“Lão nông tóc vàng” được vợ tặng… lăng mộ
Robert Podunavac là người ít nói nhất của vùng Tam Lãnh, nhưng những việc ông làm lại nói lên nhiều điều. Từ bỏ tất cả cuộc sống phồn hoa đô thị, người đàn ông đến từ nửa vòng Trái đất này mang tất cả vốn liếng đến vùng Tam Lãnh để trồng rừng và lập trang trại nuôi gia cầm. Làm tất cả những điều đó, Robert Podunavac chỉ đơn giản được sống như một nông dân Việt Nam và sau này chết cũng như một nông dân Việt Nam.
Robert và vợ trồng cây
“Lão nông tóc vàng”
Những ngày đầu sau đám cưới, vợ chồng ông Robert Podunavac trở lại Sài Gòn để tiếp tục công việc, nhưng chưa được bao lâu, sự ồn ào của phố xá, sự bon chen của người đời đã khiến ông nhớ quay quắt cánh rừng rì rào gió, tiếng dế kêu rỉ rả hàng đêm và những cánh chim miệt mài về rừng mỗi tối. Rồi một chiều cuối năm 2006, đứng trên tầng 5 ngôi nhà nhìn những chú chim đang mải miết bay về phía chân trời, ông bảo vợ: “Tôi và em về quê lập nghiệp thôi (!)”. Nghe những câu hỏi dường như đã nằm trong dự liệu, ông trầm giọng trả lời: “Vì tôi thích sự tĩnh lặng và vẻ đẹp ở đó. Về đấy, tôi và em sẽ làm lại tất cả (!)”. Rất nhanh sau cuộc nói chuyện đấy, hai người bỏ chốn thành thị xa hoa về miền núi rừng Tam Lãnh sinh sống.
Đầu năm 2006, chị Thy Nhơn bàn với chồng thành lập Công ty TNHH Hà Nhơn để trồng rừng. Bởi sau những chuyến về thăm quê, chị nhận thấy rừng đầu nguồn hồ Phú Ninh (khu du lịch sinh thái) chỉ còn lại trơ trụi những quả đồi trọc. Robert Podunavac đồng ý ngay và về Mỹ làm giấy tờ, thủ tục sang góp vốn đầu tư. “Cả đời ông ấy chỉ muốn làm nông dân. Ông ấy đã đi nhiều nơi, làm nhiều điều khác, có việc thành công, cũng có điều không như mong muốn nhưng khi trở lại chốn này, Robert chỉ muốn được tự tay trồng cây, tự tay chăm rừng, tự tay nuôi gia cầm… điều mà suốt quãng đời bảy mươi năm trước ông ấy chưa làm được (!)”, chị Thy Nhơn nói rồi hướng tay ra phía xa xa. Ở đó, chúng tôi thấy những khuôn viên nuôi gia cầm và ao thả cá được quy hoạch cực kỳ khoa học. Nơi ấy, ông ngày ngày vui với thú điền viên hệt như một lão nông Việt chính gốc.
Chị Thy Nhơn kể, ngày nào ông cũng dậy từ sớm, lấy thóc từ trong những chiếc chum để trong nhà kho và vung ra giữa sân, miệng gọi “Cúc! Cúc!” cho bầy gà ăn, ánh mắt ông mãn nguyện lắm. Xong việc, ông vác cuốc vào rừng, vun lại những gốc cây, phát những cành cây khô như thợ rừng bản địa. Robert vốn lặng lẽ, ít nói nhưng không phải vì thế mà ông lạnh lùng. Vốn tiếng Việt của ông vẫn còn khá ít ỏi, chỉ đủ để giao tiếp những câu thông thường, nhiều chuyện khác ông chỉ dùng ngôn ngữ chân tay. “Ôm” mấy ha rừng, một trang trại nuôi gia cầm… ông phải thuê thêm người làm công. Nhưng hàng ngày, Robert vẫn xắn quần ra đồng làm cỏ, vào rừng phát cây chứ không “chắp tay sau lưng” chỉ đạo như nhiều ông chủ trịch thượng khác. Thấy những người thợ lao động vất vả, ông đều bảo vợ bồi dưỡng thêm. Có lần thấy mấy chị em phụ nữ phải ngồi bệt xuống đất làm việc, ông lặng lẽ chạy xuống phố mua một lô ghế nhựa về để mọi ngồi.
Gần 7 năm trôi qua, hạnh phúc cuộc đời của Robert đọng lại ở những điều giản dị như thế. Bên cạnh chị Thy Nhơn, ông dành phần lớn thời gian cho công việc trồng rừng và chăn nuôi gà, vịt. Đến bây giờ, cánh rừng keo lá tràm, với diện tích 3ha của họ đã cao vút. Đặc biệt, khi về định cư tại Tam Lãnh, Robert Podunavac thường gần gũi với những người dân trong thôn, giúp đỡ người nghèo khó nhất là những học sinh nghèo hiếu học. Ông thường mua cặp, bút, sách vở, áo mới tặng các cháu nên được bà con quý mến. “Đời tôi gian truân chìm nổi như Nhơn. Còn lại những ngày tháng cuối đời, chúng tôi cố xây dựng cơ ngơi đàng hoàng, một ít để lại cho con và đưa vào quỹ từ thiện nhân đạo. Làm được điều đó, tôi mới yên lòng nhắm mắt tại mảnh đất đầy yêu thường này”, Robert tâm sự.
Món quà tình yêu đặc biệt
Hạnh phúc khi lên chức “ông ngoại”
Bây giờ, con trai, con gái chị Nhơn đã có gia đình. Hai người đã lên chức ông bà ngoại, lại được vui vầy với con cháu, một điều mà có trong mơ Robert vẫn không dám nghĩ tới. Mỗi lần nhớ lại thời khốn khó và những tình cảm xa xưa, cả chị và Robert dường như trẻ lại. Viên mãn cuối đời, mỗi chiều ông lại ngồi bên cửa. Dáng ngồi và khuôn mặt bình thản của Robert gợi cho người ta cảm giác ông đã thuộc về nơi này từ lâu lắm. Bây giờ, ở nơi ấy trên cánh rừng núi Buông, vẫn còn đó một câu chuyện tình yêu đẹp và đặc biệt như thế…
|
Một buổi sáng đẹp trời sau khi từ Mỹ trở lại Việt Nam, Robert Podunavac đã bật khóc trong niềm vui sướng tột độ khi được chị Nhơn dẫn đến ngôi mộ mà chị xây tặng cho ông trên một ngọn đồi. Giàn giụa nước mắt hạnh phúc, Robert rưng rưng xúc động. Ông không ngờ lúc tuổi đã xế chiều, số phận lại run rủi cho ông gặp được người đàn bà thực sự yêu thương mình, một tình yêu chân thật, không tính toán, vụ lợi. Đó thực sự là món quà đặc biệt nhất của cuộc đời ông.
Khoảng thời gian tìm đến thăm vợ chồng Robert, chính chúng tôi cũng bị chị Thy Nhơn làm hiếu kỳ, khi tiết lộ về món quà “khác thường” ấy. Nhưng khi tận mắt nhìn thấy ngôi mộ được xây rất “hoành tráng” trên ngọn đồi, cạnh ngôi nhà nhỏ hạnh phúc của hai vợ chồng thì chúng tôitin vào triết lý Robert đúc kết: “Khi yêu, người ta có thể làm tất cả cho nhau”. “Tui xây mộ tặng Robert cũng chỉ vì muốn thực hiện trọn vẹn ước nguyện của ông ấy thôi. Thú thực, mặc dù làm vợ nhưng trong thâm tâm tôi luôn nghĩ ông ấy là bậc cha chú, một ân nhân đặc biệt của gia đình tui. Không có ông, mẹ con tui chắc không có được cuộc sống đàng hoàng như bây giờ. Trong lúc cuộc đời tui chới với như đắm tàu giữa biển khơi thì ông xuất hiện, trở thành chiếc phao cứu sinh. Đời tôi khổ nhiều, số phận run rủi đã cho tôi may mắn gặp được ông…”, chị Thy Nhơn tâm sự.
Robert nói, ông biết người Việt Nam sống rất tình cảm. Gia đình nào có người thân mất đi thì bà con thân thích, làng xóm đến chia buồn, tiễn đưa. Người chết được chôn trong những ngôi mộ xây, được thờ phụng, hương khói nhiều đời. Vì vậy, Robert Podunavac ước ao lúc cuối đời được nằm tại Việt Nam để được chị Thy Nhơn hương khói, cũng giỗ như bao người vợ thủy chung khác của xứ sở diệu kỳ này.
Dù ông không nói ra nhưng mỗi lần thấy chị Thy Nhơn thắp hương khấn cúng ông bà, ánh mắt ông đau đáu điều đó. Thấu hiểu tâm sự ấy, khi ông về Mỹ giải quyết chuyện công việc, chị đã nhanh chóng cho người hoàn thiện ngôi mộ chờ, đặt ngay cạnh trang trại gà vịt, rừng cây thông mà ông tạo dựng. Khi trở lại, thấy món quà của người mình thương làm tặng cho mình, ông đã nghẹn ngào: “Em đã làm toại nguyện một mong muốn lớn nhất của đời tôi. Cả đời này, tôi mang ơn em!”.
Robert bên ngôi mộ người vợ xây tặng. Ảnh: T.G
Cứ thế, bao ngày qua, từ khi về sống bên những vạt rừng này, ông thường hay ngồi nhìn ra phía ấy những lúc rảnh rỗi, lặng yên và tận hưởng, sự tĩnh lặng bình yên. Phía trong nhà, nơi góc trường là bức tượng Quan Âm Bồ Tát tỏa ánh hào quang chói lòa. Ông theo đạo Phật từ bao giờ chẳng biết. Cũng chẳng biết vì sao ông bỏ đạo gốc của mình. Bây giờ, người ta chỉ còn nhớ hình ảnh một ông Tây ngày rằm hay mồng một lại cùng vợ sánh bước đi chùa, cũng thắp hương khấn vái, cũng niệm “Nam mô a di đà”. Những lúc mọi người đọc kinh, ông cũng chắp tay và lặng lẽ, như cầu mong, như thanh tịnh. Trong nhà, chiếc casset nhỏ luôn chậm đều những bản kinh phật. Ông bảo, như thế mới “ấm” căn nhà!
Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn chẳng thể lý giải tại sao, một triệu phú từ nước Mỹ xa xôi lại từ bỏ tất cả để theo một phụ nữ đã có một đời chồng, ba đứa con, nghèo xơ xác làm nghề rửa bát thuê. Tại sao, một “người cha” khác biệt về màu da, tính cách, văn hóa, lối sống lại có thể yêu thương ba đứa con riêng của vợ đến thế? Ba người con ấy được ông sắm sửa từ cái áo, cái quần. Rồi cũng chính ông đi hỏi vợ cho cậu con trai giữa, làm đám cưới cho cô con gái đầu làm tất cả những điều đó, với số tiền chi ra bằng gia tài một người giàu có ở Quảng Nam để được gì? Chẳng ai trả lời được, chỉ có ông, với một câu nói đầy xúc động mà chị Thy Nhơn nhớ mãi: “Vì tôi yêu em!”.
Theo Tiêu Dao (Đời sống & Hôn nhân)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét