Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017

Thụy Sĩ: Từ đói nghèo đến hạnh phúc nhất thế giới

Thụy Sĩ: Từ đói nghèo đến hạnh phúc nhất thế giới
Ngày nay nhắc tới Thụy Sĩ là người ta có thể nhớ ngay tới đồng hồ cao cấp, trung tâm ngân hàng, phúc lợi xã hội cao và một quốc gia hạnh phúc nhất thế giới… Nhưng ít ai biết, xưa kia nơi đây chỉ là một vùng đất nghèo khó với công việc chủ yếu là lính đánh thuê.
Quốc gia nằm trong top hạnh phúc nhất thế giới
Thụy Sĩ là một quốc gia không có bờ biển thuộc khu vực Tây Âu với dân số khoảng 7,7 triệu người, được tổ chức theo thể chế cộng hòa liên bang gồm 26 bang với thủ đô là thành phố Berne và hai trung tâm kinh tế lớn là Genève và Zurich. Thụy Sĩ là nước có truyền thống lịch sử về sự trung lập, từ năm 1815 đến nay không có bất kỳ cuộc chiến tranh nào xảy ra.

Thụy Sĩ có ít nguồn tài nguyên thiên nhiên, với địa hình đồi núi, tổng số có trên 40 dãy núi cao trên 4.000 m so với mặt nước biển trong đó có dãy núi Alps nổi tiếng thế giới. Dù là đất nước nhỏ và không có nguồn tài nguyên gì đáng kể, Thụy Sĩ là một nước phát triển nổi tiếng trên toàn cầu.

Xét trên phương diện lực lượng lao động thì 50% người dân làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ, khoảng 10% dân số được làm việc trong ngành nông nghiệp và 40% dân số làm việc trong ngành công nghiệp, thương mại và nghề thủ công, chủ yếu về công nghiệp máy móc và kim loại, sản xuất đồng hồ và sản phẩm dệt may, đặc biệt, tất cả sản phẩm đều được xuất khẩu nhiều ra nước ngoài.

Theo thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế vào năm 2014, GDP đầu người của Thụy Sĩ đạt hơn 58.000 USD, nằm trong top 10 các quốc gia có GDP cao nhất thế giới.

Vào ngày 23/04/2015, Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc đã công bố danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong đó dẫn đầu là Thụy Sĩ với bằng chứng tuổi thọ của người dân Thụy Sĩ trung bình là 82,2, đứng thứ 10 trong danh sách các quốc gia sống thọ trên thế giới nhờ có hệ thống phúc lợi và chăm sóc sức khỏe người dân đặc biệt tốt.

Số giờ làm việc trung bình trong một tuần của mỗi người dân Thụy Sĩ là 35,2 giờ, thấp hơn so với mức 36,4 giờ/tuần của người Anh, mức 38 giờ/tuần của người Tây Ban Nha; người dân ở đây được sống trong nền dân chủ cao, bình đẳng, người dân có quyền đề nghị thay đổi hiến pháp và họ được phép trưng cầu dân ý về luật pháp mới.

Bên cạnh đó, Thụy Sĩ được đánh giá là một trong những nước an toàn nhất thế giới, tình trạng tham nhũng, tham ô cửa quyền gần như không có, năng lực điều hành của chính phủ cực tốt, môi trường sống trong lành và chất lượng dịch vụ ở mức rất cao.

Một điểm đặc biệt Thụy Sĩ có 25 người đã đạt giải Nobel trên tổng dân số 7,7 triệu dân.

(Ảnh: karryon.com.au)

Con đường phát triển của Thụy Sĩ

Với những thành công của ngày hôm nay như vậy nhưng xuất phát điểm của Thụy Sĩ chỉ là một vùng đất nghèo khó. Vào thời Trung cổ, Thụy Sĩ chỉ là một khu vực hẻo lánh được bao bọc giữa các dãy núi, ngăn cách với phần còn lại của châu Âu. Việc làm chủ yếu thời bấy giờ là đi làm lính đánh thuê trong quân đội thuộc các quốc gia khác nhau, hoặc những gia đình nghèo khó thường gửi gắm con cái làm nô bộc trong những gia tộc giàu có tại Đức và nhiều nơi khác. Dấu vết của thời kỳ này đến nay vẫn còn nhìn thấy qua hình ảnh đội vệ binh bảo vệ Giáo hoàng và an ninh của Vatican chính là người Thụy Sĩ.

Một bức tranh vẽ cảnh Thụy Sĩ năm 1860 của W. H: Bartlett

Tuy nhiên, từ nửa cuối thế kỷ 19, Thụy Sĩ bắt đầu phát triển một cách mạnh mẽ, khiến cả thế giới ngạc nhiên. Từ một đất nước nghèo, giờ đây những người dân ở đây được đánh giá là giàu có và hạnh phúc nhất thế giới.

Lý do nào đã khiến Thụy Sĩ đạt được thành quả to lớn này? Có thể kể đến 3 yếu tố sau:

Hệ thống chính trị và luật pháp

Chính quyền tại Thụy Sĩ chú trọng vào việc đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ (không chú trọng phát triển doanh nghiệp lớn, chú trọng trợ cấp về thuế (được cắt giảm đến mức thấp nhất có thể) và trợ cấp về chi phí quản lý, tôn trọng quyền tự do của công dân.

Chính phủ Thụy Sĩ luôn đứng về phía thiểu số, thực hiện đảm bảo an ninh, trật tự và công lý trên toàn lãnh thổ để có được sự ủng hộ của quần chúng.

Việc quản lý điều hành của nhà nước Thụy Sĩ được dựa trên kết cấu liên bang. Các tiểu bang tại Thụy Sĩ được trao quyền tự trị lớn hơn hẳn các tiểu bang Hoa Kỳ và các địa phương tại Canada. Người dân được tham gia biểu quyết vào việc quản lý từ cấp hành chính nhỏ nhất, bao gồm cả biểu quyết đối với các vấn đề chi phí công, chính sách thuế…

(ảnh: Johannes Simon/Getty Images)

Luật pháp Thụy Sĩ quy định rõ chính phủ phải duy trì tình trạng cân bằng của ngân sách quốc gia, mọi quyết định tăng thuế đều phải thông qua trưng cầu dân ý. 70% số tiền thu được từ thuế phải được chi tiêu theo danh sách các khoản mục được liệt kê sẵn ở các địa phương.

Điều này khiến cho bộ máy tổ chức của chính phủ rất gọn nhẹ, khiến người dân cảm thấy yên tâm và không hoài nghi với các hoạt động chi tiêu của Chính phủ.

Luật pháp Thụy Sĩ quy định quyền của mỗi công dân, thể hiện qua việc tổ chức thường xuyên các cuộc trưng cầu dân ý dưới nhiều hình thức về mọi vấn đề, từ kinh tế, chính trị và tôn giáo ví dụ như lấy ý kiến về thời gian làm việc, về hoạt động nghiên cứu gen di truyền, các vấn đề địa phận tôn giáo và liên minh châu Âu.

Con người và lối sống

Đây chính là yếu tố then chốt góp phần làm nên sự ưu việt của nền kinh tế Thụy Sĩ, bao gồm tinh thần tự lực, tính kỷ luật, thái độ hoài nghi đối với quyền lực tập trung và xu thế nhất thời, tinh thần đoàn kết trong xã hội, và sự sẵn lòng tiếp nhận những ý tưởng và con người đến từ các nước khác trên thế giới.

Người Thụy Sĩ rất cần cù tiết kiệm, kể cả những người có địa vị cao trong xã hội, chủ các doanh nghiệp lớn, chủ ngân hàng lớn và các quan chức cấp cao trong chính quyền.

Các nghị sĩ Quốc hội Thụy Sĩ không lĩnh lương, họ phải làm thêm các công việc khác để có thu nhập, họ chỉ được nhận phụ cấp trong thời gian họp Quốc hội. Ở Thụy Sĩ, tính tiết kiệm được coi là đức tính tốt. Người Thụy Sĩ tin vào quy luật đạo đức, với họ thì nỗ lực và khả năng chuyên môn sẽ đem lại thành quả, còn dục vọng và sự lười biếng là những thói xấu cần tránh.

Chính sách đầu tư vào nghiên cứu và phát triển


Chiến lược của nền kinh tế Thụy Sĩ là các sản phẩm chất lượng cao và đội ngũ công nhân được đào tạo tốt. Nhiều công ty đi theo một chiến lược gọi là “niche strategy”, có nghĩa là tập trung vào một ít dòng sản phẩm chất lượng cao. Kết quả là vài công ty dù nhỏ nhưng đã có đủ khả năng chiếm lĩnh thị trường thế giới trong lĩnh vực chuyên sâu của họ, cụ thể là các lĩnh vực quan trọng mà hiện nay Thụy Sĩ xuất khẩu điều thuộc về công nghệ nano, công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghiệp dược phẩm và kỹ nghệ ngân hàng và bảo hiểm.

Các sản phẩm của Thụy Sĩ có giá cao trên thị trường thế giới bởi vì những người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao cho chất lượng cao. Tại Thụy Sĩ, tỷ lệ phần trăm lao động làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển cao hơn ở các quốc gia công nghiệp hóa khác. Thông thường Chính phủ chi khoảng 3% GDP cho công tác nghiên cứu phát triển.

Trung tâm nghiên cứu và sản xuất đồng hồ Rolex ở Thụy Sĩ (Ảnh: luxury-insider.com)

Với những yếu tố trên, Thụy Sĩ đã thực sự thành công trong lĩnh vực phát triển kinh tế.

Có thể điểm qua thành tích của Thụy Sĩ với một số ngành kinh tế nổi bật như sau:


Du lịch: ngành du lịch cũng như chi tiêu của du khách đem lại cho Thụy Sĩ khoảng 48 tỷ USD, đóng góp 7,8% GDP vào năm 2013 (theo dữ liệu của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới). Ngành du lịch tạo ra 650.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp trong năm 2011, chiếm 10,5% tổng việc làm mới của Thụy Sĩ.

(Ảnh: karryon.com.au)

Ngân hàng: Thụy Sĩ là trung tâm tài chính của thế giới và là nơi tập trung nhiều cơ sở của tổ chức quốc tế. Theo báo cáo của Hiệp hội ngân hàng Thụy Sĩ, các tổ chức tài chính tại Thụy Sĩ quản lý khối tài sản lên tới 59,4 tỷ france Thụy Sĩ (61,8 tỷ USD), chiếm 10,3% GDP, thu hút 195.000 lao động, chiếm 5,7% tổng số việc làm tại đất nước này và đóng góp 12-15% tổng nguồn thu thuế.

Ngân hàng Thụy Sĩ tại Zurich. (Ảnh: Rediff)

Đồng hồ: Thụy Sĩ còn nổi tiếng với ngành công nghiệp đồng hồ tạo ra những sản phẩm tinh xảo, chính xác, làm nên đẳng cấp cho những người sở hữu. Nếu tính theo giá trị, Thụy Sĩ chiếm khoảng một nửa sản lượng sản xuất đồng hồ của toàn thế giới. Giá trung bình của một chiếc đồng hồ xuất khẩu từ Thụy Sĩ năm 2006 là 410 USD. Theo thông tin của Phòng xúc tiến xuất khẩu OSEC, ngành công nghiệp đồng hồ xuất khẩu 95% số sản phẩm.

Một mẫu quảng cáo đồng hồ Omega

Với những thành tựu đạt được như vậy, Thụy Sĩ thực sự là một nước đã có được sự phát triển kỳ diệu, đáng để các nước khác học tập.

Nhật Hạ tổng hợp
http://trithucvn.net/kinh-te/thuy-si-tu-chuyen-di-danh-thue-toi-quoc-gia-giau-co-va-hanh-phuc-nhat-the-gioi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét