Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Paul Krugman: Nếu kinh tế Trung Quốc sẩy chân...

Paul Krugman: Nếu kinh tế Trung Quốc sẩy chân...
Chánh Tài (TBKTSG Online) - Nếu kinh tế Trung Quốc (TQ) “hạ cánh cứng” (tức tăng trưởng đột ngột trượt dốc nhanh) và hiệu ứng tiêu cực lan tỏa ra khắp toàn cầu thì điều đáng lo ngại là thế giới vẫn chưa có một kế hoạch B để ứng phó. Nhà kinh tế học người Mỹ Paul Krugman, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2008, nhận định như vậy trong bài xã luận nhan đề “Khi Trung Quốc sẩy chân” đăng trên tờ The New York Times ngày 8-1.

Một phụ nữ đang mua sắm tại một siêu thị ở Bắc Kinh. Để nền kinh tế ổn định hơn, TQ cần phải nhanh chóng thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Ảnh: Getty Images

Mở đầu bài xã luận, Krugman đặt vấn đề liệu các vấn đề kinh tế hiện nay của TQ sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hay không? Và theo phân tích của ông: “Tin tốt lành là các số liệu (của nền kinh tế TQ) mà tôi đọc được dường như không quá nghiêm trọng để gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tin xấu là tôi có thể sai vì lây lan khủng hoảng kinh tế toàn cầu dường như tệ tại hơn nhiều so với những gì con số chính xác có thể nói lên. Và tin xấu hơn nữa là nếu TQ gây một cú sốc cho phần còn lại của thế giới thì rõ ràng chúng ta chưa sẵn sàng ứng phó với các hậu quả”.

Krugman nhận định trong thời điểm này, rõ ràng nền kinh tế TQ đang gặp vấn đề lớn, nhưng lớn như thế nào thật khó biết vì không ai tin vào các số liệu thống kê chính thức của TQ. Vấn đề cơ bản là mô hình kinh tế TQ, vốn có mức độ tiết kiệm tiền mặt cao và sức tiêu thụ rất thấp, chỉ bền vững khi TQ có thể tăng trưởng cực nhanh để có lý do hợp lý đẩy mạnh đầu tư. Tăng trưởng nhanh là có thể nếu TQ có nguồn dự trữ lao động khổng lồ ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay, điều đó không còn đúng nữa (đa số lao động nông thôn đã di cư vào các thành phố) và TQ giờ đây phải đối mặt với một bài toán khó khăn là phải chuyển tiếp nền kinh tế sang giai đoạn tăng trưởng thấp hơn nhiều mà không để sẩy chân rơi vào vào suy thoái.

Theo Krugman, một chiến lược hợp lý đối với TQ là phải “câu giờ” bằng cách mở rộng tín dụng và tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong khi cải cách nền kinh tế theo hướng tăng cường sức mua của các hộ gia đình.

Chẳng may thay, TQ chỉ theo đuổi nửa vời chiến lược này, “câu giờ” nhưng rồi lãng phí nó. Kết quả là các khoản nợ tăng nhanh, phần lớn là khoản vay nợ từ các “ngân hàng ngầm” (từ tiếng Anh là shadow bank, ám chỉ đến các định chế tài chính phi ngân hàng vốn không bị quản lý chặt chẽ), đe dọa gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính.

Bài xã luận nhận định: “Tình hình TQ có vẻ khá ảm đạm và các số liệu mới về nền kinh tế đã củng cố thêm các lo ngại về nguy cơ hạ cánh cứng, dẫn đến không chỉ thị trường chứng khoán TQ lao dốc mà các thị trường chứng khoán trên thế giới cũng giảm mạnh... Và một số người thông thái nghĩ rằng các hệ lụy mà TQ gây ra cho toàn cầu thực sự đáng sợ; nhà tài phiệt George Soros đang cảnh báo nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu như năm 2008”.

Krugman ghi nhận rằng Trung Quốc là nền kinh tế lớn, chiếm 25% năng lực sản xuất của thế giới, vì vậy những gì xảy ra ở TQ chắc chắn dẫn đến những hệ lụy cho thế giới. TQ mua hơn 2.000 tỉ đô la Mỹ giá trị hàng hóa và dịch vụ từ từ phần còn lại thế giới mỗi năm. Tuy nhiên, trong một thế giới rộng lớn với tổng GDP không tính TQ hơn 60.000 tỉ đô la Mỹ thì sụt giảm mạnh trong nhập khẩu của TQ cũng chỉ tác động khiêm tốn đến chi tiêu của thế giới.

Theo Krugman, một lý do khiến cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn của Mỹ lan tỏa thành cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008 là vì các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các ngân hàng châu Âu nói riêng hóa ra lại là những đối tượng bị thua lỗ nặng vì đã đầu tư nhiều vào chứng khoán được bảo đảm bằng nợ dưới chuẩn của Mỹ. Trong khi đó, TQ kiểm soát vốn chặt chẽ đối với các nhà đầu tư nước ngoài, vậy nên nếu thị trường chứng khoán TQ sụt giảm hoặc có những vụ vỡ nợ lớn trong nước thì tác động lan tỏa trực tiếp ra toàn cầu của chúng rất ít.

Krugman viết: “Tất cả những điều này nói rằng dù nền kinh tế TQ đang gặp vấn đề lớn, hậu quả cho phần còn lại của chúng ta có thể quản lý được. Nhưng tôi phải thừa nhận rằng tôi không bảo đảm về về điều này như phân tích trên chỉ ra tôi phải như vậy”.

Ông lý giải rằng các chu kỳ kinh tế đi qua các nước dường như thường đồng bộ hơn mức chúng ta nghĩ. Chẳng hạn, châu Âu và Mỹ xuất khẩu qua lại thị trường của nhau chỉ một phần nhỏ những gì họ sản xuất nhưng cả hai bên thường suy thoái và phục hồi cùng một thời điểm. Các liên kết tài chính có thể giải thích một phần cho chuyện này nhưng một phần là do lây nhiễm mang tính tâm lý: Tin tức xấu hay tốt ở một nước lớn có thể tác động đến tâm lý bầy đàn ở các nước khác.

Krugman lo ngại rằng TQ có thể “xuất khẩu” các khó khăn kinh tế theo những cách mà các tính toán thô sơ không lường được. Ông lo ngại rằng các vấn đề của nền kinh tế TQ bằng cách này hay cách khác khiến chi tiêu cho đầu tư suy giảm ở Mỹ và châu Âu cũng như ở các thị trường mới nổi khác. Ông viết: “Nếu các lo ngại của tôi thành sự thật, thật đáng buồn là chúng ta chưa sẵn sàng để ứng phó với cú sốc này”.

Theo ông, hiện nay, thế giới có rất ít giải pháp để phản ứng nếu nền kinh tế TQ suy giảm mạnh và gây ra cú sốc. Chính sách tiền tệ chỉ có thể hỗ trợ rất ít vì hiện nay mức lãi suất ở Mỹ vẫn thấp, tiệm cận 0% và lạm phát vẫn dưới mục tiêu, do vậy khả năng chống lại suy thoái kinh tế của Cục Dự trữ liên bang Mỹ bằng cách nới lỏng tiền tệ bị hạn chế. Đó là chưa kể hiệu quả hoạt động của Fed có thể làm giảm vì cơ quan này đang có ý định tiếp tục tăng lãi suất. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương châu Âu đã tận dụng tối đa quyền hạn của mình (giảm lãi suất tiền gửi xuống -0,3%) nhưng nỗ lực này vẫn chưa giúp tăng lạm phát.

Nới lỏng chính sách tài chính, bằng cách tăng chi tiêu để bù vào các tác động chi tiêu thấp ở TQ, chắc chắn có hiệu quả nhưng có mấy ai tin rằng phe Cộng hòa sẽ đón nhận một kế hoạch kích thích kinh tế mới của Tổng thống Obama hay các chính trị gia Đức sẽ đánh giá tích cực về một đề xuất khiến thâm hụt tài chính lớn hơn ở châu Âu?

Krugman kết luận: “Giờ đây, dự đoán tốt nhất của tôi là mọi việc không xấu đến mức như trên, nghiêm trọng ở TQ nhưng chỉ là một chút biến động ở nơi khác. Và tôi thực sự hy vọng rằng dự đoán đó đúng vì chúng ta dường như không có kế hoạch B ở trước mắt”.
http://www.thesaigontimes.vn/140942/Paul-Krugman-Neu-kinh-te-Trung-Quoc-say-chan.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét