Ts Trần Công Trục: Liệu Việt - Lào có còn tình sâu?*
Nếu chúng ta cũng áp đặt quan điểm và lập trường của mình cho Lào hay các thành viên khác của ASEAN thì cách làm này cũng chẳng khác gì Trung Quốc.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, ảnh: VTV.
LTS: Dư luận truyền thông và mạng xã hội Việt Nam mấy ngày qua bàn tán xôn xao xung quanh phát biểu của Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith về Biển Đông khi trả lời phỏng vấn tờ Nikkei Asian Review hôm Thứ Bảy tuần trước. Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích thể hiện góc nhìn của ông về vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết của Tiến sĩ. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.Ngày 29/5, báo Nikkei Asian Review đăng một số nội dung phỏng vấn Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith về vấn đề Biển Đông vài vai trò, quan điểm của Lào xung quanh vấn đề này trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2016.
Có lẽ sẽ không có gì ồn ào nếu Nikkei Asian Review chỉ đưa nguyên văn phát biểu của Thủ tướng Lào. Dư luận chú ý đến bài báo với nhiều bình luận trái chiều vì Nikkei Asian Review giật tít: "Lào kêu gọi các cuộc đàm phán song phương về vấn đề Biển Đông".
Cá nhân tôi cho rằng, có lẽ phóng viên và ban biên tập Nikkei Asian Review đã hiểu chưa đúng nội dung phát biểu của Thủ tướng Lào, nên dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc. Nếu không nghiên cứu kỹ thì có thể làm cho quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam – Lào bị sứt mẻ.
Người Việt Nam chúng ta ai cũng biết, Lào không chỉ là bạn bè, láng giềng chân tình và thân thiện của Việt Nam, mà còn là quốc gia có tiếng nói quan trọng chúng ta cần tranh thủ trong khuôn khổ ASEAN và các diễn đàn khác trong khu vực cũng như trên thế giới.
Lập trường của Lào trong vấn đề Biển Đông qua phát biểu của Thủ tướng Thongloun Sisoulith
Theo nội dung trích dẫn của Nikkei Asian Review, Thủ tướng Thongloun Sisoulith nói rằng, ông sẽ thúc giục các nước liên quan tổ chức các cuộc đối thoại hướng tới việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, hàng hải trên Biển Đông.
"Là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Lào sẽ nỗ lực để tạo ra một môi trường thuận lợi cho các cuộc đối thoại tích cực giữa các nước có liên quan", Thủ tướng Thongloun Sisoulith cho biết. Lào sẽ thúc giục các quốc gia không có bất kỳ hành động nào để làm phức tạp thêm tình hình, gia tăng căng thẳng.
Phát biểu của Thủ tướng Lào chỉ có vậy, rõ ràng về mặt câu chữ, văn bản trên trang web của Nikkei Asian Review không có nội dung nào cho thấy Lào kêu gọi giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua "đàm phán song phương" theo quan điểm áp đặt của Trung Quốc.
Còn với cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN, việc Lào "tạo môi trường thuận lợi cho các cuộc đối thoại tích cực giữa các nước có liên quan" là hoàn toàn chuẩn mực và phù hợp. Không thể hiểu nội dung này thành Lào ủng hộ "đàm phán song phương" ở Biển Đông.
Bởi lẽ các tranh chấp ở Biển Đông rất phức tạp, có tranh chấp chủ quyền, có tranh chấp về áp dụng và giải thích Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, có tranh chấp về tự do hàng hải, hàng không, có tranh chấp song phương và tranh chấp đa phương.
Mỗi loại tranh chấp đều có cơ chế giải quyết riêng theo luật pháp quốc tế. Và muốn giải quyết các tranh chấp ấy một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, thì đối thoại là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachit thăm chính thức Việt Nam đầu tiên sau khi nhậm chức, ảnh: Báo Công An Nhân Dân.
Lào tạo môi trường thuận lợi cho các cuộc đối thoại, không có nghĩa là Lào can thiệp vào phương pháp giải quyết từng tranh chấp cụ thể.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 25/9 trước thềm hội nghị thượng đỉnh G-7 cũng thể hiện rất rõ quan điểm này.
Riêng tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam với Trung Quốc (Hoàng Sa và Trường Sa), ông cổ vũ hai nước đối thoại và đàm phán với nhau một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Mỹ không can thiệp.
Lập trường của Việt Nam cũng rất rõ ràng, Hoàng Sa có tranh chấp song phương và Trường Sa có tranh chấp đa phương, thì phải căn cứ vào bản chất tranh chấp để quyết định cách thức đàm phán.
Với Hoàng Sa, chúng ta muốn đàm phán song phương với Trung Quốc nhưng cho tới nay họ vẫn không chịu dù lãnh đạo của họ, ông Đặng Tiểu Bình trước đây đã từng cam kết với lãnh đạo Việt Nam, vấn đề Hoàng Sa để lại cho thế hệ sau đàm phán giải quyết.
Còn với tranh chấp phức tạp, đa phương ở Trường Sa muốn giải quyết thì buộc phải có sự hiện diện của tất cả các bên yêu sách trên bàn đàm phán.
Muốn tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, cần đặt mình vào vị trí của bạn
Lào là bạn bè, cũng là láng giềng "liền núi liền sông" với cả Việt Nam và Trung Quốc. Trong khi hỗ trợ của Trung Quốc về mặt kinh tế với Lào ngày càng tăng, các nhà lãnh đạo Lào vẫn chọn Việt Nam làm đất nước đến viếng thăm đầu tiên sau khi nhậm chức đã cho thấy tình cảm chân tình, trọng thị của các bạn Lào với Việt Nam như thế nào.
Lào không phải một quốc gia có yêu sách ở Biển Đông nên việc thể hiện lập trường sao cho trung lập, không nghiêng về bên nào trong các bên yêu sách chủ quyền, hàng hải luôn là vấn đề các nhà lãnh đạo nước bạn phải suy nghĩ.
Thế giới cũng như khu vực đã qua rồi cái thời chia phe này phe khác, thiết nghĩ chúng ta không nên để các bạn Lào hiểu rằng, Việt Nam muốn Lào phải lựa chọn.
Không riêng gì Lào, các quốc gia khác trong khu vực ASEAN cũng vậy. Bởi lẽ chúng ta đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết thì Lào hay các nước khác cũng vậy.
Vấn đề muốn tìm được mẫu số chung nhỏ nhất cho các bên trong cùng một vấn đề, thì các bên cần đặt mình vào vị trí đối phương để hiểu họ, từ đó mới có thể tranh thủ sự ủng hộ của họ.
Trung Quốc là một sức mạnh đang lên ở châu Á, có tham vọng độc chiếm Biển Đông làm ao nhà và ráo riết thực hiện tham vọng ấy bằng mọi thứ công cụ, trong đó có quân sự - kinh tế - chính trị - ngoại giao - truyền thông - pháp lý.
Đó là một thực tế. Cạnh tranh địa chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở Biển Đông cũng là một thực tế. Tất cả các nước ASEAN không có yêu sách ở Biển Đông khi lên tiếng đều phải tính đến việc cân bằng ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Do đó, phát biểu của Thủ tướng Thongloun Sisoulith cần được đặt trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị hết sức phức tạp và bản thân Lào cũng chịu nhiều sức ép từ các bên, đặc biệt là phía Trung Quốc.
Bắc Kinh càng gây sức ép với các nước như Lào, chúng ta càng nên lắng nghe và thấu hiểu để cùng bàn bạc, giải thích với Lào hay các quốc gia này về lập trường quan điểm của chúng ta để tìm kiếm một sự đồng thuận cho một phương án các bên chấp nhận được.
Nếu chúng ta cũng áp đặt quan điểm và lập trường của mình cho Lào hay các thành viên khác của ASEAN thì cách làm này cũng chẳng khác gì Trung Quốc.
Những lúc này cần hết sức bình tĩnh và tỉnh táo, thông qua đối thoại, phân tích thiệt hơn, nói rõ bản chất các tranh chấp và cơ chế giải quyết tranh chấp đi kèm, đưa ra các ví dụ cụ thể trong khu vực để bạn hiểu rõ hơn câu chuyện ở Biển Đông.
Ví như tranh chấp lãnh thổ Thái Lan - Campuchia, tranh chấp vùng chồng lấn giữa Malaysia - Indonesia - Singapore, hay ngay cả vùng chồng lấn giữa Việt Nam với một số nước trên Biển Đông đã được giải quyết rất êm đẹp bằng đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế, hoặc thông qua cơ quan tài phán quốc tế.
Còn những vấn đề pháp lý nào đã rõ ràng đúng sai theo phán quyết của các cơ quan tài phán có thẩm quyền như Tòa Trọng tài Thường trực PCA mà vẫn có nước phản đối, chúng ta cương quyết đấu tranh đến cùng.
Tuy nhiên thủ pháp đấu tranh ngoại giao cần linh hoạt, mềm dẻo, miễn sao người ta nghe được mình nghe được, và cuối cùng đạt được mục tiêu. Thiết nghĩ đó mới là chuyện quan trọng.
Bản thân ASEAN cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế
Vai trò, tầm quan trọng của ASEAN đối với hòa bình, ổn định ở Biển Đông là điều không có gì phải bàn cãi. Chính vì vậy Trung Quốc mới ra sức chia rẽ nội bộ thông qua việc lợi dụng "cơ chế đồng thuận" của khối, cũng như sức ép về kinh tế, ngoại giao đối với một số thành viên.
Do đó để tìm tiếng nói chung trong ASEAN về vấn đề phức tạp như Biển Đông, đòi hỏi một thái độ cầu thị, lắng nghe, khách quan và kiên nhẫn, dùng luật pháp quốc tế và lợi ích chung của cả cộng đồng khu vực làm thước đo thì mới mong hóa giải được căng thẳng và nguy cơ xung đột, đối đầu.
Chúng ta đều biết, ASEAN được thành lập và phát triển, củng cố dựa trên cơ sở đồng thuận, trong khi nền tảng và trình độ phát triển kinh tế giữa các thành viên không đồng đều, mô hình nhà nước, thể chế chính trị cho đến mối quan tâm hay lợi ích của từng nước cũng có nhiều khác biệt.
Do đó việc khó khăn trong tìm tiếng nói chung trong ASEAN về vấn đề phức tạp như Biển Đông là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt khi có bàn tay bên ngoài can thiệp vào.
Ngay cả Liên minh châu Âu là một thực thể kinh tế lớn trên thế giới, có nhiều thành viên là các nước phát triển hiện nay cũng còn phải đối mặt với nguy cơ chia rẽ, với việc Vương quốc Anh có ý định xin rút khỏi EU, thì những tiếng nói khác biệt trong ASEAN thiết nghĩ là chuyện hết sức bình thường.
Chúng ta phải lắng nghe được những ý kiến khác biệt mới mong tranh thủ tiếng nói ủng hộ và đoàn kết thống nhất trong khối.
Tuy nhiên, Biển Đông và các tranh chấp phức tạp của nó đang ngày càng có nguy cơ bộc phát thành xung đột, đối đầu bởi tham vọng bành trướng của Trung Quốc cũng như cạnh tranh giữa các siêu cường.
Muốn giải quyết các tranh chấp này trong bối cảnh Trung Quốc một mình một kiểu, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong ASEAN có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Lợi ích của các thành viên ASEAN trên Biển Đông không giống nhau, do đó phản ứng của các bên khác nhau. Nhưng một khi để chiến tranh, xung đột nổ ra ở Biển Đông thì người viết tin rằng, tất cả 10 thành viên đều phải hứng chịu hậu quả không nhỏ, chứ chẳng riêng gì 4 nước có yêu sách.
Do đó bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế, trật tự quốc tế, tự do hàng hải hàng không trên Biển Đông có ý nghĩa quan trọng sống còn và là trách nhiệm chung của ASEAN.
Trong đó bàn bạc, thống nhất nhận thức về cơ chế giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế là việc làm cấp bách, thường xuyên và cần thiết.
Trong những vấn đề mang tính chất quyết định, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông như việc có ra nghị quyết ủng hộ phán quyết của PCA hay không, thiết nghĩ ASEAN cần thay đổi cơ chế từ "đồng thuận" tập thể 10 thành viên, sang cơ chế biểu quyết "thiểu số phục tùng đa số" sau khi đã nỗ lực đối thoại, trao đổi mọi khía cạnh của vấn đề.
Chỉ có như vậy, ASEAN mới trở nên mạnh mẽ, tránh bị biến thành công cụ hay sân sau của bất kỳ siêu cường nào. Chỉ có như vậy, ASEAN mới đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của các nước thành viên, cũng như mục đích khi thành lập tổ chức.
Cũng chỉ có như vậy ASEAN mới trở thành một thực thể có tiếng nói quyết định trong các vấn đề liên quan đến vận mệnh của cả khối, của khu vực mà Biển Đông là trọng điểm.
Người viết đưa ra một số suy nghĩ của mình với hy vọng chia sẻ cùng cộng đồng, chung tay bảo vệ hòa bình ổn định, luật pháp quốc tế ở Biển Đông, bảo vệ đoàn kết nội bộ trong ASEAN, bảo vệ tình cảm và quan hệ láng giềng hữu nghị trong sáng Việt - Lào.
Lào là bạn tốt, là láng giềng thân thiết của chúng ta, là người bạn chí tình chí cốt, thủy chung, không có thế lực nào có thể chia rẽ được, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:
“Việt - Lào hai nước chúng ta,
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long!”
(Giáo Dục)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét