. Mà không thể không tò mò: ở Phước tôi có thể biết được nhiều thứ: Đông - Tây, Kim - Cổ.

Phước xuất thân từ một gia đình bác sỹ Đông y nên rất giỏi Trung văn và chữ Nôm. Đến đình, chùa nào, hắn cũng đọc vanh vách các tích ở đó. Nhưng không phải ai học Trung Văn cũng có thể bình về Đỗ Phủ, Thi Nại Am hoặc Lỗ Tấn hay như Phước. Tuy không học ngôn ngữ châu Âu, nhưng Phước lại rất giỏi văn học Nga, Đức và Pháp. Tôi là dân Đức „nòi“ mà ngồi nghe hắn phán về Brecht hay Goethe cứ há mồm ra.

Sau khi ở đi tu nghiệp ở Truyền hình CHDC Đức về năm 1974, Phước càng thân với tôi hơn, vì tìm được người tâm đắc để trao đổi về những kỷ niệm của hắn trong chuyến đi đó.
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và đám cưới
Phước không điển trai, nhưng lại rất có ma lực với phụ nữ. Năm 1975, khi làm việc ở đài Truyền hình Huế, tôi quen mấy em sinh viên Văn khoa và cũng thuộc loại thanh niên Bắc sáng giá trong mắt xanh của các em. Vậy mà khi Phước ghé qua Huế cuối 1975, tôi dại dột dẫn hắn ta đi chơi với mấy em này. Phước đã làm tôi lu mờ trên dòng sông Hương. Chuyện Phước kể làm các em cười rúc rích suốt. Mấy hôm sau Phước đi tiếp vào Đà Nẵng, Sài Gòn, các em tiếc rẻ nói với tôi.

-Nghe ảnh nói chuyện đã quá, đúng là môi cá chép, mép văn khoa!

Tôi tự ái: Còn tui chỉ là cái loa thợ điện à?

Tôi coi Phước có ảnh hưởng đến hình thành tư tưởng của tôi thì hơi cường điệu, nếu không có vai trò của thầy Hoàng Ngọc Hiến (2). Thầy Hiến là Idol (thần tượng) của Phước và Phước là trò cưng của Thầy. Họ coi nhau như bạn.
Mỗi lần thầy Hiến đến 58 Quán sứ hay đến Giảng Võ gặp Phước, hắn đều xuống phòng kỹ thuật kéo tôi đi. Ba thầy trò vào quán nước chè ở cổng đài ngồi với nhau cả tiếng (làm nhà nước tuy lương thấp nhưng được thời gian thì vô biên). Khi hai vị kia bàn về thơ Majakowski hay Yesenin thì tôi chỉ há miệng nghe. Nhưng khi bàn chuyện đời, chuyện xã hội thì tôi cũng gắng sức tham gia với hiểu biết của thằng thợ đang học bổ túc văn hóa ban đêm.

Nhiều người có thể không biết về Thầy Hoàng Ngọc Hiến. Chỉ cần biết rằng, nhiều điều Thầy nói cách đây 40 năm, giờ vẫn khối kẻ không dám nghĩ đến. Một Giáo sư Văn học mà vào những năm 1970 đã nói về khoán nông nghiệp, đến việc giải phóng nông dân khỏi Hợp tác xã, đã nói là phải làm phim tư nhân để đi dự giải quốc tế, đã tiên đoán về sự hủy hoại đạo đức xã hội và vật chất hóa phật giáo v.v.

Năm 1991, tôi đưa cả nhà sang Đức lập nghiệp, người duy nhất còn quan hệ thư từ đều đặn với tôi là Phước. Cả tập thư dày cộp đó ngày nay vẫn còn nguyên trong ngăn kéo nhà tôi. Năm 1995, tôi biết tin bạn tôi bị bạo bệnh: Cả hai quả thận đều suy. Y học Việt Nam ngày đó bó tay, chỉ còn cách ghép thận ở nước ngoài.


Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi, bàn, trẻ em và trong nhà

Trường Phước không chỉ là một phóng viên giỏi, mà còn là một người tử tế nên được nhiều người quý mến. Nhiều cá nhân, tổ chức đã tìm cách móc nối với quốc tế để giúp Phước ra nước ngoài ghép thận.

Ở Đức, tôi cũng liên hệ với các tổ chức và cá nhân có uy tín để giúp Phước theo hướng ghép thận, nhưng không được. Nội tạng hiến chỉ dành cho các công dân đã đóng bảo hiểm ở đây. Tuy nhiên lời kêu gọi của tôi đã được đài truyền hình ZDF chú ý đến. Bên cạnh việc quyên góp tiền, họ cử ông John lúc đó sẵn đang công tác ở Hà Nội ghé bệnh viện thăm Phước và hỏi tình hình.

Ông John có cảm tình với những bài bình luận thẳng thắn, chống tiêu cực của Phước nên đi thăm ngay. Sau khi tặng tiền quyên góp cho Phước và bàn với các bác sỹ, ông điện về cho biết tình hình bạn khá ổn định, đang chạy thận nhân tạo chờ có cơ hội sẽ sang Trung Quốc ghép thận. Vấn đề nan giải là Phước thiếu máu nặng, cần phải có thuốc tạo hồng cầu (Erythropoetin) để có thể sống đến ngày được ghép thận.
Ban quốc tế ZDF liên hệ với hãng thuốc Boehringer-Ingelheim(3), nhà sản xuất loại đặc dược này. Hãng đồng ý tặng Phước một số lượng thuốc có thể dùng khoảng 12 tháng. Vấn đề là loại thuốc này chỉ có thể chuyên chở và bảo quản trong thùng giữ lạnh.

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Lập tức ZDF liên hệ nhờ Đại sứ Quán Đức tại Hà Nội và hãng hàng không Lufthasa hỗ trợ. Chỉ trong vòng môt tuần sau bức điện của ông John, thùng thuốc nằm trong máy bảo nhiệt đã được ZDF gửi qua Lufthansa-Thai Airways đến Hà Nội. Sứ quán Đức cho xe ra tận chân máy bay nhận, chở thẳng đến bệnh viện. Trong suốt cả chiến dịch „Thuốc cho bạn Phước“ đó, tôi hàng ngày liên hệ với bà Angelika Hofmann, chuyên viên đối ngoại ZDF qua điện thoại. Cuối cùng bà phone cho tôi:

- Thuốc đã vào tủ lạnh ở bệnh viện rồi Thọ ạ!

Về sau Phước kể là thuốc nhiều quá, bạn đã chia sẽ bớt cho một số bệnh nhân suy thận khác. Năm 2003, tôi có mang quà của Phước đến Mainz tặng ông John và bà Hofmann, họ cảm động lắm.

Đầu năm 1997 Phước được cứu sống bằng một qủa thận ghép. Trong bảy năm sau đó, bạn tôi làm việc như một kẻ bị số phận đuổi sau lưng. Mỗi lần về nước gặp Phước, dù bạn tỏ ra lạc quan thế nào, tôi vẫn cảm nhận được sự hối hả. Phước biết mình phải làm gì trong thời gian ngắn ngủi còn lại.

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Định mệnh đã đến với Phước vào mùa hè 2004, bạn đã không qua khỏi ca thay thận thứ hai. Chúng tôi gặp nhau lần cuối cùng vào dịp Tết, 3 tháng trước đó.

Nếu kể về cuộc đấu tranh với bênh tật của Phước, không thể không nói đến Huyền Dung, người vợ đã hy sinh tất cả cho chồng. Dung đã đi theo Phước qua tất cả các bênh viện trong và ngoài nước, đã chăm sóc cho chồng đến hơi thở cuối cùng. Dung đã tần tảo, bươn trải để nuôi sống gia đình, kiếm hàng triệu đồng tiền thuốc cho chồng mỗi tháng.

Sẽ có người nghĩ: Một tài năng như Phước mà làm cho VTV ắt chỉ nói những chuyện tô hồng, giáo điều, thật uổng phí!

Đài không phải là đời, người ta không thể nói những điều mà không được phép, ở đâu cũng vậy. Nhưng người có tư chất thì luôn có những tư tưởng đi trước thời đại. Người có tư cách sẽ tìm cách bảo vệ điều mà mình cho là đúng, dù trong khuôn phép chật hẹp nào. Phước là người như thế.

30 năm trước, giữa dòng xoáy của chiến dịch Z30 đánh vào các doanh nhân, Phước đã dũng cảm bảo vệ ông Chuẩn, Vua Lốp ở Hà Nội. Là phóng viên nông nghiệp, bạn đã luôn ủng hộ quan điểm giải phóng nông dân, đã giúp ông Nguyễn Ngọc Trìu đưa chủ trương khoán nông nghiệp lên sóng VTV.

20 năm trước, là người phụ trách mục „Vấn đề hôm nay“ bạn đã đấu tranh với các vụ tham nhũng trong ngành Hàng không VN, đã rất bức xúc về số phận người lao động Việt làm thuê ở nước ngoài v.v. và v.v

Ngày nay khi nhắc đến vụ gia đình ông Trịnh Văn Bô đòi nhà, có ai biết rằng, ngay sau ngày ông Bô qua đời năm 1988, Phước đã lên tiếng về vụ này?

Ngày đó, lực cản từ phía dưới cũng như từ bên trên lớn hơn giờ đây rất nhiều. Vì vậy tôi kính nể bạn tôi.

Köln 24.11.2017
-----
(1) Truyền Hình VN lúc đó là một ban của Đài Tiếng nói Việt Nam.
(2) http://dantri.com.vn/…/gs-hoang-ngoc-hien-nguoi-khoi-mo-ngu…
(3) https://www.boehringer-ingelheim.com/


https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/1957786364239427

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét