VN rất tham vọng trong xử lý nợ xấu, tái cấu trúc ngân hàng!
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Việt Nam rất tham vọng khi vừa muốn thay đổi cách thức phát triển, thay đổi cách phân bổ nguồn lực và tái cấu trúc ngân hàng. Nhưng đồng thời, Việt Nam còn muốn 4 vấn đề khác là phải ổn định kinh tế, ổn định hệ thống tài chính, phục hồi nền kinh tế và chi phí cho tái cấu trúc phải là nhỏ nhất.
Tôi cho rằng chúng ta cần đặt ra câu hỏi là Việt Nam muốn gì từ việc tái cấu trúc ngân hàng trong bối cảnh khủng hoảng? Chúng ta rất tham vọng, muốn thay đổi cách thức phát triển, thay đổi cách phân bổ nguồn lực và trong đó tái cấu trúc ngân hàng là một điểm rất quan trọng. Nhưng đồng thời, chúng ta còn muốn 4 thứ khác trong việc tái cấu trúc, đặc biệt là tái cấu trúc ngân hàng.
Thứ nhất, kinh tế phải ổn định trở lại, cùng với tái cấu trúc là phải ổn định được kinh tế vĩ mô.
Thứ hai, vào thời điểm khủng hoảng, có thể nói hệ thống ngân hàng nói chung, trong đó có rất nhiều ngân hàng yếu kém đứng trước bờ vực phá sản. Như vậy, tái cấu trúc nhưng phải ổn định lại được hệ thống, ít nhiều làm cho thị trường tài chính hoạt động ổn định trở lại.
Thứ ba, tái cấu trúc cả hệ thống kinh tế và hệ thống ngân hàng trong bối cảnh không chỉ muốn ổn định, nhất là trong 2 năm gần đây, mà còn muốn đôi chút có sự phục hồi nền kinh tế. Và gánh nặng của chính sách vĩ mô đặt lên chính sách tiền tệ, khó khăn của ngân sách bởi nợ công đang gia tăng rất nhanh.
Thứ tư, chúng ta muốn chi phí cho quá trình điều chỉnh, tái cấu trúc nền kinh tế và tái cấu trúc ngành ngân hàng là nhỏ nhất. Nói không có thì không ai tin nhưng phải là nhỏ nhất.
Có thể nói Việt Nam rất tham vọng.
Mặc dù Việt Nam rất tham vọng, nhưng theo ông, cho đến nay chúng ta đã đạt được những gì và chưa làm được những gì?
Có thể thấy, điều đầu tiên mà chúng ta đạt được là hệ thống ngân hàng ổn định trở lại bước đầu, tránh được sự đổ vỡ của cả hệ thống, mặc dù một số ngân hàng hiện nay vẫn còn chênh vênh, yếu kém, câu chuyện của Ngân hàng Xây dựng vừa qua đã cho thấy điều đó.
Thứ hai, các chỉ số kinh tế vĩ mô như cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại tệ, lạm phát... được các tổ chức tài chính nước ngoài đánh giá là đã cải thiện rõ rệt.
Nhưng có ba vấn đề khác vẫn là thách thức với chúng ta. Vấn đề thứ nhất, kinh tế phục hồi dần nhưng sự phục hồi này là rất mong manh. Không phải là do có sự kiện biển Đông mà ngay từ đầu năm chúng tôi đã đánh giá là mục tiêu tăng trưởng 5,8% năm 2014 là rất khó khăn, chứ chưa nói là có thêm câu chuyện biển Đông diễn ra.
Vấn đề thứ hai là chúng ta đang thoát ly khỏi mục tiêu chính sách tiền tệ mà chúng ta đã đặt ra trong Luật sửa đổi chính sách tiền tệ. Tức là mục tiêu của chính sách tiền tệ góp phần tăng trưởng một phần, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô đặc biệt là sự ổn định của đồng tiền Việt Nam.
Nhưng bây giờ, bất kỳ một chương trình nào gắn với dòng vốn đều dồn lên vai ngân hàng, cứ từng cục, từng cục mấy chục nghìn tỷ là NHNN lại hứa, lại hẹn sẽ có. Nếu về ngắn hạn thì có thể không thành vấn đề, nhưng về dài hạn mà vẫn tiếp tục thế này thì lại thành câu chuyện chính sách tiền tệ long đong chạy theo mục tiêu tăng trưởng và có nguy cơ gây méo mó về phân bổ nguồn lực, gây rủi ro, tạo hệ lụy trong tương lai mà bây giờ chúng ta chưa đánh giá được hết.
Đó là do sức ép về an ninh quốc phòng, do những vấn đề xã hội từ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nhà nước, chế biến xuất khẩu, đánh bắt cá xa bờ... rất là nhiều. Kể cả trái phiếu Chính phủ hiện nay về cơ bản cũng là gánh nặng. Rất may là thanh khoản ngân hàng đang dư dả nên vẫn còn tiền mua trái phiếu.
Vấn đề thứ ba là chi phí cho sự điều chỉnh này sẽ không phải là nhỏ. Tôi chỉ lấy hai ví dụ đơn giản, chỉ riêng chi phí điều chỉnh và tái cấu trúc hệ thống, xử lý nợ xấu của Thái Lan trong giai đoạn sau khủng hoảng đã lên đến 3% GDP. Còn chi phí của Việt Nam cho tái cấu trúc ngân hàng vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2.000 là 5% GDP của Việt Nam lúc bấy giờ. Tất nhiên là GDP của Việt Nam thời điểm đó chỉ trên dưới 100 tỷ USD. Và chi phí này vẫn là một câu hỏi được đặt ra, bởi sự dây dưa và lâu dài trong việc xử lý nợ xấu.
Mặc dù có những thành công bước đầu mà chúng ta đạt được trên con đường tái cơ cấu nền kinh tế và hệ thống ngân hàng nhưng vẫn còn đó những vấn đề đang đặt ra. Rõ ràng, giai đoạn thứ hai này là khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều, bởi vì chúng ta không chỉ ổn định hệ thống ngân hàng với 4 điều kiện mà chúng ta mong muốn mà còn phải lành mạnh hóa được hệ thống tài chính - ngân hàng, như một tiền đề để đưa quá trình tái cấu trúc này vào quỹ đạo mà chúng ta muốn, với các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính được phân bổ có hiệu quả hơn.
Theo ông, nhiệm vụ cơ bản trong quá trình tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu đang đặt ra cho Việt Nam lúc này là gì?
Nếu nói tái cấu trúc ngân hàng khi đọc Quyết định của Thủ tướng khá là nhiều, nhưng tóm lại là có 4 vấn đề lớn.
Thứ nhất, phải minh bạch hóa thông tin, mà vấn đề đặt ra là đầy đủ chính sách, kịp thời và phải làm rất mạnh.
Thứ hai, giám sát tài chính. Cả hệ thống tài chính, trong đó có hệ thống tín dụng có mối liên quan đến nền kinh tế và thị trường BĐS cho nên chúng ta phải có sự giám sát đủ sâu, đủ chuyên nghiệp và đủ chính xác, làm được những điều này cũng là cả một thách thức.
Thứ ba, quản trị theo những thông lệ tốt nhất, đặc biệt là quản trị rủi ro theo các tiêu chuẩn của quốc tế.
Thứ tư, xử lý từng vấn đề với từng ngân hàng cụ thể, bao gồm các ngân hàng yếu kém phải tiếp tục lành mạnh hóa hệ thống này, đó là vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo. Nếu chúng ta nhìn các bước xử lý nợ xấu thì VAMC thành lập vào tháng 7.2014 mới chỉ là một phần trong giai đoạn thứ 2 để lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.
Còn đối với hoạt động của Công ty mua bán nợ xấu VAMC, ông có đánh giá như thế nào?
Với VAMC thì có 3 vấn đề mà tôi muốn đề cập. Thứ nhất là tốc độ và thời gian. Bài học cho thấy xử lý nợ xấu và cục nợ xấu lớn như thế nào. Hệ thống ngân hàng không tự xử lý được, xử lý càng chậm, thời gian càng lâu thì chi phí cho tái cấu trúc vẫn là một câu hỏi càng lớn.
Thứ hai, về nguyên tắc chúng ta có thể thấy rất nhiều bài học quốc tế, nhưng để một cơ quan xử lý nợ xấu có đủ khả năng thì nó phải là một "chàng trai" vô cùng dũng mãnh, phải có đủ năng lực, nguồn lực, quyền lực và pháp lực.
Về năng lực thì VAMC chỉ có mấy chục người, tôi chỉ lấy ví dụ như xử lý nợ xấu để phát triển thị trường nợ, đánh giá mua bán nợ thì cả nghìn chuyên gia còn là rất khó.
Về nguồn lực tài chính, chúng ta làm theo kiểu rất Việt Nam. Chuyên gia nước ngoài có 2 quan điểm đánh giá về VAMC, một quan điểm là Việt Nam "điên", còn một quan điểm là Việt Nam cực thông minh, cực giỏi.
Để gia tăng nguồn lực tài chính có rất nhiều cách, cách thứ nhất là các nguồn lực sẵn có, ví dụ như cổ phần hóa doanh nghiệp, ngoài ra còn một cách khác có thể tạo ra tiền, quay vòng đồng tiền là khi VAMC có đủ quyền lực và pháp lực. Thị trường mua bán nợ phải phát triển, phải bán được cục nợ nào đấy thì mới có tiền để làm tiếp. Đấy cũng là cách.
Nói về pháp lực thì Việt Nam có hai vấn đề lớn là phát triển thị trường mua bán nợ và xử lý tài sản đảm bảo. Tôi không hiểu lắm về pháp lý nhưng ở Việt Nam có một cái rất hay mà chúng ta có thể vượt qua được mà không cần chờ đến luật là làm tạm thời, thí điểm. Tại một số nước Bắc Âu, họ trao quyền đó cho công ty mua bán nợ xấu. Phải nghĩ ra những cách rất đặc biệt để VAMC có thể làm, để tạo ra tiền, chứ hiện nay chúng ta chưa có cách để bơm tiền.
Thứ ba về VAMC là bên cạnh việc gắn liền với thị trường BĐS mà Quốc hội đang xem xét về Luật kinh doanh BĐS, Luật nhà ở... thì còn có vấn đề phối hợp. Nợ xấu ở Việt Nam với tài sản đảm bảo cơ bản là BĐS nên để xử lý được khoản nợ này thì thị trường BĐS phải sôi động, phải có giao dịch. Với việc thừa nguồn cung đặc biệt là phân khúc trung, cao cấp của BĐS Việt Nam thì việc mở cửa, tăng cầu cho thị trường này sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xử lý nợ xấu.
Nếu nhìn tổng thể câu chuyện như vậy thì chúng ta thấy, để xử lý nợ xấu rất cần sự phối hợp giữa NHNN với các cơ quan pháp luật và áp dụng pháp luật, tạo pháp quyền cho cơ quan xử lý nợ xấu, cũng như gắn liền với các bộ ngành khác, đặc biệt là Bộ Tài chính. Nói một cách tổng quát là sự vào cuộc của NHNN, và cần sự chung tay của nhiều Bộ ngành khác.
Xin cảm ơn ông!
Duyên Duyên (ghi)
http://motthegioi.vn/kinh-te/vn-rat-tham-vong-trong-xu-ly-no-xau-tai-cau-truc-ngan-hang-101864.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét