Giáo dục thời rúc rào: Vỡ trận tuyển sinh đại học 2015
TẠI SAO BỘ KHÔNG TỔ CHỨC TUYỂN SINH TẬP TRUNG ONLINE?
Nhân vụ "vỡ trận" tuyển sinh đại học năm nay (2015). Tôi biên loạt bài về vấn đề này. Bài đầu tiên tôi đề xuất về cách thức tuyển sinh chung để đặt ra câu hỏi: "Vì sao bộ GD&ĐT không tuyển sinh tập trung online?". Có thể cách thức tôi nêu ra ở đây có thể còn nhiều khiếm khuyết, nhưng tôi cho rằng hoàn toàn có thể áp dụng được.1. Cơ sở xét tuyển: Trên cơ sở điểm thi của kỳ thi 3 chung, các thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. Nội dung này ai cũng biết, tôi không cần phải nói thêm.
2. Phương thức đăng ký: Các thí sinh đăng ký online trên trang web xét tuyển.
Đối với các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa thì hoàn toàn có thể tập trung về phòng tin học của trường THPT (nơi thí sinh học lớp 12) để đăng ký (Theo như tôi biết thì hiện tại 100% các trường THPT trên cả nước có mạng internet).
3. Cơ sở dữ liệu: Trên cơ sở tổ hợp môn học xét tuyển đại học, số lượng các trường đại học, số ngành tuyển sinh đăng ký, đối tượng ưu tiên, địa phương,... để xây dựng cơ sở dữ liệu xét tuyển.
Chỉ với khoảng 20 trường dữ liệu. Tôi cho rằng chỉ cần 5 chuyên gia tin học trong vòng khoảng 2 tháng là lập được thuật toán và xây dựng hoàn chỉnh trang web.
4. Phương thức tuyển sinh: Dựa trên các ngành tuyển sinh của các trường đại học đã được bộ GD&ĐT chấp thuận với các tổ hợp môn học xét tuyển. Thí sinh có thể lựa chọn trường đại học, ngành học (thậm chí đến mức chuyên ngành) để đăng ký. Các trường thông tin hợp lệ cần có trong phiếu đăng ký như tôi đã nói ở mục (3). Nếu thí sinh điền đầy đủ và hợp lệ, thông tin đăng ký được chấp thuận và đưa về hệ thống máy chủ để xử lý số liệu.
Thí sinh hoàn toàn có thể đánh giá được khả năng trúng tuyển thông qua kết quả tổng hợp được phân tích liên tục. Khi không thấy danh sách nằm trong bảng trúng tuyển tạm thời, thì sinh sẽ chỉnh sửa lại bản đăng ký để đăng ký vào trường khác, ngành khác.
Tôi ví dụ: Ngành A của trường đại học B có chỉ tiêu tuyển sinh là 100. Và 100 người đăng ký có điểm số cao nhất được thể hiện trong kết quả đăng ký. Như vậy những thí sinh có điểm thấp hơn sẽ được quyền sửa lại bản thông tin đăng ký để xét tuyển vào trường khác.
Khi những thí sinh nằm trong danh sách 100 người trúng tuyển nhưng muốn đăng ký lại trường khác thì đây sẽ là cơ hội cho thí sinh có điểm thấp hơn đăng ký vào ngành này.
Và với cách làm này, chỉ những thí sinh nằm sát điểm trúng tuyển tạm thời mới phải chờ đợi cơ hội. Còn các thí sinh cách xa điểm trúng tuyển tạm thời sẽ đăng ký trường khác, ngành khác. Không phải lo lắng, hồi hộp chờ đợi như đánh đề.
Ví dụ: điểm trúng tuyển thấp nhất cho 100 thí sinh nêu trên là 24 điểm thì các thí sinh có điểm là 23,5 hay 23,75 mới chờ cơ hội, vì sẽ có những thí sinh trong 100 người trúng tuyển tạm thời rút đăng ký ngành khác trường khác. Còn các thí sinh từ 23,25 điểm tự biết đăng ký ngành khác trường khác, vì không còn cơ hội.
Với cách làm này, tỷ lệ đăng ký ảo hầu như không có. Và với thời gian đăng ký xét tuyển (dự kiến khoảng 2 tuần) thì hầu như danh sách xét tuyển của cách trường đã ổn định và công khai. Khả năng phân hóa năng lực theo top trường là rất rõ ràng.
5. Thông báo trúng tuyển: Hết thời hạn đăng ký xét tuyển, danh sách các thí sinh trúng tuyển đã công khai trên trang web. Các trường chỉ việc nhận dữ liệu về và gửi thông báo trúng tuyển online, không cần phải mất công in giấy.
6. Hạ tầng công nghệ thông tin: Chỉ với khoảng gần 1 triệu thí sinh đăng ký trong vòng 2 tuần cũng như cơ sở dữ liệu đơn giản thì hạ tầng CNTT cũng khá đơn giản. Dung lượng của CSDL không lớn, mức độ truy cập mạng không cao (trừ một vài ngày đầu thí sinh sốt ruột nên ồ ạt đăng ký), có thể thiết lập một server riêng cho công tác này hoặc để chung trong server của bộ cũng chẳng sao.
Cũng chẳng cần phải chia sẻ dữ liệu cho các trường đại học. Mỗi trường chỉ cần đặt một đường link trên trang chủ của trường link đến trang web tuyển sinh của bộ là xong.
7. Kinh phí thực hiện: Như cách thức tôi nêu trên, kinh phí để thực hiện việc này chỉ là lập thuật toán và xây dựng trang web (phần mềm) và đầu tư/hoặc mở rộng hạ tầng CNTT (phần cứng). Với 2 nội dung này thì kinh phí đầu tư không quá 2 triệu USD (khoảng 40 tỷ). Nếu kêu gọi quảng cáo trên trang web này thì chả cần tiền ngân sách, vì tôi tin rằng đầy doanh nghiệp lớn muốn quảng cáo và muốn tài trợ cho công tác giáo dục này.
Còn chi phí về nhân lực thì bằng không (0). Bởi lẽ bộ GD&ĐT phải cử cán bộ, chuyên viên ra mà làm chứ. Cả cục Khảo thí và ĐBCL lẫn cục Công nghệ thông tin chả đến hơn trăm người chứ ít gì.
Các trường đại học cũng chẳng cần lập ban chỉ đạo, tổ tuyển sinh. Chẳng cần ngồi từ sáng đến tối để thí sinh nộp vào rút ra. Chỉ riêng bỏ được công tác này cho hơn 400 trường đại học trong hơn 2 tuần thì tiết kiệm được cả trăm tỷ chứ chả đùa (và dĩ nhiên chi phí này là ngân sách của nhà nước).
-----------------------------------------
Tóm lại:
Với phương thức tuyển sinh theo tôi đề xuất ở trên vừa đơn giản, nhanh gọn, chính xác và không làm tốn kém nguồn lực xã hội lẫn nguồn lực ngân sách nhà nước cho công tác này.
Sẽ không còn cảnh cha mẹ con cái cơm đùm cơm nắm lên rút ra rút vào lẫn tốn kém bạc tiền đi đi lại lại. Cũng sẽ không còn cảnh thí sinh hồi hộp thấp thoảng mong chờ kết quả như chơi chứng khoán nữa.
Sẽ không còn cảnh các trường đại học lúng túng như gà mắc tóc vì vừa chờ các hướng dẫn của bộ, vừa lo trường không tuyển sinh được.
Sẽ có người hỏi tôi rằng: Sao đơn giản như thế mà bộ GD&ĐT không nghĩ ra?
Tôi trả lời như này: Chẳng phải tôi giỏi giang gì cả, mà việc này những ai làm trong lĩnh vực này, hoặc quan tâm đến lĩnh vực này đều nhìn thấy, nghĩ được. Các quan chức của bộ dĩ nhiên rất nhiều người giỏi giang hơn chúng tôi, và sẽ có rất nhiều người nhìn thấy vấn đề này.
Còn tại sao họ nhìn thấy mà không làm thì đi lên mà hỏi ông zời í, đừng hỏi tôi.
Tôi mà trả lời được thì chả ngồi đây chém-zó.
© 2015 Baron Trịnh
(Baron Trịnh Blog)
http://bautx.blogspot.com/2015/08/giao-duc-thoi-ruc-rao-6-vo-tran-tuyen.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét