Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

48 giờ với Thanh Hoá

48 giờ với Thanh Hoá
Lưu Vỹ Bửu - Khi xe bắt đầu lăn bánh vào địa phận Thanh Hóa, anh chàng S., dân Thanh Hóa chính gốc, xin phép đọc vè :
Khu 4 đuổi ra,
Khu 3 đuổi vào,
Bỏ chạy sang Lào
Nhưng Lào không nhận,
Thanh Hóa uất hận
Lập vương quốc riêng
Thủ đô thiêng liêng
Là vùng Nông Cống…

Các bác gái đạp xích lô
Bài vè này tôi biết cách đây hơn 30 năm. Bài còn dài và có nhiều “dị bản” khác nữa. Đến Thanh Hóa, bạn hỏi một ai đó, bạn sẽ dễ dàng được nghe bài vè này. Theo chương trình, chúng tôi chỉ có hơn 48 giờ ở Thanh Hóa, một thời lượng quá ngắn khó có thể hiểu nhiều hơn về vùng đất này.

o O o

Đang khi nóng bức nên Sầm Sơn dày đặc người. Từ đền Độc Cước nhìn xuống, không thể ngăn được tiếng kêu sửng sốt khi thấy cơ man người. Vũng Tàu, Nha Trang ngày lễ hay cuối tuần cũng không đông đến vậy. Thế là, mục đích tắm biển Sầm Sơn của chúng tôi đã “phá sản” vì không thể chen chân giữa rừng người như vậy. Mà dù có chen được thì Sầm Sơn cũng không còn sức hấp dẫn nữa.

Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý trước (do kinh nghiệm từ nhiều chuyến đi) nhưng khi đứng trước hòn Trống Mái, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Cảm giác y hệt ngày xưa, khi đầu tiên đứng trước hai hòn đá be bé, nằm chồng lên nhau, ở Nha Trang, hỏi: “Hòn Chồng đâu?” vậy! Hòn Trống Mái trong trí tưởng tôi hoàn toàn khác chứ không phải hai hòn đá nằm kề nhau, chẳng khác gì những khối đá khác, nằm rải rác quanh đó, ngoài một chi tiết được xác thực là: hòn Trống nhúc nhích khi ta chạm đúng một điểm nào đó trên khối đá.


Hòn Trống Mái

Ôi, chàng Vọi trong tiểu thuyết Trống Mái của Khái Hưng đi đâu rồi? Và đâu là nơi cô Hiền tiểu thư bắt anh Vọi cởi áo, xắn quần để chụp thân hình tráng kiện của người ngư phủ tỉnh Thanh? Trước mắt chúng tôi là một đám đông, trong đó có cả chúng tôi, nghe danh Trống Mái mà đến đây, ngắm nhìn, chụp vài kiểu ảnh kỷ niệm và rồi… buồn bã quay đi.

Một điều lý thú là chúng tôi gặp xe xích lô khá nhiều ở Sầm Sơn và đặc biệt là số phụ nữ làm “bác tài” xích lô gần như chiếm đa số ở đây.

o O o

Nơi khiến chúng tôi sững sờ kinh ngạc và đầy cảm xúc là Thành nhà Hồ và Lam Kinh. Suối cá thần Cẩm Lương chẳng qua là một điều kỳ thú của thiên nhiên, người ta đến vì tò mò, hiếu kỳ. Còn Thành nhà Hồ và Lam Kinh lại là nơi để người ta tìm về cội nguồn, tìm về một lịch sử còn nằm khuất trong bóng tối mà có thể qua một lần đến, người ta có thể vỡ ra nhiều điều.


Khu thái miếu ở Lam Kinh

Vương triều Đại Ngu của nhà Hồ tồn tại ngắn ngủi trong lịch sử phong kiến Việt Nam nhưng kịp để lại một di tích vĩ đại. Vĩ đại giống như người lập thành vậy! Trong chính sử (Đại Việt sử ký toàn thư) ghi lại rõ ràng là Thành nhà Hồ được xây dựng trong thời gian 3 tháng, từ tháng Giêng đến tháng 3/1397 và trải qua hơn 6 thế kỷ vẫn còn nhiều đoạn thành khá nguyên vẹn. Cho đến bây giờ, khi Thành nhà Hồ, thành xây dựng bằng đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, người ta vẫn chưa có một giải thích nào thỏa đáng về hàng ngàn khối đá xanh, có khối nặng trên hai chục tấn, được khai thác từ đâu, chuyển về đây bằng phương tiện gì và làm thế nào để người ta xây thành vòm, thành tường mà không có chất kết dính? Khoa học sẽ tiếp tục làm công việc của khoa học. Còn chúng tôi, nhìn bốn cổng thành Nam Bắc Tây Đông nằm giữa sông Mã và sông Bưởi và hàng ngàn cổ vật khai thác được từ đây, lòng không khỏi dấy lên những nỗi u hoài, luyến tiếc về một ông vua bị chính sử coi là giặc nhưng đó là nhà cách tân và là một trong những vị vua có cái nhìn về tương lai xuất sắc bậc nhất thời trước.

o O o
Lam Kinh, nơi phát tích và lưu lại đời sau một dòng họ, một vương triều thịnh trị trong lịch sử nước nhà: triều Hậu Lê. Vẫn không khí trầm mặc, u tịch như bao thành quách, lâu đài, lăng tẩm khác trên đất nước ta nhưng về Lam Kinh chúng tôi có cảm giác thân thuộc, gần gũi hơn là e dè, kiêng sợ. Có thể, do đây không chỉ là “kinh đô” thứ hai của nhà Lê, không chỉ là nơi thờ phượng các thái hoàng, thái hậu mà còn là quê cha đất tổ của anh hùng áo vải Lê Lợi, và quan trọng hơn, đây chính là nơi anh hùng hào kiệt từ khắp nơi tụ nghĩa dấy cờ! Cũng xây dựng theo phong thủy với thế long chầu hổ phục nhưng Lam Kinh lại gần với thiên nhiên và với đời thường. Khu lăng mộ Lê Thái Tổ mặc dù có tượng đá, voi phục nhưng rất giản dị đến bất ngờ.

Về Lam Kinh đâu phải chỉ chiêm ngưỡng một kinh đô của thời đã xưa cũ mà với tôi, chính là để chạm vào quá khứ, lắng nghe lời đất nước, lời thiêng liêng của người xưa vọng về. Chạm tay vào bia Vĩnh Lăng, tôi cơ hồ nghe ra tiếng nhạc ngựa: “Nhong nhong ngựa ông đã về; Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn” của những cậu bé, cô bé mừng đón những người chiến thắng ngoại xâm trở về. Đó đâu phải là bài đồng dao mà là tiếng reo mừng, tin cậy của người dân trước lòng yêu nước, trước ý chí mười năm nằm gai nếm mật để gìn giữ toàn vẹn bờ cõi nước nhà của ông cha.


Bia Vĩnh Lăng ở khu di tích Lam Sơn

Về Lam Kinh, thật tình tôi không chú ý nhiều đến việc trùng tu các di tích đã hư hại, đổ nát. Người ta còn đang bàn luận về phương thức trùng tu, đang còn nghiên cứu về việc phục dựng sân rồng, chính điện và đang tìm kiếm những di tích còn lẩn khuất dưới bao tầng đất lẫn trong bụi bặm thời gian. Quan tâm đến việc trùng tu chăng thì chính là nỗi lo lắng trước thái độ của đời sau đối với tiền nhân. Gìn giữ di sản của đất nước đó là việc nên làm và cần làm. Nhưng hơn hết, chính là làm thế nào để tinh thần yêu nước, bảo vệ tổ quốc của người xưa mãi mãi sáng rực và truyền tới thế hệ mai sau. Tấm gương chiến đấu chống giặc Minh giành tự do, độc lập của anh hùng Lê Lợi và nghĩa sĩ của ông được đời sau nhận lấy, xiển dương và lấy đó làm vũ khí mới là mục đích thực của trùng tu di tích.

Rời Lam Kinh, lòng bùi ngùi nhớ lại câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo; Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.


Một cửa tiệm treo bảng Chuyên bán thật


Di tích khai quật được tại Thành Nhà Hồ



Một đoạn tường thành còn gần như nguyên vẹn


Cổng Nam thành Nhà Hồ




Khu thái miếu ở Lam Kinh


Lăng mộ vua Lê Thái Tổ




Bia Vĩnh Lăng ở Lam Kinh
http://baotreonline.com/48-gio-voi-thanh-hoa/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét