Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

3 kịch bản tăng trưởng 2017 cho kinh tế Việt Nam

3 kịch bản tăng trưởng 2017 cho kinh tế Việt Nam
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017 đã có nhiều cải thiện so với quý I. Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2017. Theo đó, kịch bản thấp dự kiến đạt 5,89%; kịch bản khả thi có khả năng đạt được là 6,23%; và kịch bản cao đòi hỏi có nhiều nỗ lực và giải pháp mạnh có khả năng tăng 6,57%.
Kịch bản tăng trưởng khả thi ở mức 6,23%
Điểm nổi bật nhất trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm đó là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, trong đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tiếp tục được kiểm soát, CPI tháng 4 không thay đổi so với tháng 3; CPI bình quân 4 tháng tăng 4,8% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức bình quân 4,96% của Quý I năm 2017. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng tăng 1,62% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.

Cùng với đó, tình hình sản xuất, kinh doanh đã có một số chuyển biến tích cực so với quý I. Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục đà phục hồi, nhưng một số ngành vẫn gặp nhiều khó khăn.Tình hình sâu bệnh diễn ra tương đối rộng và tập trung vào cây lúa. Chăn nuôi lợn tiếp tục đối mặt với tình trạng giá cả giảm mạnh do dư thừa cung nghiêm trọng, giá bán giảm xuống dưới giá thành sản xuất, người chăn nuôi thua lỗ. Chăn nuôi gia cầm đang phải đối phó với nguy cơ dịch cúm diễn ra tại một số tỉnh.

Theo báo cáo, xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, tuy nhiên nhập khẩu tăng trưởng cao hơn xuất khẩu và nhập siêu gia tăng. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tính chung 4 tháng đầu năm ước đạt 61,34 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,5%). Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 64,07 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 1,2%). Nhập khẩu tăng mạnh hầu hết là các mặt hàng thuộc nhóm nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cơ bản phục vụ sản xuất và nhóm máy móc thiết bị cho mở rộng sản xuất. Nhập siêu là 2,74 tỷ USD, chiếm 4,47% kim ngạch xuất khẩu (cao hơn mục tiêu đã được Quốc hội thông qua, mục tiêu là 3,5%).

Về đầu tư phát triển, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước đã có dấu hiệu khả quan nhưng các bộ, ngành, địa phương vẫn chậm vào cuộc. Ước tỷ lệ giải ngân Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước 4 tháng so với kế hoạch được Quốc hội thông qua là 19,2%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (18%). Trong đó, các Bộ, ngành Trung ương giải ngân 15,9 nghìn tỷ đồng, đạt 22,2%, cao hơn cùng kỳ năm 2016 (17,7%); các địa phương giải ngân là 52,65 nghìn tỷ đồng, đạt 22,7%, cao hơn mức cùng kỳ năm 2016 (18,6%).

Mặc dù đã có nhiều tín hiệu khởi sắc, song báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, kinh tế Việt Nam có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Theo đó, lạm phát chịu nhiều sức ép tăng trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp, đặt ra yêu cầu cao đối với công tác điều phối chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách giá cả trong những tháng còn lại của năm 2017.

Cùng với đó, thị trường hàng hoá sẽ chịu tác động của các yếu tố như dịch bệnh trên vật nuôi (cúm gia cầm) đang có nguy cơ bùng phát; giá cả nhóm hàng nhiên liệu năng lượng trên thị trường thế giới có xu tăng ảnh hưởng tới giá xăng bán lẻ trong nước; giá một số mặt hàng nhà nước quản lý như phí dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện vẫn tiếp tục lộ trình tăng nhằm tiếp cận giá thị trường; lương cơ bản điều chỉnh tăng... sẽ làm tăng chỉ số giá trong năm 2017.

Từ thực tế này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2017. Theo đó, kịch bản thấp dự kiến đạt 5,89%; kịch bản khả thi có khả năng đạt được là 6,23%; và kịch bản cao đòi hỏi có nhiều nỗ lực và giải pháp mạnh có khả năng tăng 6,57%.

Tại công văn số 35/TTg-KTTH ngày 22/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành và một số địa phương lớn xây dựng kịch bản, phương án tăng trưởng kinh tế của quý II, III, IV và cả năm 2017, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tính toán, chi tiết hóa phương án tăng trưởng cả năm 2017 là 6,7%. Để đạt được mục tiêu này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong 9 tháng còn lại, bình quân GDP phải tăng khoảng 7,1%. Đây là mức tăng khá cao so với cùng kỳ các năm từ 2011- 2016. Cụ thể từng quý là: Quý II tăng 6,26%, Quý III tăng 7,29% và Quý IV tăng 7,49%.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kịch bản tăng trưởng này đã tính đến điều kiện tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội đạt mức 35% trên GDP, kế hoạch sản xuất và xuất khẩu tăng 20% của các nhà máy thuộc tập đoàn Samsung, các điều kiện về kinh tế thế giới, kinh tế trong nước, thời tiết khí hậu... đều gặp thuận lợi.

Tập trung hai nhóm giải pháp cơ bản

Trong báo cáo về kịch bản tăng trưởng và báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017 đã nêu hai nhóm giải pháp cụ thể, kết hợp giữa giải pháp ngắn hạn và giải pháp căn cơ, dài hạn, với sự phân công cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương.

Ở nhóm giải pháp dài hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cần tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, đây là yêu cầu tiên quyết để vừa giải quyết mục tiêu ngắn hạn là thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2017, vừa đảm bảo mục tiêu dài hạn là phát triển bền vững, cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan về lộ trình tăng giá điện, đảm bảo phù hợp với giải pháp kiểm soát lạm phát của Chính phủ.

Cùng với đó là triển khai nhanh, quyết liệt kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công nghiệp, tài chính ngân hàng và khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân và FDI.Trong đó, đặc biệt lưu ý chất lượng các dự án đầu tư FDI trong bối cảnh vốn đăng ký tăng mạnh nhưng giải ngân đạt thấp.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy xuất khẩu và kiểm soát nhập siêu, trong đó khẩn trương rà soát việc áp dụng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát nhập siêu từ trước tới nay, đánh giá cụ thể để có thể đề xuất áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới. Kiểm soát chặt chẽ và có biện pháp mạnh đối với hành vi buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái; Thúc đẩy tiêu dùng trong nước, trong đó nhấn mạnh các giải pháp nhằm quản lý hiệu quả hệ thống phân phối bán lẻ, góp phần tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam có thể cạnh tranh được ngay trên thị trường trong nước.

Đối với nhóm giải pháp ngắn hạn, phục vụ các tháng còn lại năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm 2017, trước mắt trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tập trung vào các giải pháp nhanh sau:

Một là, giao Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác trong nước, tối thiểu đạt 1 triệu tấn nhằm đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP và không để ngành khai khoáng giảm sâu.

Hai là, chỉ đạo các bộ, ngành bám sát kế hoạch sản xuất trong năm 2017 của các nhà máy thuộc tập đoàn Samsung, theo đó, Samsung dự kiến tăng doanh thu xuất khẩu năm 2017 lên 50 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2016. Đây sẽ là sự đóng góp đáng kể cho tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất khẩu và tăng trưởng GDP nói chung.

Ba là, giao các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến xử lý vấn đề môi trường của dự án Formosa, nếu đủ điều kiện để hoạt động, có thể xem xét cho phép nhà máy đi vào vận hành. Nếu được vận hành lò cao số 1 trong tháng 5 sẽ cho công suất là 3,5 triệu tấn thép/năm, sẽ đóng góp khoảng 0,16 điểm % trong tăng trưởng GDP.

Bốn là, giao các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát tất cả các dự án đầu tư đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động, chủ động tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để nhanh chóng đưa dự án vào hoạt động, đóng góp chung cho tăng trưởng. Đồng thời, rà soát các dự án tư nhân và FDI đã đăng ký đầu tư, tạo điều kiện về mặt thủ tục, đất đai, lao động... để doanh nghiệp nhanh chóng giải ngân, đưa vốn vào nền kinh tế.

Năm là, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chủ động, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó phối hợp với các doanh nghiệp có các giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn nhằm giải phóng hàng tồn kho hiện đang ở mức cao so với cùng kỳ.

Sáu là, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện các dự án lớn, trọng điểm của quốc gia, tạo cú hích trong đầu tư và tăng trưởng như dự án Cao tốc Bắc – Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh... đây là các dự án có tính lan tỏa lớn, cần sớm được triển khai để thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân và FDI.

Bảy là, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao, một phần đưa thêm vốn đầu tư vào nền kinh tế, một phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, gắn công nghệ cao với tiến bộ quản lý, quy mô sản xuất và giải quyết tốt vấn đề thị trường.

Tám là, giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng du lịch, trong đó có việc khắc phục tình trạng tour du lịch không đồng; đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện và sản phẩm du lịch để tranh thủ thời cơ, đón nhận dòng khách du lịch dịch chuyển đến Việt Nam do tác động của việc giải quyết các mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa một số quốc gia có lượng khách du lịch lớn trong khu vực. Tranh thủ sự kiện Việt Nam là nước chủ nhà Diễn đàn APEC được tổ chức vào cuối năm để thúc đẩy quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch trong các năm tiếp theo.
Bảo Lam

http://enternews.vn/3-kich-ban-tang-truong-cua-kinh-te-viet-nam-nam-2017-110486.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét