Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

TÌNH NGƯỜI

TÌNH NGƯỜI
Trần Kỳ Trung
Với án mười lăm năm tù, được giảm án lần thứ nhất, còn mười hai năm, lần thứ hai còn mười năm, lần thứ ba còn bảy năm… vừa đến thời hạn, ông ra tù. 
Ông biết chắc được giảm án là do có người “chạy”. Nhưng người đó là ai?

Rõ ràng không thể là người trong gia đình. Khi thành án, toàn bộ gia tài bị tịch biên để bù vào khoảng tiền ông tham ô, thì cũng là lúc vợ chìa đơn ly dị, bỏ mặc ông, theo một người khác, đi ra nước ngoài. Còn thằng con độc nhất đã chết, khi ông ở trong tù được ba năm. Tin đưa vào, nguyên nhân chết bị sốc thuốc do dùng ma túy quá liều.
Vậy ai là người giúp? Ông phải tìm gặp để cảm ơn.

Người đầu tiên ông tìm đến là thằng P… một thằng chắc phải chịu ơn ông trong chuyện làm ăn. Vì khi ra tòa, ông không khai cùng P… biểu thủ bao nhiêu tiền, mà chỉ nói P… bị lợi dụng, vô tình vạ lây.

Đến nhà P…, một tòa biệt thự hoành tráng, trang trí đẹp, ông bấm chuông. Một người giúp việc chạy ra hỏi để vào thưa chuyện. Một lúc sau, người giúp việc ấy chạy ra xua tay: “ Ông P… nói không quen biết ông!” Rồi người ấy đóng sập cửa, quay vào, không nói một lần nào nữa, để ông đứng trơ trọi dưới bóng nắng…

Ông lắc đầu buồn bã, quay ra. Ông đâu có phải đến nhờ vả mà thằng P. sợ đến vậy!

Ông lại nghĩ đến T… Thủa còn vang bóng, ông với T… gần như là hình với bóng, cùng hội, cùng thuyền. Đi du lịch, đánh gôn và cả những chuyện ăn chơi vung tàn tán ở bên tây, bên ta… ông đều rủ T… mọi tiêu phí, ông trả: “ Tiền tao nhiều như lá rừng, để đấy tao thanh toán!” T…ôm ông thắm thiết: “ Trên đời tao chỉ có mày, đến chết vẫn nhớ!”.

Khi đến nhà T… T… tiếp ông rất hờ hững, nói chiếu lệ: “Ra tù rồi hả, khỏe không ? Thôi, bây giờ tìm cách gì mà sống. Rút kinh nghiệm nghe, đừng mắc vào sai lầm cũ…Thương mày, mà cũng không lo được.Tao rất buồn! Mày không cần đến đây… cứ để địa chỉ, tao sẽ đến thăm, nếu có điều kiện…”. Nghe chán không thể tưởng, Ông không thèm chào tạm biệt, khoác chiếc ba lô, đi ra ngoài. T… cũng không thèm tiễn ông…

Qua cách nói chuyện của T… ông hiểu thêm nhân cách của bạn. Nhân cách như thế thì làm sao có chuyện giúp ông. May ông chưa nói lời “cảm ơn!”.

Ông lại đến thêm một vài chỗ. Người thì là “đệ” thân thiết. người thì là bạn làm ăn… lúc ông chưa bị đi tù… Nhưng chỗ nào cũng tránh ông như tránh hủi.

Ngồi một mình trên chiếc ghế đá, dưới một bóng râm lớn của cây to, cạnh đường, ông ngẫm nghĩ: Tình người trong thời buổi này, đúng là bạc như vôi, “ Thức lâu mới biết đêm dài ”. Lúc còn chức còn quyền, thì “ Anh, anh …em, em…” thân mật, còn lúc sa cơ như ông bây giờ, bạn bè trốn biệt… thậm chí không dám nhận một lời “cảm ơn!” từ ông.

Đang ngồi nghĩ như vậy, bỗng có chiếc xe máy dừng ngay trước mặt. Người thanh niên ngồi trên xe máy reo lên mừng rỡ:

- Đúng chú rồi…Chú ra trại, cháu chạy lên đó, nhưng các anh ấy nói chú theo xe trại thuê về từ sáng sớm…cháu phải đi tìm…

- Cháu là ai?

- Thôi, chú cứ lên xe về nhà cháu, rồi cháu nói chuyện sau…

Người thanh niên đó kể cho ông nghe:

- …Con của chú chơi thân với cháu. Nó nghiện ma túy cũng vì chuyện gia đình. Chú cứ lao vào chuyện làm ăn, bằng mọi giá kiếm tiền, bỏ bê chuyện gia đình. Cô thì bồ bịch lăng nhăng. Nó rất thương chú nhưng cũng hận chú. Chú đi tù, nó khóc rất nhiều. Trước khi chết, nó đưa cháu một ít tiền và dặn: “ Tao đưa cho mày ngần này, mày giúp tao cứu bố, thoát khỏi tù… tao thương bố lắm, chỉ vì ông ấy không nghe tao mà vào tù…”. Nó giúp cháu rất nhiều, cháu cũng rất thương nó, nên cố thực hiện mọi yêu cầu. để nó ra đi nhẹ lòng… Giờ chú ở đây với cháu nghe!

Ông nhìn người bạn của con.

Thẫn thờ!

http://trankytrung.com/read.php?969

1 nhận xét:

  1. Tình đời là thế ,ngoài đứa con đẻ cũng chẳng còn ai ,hơn nữa bản thân ông cũng chỉ là thằng tham nhũng ăn cắp,lũ tham nhũng ăn cắp chúng chỉ thủ đoạn không đứa nào có chút lương tâm để nghĩ đến ông dù trước ông là ân nhân của nó.

    Trả lờiXóa