Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Nâng trần bội chi và tồn kho thể chế

Nâng trần bội chi và tồn kho thể chế
Lần đầu tiên “trong suốt quá trình hoạt động cách mạng”, người đứng đầu Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải thừa nhận bội chi ngân sách đã vượt trần. Vụ việc hy hữu này xảy ra vào tháng 10/2013, trùng với thời gian Quốc hội đang tổ chức kỳ họp cuối cùng của năm, với nhiều nội dung liên đới tính hiếm muộn của nền kinh tế quốc gia.Trong khi tiêu chí của Ngân hàng thế giới xác định độ nguy hiểm sẽ tăng lên đáng kể nếu mức bội chi vượt quá 5% GDP, bội chi ngân sách của chính phủ Việt Nam được thống kê là 4,8% vào năm 2012. Nhưng giờ đây, giới lãnh đạo chính phủ đang sẵn lòng đổi lấy tương lai nguy hiểm vượt trần khi đề xuất Quốc hội nâng trần bội chi ngân sách lên 5,3% vào năm 2013.
Bội chi để an sinh? 

Dễ dãi như đút tiền vào túi, các quan chức chính phủ thản nhiên thuyết minh về mục đích tăng trần bội chi nhằm tăng đầu tư công và an sinh xã hội. Hơn nữa, dù bội chi ngân sách có vượt khung 5% thì nợ công quốc gia vẫn còn dưới mức 60% GDP, chưa có gì đáng lo theo quan niệm “tiêu trước, thôi tiêu sau”.

Chỉ có điều đã có quá nhiều thứ được tiêu trước, bất chấp tương lai trả nợ của lớp hậu bối ở Việt Nam.

Lẽ ra, chủ đề bội chi ngân sách có thể được dư luận cho qua, dễ dãi không kém lối bao biện tùy tiện của giới quan chức chính phủ, nếu không có hiện tượng từ đầu năm 2013 đã dậy lên tin đồn về khả năng ngân sách nhà nước có nhiều dấu hiệu cạn kiệt trong dư luận xã hội. Đến giữa năm 2013, tin đồn này không còn bị xem là vỉa hè, khi bất chợt thấp thoáng vài phát ngôn của giới quan chức ngân hàng nhà nước về khả năng có thể “in thêm tiền”.

Tuy vậy, in thêm tiền là một điều không đơn giản, thậm chí là tối kỵ trong hoàn cảnh nền kinh tế vừa tạm thoát khỏi bóng ma lạm phát đến gần 20% vào năm 2011 (chỉ tính theo con số thống kê chính thức) và mặt bằng tăng trưởng thực tế của hàng tiêu dùng từ 50-100%, tức khác xa với số báo cáo. Chính vì thế, ngay khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất nới trần bội chi ngân sách, nhiều chuyên gia và đại biểu quốc hội đã lên tiếng phản ứng hoặc phản bác.

Đơn giản là xã hội chưa từng biết đến một kế hoạch chi tiêu được công khai hóa, minh bạch hóa của Chính phủ dành cho nhiều vấn đề tầm cỡ quốc gia. Cho tới nay, mối nghi ngờ về chuyện gói kích cầu 8,5 tỷ USD năm 2009, bị coi là được sử dụng để kích động lợi nhuận khủng khiếp của các nhóm đầu cơ chứng khoán và bất động sản, vẫn còn nguyên mà chưa hề được giải tỏa.

Trong những năm suy thoái qua, mục tiêu an sinh xã hội rõ ràng cũng chưa hề được bảo đảm. Nếu nói tăng chi ngân sách để lo cho dân thì lấy gì lý giải cho việc giá hàng tiêu dùng thực tế luôn gấp vài ba lần con số công bố của cơ quan nhà nước?

Chính phủ làm sao an dân khi cơ quan này bỏ mặc và còn “khuyến khích” cho các tập đoàn lợi ích như điện lực, xăng dầu liên tục tăng giá nhằm trút lỗ do đầu tư trái ngành lên đầu người dân? Chưa kể đến sự hiện diện của những “con ngáo ộp” khác như học phí, viện phí… mà đã góp phần không nhỏ làm thối rữa lòng tin của dân chúng từ già đến trẻ.

Lý do có vẻ thuyết phục hơn của Chính phủ là việc nới trần bội chi sẽ giúp cho đầu tư công tăng trưởng. Nếu được thực thi, nguồn tiền mới mẻ này sẽ giúp cho một số tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó có ngành xây dựng cơ bản và những doanh nghiệp độc quyền đang nợ đầm đìa định hướng được “lối ra”.

Tuy nhiên, xây dựng cơ bản lại đang nợ đọng đến 91.000 tỷ đồng - theo một con số báo cáo gần đây của cơ quan kiểm toán nhà nước, và con số này đã gần bằng với số nợ xấu theo báo cáo của các ngân hàng đang muốn bán nợ cho Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC). Như vậy, Chính phủ tìm cách chi tiền để “bảo lãnh” cho con số 91.000 tỷ đồng chăng?

Liên quan đến doanh nghiệp độc quyền, gần đây một con số lần đầu tiên được công bố cho thấy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trở thành quán quân về vay nợ ngân hàng, với 118.000 tỷ đồng, vượt hẳn vốn điều lệ của doanh nghiệp này.

Khá đồng cảm, nhiều doanh nghiệp nhà nước khác như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Vinashin… đều đang phải đội chiếc vòng kim cô chúa chổm.

Nhưng cũng thoải mái như đút tiền vào túi, giới quan chức chính phủ đã chưa hề tự nguyện lộn ngược hầu bao của các tập đoàn kinh tế quốc doanh đầy bê bối tài chính, trước khi tiếp tục trút tiền vào cái hầu bao không đáy đó.

Lại vay tiền của dân!

Nếu Vinashin đang “phát minh” ra phương án thoát nợ bằng cách phát hành trái phiếu quốc tế lên đến 600 triệu USD với sự bảo lãnh của Chính phủ, thì đến lượt mình, Chính phủ lại đang có kế hoạch phát hành trái phiếu, có thể như một phương cách duy nhất, để có được nguồn tiền tăng bội chi. Phương cách, hoặc cũng có thể được xem là cứu cánh này, nhiều khả năng sẽ được thực hiện thông qua việc chính phủ “vận động” các ngân hàng thương mại mua trái phiếu, còn ngân hàng lại có thể dùng tiền huy động của người dân để mua trái phiếu này.

Một chuyên gia đầu ngành về kinh tế nói thẳng: bản chất thật của nâng trần bội chi không phải gì khác ngoài việc vay thêm tiền của dân.

Nhưng Chính phủ và chính thể đã vay của dân quá nhiều món từ quá nhiều năm qua. Rất nhiều món vay, hữu hình và vô hình, đã chưa được trả.

Chỉ đến giờ này, dường như bán trái phiếu là lối thoát còn lại của một nền kinh tế bị trục lợi quá sâu đậm bởi các nhóm lợi ích và đang trên bờ suy sụp. Từ nhiều năm qua, chủ đề chi ngân sách quá “quyết liệt” mà dẫn đến lãng phí, thất thoát và tham nhũng đã khiến nổi sóng trong dư luận và trên mặt công luận. Hệ lụy lớn lao chưa phải cuối cùng mà nền kinh tế phải nhận lãnh là nợ công quốc gia.

Vẫn đang tồn tại song song hai con số về nợ công hoàn toàn trái ngược: một của Chính phủ chỉ khoảng 55% GDP, tức chưa vượt quá ngưỡng nguy hiểm 60%; một quan điểm khác thuộc về giới chuyên gia phản biện độc lập. Ông Vũ Quang Việt, nguyên vụ trưởng vụ thống kê của tổ chức Liên hiệp quốc, còn tính cặn kẽ rằng nợ công Việt Nam phải lên đến 106% GDP, nếu cộng đủ nợ của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước theo đúng tiêu chuẩn của Liên hiệp quốc.

Nhưng cho đến giờ phút này, vẫn chưa có thêm một tập đoàn kinh tế nào của nhà nước được làm rõ về gốc gác nợ nần, sau khi hai doanh nghiệp Vinashin và Vinalines đã bắt buộc phải công khai tài chính do thành án.

“Nhẹ nhàng” hơn, Ủy ban kinh tế quốc hội đã xác định nợ công quốc gia có thể lên tới 95% GDP, theo một báo cáo công bố vào tháng 5/2013. Lối minh bạch hóa lần đầu tiên này rõ ràng đã mâu thuẫn dữ dội với “quyết tâm” nâng trần bội chi của Chính phủ, bởi phần lớn đại biểu quốc hội muốn biết rõ Chính phủ đã và sẽ chi bao nhiêu và cho cái gì trước khi cơ quan đầu não này tiếp tục đổ tiền vào cái mà người dân gọi là “thùng không đáy”, hay vào một trong những địa chỉ “ăn của dân không chừa thứ gì” - như một thành ngữ của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.

Tồn kho thể chế

Tất cả vẫn đang quẩn quanh mà chưa có một lối thoát nào khả dĩ. Đề xuất gần đây của Bộ tài chính về giảm mức lương cơ bản 100.000 đồng/tháng đối với công chức nhà nước càng cho thấy ngân sách quốc gia đã bị vắt kiệt, cho dù những người đứng đầu Chính phủ và Ngân hàng nhà nước luôn tự tin về tiềm lực dự trữ ngoại tệ hơn 20 tỷ USD của Việt Nam.
Tạm gác lại những mộng tưởng bao la, giá rau củ ở các chợ đầu mối đã tăng vọt trong vài tháng qua, đặc biệt sau những cơn bão dữ dội càn quét khu vực miền Trung. Gần tương đương với cơn bão giá gián tiếp gây ra bởi các nhóm lợi ích Việt Nam, mặt bằng giá rau xanh đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba sau thiên tai. Nếu vào đầu năm nay, một gia đình đi chợ hàng ngày chưa tới 100.000 đồng, thì hiện thời phải mất đến 120-150.000 đồng.

Không có một sự đồng cảm khả dĩ nào giữa những con số thống kê nhà nước luôn bị nghi ngờ với “thực tiễn khách quan và sinh động” (....).

Túi tiền người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề

Vào cuối tháng 9/2013, tại Diễn đàn kinh tế mùa thu, các học giả đã ngầy ngật với thực trạng “GDP có chân”. Bất chấp nền kinh tế quốc gia đã xuyên suốt chiều sâu suy thoái đến 5 năm, gần hết các địa phương vẫn báo cáo chỉ tiêu này lên đến hơn 10%, còn con số chính thức của Tổng cục thống kê dù “khiêm tốn” hơn rất nhiều nhưng vẫn cao hơn 5%, tức gấp đôi tốc độ tăng trưởng bình quân của Hoa Kỳ.
Đất nước liên tục tăng trưởng GDP, nhưng ngân sách lại không ngớt thiếu hụt trầm trọng và dẫn đến bội chi - đó là cái gì, nếu không phải là một nghịch lý khủng khiếp về phép toán học và những khuất tất ẩn sâu phía sau?

Một số đại biểu quốc hội một lần nữa phải cao giọng yêu cầu Chính phủ cần công bố kế hoạch chi tiêu rõ ràng. Nhiều năm qua, Chính phủ đã tung ra nhiều phép thử cho những người đại diện của dân và cho chính nhân dân. Nhưng đến nay, các phép thử đã dồn tích quá sâu đậm, vào lúc tất cả đều nhìn thấy đáy bi kịch của nền kinh tế nhưng chẳng mấy ai đủ can đảm để trồi lên khỏi đáy.

Thời gian cuối của năm 2013, tình thế đã “ổn định và phát triển” đến mức mà ngay Thời báo kinh tế Việt Nam - một ấn phẩm báo chí có khuynh hướng “thân chính phủ”, cũng phải kêu lên: “Kinh tế ngày một gian nan mà Chính phủ vẫn vang bài ca cũ với những điệp khúc cũ cả trong cách đánh giá lẫn việc đưa ra giải pháp”.
Vậy nguồn cơn sâu xa tận cùng của “bài ca” đó nằm ở chỗ nào?

Cũng trên tờ Thời báo kinh tế Việt Nam, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đặc tả: “Tồn kho thể chế”.

Phạm Chí Dũng
Gửi cho BBC từ Sài Gòn
Theo BBC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét