Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Sân golf Tân Sơn Nhất đang chờ ông Nhân ?

Cái gai nào chờ ông Nguyễn Thiện Nhân?
Ông Nguyễn Thiện Nhân tưởng chừng như biến mất trên bản đồ chính trị Việt Nam nay vụt sáng khi nắm giữ chức vụ Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Nhưng đây mới chỉ là bước đầu cho hành trình giải quyết những thứ ung nhọt nằm trong sâu thành phố.

Từ sân golf đến nhóm tư bản thân hữu
Là một nhà nghiên cứu về chính sách kinh tế, không ai hết, ông Nguyễn Thiện Nhân thừa biết rõ yếu tố “tư bản thân hữu” hiện diện mạnh mẽ như thế nào trong thành phố. Câu chuyện sân golf nằm trong sân bay Tân Sơn Nhất sẽ là một vấn đề mang tính hóc búa mà buộc ông Nguyễn Thiện Nhân phải giải.

Có hay không một trò đánh đố khi ngay sau khi ông Nguyễn Thiện Nhân nhậm chức, thì cùng lúc đó tại miền Bắc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội Nghị 5 bằng một bài diễn văn khá dài hơi, trong đó đề cập đến ngăn chặn Chủ nghĩa tư bản thân hữu.

Cùng lúc đó, tại phía Nam, báo chí đưa tin cử tri quận Tân Bình đề nghị thu hồi sân golf mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

157 ha đất sân bay mà cử tri đòi lại chính là thứ “tư bản thân hữu” mang tên đại gia Dương Công Minh và quan chức cấp cao của Đảng, trong đó có cả những thành phần đã và từng ngồi trong Bộ Chính trị. Đặc biệt hơn, nó dính líu đến một thành tố quyết định sự sống còn của chế độ là “quân đội nhân dân”.

Người dân cần lấy lại sân golf – một khối đất đáng lý ra làm nhiệm vụ công, nay bỗng trở nên sinh lợi tư. Dưới mác tư nhân mang tên Dương Công Minh và tập đoàn Him Lam, giới chốp bu Quốc phòng được “hưởng” một nguồn ngân sách ngoài khá lớn. Do đó, ngay từ tháng 2/2017, khi vấn đề thu hồi lại đất golf cho sân bay Tân Sơn Nhất được đề ra, đã gặp được một sự thuận lợi lớn là nợ công đã không cho phép nhà nước Việt Nam triển khai ngay sân bay Long Thành, trong khi áp lực về không gian đáp/đỗ tại Tân Sơn Nhất tiếp tục trở thành tâm điểm của dư luận. Sự biến mất trên bản đồ chính trị của cha con ông Phùng Quang Thanh và ngay sau đó là tin quân đội cho Tân Sơn Nhất “mượn” 20ha đã trở thành một điểm mở đầu cho việc từng bước đòi lại. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất chính là nó chạm vào lợi ích của bên quân đội, và bản thân Bộ Quốc phòng cũng chỉ là “cám cảnh” nên mới nhượng bộ. Do đó, ông Thú trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn khi trả lời báo chí đã thẳng mặt mà dằn rằng: “Cái lõm 127 ha trong sân bay, là sân golf bây giờ, xung quanh đấy đã bố trí các đơn vị phòng không để bảo vệ Tân Sơn Nhất. Không phải vì cái sân golf ấy làm ách tắc Tân Sơn Nhất. Bộ Quốc phòng được Thủ tướng cho phép làm sân golf là để cho sạch sẽ thôi”.

Sự “chai mặt” từ Bộ Quốc phòng cho thấy, miếng bánh lợi ích của sân golf không hề dễ dàng nhả ra. Do đó, ngoài sự ủng hộ của người dân chưa phải là đủ, mà bản thân người đứng đầu thành ủy Tp. Hồ Chí Minh cần phải có sự “hà hơi tiếp sức” từ T.Ư, cũng như đưa ra những chiếc lược để từng bước đánh bật các phe cánh với bên quốc phòng, giành lại thế “thượng phong” của người miền Nam ngay trong “thủ đô” miền Nam.

Rõ ràng đây là một bài toán cực kỳ hóc búa, mà nếu bất kỳ ai giải được thì nó cũng xứng danh đưa vào lịch sử chống tham nhũng (hoặc triệt phá phe phái) trong đảng.

Theo nhiều nguồn tin chia sẻ trên mạng, thì việc ông Nguyễn Thiện Nhân được lựa chọn vào ghế ngồi này không phải là chủ đích của ông Tổng Bí thư, tuy nhiên, đây là sự thỏa thuận từ phía Bộ Chính trị khi “xem xét kỹ lưỡng khách quan nhiều chiều phương án nhân sự và đồng ý 100% phương án”, cũng là một sự nhún nhường cho việc đổi lấy phiếu tán thành buộc ông Đinh La Thăng rời nhiệm sở. Nhưng có phải vì không đạt chủ đích, nên ông Tổng Bí thư đã giao cho ông Tân Bí thư thành ủy một nhiệm vụ khó, là triệt thoái nhóm lợi ích phía Nam?

Vậy ông Nguyễn Thiện Nhân có biết không? Chắc chắn biết, trong một động thái có liên quan, ngày đầu tiên nhậm chức Bí thư Thành ủy TPHCM, ông Nguyễn Thiện Nhân đã thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh (Bến Nhà Rồng), ở quận 4, nơi ông Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước. Đây có thể là một thông điệp cho một bước đi lâu dài và đương đầu của ông Bí thư thành ủy, tất nhiên dưới sự chỉ đạo của “Nghị quyết ĐH Đảng”.

Không gian dân sự có bị teo lại?

Ông Đinh La Thăng rời khỏi ghế Bí thư, để lại nhiều công việc dở dang. Từ hai đại dự án metro tại TP.HCM vỡ kế hoạch vốn, cho đến phong trào lấn đường đang hoành hoành trở lại.

Nhưng quan trọng hơn cả thời kỳ 15 tháng ông Đinh La Thăng nắm quyền, phong trào thực hành xã hội dân sự tại TP. Hồ Chí Minh gặp nhiều sự chỉ trích, các cuộc biểu tình bị dập tắt, thậm chí là người biểu tình còn bị hành hung… Không gian dân sự tại TP. Hồ Chí Minh được cho là “teo” lại. Trong lúc đó, Tp. Hồ Chí Minh vẫn là một thành phố trọng điểm và sôi động thứ hai trong thực hành các quyền dân sự (trước đó là Hà Nội), vậy nhiệm vụ và vai trò của ông Nguyễn Thiện Nhân trong vai trò mới sẽ vừa đảm bảo cho một thành phố vừa đủ ôn hòa hơn trong vị thế một người khoác chiếc áo “thân Tây”, nhưng đồng thời cũng không làm phật lòng các vị “UV Bộ Chính trị” đã gửi gắm niềm tin đưa ông về.

Trong vấn đề liên quan đến sân golf và nhóm tư bản thân hữu, ông Nguyễn Thiện Nhân có thể tận dụng sự mở rộng không gian dân sự để tạo ra một áp lực vừa đủ để kết hợp với quyền lực Trung ương để từng bước giải bài toán khó này. Điều thuận lợi mà ông Nguyễn Thiện Nhân có cho đến hiện nay, chính là mối quan hệ thời Donald Trump được định hình qua Hội nghị Apec 2017 sắp được tổ chức tới đây, với khả năng tham dự của Ngài Tổng thống Hoa Kỳ.

Vậy ông Nguyễn Thiện Nhân phải làm thế nào để vừa đảm bảo tính “trung dung” nhưng không làm phai nhòa bản sắc của mình, hay sự trung dung đó chỉ là mở đầu cho một lối đi kiêng dè và không năng động, dẫn đến một vai trò mờ nhạt như cách ông Bí thư thành ủy Lê Thanh Hải trước đó từng thể hiện?

Ngoài ra, với 23 năm gắn bó thành phố, trong đó có 8 năm đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Thành phố, liệu rằng ông Nguyễn Thiện Nhân có đủ "điều kiện" để thay đổi bộ mặt của thành phố, trong đó có cả việc dành một lượng ngân sách đủ để thành phố chi tiêu trong xây dựng và tạo tiền đề phát triển, như cái cách mà ông đã được “các vị lãnh đạo lãnh thành, vị nguyên lãnh đạo, vị lãnh đạo anh Chính - chị Ngân” đưa về?

Tất cả chỉ mới bắt đầu, cái ghế Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh chưa bao giờ hết nóng là vì vậy.

Kỳ Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét