Một số cán bộ muốn có bồ nhí để quản tài sản tham nhũng
09/11/2017 - ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nêu thực trạng một bộ phận cán bộ lãnh đạo quan tâm đến phái nữ chỉ vì muốn có bồ nhí để quản lý khối tài sản do tham nhũng mà có.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh. Ảnh: Minh Đạt
Thảo luận về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới sáng nay tại QH, ĐB Trần Thị Quốc Khánh bày tỏ tán thành với báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, bà cũng băn khoăn về thực trạng sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền một số địa phương, bộ ngành - nhất là người đứng đầu còn chưa thực chất và tư tưởng “trọng nam hơn nữ” còn tồn tại trong một số bộ phận lãnh đạo.ĐB Khánh bày tỏ lo lắng khi còn một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, kể cả những người đứng đầu cấp ủy các địa phương, có biểu hiện chỉ quan tâm đến phái nữ vì muốn có thêm vợ bé hay bồ nhí để quản lý khối tài sản khổng lồ do tham nhũng mà có.
“Thế nên họ chỉ đạo cấp dưới đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm siêu tốc vào vị trí lãnh đạo ở địa phương”, bà Khánh cảnh báo.
Theo bà, nếu Chính phủ, QH không quan tâm thấu đáo vấn đề này, cấp ủy, chính quyền địa phương không xử lý nghiêm thì sẽ trở thành tiền lệ nguy hiểm, vi phạm pháp luật, coi thường phụ nữ. Vô hình trung sẽ tạo ra lối sống thiếu lành mạnh trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, dẫn đến sự bất an, lo sợ cho chính chị em, gây bất bình cho xã hội.
Xử nghiêm trường hợp chọn thai nhi
ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho rằng, nước ta đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính. Nếu năm 2006 tỉ lệ nam/nữ là 109/100 thì năm 2017 dự báo là 113/100, tỉ lệ mất cân bằng tăng lên rất nhanh.
ĐB Lê Thị Yến. Ảnh: Minh Đạt
Theo bà Yến, sở dĩ có tình trạng trên là do ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo, muốn có con trai nối dõi tông đường, trọng nam hơn nữ. Đặc biệt, trong xu hướng các cặp vợ chồng lựa chọn sinh ít con, cộng với điều kiện phát triển y khoa có thể dễ dàng lựa chọn giới tính thai nhi, nguy cơ chênh lệch giới tính càng ở mức báo động.
Theo bà Yến, đến giữa thế kỷ này dự báo Việt Nam có 2,3-4,3 triệu nam giới ở độ tuổi trưởng thành "dư thừa".
Kinh nghiệm ở các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ cho thấy tình trạng này làm nảy sinh nhiều hệ luỵ như "mua" cô dâu nước ngoài, phát sinh nạn hiếp dâm, bạo lực…
"Cần phải có hành động ngay từ bây giờ. Đặc biệt là nâng cao công tác truyền thông, nâng cao nhận thức. Cần xử lý nghiêm các trường hợp lựa chọn thai nhi”, bà Yến đề nghị.
Thay đổi để tạo bình đẳng
ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nêu nhiều băn khoăn khi một số chỉ tiêu không đạt như phụ nữ tham gia cấp ủy, cán bộ chủ chốt… Ngay cả thành viên Chính phủ tới nay cũng chỉ có duy nhất 1 nữ. 16/63 tỉnh thành cán bộ chủ chốt có nữ.
ĐB Trương Minh Hoàng. Ảnh: Minh Đạt
Ông cho rằng, phải có chiến lược cụ thể để nâng cao vai trò phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ để có chất lượng lâu dài, nâng cao trình độ, tạo cơ hội đề bạt, cân nhắc xem xét hoặc không nên tính đến độ tuổi thì người ta mới có cơ hội làm cán bộ chủ chốt ở độ tuổi như nam được.
"Nếu vẫn giữ độ tuổi nghỉ hưu của phụ nữ là 55 thì tôi đề nghị cách tính năm, tính hàm phải có sự thay đổi thế nào đó để khi nghỉ hưu thì bằng hàm như nam. Ví dụ như nam 3 năm nâng lương một lần, 3 năm nâng một cấp hàm đối với sĩ quan. Thì đối với nữ chỉ cần 2,5 năm thôi. Như thế đến tuổi nghỉ hưu người ta mới bằng nam giới được.
Tới đây cần lấy ý kiến phụ nữ để xem là ở độ tuổi nào thì hợp lý", ông Hoàng đề xuất.
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/mot-so-can-bo-muon-co-bo-nhi-de-quan-tai-san-tham-nhung-409928.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét