Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Bí thư Sài Gòn – “Tòng” hay “Phóng” ?

Sài Gòn – “Tòng” hay “Phóng” ?
Nguyễn An Dân - Khả năng ông Bí thư Tp.Hcm Đinh La Thăng, sẽ kết thúc sự nghiệp chính trị của mình bằng hình thức kỷ luật khiển trách –cảnh cáo và rời khỏi Bộ Chính Trị với số phiếu trên 90% của Ban Chấp Hành Trung Ương. Kèm theo sự ra đi của ông Thăng, dư luận xôn xao để xem ai sẽ là người thay thế. Dĩ nhiên là đảng phải chọn bí thư thành ủy mới trong số ủy viên Bộ Chính Trị cũ, và sau đó mới bầu bổ sung người mới.

Bà Tòng Thị Phóng - phó chủ tịch thường trực Quốc Hội và ông 
Nguyễn Thiện Nhân - chủ tịch trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.
Sau khi ông Võ Văn Thưởng mà tôi đang nghĩ là “coi như không còn khả năng” thì có hai ứng viên còn lại trong Bộ Chính Trị đang được tin đồn nhắc đến là bà Tòng Thị Phóng, hiện đang là phó chủ tịch thường trực Quốc Hội và ông Nguyễn Thiện Nhân, chủ tịch trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.

Về bà Tòng Thị Phóng thì chúng ta có thể thấy bà là người phụ nữ dân tộc thiểu số (Thái) leo cao nhất trong hệ thống đảng và kinh qua nhiều chức vụ, ở lâu trong đảng (với 5 khóa là ủy viên trung ương và từ khóa 12 là ủy viên Bộ Chính Trị)

Tuy nhiên ở lâu không có nghĩa là có được nhiều dấu ấn. Là người với 15 năm quan sát chính trường VN, thú thật tôi chỉ nhớ bà có 2 việc, một là bà là người dân tộc thiểu số có chức vụ cao và hai là câu nói nổi tiếng mang hàm ý “tôi có 2 ông đại tá cận vệ, và các ông ấy thường say mèm khi giúp tôi uống rượu với khách”.

Tóm lại, trong cuộc tranh chấp đường lối 10 năm ròng rã giữa nhóm bảo thủ và nhóm cải cách suốt 2 khóa 10-11, thì bà Phóng có vẻ trung lập, ít dính dáng vào thị phi , có xu hướng là người coi trọng sự ổn định.

Những đặc điểm tôi thấy được đó có thể tốt cho bà Phóng để bà thăng tiến và an ổn trong khi nội tình đảng đang biến động, nhưng chưa hẳn tốt cho Sài Gòn với sự biến đổi và đòi hỏi phát triển không ngừng của nó.

Chúng ta hãy nhớ là trong bất kỳ cuộc đổi mới nào dù lớn dù nhỏ thì hầu như Sài Gòn luôn là một trong các nơi ủng hộ tích cực hoặc khởi xướng. Nếu ông Nguyễn Phú Trọng quyết định chọn bà Phóng về lãnh đạo Sài Gòn mà không qua các bước bầu cử “dân chủ tập trung” trong đảng, có lẽ Sài Gòn sẽ chuyển từ xu hướng lâu nay “phát triển để ổn định” (quan điểm của tướng Tô Lâm) sang xu hướng thà nghèo mà bình yên (của bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải), tôi không rõ người dân Sài Gòn và cả nước nói chung sẽ muốn Sài Gòn đi theo kiểu nào ?

Thường thì khi có sự tranh chấp về đường lối của nhiều phe phái ở một vị trí, người ta thường chọn giải pháp an toàn là đưa một người tuy tài năng ít hiển lộ nhưng không mất lòng ai về ngồi. Cái đó gọi là “quân bình tình thế”.

Chuyện quyết nhân sự theo kiểu đó xưa nay không thiếu. Ông Nguyễn Thiện Nhân thì khác hơn, ông là nhà kỹ trị, từng đi học ở Mỹ và ông hiểu Sài Gòn (từng là phó chủ tịch của SG) nên có vẻ phù hợp với Sài Gòn lúc này dù ông đang là chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc. Mặc dù không phải là người miền Bắc và cũng không có nhiều lý luận đảng, nhưng Sài Gòn cần một người như ông Nhân để còn đột phá lên chút xíu mà không làm đảng lo ngại nhiều về việc sẽ” vỡ bình nhanh quá.

Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam chỉ có bản sắc từ thời của chủ tịch Lê Quang Đạo với quan điểm được ghi thành văn bản mà tôi hoàn toàn phải khen ngợi “đảng phải nằm trong mặt trận”. Sau đó nó biến thành tổ chức từ thiện khổng lồ thời ông Phạm Thế Duyệt, rồi thành nơi “cùng đảng chống tham nhũng” dưới thời kỳ ông Nhân, nhưng có vẻ ông Nhân cũng ủng hộ quan điểm “ném chuột không để vỡ bình” nên chưa nghe thấy Mặt Trận mấy năm nay đã làm được gì để chống tham nhũng một cách gây ấn tượng mạnh làm nhân dân cảm phục.

Thực ra theo tôi lẽ ra mặt trận tổ quốc cần là nơi đi đầu trong thực hiện đổi mới 2 của đảng và đất nước vì nó là nơi “lựa chọn đầu vào” cho quốc hội, cũng như là nơi có đủ hành lang pháp lý để giám sát đảng và phản biện xã hội. Việc ông Nhân về Mặt Trận vào khóa 11 thì tôi nghĩ đó là do ý của nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vì nếu ông Dũng không chủ động rút lui về hưu ở DH 12 mà tiếp tục công tác đảng thì ông sẽ dùng Mặt Trận (thông qua ông Nhân) để khởi xướng các khâu đầu tiên của Đổi Mới 2.

Đổi mới 2 bắt đầu từ Quốc Hội, mà nhân sự quốc hội thì “bắt đầu từ mặt trận”.

Tuy nhiên ông Nhân hay bà Phóng, hay ai nữa cũng không phải là vấn đề lớn, mà vấn đề lớn hơn là tôi mong rằng để thực thi dân chủ với nhân dân và với đảng, những ai đề cử nhân sự cho vị trí bí thư Sài Gòn lúc này cần đề nghị vị ứng cử viên đó đưa ra chương trình hành động của bản thân ứng viên với nhân dân. Để qua đó chúng ta có thể biết ứng cử viên nào muốn làm gì, có khả năng gì…để đưa Sài Gòn đi lên, để còn kéo cả nước tiến lên theo. Đó mới là điều quan trọng nhất.

Đa phần các ý trên đây là của tôi, còn lại xin hỏi các bạn rằng Sài Gòn hiện nay cần “tòng” (nghèo mà an toàn) hay “phóng” (phát triển để ổn định ) ?

Nguyễn An Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét