Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

Hoảng hồn nhìn Mặt trái của Đà Nẵng

Mặt trái của Đà Nẵng
Lê Thu Thùy, May 10, 2017 - Đà Nẵng, vấn đề môi sinh ở thành phố thuộc vào diện sạch và đẹp nhất Việt Nam này đang được dư luận đặt ra. Các hiện tượng như bờ biển sạt lở, Bán đảo Sơn Trà bị xẻ thịt, băm nát, sản phẩm và người Trung Quốc đầy rẫy, kênh rạch hôi thúi, rác rưởi đầy sông, cá chết trắng đồng, nước bẩn đen ngòm, đường phố ngột ngạt, nóng bức, môi trường ô nhiễm trầm trọng.
Cầu rồng Đà Nẵng. nguồn pinterest.com
Phía sau gương mặt hào nhoáng và giàu có của Ðà Nẵng là cảnh bần cùng. Người dân đang đối diện với nạn thất nghiệp, trên gương mặt của dân nghèo Ðà Nẵng thường trực nỗi lo âu, buồn phiền, đói khổ. Ranh giới giàu nghèo hiện rõ trong từng bữa ăn, chỗ ở. Mặc dù Ðà Nẵng cấm nạn ăn xin, hễ có người ăn xin, lang thang, cơ nhỡ bị cảnh sát cơ động nhìn thấy thì ngay lập tức các xe bịt bùng tới đón bắt họ đưa về những trung tâm bảo trợ xã hội, nhưng đâu đó ở các chợ Ðống Ða, chợ Mới, chợ Hàn, chợ Nam Ô… vẫn trông thấy những người già, người tàn tật, trẻ em ngả nón, chìa tay xin tiền.
Viễn là một chàng trai khuyết tật từng tốt nghiệp Ðại học sư phạm tâm sự: “Ngày trước tôi cũng lành lặn như ai. Trong một vụ tai nạn giao thông tôi bị thương đến phải cưa chân trái. Tôi đã chống nạng, lang thang xin việc hàng năm trời. Tìm một công việc ăn lương ở Ðà Nẵng vô cùng gian nan. Số lượng hồ sơ xin việc mà tôi rải ở các cơ quan phải đến vài chục. Nơi nào cũng lắc đầu, xua tay. Chẳng qua họ kỳ thị, phân biệt đối xử. Có những ngày tôi phải đi xin. Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị bắt nhốt vào những trại tế bần như một người tù. Cuối cùng Trung tâm dạy nghề cho người tàn tật nhận tôi vào dạy nghề may và giới thiệu tôi sang một công ty may mặc thuộc Khu công nghiệp An Ðồn. Tôi có sáu anh bạn cùng thuê chung phòng trọ. Có năm bị mất việc họ phải sống trong những nhà trọ tồi tàn chẳng khác chuồng trại với phên tre, mái lợp lá dừa thuộc khu ổ chuột ở Nại Hiên Ðông. Nơi đây chưa phải ngoại ô Ðà Nẵng nhưng cảnh nghèo nàn có che giấu cách gì đi nữa nó vẫn cứ lộ ra. Nhà cửa ẩm mục, dột nát, người thất nghiệp, vô gia cư đầy rẫy. Ðứng bên kia sông Hàn nhìn về phía trung tâm thành phố, nơi hàng ngàn biệt thự, khu chung cư triệu đô mọc lên với những ô tô bóng lộn đậu san sát mới thấy hết sự phân hóa thực trạng giàu nghèo”.

Ðà Nẵng tổ chức lễ hội bắn pháo hoa mừng 30 tháng Tư. Tổng kinh phí 180 tỷ đồng cho lễ hội pháo hoa Quốc tế Ðà Nẵng năm 2017 diễn ra trong 5 đêm, kéo dài 2 tháng từ 29/04 đến 24/06. Khắp Ðà Nẵng tổ chức treo cờ rình rang và ăn mừng ồn ào, rượu thịt bia bọt cờ hoa… ê hề. Chỉ riêng chương trình “Ẩm thực ngũ hành” với 300-500 món ăn được quảng cáo và hàng trăm tờ báo trong nước đưa tin để du khách nhanh chóng mua vé tham dự… cũng đủ thấy sự xa hoa chưa từng có được nhà nước khuyến khích cổ vũ. Ðây là dịp mà những tiệc tùng linh đình mỗi bữa ăn cho một người lên đến hàng chục triệu đồng và sự đói nghèo kiếm từng đồng lẻ sống cầm hơi được phơi bày.

Trên địa bàn Ðà Nẵng còn vài sân bay, hàng chục cơ quan, nhà công sở… do chế độ VNCH để lại. Vào những năm 1980 có đến hàng trăm ngôi nhà của những gia đình trốn đi vượt biên bị nhà nước tịch thu. Kể về chuyện vượt biên trên biển Thanh Khê, Thanh Bình tôi chợt nhớ một ông anh họ tên Lương trong vòng 3 năm anh bị vào tù 2 lần vì cả 2 lần anh vượt biên đều bị bắt. Lần cuối cùng anh cùng vợ con đến Hồng Kông. Sau mấy năm ở trại tỵ nạn cả nhà anh bị trả về Việt Nam. 

Hình như nếm đủ cuộc sống địa ngục nơi trại tỵ nạn Hồng Kông nên trở về Ðà Nẵng anh trầm tĩnh hơn. Cha của anh từng là thương phế binh VNCH. Ông có ngôi nhà rộng rãi trên đường Hùng Vương. Ðầu năm nay, khu vực này lên cơn sốt đất vàng nội đô Ðà Nẵng. Ngôi nhà của ông rơi vào diện giải tỏa. Ông chỉ nhận được khoản đền bù 5 triệu đồng/ 1 mét vuông đất. Vì lúc nào cũng bị cảnh cáo bởi lý lịch xấu, ông lo sợ nên chấp nhận mọi quy định của nhà nước, không dám khiếu nại. Ông không tưởng tượng nổi khu đất của nhà ông sau đó được phân lô và bán ra với giá 140 triệu đồng/1 mét vuông.

Một căn biệt thự triệu đô ở Đà Nẵng. nguồn eva.vn

Mấy năm gần đây hàng loạt thôn làng bị xóa sổ bởi chính sách bất động sản, quy hoạch đô thị, giải tỏa đền bù. Những xóm làng lâu đời tại Hòa Xuân (Cẩm Lệ), Hòa Khánh, Hòa Khương (Hòa Vang), Hòa Hải (Ngũ Hành Sơn)… đều rơi vào tay các đại gia kinh doanh địa ốc. Việc chuyển dời, gây xáo trộn cho người dân Ðà Nẵng là các dự án kinh tế và chính sách tái định cư thay đổi chỗ ở cùng công ăn việc làm. Hàng chục ngàn gia đình dân bị thu hồi đất đai để rồi phải nhận những đồng tiền đền bù thảm hại: vài chục nghìn đồng/mỗi mét vuông đất nông nghiệp. Trong khi toàn bộ ruộng vườn bị mất trắng, họ chỉ được mua ưu tiên vài lô đất chật hẹp với giá cao gấp hàng trăm lần giá tiền họ được đền bù. Bi đát hơn là người nông dân mất ruộng vườn phải đi làm thuê tứ xứ. Nhiều người không nghề nghiệp phải bán hàng rong lay lắt trên vỉa hè và thường xuyên bị đánh đuổi.

Tìm đến với các làng chài Mân Thái, Thọ Quang, Nam Thọ… điều chúng ta chưa thể biết là những ngư dân sống nhiều đời trong khu nhà chồ ở các xóm chài ven sông hiện nay cư ngụ nơi nào. Nơi đây, từng chịu nhiều trận bão đến cửa nhà tan hoang, hàng ngàn người lâm cảnh màn trời chiếu đất, hàng trăm gia đình thì có người chết trên biển bởi cái nghề đánh cá xa bờ và câu mực xa bờ, trẻ em không được đến trường, người lớn không biết chữ. Mấy năm trước hàng trăm gia đình bị cưỡng bức phải dồn vào “Khu tập thể Vũng Thùng” (còn gọi là xóm ba-đờ-ghe), vài năm sau họ phải thay đổi chỗ ở lần nữa, lần này dân làng chài bị ép mua căn nhà giá rẻ, xuống cấp ở các khu chung cư. Ðất đai, nhà cửa lần nữa bị giải tỏa để trả địa điểm cho những công trình khác.

Quán cơm người nghèo 2000 đồng ở Đà Nẵng. nguồn: tinbuoisang.net

Lạ một điều ở mấy nơi hào nhoáng trên đường Bạch Ðằng, Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Ðồng,… chủ nhân của những tòa biệt thự không phải dân Ðà Nẵng mà là người miền Bắc, nhiều nhất vẫn là Hà Nội và nơi khác. Trong khi đó con em của các gia đình người Ðà Nẵng gốc phải thuê những phòng trọ chật chội như xà lim chỉ vì công việc họ đang làm có mức thu nhập vài triệu đồng/ tháng.

Pháo hoa vẫn rợp trời Ðà Nẵng vào mỗi dịp 30 tháng Tư hàng năm. Và đâu đó trên khắp đường phố Ðà Nẵng, những thương phế binh thời VNCH đang di chuyển trên từng chiếc xe lăn một cách khó nhọc để bán vé số. Thành phố đáng sống đang phát triển nóng và những cụ ông, cụ bà nghèo đói không được phép ăn xin thì vẫn phải lăn lộn, đào bới trên các bãi rác để nhặt ve chai, giấy vụn bán kiếm tiền đắp đổi qua ngày. 

Bán vé số. nguồn gocnhinalan.com

http://baotreonline.com/mat-trai-cua-da-nang/

1 nhận xét:

  1. Mấy đại gia giàu quá cho bớt tiền người nghèo đi, để Đức cho con cháu.

    Trả lờiXóa