Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Thời của những Ngọc Trinh, Phương Trinh, Bà Tưng, Huyền Chíp ?

Ngọc Trinh, Phương Trinh, Bà Tưng, Huyền Chíp - những đột phá của công nghiệp giải trí nước nhà?
Trong bối cảnh công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa sáng tạo nước nhà vẫn tắc tị và đang chờ giải pháp, Ngọc Trinh, Phương Trinh, Bà Tưng, Huyền Chíp và những ai giống họ đã trở thành “hiện tượng” thu hút dư luận, thành sự kiện giải trí thay cho những sản phẩm đáng ra phải có của ngành công nghiệp “rối” trí nước nhà.

Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền
Nói các nhân vật nêu trên là những đột phá của nền công nghiệp giải trí nước nhà chắc nhiều người sẽ nhăn mặt. Người ta sẽ dễ dàng chấp nhận, nếu bảo Ngọc Trinh là cô gái mà bất cứ người đàn ông Việt nào, chưa quá già để hết ham muốn và không bị lệch lạc về giới tính, đều có thể có một khát khao mơ hồ, hay nóng bỏng nào đó. Hay Angela Phương Trinh có những show diễn mà nếu có tiền, lúc chưa vợ cũng đáng để đi xem. Còn những gì mà Bà Tưng trình ra và Huyền Chíp công bố thì có thể chấp nhận ngó qua, đọc qua một cách tò mò, khi bạn chưa bận đến công việc khác... Nhưng đột phá thì không. Chuyện này là dễ hiểu vì từ xưa đến nay, theo đúng thuyết dán nhãn trong môn xã hội học, ở nước Việt, người ta định hình nhân vật đột phá phải là những người có đóng góp lớn lao, nhất là phải có tính tích cực, dù rằng tích cực là phạm trù mà định hướng của chúng lại hay thay đổi theo thời gian và theo nhận thức của những người trong cuộc!

Vậy mà trên thực tế họ đáng được coi là những đột phá cho nền công nghiệp giải trí nước nhà, nhất là sau khi họ đã đi vào nhà trường qua đề văn thi học sinh giỏi ở Hải Phòng với yêu cầu bình luận về các hiện tượng đó. Sự khẳng định của các nhà giáo dạy văn rằng: Đề bài là mới mẻ vì nó bẫy học sinh ở chỗ bất ngờ không thể học tủ. Nó khó vì phải biện luận hiện tượng mới, là cách chữa trị cho “căn bệnh lệch chuẩn” được dán nhãn, theo các giá trị đã có khuôn mẫu. Nhưng các nhà giáo khuôn phép chuẩn đã không thể biết được các sự kiện trên là những chỉ báo đầu tiên và không thể nhầm lẫn về những gì mà nền công nghiệp giải trí đang khô héo của chúng ta cần tới.


Những nhân vật trên đã tạo ra sự đột phá ở chỗ nào?

Họ đã làm những điều mà đa số người Việt coi là không thể, dù rằng trong thâm tâm đều có khi, hoặc thường khi, nghĩ đến chúng. Do vậy, họ đưa ra được điều mới mẻ, mà lại không xa lạ. Mọi người từ sâu thẳm trong lòng có khắc khoải chờ đợi một ai đó sẽ trình nó ra công chúng. Đó có thể là ý nghĩa của đồng tiền. Tuy không thể quyết định được tình yêu, nhưng là điều kiện cần cho tình yêu. Đó có thể là nhu cầu phô bày cơ thể đẹp của phụ nữ, sản phẩm của tạo hóa với hy vọng hình thể đẹp đó cũng xứng đáng được ai đó có tiền sở hữu, một cách hào phóng như bản chất của những người thành đạt lương thiện, tất nhiên! Đó cũng có thể là những show diễn quá đỗi kích động và có thể gợi mở bản năng tính dục của con người, cái rất dễ bị lãng quên trong thời buổi thế giới ảo tràn ngập. Và cũng có thể là nỗi niềm muốn chu du thiên hạ chỉ để học rùng mình như truyện cổ tích Grim vẫn nhắc đến.

Những gì họ nói, họ làm đã được truyền thông đại chúng và thế giới mạng nắm lấy, rồi tung lên để trở thành những sự kiện hot tràn ngập trên các trang báo và trang mạng. Họ đã làm cho giới trẻ và khá nhiều người không trẻ, quan tâm đến hành vi của họ. Đơn giản vì chưa bao giờ những điều bí mật, mà ai cũng biết, lại được nói huỵch toẹt ra như thế. Nhất là khi những nhân vật chính lại toàn là nữ giới, những cô gái còn rất trẻ. Mà ở nước ta, từ xưa đến nay, sự khởi đầu của phụ nữ luôn rất quan trọng, dễ lôi cuốn người theo: trong kháng chiến ngày xưa cũng như trong các hoạt động thể thao - văn hoá ngày nay. Xin được nhắc lại rằng: Khi Việt Nam tái hòa nhập với thế giới sau chiến tranh thì những huy chương vàng thể thao đầu tiên ở SEAGAME do phụ nữ mang lại ở những môn có nam tính cao như: bắn súng hay bóng đá...

Hơn thế, họ đã đương đầu một cách lỳ lợm với dư luận xã hội mà đó là ý kiến của những ai thì hiện giờ chúng ta cũng khó xác định. Nhưng tạm thời có thể nói dư luận đó là sự thể hiện các giá trị đã được hình thành từ xa xưa với tính dục và thân thể phụ nữ, cách hành xử và vị thế của phụ nữ… và nay đang được áp cho thời kỳ phát triển hậu công nghiệp đầy những thay đổi do những tiến bộ khoa học và công nghệ mang lại. Những gì các cô gái trẻ này làm, theo hệ quy chiếu như thế, thật đáng chê trách. Nhưng nếu những gì họ nói ra đơn giản phản ánh thực cái họ suy nghĩ, thì có lẽ họ không đáng bị chê trách nhiều như thế, ít ra cũng là vì sự thẳng thắn, không giả dối của họ.


Tóm lại, những cô gái này đang thể hiện một ước nguyện, một suy nghĩ, một cách nhìn nào đó của một bộ phận, có thể không nhỏ, thuộc giới trẻ và một số người khác. Những cái đó thu hút sự quan tâm của nhiều người và tạo nên sự tranh luận. Chỉ thế thôi thì những điều này quả thực đã rất thu hút sự quan tâm của những người bình thường. Và người ta sẵn sàng bỏ tiền để xem sự mới mẻ đó, cái cần thiết cho công nghiệp giải trí.

Nhưng công nghiệp giải trí chẳng nhẽ chỉ cần có thế? Nếu chỉ có thế thì Việt Nam đã là điểm đến từ lâu cho các giải OSCAR, cho các sự kiện văn hoá, giải trí quốc tế rồi. Các hiện tượng trên chỉ cho biết một điều: Việt Nam cũng là miền đất có tiềm năng phát triển công nghiệp giải trí không thua kém các quốc gia khác trong khu vực. Và người Việt cũng chia sẻ những nhu cầu đời thường như các nơi khác trên thế giới. Ở nơi đây, họ cũng như những nơi khác, mong muốn công nghiệp giải trí đó phản ánh nhu cầu của con người, nhưng phải có màu sắc văn hoá của riêng họ. Cái mà các nhà lập chính sách đã phát biểu một cách chung bằng khái niệm rất chung: “Tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”.

Và các nhà lập chính sách cũng có nhiều thiện ý để xây dựng nền công nghiệp giải trí theo hướng đó. Số tiền đầu tư của nhà nước cho công nghiệp giải trí nước nhà tuy nhỏ, nhưng trong bối cảnh của một quốc gia mà tỷ lệ đói nghèo, theo chuẩn mới, vẫn ở mức hai con số thì số tiền hàng chục tỷ đồng chi ra cho từng bộ phim của các hãng phim quốc doanh hàng năm quả là lớn. Số tiền đầu tư xây dựng và trang bị cho các doanh nghiệp nhà nước làm ăn về văn hoá, cho các cơ sở vật chất văn hoá ở các địa phương, cho các lễ hội hoành tráng hàng năm lên đến 8.000 lễ hội, lại càng lớn.

Vậy mà nhìn đi nhìn lại, công nghiệp giải trí nước nhà vẫn chẳng có gì nhiều. Trên tivi toàn phim hành động Mỹ, cổ trang Trung Quốc, phim tâm lý tình cảm Hàn Quốc... Giới showbiz toàn dậy sóng với những xì căng đan lộ hàng và những tai tiếng dàn xếp tỷ số... Còn giới tinh hoa văn hoá suốt ngày than phiền các tác phẩm của họ không được đánh giá đúng mức, rằng họ bị nhiều giới hạn quá trong việc thể hiện ý tưởng nghệ thuật, trong khi công chúng lại không được chuẩn bị cho những thành quả nghệ thuật rất tinh tế đó... Tóm lại, công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa sáng tạo nước nhà vẫn tắc tị, đang chờ giải pháp. Nên Ngọc Trinh, Phương Trinh, Bà Tưng, Huyền Chíp và những người như họ càng trở thành sự kiện thu hút dư luận, thành sự kiện giải trí thay cho những sản phẩm đáng ra phải có của công nghiệp giải trí nước nhà.

Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?

Khi đó, nếu nhìn sâu hơn hiện tượng mà các cô gái của chúng ta đang khuấy động, sẽ thấy sự thật hiển nhiên là nền công nghiệp giải trí của chúng ta cần có lớp người mới với tư duy sáng tạo để dựng lên các câu chuyện mới mẻ trong đời thường với niềm vui, nỗi buồn, đam mê và thất vọng của người Việt chúng ta cho các sản phẩm của công nghiệp giải trí. Và cũng cần đến đội ngũ những người thẩm định văn hóa mới mẻ và sáng tạo hơn để biết loại bỏ những gì không phù hợp, nhưng cũng biết tiếp nhận những gì mà chúng ta còn thiếu. Mà xem ra những gì chúng ta còn thiếu rất nhiều, nhất là khi cuộc chiến tranh kéo dài đã đảo lộn những tiếp xúc văn hoá thông thường với thế giới trong giai đoạn dài.

Nhưng đó sẽ là nhiệm vụ quá khó khi mà việc dạy văn nói riêng và việc dạy học nói chung trong nhà trường vẫn đang theo đuổi những khuôn mẫu bất thành văn đã định hình. Điều khiến nền giáo dục nước nhà ngày càng không thực học, ít dân chủ, tính khai phóng hạn chế trong khi tính dân tộc vẫn nghiêng về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mà ít ý thức với những xâm hại văn hoá. “Hướng học sinh né tránh các vấn đề gai góc, các nhân vật “lệch chuẩn”. Trong khi các vấn đề, nhân vật đó vẫn đang hiện hữu trong xã hội sẽ chỉ làm cho học sinh xa rời thực tế cuộc sống, thiếu đi tư duy phản biện xã hội và sự chủ động sẵn sàng trong cuộc sống sau này” là suy nghĩ thực lòng của cô giáo N.T. M.L, người đề nghị không nói tên, trên báo Thanh Niên ra ngày 12/10. Nhưng lý giải hiện tượng đó trên hệ giá trị sẵn có sẽ làm cho điều mong muốn, dù rất tốt đẹp của các nhà giáo trở thành bất khả thi chăng?


Cho nên, những gì mà Ngọc Trinh, Phương Trinh, Bà Tưng, Huyền Chíp đã làm quả là những đột phá. Nhưng đặt tên cho chúng như thế nào, là đột phá hay là những hiện tượng làm huỷ hoại văn hoá còn tuỳ thuộc vào sự thành công đến đâu của nền công nghiệp giải trí nước nhà.


Vĩ thanh:
Công nghiệp giải trí cần những câu chuyện mới mẻ và nếu hay được thì nhất. Nó cũng cần những người tạo ra chuyện như Ngọc Trinh, Phương Trinh, Bà Tưng hay Huyền Chíp... Ứng xử phù hợp với hiện tượng này là sự đầu tư đầu tiên mà chúng ta nên nghĩ đến, trước khi chăm lo cho những khoản giải ngân khác trong nền công nghiệp giải trí nước nhà.
http://songmoi.vn/van-hoa-nghe-thuat/ngoc-trinh-phuong-trinh-ba-tung-huyen-chip-nhung-dot-pha-cua-cong-nghiep-giai-tri


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét