Những vị khách được nuông chiều hay những nhà yêu nước tận tụy? Người Hoa ở Bắc VN thời kỳ 1954-1978
Nguồn: Xiaorong Han (2009). “Spoiled Guests or Dedicated Patriots? The Chinese in North Vietnam, 1954–1978”, International Journal of Asian Studies, Vol. 6, No. 1, pp. 1–36. Biên dịch & Hiệu đính: Đỗ Hải YếnDownload: Nguoi Hoa o Bac Viet Nam thoi ky 1954-1978.pdf
Bài báo này đánh giá quan hệ ba bên giữa cộng đồng người Hoa ở miền Bắc Việt Nam, chính quyền Bắc Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt tập trung vào ảnh hưởng của mối quan hệ lên bản sắc quốc gia và dân tộc của Hoa kiều ở miền Bắc Việt Nam, trong thời kỳ 1954 đến 1978. Việc nghiên cứu kỹ lưỡng hai vấn đề trọng tâm về tư cách công dân và hệ thống trường học của người Hoa cho thấy các lãnh đạo Bắc Việt Nam thực hiện những chính sách khoan dung đối với Hoa kiều, chủ yếu bởi họ xem mối quan hệ giữa nhà nước Việt Nam với cộng đồng người Hoa là nhân tố cốt lõi trong mối quan hệ của Bắc Việt Nam với Trung Quốc. Các chính sách này rốt cuộc đã góp phần trì hoãn việc đồng hóa Hoa kiều và tới cuối những năm 1970, chúng vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi những đối tượng lưu trú được ưu đãi thành công dân Việt Nam.
Mặc dù nhiều Hoa kiều mang địa vị người nước ngoài được hưởng đặc quyền, số khác lại sẵn sàng thay mặt Việt Nam tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau khi tái thống nhất, với mong muốn làm rõ sự trung thành, nói cách khác là “thanh lọc” quốc gia – dân tộc, chính phủ Việt Nam đã khởi xướng một quy trình đồng hóa bắt buộc mang tính quyết đoán. Chính sách này cùng với sự suy thoái trong quan hệ Việt – Trung cuối những năm 1970 đã làm dấy lên một làn sóng di cư ra nước ngoài của các Hoa kiều.
Giới thiệu
Cuối 1977 và đầu 1978, đông đảo Hoa kiều ở miền Nam Việt Nam bắt đầu trốn khỏi đất nước, trở thành “những người tị nạn” lênh đênh trên biển khơi. Cũng khoảng thời gian đó, Hoa kiều ở miền Bắc Việt Nam bắt đầu vượt biên giới Việt Trung, trở thành những người tị nạn trên đất liền giống như bộ phận đang vượt biển.[1] Tới đầu tháng 6 năm 1978, số người tị nạn tại Trung Quốc đã đạt đến con số 100.000. Vào giữa tháng 7, tổng số người đã vượt mức 160.000.[2] Thành phố Hà Khẩu thuộc tỉnh Vân Nam Trung Quốc tiếp nhận số người tị nạn cao nhất trong một ngày là hơn 1.900 người; ở Đông Hưng, một huyện biên giới thuộc Quảng Tây, con số 4.000 người mỗi ngày được ghi nhận.[3] Tiếp giáp với Đông Hưng là thành phố Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam, nơi người Hoa từng chiếm 80% dân số. Tháng 6 năm 1978, 70% Hoa kiều tại thành phố này cùng với 60% đồng hương ở tỉnh Quảng Ninh đã dời sang Trung Quốc.[4] Lượng người tị nạn đầu tiên xuất phát từ các tỉnh tiếp giáp Trung Quốc. Tiếp đến, Hoa Kiều từ những khu vực khác của miền Bắc Việt Nam đã hòa vào dòng người tị nạn.[5] Cuộc di dời bắt đầu từ những cư dân ở khu vực nông thôn, nhưng về sau, thành phần tị nạn bao gồm cả những Hoa kiều sống ở các thành thị.[6] Giữa tháng 7 năm 1978, Trung Quốc đóng cửa biên giới với Việt Nam nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn, nhưng các nhóm nhỏ vẫn tiếp tục tràn vào.[7] Tháng 2 năm 1979, khi Trung Quốc khởi động cuộc chiến kéo dài ba tuần chống lại Việt Nam, 202.000 người tị nạn đã có mặt tại Trung Quốc. Vài tháng sau cuộc chiến, số người tị nạn vẫn tăng với tỷ lệ trên 10.000 người mỗi tháng. Năm 1994, ước tính cho hay tổng số người tị nạn Đông Dương và con cái họ tại Trung Quốc là 288.000, 99% trong số đó xuất phát từ Việt Nam.[8]
Xét theo nhiều phương diện, cuộc di cư của người Hoa ở miền Bắc Việt Nam có sự khác biệt so với những người vượt biên bằng thuyền ở miền Nam Việt Nam. Trong khi phần đông người vượt biên lựa chọn các nước phương Tây và các nước châu Á ủng hộ phương Tây, hầu hết người Hoa ở miền Bắc Việt Nam dời về Trung Quốc. Nhiều người vượt biên ở miền Nam Việt Nam quyết định rời bỏ đất nước chủ yếu bởi họ nhận thấy khó lòng thích nghi được với hệ thống xã hội chủ nghĩa mà đặc thù là chính sách tịch thu tài sản, các trại cải tạo và khu kinh tế mới. Ở miền Bắc Việt Nam, nơi hệ thống xã hội chủ nghĩa đã tồn tại hơn hai thập kỷ, nhân tố cốt yếu duy nhất khiến cho người Trung Quốc phải di dời là sự sụp đổ khối liên minh Trung – Việt. Sau cùng, ở miền Nam Việt Nam, cuộc di cư của những người vượt biên không làm cho cộng đồng người Hoa tan biến. Đông đảo cư dân gốc Hoa vẫn sinh sống tại đây đến ngày nay. Tuy nhiên, ở miền Bắc Việt Nam, những cộng đồng Hoa kiều rộng lớn không còn tồn tại.[9] Khác biệt về tình trạng di cư, xét theo chừng mực nào đó phản ánh sự khác biệt về kinh nghiệm giữa cộng đồng Hoa kiều ở miền Bắc Việt Nam và những người đồng hương của họ ở miền Nam. Từ năm 1954 đến 1976, chủ yếu vì nguyên do chia cắt Việt Nam, Hoa kiều ở Việt Nam bị tách thành hai cộng đồng, có sự khác biệt lớn về quy mô, quyền lực kinh tế, tính đa dạng văn hóa, ngôn ngữ và nghề nghiệp, xu hướng chính trị và mối quan hệ với chính quyền sở tại cũng như với Trung Quốc.
Những khác biệt ấy đã đem lại động lực lớn lao cho việc nghiên cứu. Thay vì nghiên cứu các vấn đề liên quan đến toàn bộ Hoa kiều ở Việt Nam, bài báo này tập trung vào cộng đồng người Hoa ở miền Bắc Việt Nam trong suốt thời kỳ đất nước chia cắt. Bài viết sẽ nghiên cứu những đặc điểm riêng biệt của cộng đồng này, mối quan hệ ba bên giữa cộng đồng người Hoa, chính quyền Bắc Việt Nam và Trung Quốc cũng như ảnh hưởng của hiện trạng lên bản sắc quốc gia và dân tộc của người Hoa ở miền Bắc Việt Nam. Luôn lưu tâm những động lực này, tôi đặc biệt chú ý đến những vấn đề xung quanh tư cách công dân của người Hoa và hệ thống trường học của người Hoa. Tôi cho rằng chính sách nhà nước của miền Bắc Việt Nam đối với người Hoa thời kỳ 1954-1978 khoan dung hơn nhiều so với những chính sách mà hầu hết các chính phủ Đông Nam Á khác vận dụng, chủ yếu bởi các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam xem mối quan hệ giữa nhà nước Việt Nam và cộng đồng người Hoa là nhân tố cốt lõi trong mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc. Sự ưu đãi của chính quyền Bắc Việt Nam dành cho Hoa kiều góp phần vào nỗ lực duy trì và củng cố khối liên minh giữa Bắc Việt Nam và Trung Quốc. Một phần kết quả của sự ưu đãi này là quá trình đồng hóa người Hoa thành cộng đồng người Việt đã bị trì hoãn. Cuối những năm 1970, cộng đồng người Hoa ở miền Bắc Việt Nam vẫn chưa hoàn tất việc chuyển đổi từ cộng đồng lưu trú sang nhóm dân tộc bản địa. Quá trình đồng hóa bị trì hoãn và sự suy thoái trong quan hệ Việt – Trung những năm cuối 1970 là những lý do quan trọng nhất cho sự di dời của Hoa kiều ra khỏi miền Bắc Việt Nam.
Những đợt di cư
Cuộc di dời của cư dân từ nhiều vùng miền – nay là lãnh thổ Trung Quốc – đến khu vực Đồng bằng Sông Hồng bắt đầu từ thời tiền sử. Nhiều nghiên cứu cho thấy các bộ tộc Lạc Việt cổ đại định cư ở miền nam Trung Quốc trước khi chuyển đến Đồng Bằng Sông Hồng. Người ta tin rằng vua An Dương Vương huyền thoại, vị vua đã kết thúc triều đại của các vua Hùng, xuất thân từ vùng tây nam Trung Quốc. Cuộc xâm chiếm Đồng Bằng Sông Hồng của nhà Tần và Vương quốc Nam Việt đã đưa cư dân từ vùng đất phía bắc sang lãnh địa mà sau này được biết đến như miền Bắc Việt Nam.[10]
Suốt thời kỳ đô hộ lâu dài của Trung Quốc (111 TCN đến 939 SCN), một dòng người liên tục di cư từ phương bắc đến Đồng Bằng Sông Hồng. Có thể phân chia họ thành nhiều nhóm, nhóm đầu tiên bao gồm quan lại, tướng lĩnh, lính và gia đình họ. Một số thành viên trong nhóm này ở lại Việt Nam vĩnh viễn, hòa nhập với cư dân bản địa và sau khi tướng của triều Hán là Mã Viện dẹp trừ tàn bạo cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào năm 42 SCN, họ nổi lên như những gia tộc Hán – Việt đầy quyền lực.[11] Một số nguồn khẳng định rằng phần đông quân lính của Mã Viện đã định cư ở miền Bắc Việt Nam và ngày nay vẫn có thể nhận diện hậu duệ của họ.[12] Sau khi nhà Hán sụp đổ, nhiều người Hoa có thế lực chuyển đến Đồng Bằng Sông Hồng nhằm tránh xa thời kỳ hỗn loạn ở Trung Quốc.[13] Các quan lại người Hoa tiếp tục di cư thời kỳ triều nhà Tùy và nhà Đường trị vì tiếp nối. Nhóm thứ hai bao gồm các thương nhân, thợ thủ công và thường dân, họ tự chuyển đến Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội của riêng mình. Trong đó có cả người tị nạn chạy trốn khỏi Trung Quốc để tránh những tai ương về chính trị, kinh tế và xã hội. Nhóm cuối cùng là các phạm nhân được đưa đến vùng biên giới để thi hành án.[14] Tổng dân số miền Bắc Việt Nam vào thế kỷ thứ 3 và thứ 4 SCN theo ước tính là vào khoảng 500.000, trong số đó người Hoa chiếm 10.000 đến 100.000.[15] Những người nhập cư thế hệ đầu rốt cuộc đã bị đồng hóa; một số hậu duệ của họ, theo tranh luận, là những người tham gia tích cực trong các phong trào độc lập chống Trung Quốc vào thế kỷ thứ 6 và thứ 10.[16]
Sau khi Việt Nam giành độc lập vào thế kỷ thứ 10 SCN, Trung Quốc không còn đưa quan lại, tướng lĩnh, lính và phạm nhân tới Việt Nam nhưng những người nhập cư và tị nạn vì lý do chính trị và kinh tế vẫn tiếp tục chuyển đến. Nhìn chung, nhà cầm quyền Việt Nam khuyến khích người Trung Quốc đồng hóa thông qua đối xử bình đẳng, thậm chí là có lợi cho những cư dân gắn bó lâu dài và để mắt đến những vị khách nhất thời.[17] Châu Hải chỉ ra rằng, những đợt di cư quy mô lớn của người Hoa vào Việt Nam thường diễn ra trong các thời kỳ Trung Quốc có biến động về chính trị.[18] Chẳng hạn, cuộc xâm chiếm của người Mông Cổ ở Trung Quốc đã khiến một bộ phận người Hoa trốn chạy đến miền Bắc Việt Nam.[19] Do những tương đồng về hoàn cảnh chính trị và văn hóa, người Hoa nhập cư có khả năng giành được những vị trí quan lại ở Việt Nam khá dễ dàng. Danh sách những nhà khoa bảng đỗ đạt các kỳ thi tuyển công chức triều đại Lý và Trần cho thấy họ gốc Hoa chiếm tỷ lệ cao.[20]Quan lại và lính tráng Trung Quốc một lần nữa chuyển đến Việt Nam trong thời kỳ quân Minh chiếm đóng (1407-1427). Sau khi Việt Nam giành độc lập, số người Hoa có mặt ở Việt Nam được phép lưu lại.[21] Cuộc xâm lược Trung Quốc của người Mãn Châu vào thế kỷ thứ 17 đã dấy lên một làn sóng nhập cư mới, bộ phận nhập cư người Hoa này trở thành thợ mỏ, thương nhân, nông dân cũng như quan lại và lính tráng tại Việt Nam.[22] Ở miền Bắc Việt Nam, Hoa Kiều có tầm ảnh hưởng lớn đối với nghề làm gốm và nghề khai thác mỏ.[23] Họ cũng hoạt động mạnh ở Phố Hiến, một trung tâm thương mại sầm uất tại Hưng Yên. Ước tính có khoảng 56.000 người Hoa sống ở Bắc Kỳ vào thế kỷ thứ 18.[24] Bộ phận đông đảo những người nhập cư mới cho phép họ tạo dựng những cộng đồng riêng, một trong số đó được biết đến với cái tên Minh Hương.[25] Sau khi Việt Nam chinh phục Chăm Pa và Đồng Bằng Sông Cửu Long, càng nhiều dân nhập cư Trung Quốc bắt đầu đổ về miền Trung và miền Nam Việt Nam. Trên thực tế, các thủ lĩnh đất Việt sử dụng lực lượng Hoa kiều trốn chạy sang Việt Nam sau cuộc xâm lăng của người Mãn Châu làm đội quân tiên phong để mở rộng cõi Nam.[26]Châu Hải chỉ ra rằng trước thế kỷ thứ 17, người nhập cư Trung Quốc ở Việt Nam dễ bị đồng hóa vào xã hội bản địa. Về sau, dân số Hoa kiều lớn mạnh, đủ để hình thành những cộng đồng riêng. Những cơ cấu xã hội này rốt cuộc trở thành một trở ngại cho quá trình đồng hóa.[27]
Đầu thế kỷ thứ 19, triều Nguyễn thừa nhận một cơ cấu trong đó người Hoa ở Việt Nam được phân chia thành nhiều cộng đồng dựa trên thổ ngữ. Mỗi nhóm do một người đứng đầu, có nhiệm vụ truyền đạt chỉ dụ của chính quyền, thu thuế và hòa giải tranh chấp.[28] Cai Tinglan, một vị quan kiêm học giả Trung Quốc phải ghé vào Việt Nam tránh bão vào năm 1835, nói rằng ông gặp người Hoa ở khắp nơi ông đặt chân đến, dọc miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Hầu hết những người ông tiếp xúc xuất thân từ Quảng Đông, Phúc Kiến và Quảng Tây. Họ chủ yếu là thương nhân, trong số đó có cả quan lại và ngư dân. Ông khẳng định rằng Hoa Kiều có cộng đồng, khu định cư và người lãnh đạo riêng. Cai nhận thấy chính quyền giảm thuế và trao đặc quyền thương mại cho người Hoa, việc kết hôn khác tộc giữa đàn ông Hoa và phụ nữ Việt thường xuyên diễn ra và nhìn chung người Hoa giàu có hơn người Việt bình thường.[29]
Thời kỳ Pháp đô hộ, người Hoa tiếp tục di cư đến Việt Nam và cộng đồng người Hoa ở miền Nam Việt Nam phát triển nhanh hơn nhiều so với ở miền Bắc. Tại miền Bắc Việt Nam, phiến quân, cướp và những đội quân người Hoa hoạt động rất tích cực thời kỳ những năm 1860 đến những năm 1880.[30] Nhân vật nổi tiếng Lưu Vĩnh Phúc và đội quân Cờ Đen của ông đã khuấy đảo người Pháp, giết chết những tên thực dân đình đám như Francis Garnier và Henri Riviere.[31] Một số phiến quân là thành viên của nhóm người Hoa không thuộc Hán tộc đến từ Quảng Tây. Ở Việt Nam ngày nay tồn tại những thông tin xác nhận người Tày là hậu duệ của quân Cờ Đen.[32] Vài người Hoa còn dính líu đến việc bắt cóc phụ nữ và trẻ em Việt Nam bán sang Trung Quốc.[33] Hoạt động trọng yếu nhất của người Hoa ở miền Bắc Việt Nam có lẽ là khai thác mỏ.[34] Ước tính cho thấy người Hoa điều hành hầu như toàn bộ 124 hầm mỏ ở miền Bắc Việt Nam vào cuối thế kỷ 19.[35] Đầu thế kỷ 20, một bộ phận người Hoa ở Việt Nam tham gia vào cuộc cách mạng của Tôn Dật Tiên chống lại triều Thanh và sau khi nhà Thanh sụp đổ, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc nỗ lực bảo vệ người Hoa tại Việt Nam.[36]Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc cũng thiết lập hai tòa lãnh sự ở miền Bắc Việt Nam. Chính quyền của Tưởng Giới Thạch dàn xếp hai thỏa thuận với Pháp thời kỳ những năm 1930, trao cho người Hoa địa vị “ngoại kiều được hưởng đặc quyền”. Về lý thuyết, họ được đối đãi như người Pháp và hưởng nhiều đặc ân hơn cả bản thân người Việt.[37] Thái độ của người Pháp đối với người Hoa mang tính mâu thuẫn,[38] nhưng theo lập luận thuyết phục của Alain Marsot thì chủ nghĩa thực dân Pháp đã thúc đẩy tình trạng nhập cư của người Hoa bởi nó đem lại an ninh, cơ hội thương mại cùng nhu cầu về lao động.[39]
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Quân đội Trung Hoa Dân Quốc chiếm đóng miền Bắc Việt Nam trong thời gian ngắn. Thời kỳ này góp phần củng cố mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa kiều và nâng cao vị thế của người Hoa ở miền Bắc Việt Nam. Thông qua một thỏa thuận Trung – Pháp được ký kết vào năm 1948, các lãnh sự Trung Quốc có quyền phủ quyết đối với các ứng viên cho chức vụ lãnh đạo cộng đồng người Hoa tại địa phương. Thỏa thuận cũng tuyên bố Hoa kiều tại Việt Nam có quyền tự do đi lại và giao thương, đồng thời duy trì địa vị cá nhân và gia đình theo tập quán của người Hoa.[40]
Các đặc điểm của cộng đồng người Hoa ở miền Bắc Việt Nam
Cộng đồng người Hoa có mặt tại miền Bắc Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1978 khác biệt so với cộng đồng người Hoa ở miền Nam Việt Nam về một số phương diện. Trước hết, vì người Hoa hiện diện ở miền Bắc Việt Nam từ thời cổ đại, có thể khẳng định rằng các cộng đồng Hoa kiều ở khu vực phía bắc có lịch sử lâu đời hơn nhiều so với các cộng đồng phía nam. Mặc dù sau vài thế hệ, thông thường người Hoa nhập cư bị đồng hóa, nhưng dòng nhập cư liên tục những cư dân mới trên thực tế đảm bảo cho một sự hiện diện rõ ràng của Trung Quốc (ở Việt Nam) kể từ năm 111 TCN.
Dù cộng đồng Hoa kiều ở miền Bắc Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với miền Nam, miền Nam Việt Nam lại là điểm đến mà nhiều người Hoa lựa chọn để tái định cư suốt thời kỳ Pháp thuộc. Những biến đổi chính trị và xã hội về sau cũng góp phần vào sự dao động về quy mô dân cư giữa hai cộng đồng. Khi Chiến tranh Đông Dương lần I nổ ra vào năm 1946, một bộ phận người Hoa rời miền Bắc tới miền Nam Việt Nam,[41] số khác quay trở về Trung Quốc.[42] Năm 1954 khi Việt Nam bị chia cắt, gần 60.000 người Hoa di cư từ Bắc vào Nam.[43]Đồng thời trong khoảng thời gian đó, những nhà Cộng sản Trung Quốc cũng chuyển từ Nam ra Bắc,[44] nhưng với số lượng nhỏ.
Tồn tại những ước lượng khác nhau về số người Hoa ở miền Bắc Việt Nam. Các viên chức thực dân Pháp ước tính vào năm 1886, có 7.467 người châu Á ngoại quốc ở Bắc Kỳ; Alain Marsot tin rằng tất cả đều là người Hoa. Năm 1906 và 1907, có khoảng 30.000 người Hoa ở Bắc Kỳ. Số người Hoa ở Bắc Kỳ tăng lên 32.000 vào năm 1911; 41.800 vào năm 1913; 46.000 vào năm 1926; và 52.000 vào năm 1931.[45] Chính quyền Bắc Việt Nam tuyên bố có 1,5 triệu người Hoa tại Việt Nam vào năm 1951, trong đó 1,4 triệu ở miền Nam, 53.000 ở miền Trung và 90.000 ở miền Bắc Việt Nam.[46] Một số liệu khác ước tính rằng 170.000 người Hoa có mặt tại miền Bắc Việt Nam năm 1955,[47] nhưng Alain Marsot lại tuyên bố chỉ có 50.000 người Hoa ở miền Bắc Việt Nam thời kỳ 1957, chiếm 0,4% dân số bản địa. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với con số tổng thể ở Đông Nam Á, vào khoảng 5%. Trên thực tế, trong số tất cả các khu vực và quốc gia ở Đông Nam Á, miền Bắc Việt Nam có tỷ lệ người Hoa thấp nhất trên dân số vùng.[48] Theo Victor Purcell, tổng số Hoa kiều ở miền Bắc Việt Nam là khoảng 55.000 người vào năm 1960, nhưng một cuộc điều tra dân số chính thức của Việt Nam được tiến hành cùng năm lại báo cáo có 174.644 người Hoa tại đây, chiếm 1,1% tổng dân số.[49] Hai học giả khác đưa ra số liệu 190.000 người Hoa ở miền Bắc Việt Nam năm 1965.[50] Chính quyền Việt Nam sau thống nhất ước tính số người Hoa ở miền Bắc Việt Nam vào những năm cuối 1970 trước khi họ dời đi là trên 200.000,[51] và một học giả khác cho hay vào năm 1978, có 300.000 người Hoa ở miền Bắc Việt Nam.[52]
Những số liệu khác biệt phần nào bắt nguồn từ sự thiếu thống nhất về mặt học thuật trong định nghĩa về người Hoa. Vài số liệu rõ ràng không bao gồm người Hoa ở vùng nông thôn trong khi những số liệu khác lại bao gồm không chỉ người Hoa ở nông thôn mà cả những nhóm người Hoa không thuộc Hán tộc. Chẳng hạn, theo một nghiên cứu, người Hoa chiếm đến 78% dân số Hải Ninh thời kỳ 1946 đến 1954, bởi trong nghiên cứu này, 100.000 người Nùng ở Hải Ninh được xem là người Hoa. Vấn đề tranh cãi đó là người Nùng có xuất thân từ tầng lớp nông dân người Hoa thuộc Hán tộc, được gọi là người Nùng sau năm 1885, chủ yếu là do người Pháp không muốn thừa nhận họ là người Hoa vì những lý do chính trị.[53] Vấn đề tương tự phát sinh khi nhận diện cộng đồng Minh Hương. Triều Nguyễn phân chia họ thành một nhóm riêng biệt nhưng lại trao cho họ hầu hết quyền lợi mà công dân Việt Nam được hưởng. Thời kỳ thuộc địa, có khi họ được đối đãi như người Việt, có khi lại như người Hoa. Mọi việc rắc rối hơn ở chỗ, vào cùng một thời điểm lịch sử, có những cá nhân được đối đãi như người Việt, trong khi số khác lại được xem là người Hoa.[54]
Hai cộng đồng còn có sự khác biệt về mặt phân bổ địa lý. Hầu hết người Hoa ở miền Nam Việt Nam sống trong thành thị và Sài Gòn là một trong những điểm tập trung đông đảo nhất của người Hoa nhập cư ở Đông Nam Á.[55] Tại miền Bắc, số người Hoa sống ở các thành phố lớn là khá ít ỏi. Người Hoa không còn tập trung ở khu vực thành thị. Số người Hoa sống ở Hà Nội theo ước tính là 2.000 vào năm 1913;[56] 4.200 vào năm 1920;[57] 5.000 vào năm 1931; 15.000 vào năm 1948;[58] 10.000 vào năm 1968;[59] và 13.000 vào năm 1978.[60] Hải Phòng có 8.500 người Hoa vào năm 1913;[61] 10.250 vào năm 1920;[62] 19.000 vào năm 1931[63] và hơn 30.000 vào những năm 1970.[64] Hầu hết người Hoa sống ở khu vực nông thôn thuộc các tỉnh giáp ranh với Trung Quốc, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh.[65]
Giữa hai cộng đồng còn tồn tại những khác biệt sâu xa hơn. Về tự nhiên, cộng đồng người Hoa ở miền Bắc Việt Nam gần Trung Quốc hơn rất nhiều so với cộng đồng ở miền Nam Việt Nam, phần đông sống dọc biên giới Việt – Trung. Tiềm lực kinh tế của người Hoa ở miền Bắc Việt Nam không đáng kể so với những đồng hương người Hoa ở miền Nam. Trong khi người làm kinh doanh chiếm một tỷ lệ lớn dân số Hoa kiều ở miền Nam, nghề nghiệp của người Hoa ở miền Bắc Việt Nam lại đa dạng hơn. Sau cùng, cư dân người Hoa ở miền Bắc Việt Nam thuộc nhiều dòng dõi khác biệt. Hầu hết người Hoa ở miền Nam đến từ Quảng Đông và Phúc Kiến. Tại miền Bắc Việt Nam, ngoài những cộng đồng đến từ Quảng Đông và Phúc Kiến còn có những cộng đồng quy mô lớn bắt nguồn từ Quảng Tây và Vân Nam.[66]
Cần lưu ý rằng người Hoa thuộc Hán tộc không phải là nhóm người duy nhất di cư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trong số 54 dân tộc Việt Nam được nhận diện chính thức, hơn 20 dân tộc bao gồm những người Hoa nhập cư trong vài thế kỷ gần đây. Chỉ có hai dân tộc Hoa và Ngái nằm trong danh sách người Hoa thuộc Hán tộc theo hệ thống phân loại chính thức của người Hoa. Bài báo này chỉ xét đến dân tộc Hoa và Ngái, bỏ qua nhóm người không thuộc Hán tộc.[67] Đồng thời tôi cũng không đề cập đến bộ phận chuyên gia người Hoa thuộc bộ máy quân sự và chính trị, những người có mặt tại Việt Nam từ 1954 đến 1978.
Địa vị công dân ở miền Bắc Việt Nam
Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu chú ý đến bộ phận người Hoa ở Việt Nam ngay sau khi thành lập vào năm 1930. Chủ trương chính trị đầu tiên của Đảng xem người lao động gốc Hoa là đồng minh của những nhà cách mạng Việt Nam.[68] Sau đó, Đảng giải thích khối liên minh này bắt nguồn từ thực tế rằng cư dân gốc Hoa ở Đông Dương thuộc về một quốc gia nửa thuộc địa. Họ không được hưởng các đặc quyền của người phương Tây và bị người phương Tây bóc lột về nhiều mặt.[69] Khi Chiến tranh Đông Dương lần I nổ ra vào năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh hứa hẹn rằng sau khi đội ngũ Cộng sản đánh bại thực dân Pháp, người Việt và người Hoa sẽ cùng chung sống hạnh phúc tại Việt Nam.[70] Năm 1951, chính quyền Bắc Việt Nam tuyên bố người Hoa được hưởng các quyền lợi tương tự như công dân Việt Nam.[71] Khi hầu hết các quốc gia mới độc lập ở Đông Nam Á quyết định áp dụng chính sách đồng hóa bắt buộc đối với cộng đồng người Hoa và xóa bỏ mối liên hệ giữa cộng đồng người Hoa với Trung Quốc, thì chính quyền Bắc Việt Nam lại thông qua chính sách bình đẳng và khoan dung đối với cư dân gốc Hoa đồng thời thắt chặt mối dây ràng buộc giữa Trung Quốc và cư dân bản địa của mình. Trên thực tế, những năm cuối 1940 và 1950, những người Cộng sản Việt Nam đã chuyển giao phần lớn trách nhiệm tổ chức cộng đồng Hoa kiều cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bởi họ tin rằng “ĐCSTQ có thể tổ chức cộng đồng Hoa kiều hiệu quả hơn”. Chi nhánh nội địa của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở miền nam Quảng Đông đã gửi những cán bộ nòng cốt cả về chính trị và quân sự đến miền Bắc Việt Nam nhằm tạo lập các cơ sở của đảng cũng như đơn vị quân đội trong lòng cộng đồng Hoa kiều.[72]
Sự chia cắt và nền độc lập của Việt Nam vào năm 1954 đã khiến cho việc giải quyết địa vị công dân người Hoa sống ở hai miền đất nước trở thành vấn đề cấp bách, một hiện trạng tồn tại ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á mới giành độc lập. Vấn đề trầm trọng thêm khi người Mãn Châu và các chính quyền Trung Hoa Dân Quốc thông qua nhiều đạo luật về quốc tịch, thừa nhận lưỡng quyền công dân và quyền công dân theo huyết thống.[73] Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa áp dụng chính sách tương tự khi nắm quyền vào năm 1949. Năm 1952, Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua một chỉ thị trong đó phân biệt tất cả Hoa kiều là “những người lưu trú gốc Hoa”.[74] Tuy nhiên, trong một nỗ lực giành lấy niềm tin từ các nước Đông Nam Á, năm 1955, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã tuyên bố tại hội nghị Bandung rằng Trung Quốc đã thay đổi chính sách và không còn ủng hộ lưỡng quyền công dân. Thay đổi này có nghĩa là những Hoa kiều đã nhập quốc tịch nước ngoài thì không còn là công dân Trung Quốc nữa. Những người không nhập quốc tịch nước ngoài vẫn được xem là kiều bào Trung Quốc, nhưng họ phải tôn trọng phong tục tập quán và tuân thủ luật pháp của quốc gia nơi họ cư trú.
Không bao lâu sau khi Trung Quốc tuyên bố thay đổi chính sách, miền Nam Việt Nam bắt đầu buộc cư dân Hoa kiều nhập tịch. Từ tháng 12 năm 1955 đến tháng 9 năm 1956, chính quyền ban hành bốn sắc lệnh quy định tất cả những người Hoa sinh ra ở Việt Nam sẽ tự động trở thành công dân Việt Nam. Trẻ em là kết quả của hôn nhân lưỡng tộc giữa người Hoa và người Việt cũng được xem là công dân Việt Nam. Những người không phải là công dân bị loại trừ khỏi mười một ngành nghề và trong vòng 6 đến 12 tháng phải thanh lý hoạt động kinh doanh. Một khi nhập tịch, người Hoa sẽ phải phục vụ trong quân đội và giải thể các bang hội của mình. Chính quyền miền Nam Việt Nam cũng tiến hành các biện pháp nhằm thay đổi hệ thống trường học của người Hoa. Tiếng Việt là ngôn ngữ bắt buộc phải sử dụng trong các trường trung học của người Hoa và người Việt được bổ nhiệm làm hiệu trưởng các trường này.[75]
Trung Quốc chỉ trích gay gắt chính sách nhập tịch bắt buộc của miền Nam Việt Nam và miền Bắc Việt Nam cũng tích cực tham gia vào cuộc công kích. Điển hình, ngày 23 tháng 5 năm 1957, tờ Nhân Dân xuất bản bài báo có nhan đề “Bè lũ Ngô Đình Diệm là kẻ thù chung của người Việt và Hoa kiều”. Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam – do đội ngũ Cộng sản hậu thuẫn – liên tục tuyên bố trong các văn kiện “… tất cả sắc lệnh và phương sách mà chế độ bù nhìn của Mỹ áp dụng đối với người Hoa sẽ bị xóa bỏ”, và rằng “người Hoa có quyền tự do cũng như quyền lựa chọn quốc tịch của mình”.[76] Miền Bắc Việt Nam cũng khuyến khích người Hoa ở miền Bắc tập hợp lực lượng và biểu tình nhằm phản đối các chính sách của Ngô Đình Diệm.[77]
Cách tiếp cận vấn đề quyền công dân của miền Bắc Việt Nam khác biệt so với miền Nam ở hai phương diện. Trước hết, chính sách của miền Bắc Việt Nam đối với quyền công dân khoan dung hơn so với miền Nam; thứ hai, Bắc Việt Nam đón nhận nó không phải với tư cách công việc nội bộ mà là vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời sẽ đàm phán với Trung Quốc thay vì với cộng đồng người Hoa về vấn đề quyền công dân. Năm 1955, ngay sau khi Trung Quốc thay đổi chính sách lưỡng quyền công dân, miền Bắc Việt Nam khởi động các cuộc đàm phán với Trung Quốc về người Hoa ở Việt Nam và hai chính quyền đi đến thỏa thuận miệng về chuyển đổi người Hoa thành công dân Việt Nam. Năm tiếp theo, nhân chuyến công du đến miền Bắc Việt Nam, Chu Ân Lai thúc giục cộng đồng Hoa kiều nơi đây xem Việt Nam là quê hương. Một thỏa thuận song phương được tiếp nối vào năm 1957, khẳng định người Hoa ở miền Bắc Việt Nam được hưởng các quyền lợi tương tự như công dân Bắc Việt Nam và được khuyến khích tự nguyện nhập quốc tịch Bắc Việt Nam sau khi “kiên trì và không ngừng thuyết phục cũng như giáo dục tư tưởng”.[78] Theo một nguồn tư liệu Việt Nam, thỏa thuận này đã đưa đại sứ Trung Quốc Luo Guibo đến miền Bắc Việt Nam và tuyên bố: “chúng ta phải tiến hành chuyển đổi toàn bộ người Hoa thành công dân Việt Nam trong khoảng thời gian 8 đến 10 năm, hoặc lâu hơn một chút”.[79] Nhằm thuyết phục người Hoa chấp nhận đồng hóa, chính quyền Bắc Việt Nam đã thành lập Tiểu Ban công tác người Hoa vào năm 1956 và Tổng hội Liên hiệp Hoa kiều Việt Nam vào năm 1958.[80] Hai chính quyền cùng nhau khởi động một chiến dịch tuyên truyền nhằm quảng bá các khẩu hiệu như “xây dựng Việt Nam cũng như xây dựng Trung Hoa” đồng thời chỉ trích tư duy “đại Trung Hoa” và “tư duy làm khách”.[81] Chính quyền Bắc Việt Nam cũng khởi động chiến dịch phổ cập giáo dục, khuyến khích người Hoa học đọc và viết tiếng Việt.[82]
Người Hoa và chính quyền Bắc Việt Nam rõ ràng đồng ý từ từ tiếp cận vấn đề nhập tịch và về phía nội bộ cộng đồng người Hoa, một số nhóm nhỏ sẽ được nhập tịch trước các nhóm khác. Nhìn chung, họ mong muốn người Hoa ở nông thôn mang quốc tịch Việt Nam trước bộ phận người Hoa ở thành thị. Sự phân hóa có thể liên quan đến quy mô dân số và vị trí địa lý của người Hoa ở nông thôn. Như đã đề cập, đa số người Hoa ở miền Bắc Việt Nam sống ở nông thôn. Ngoài ra, họ sống dọc vùng biên giới chiến lược Việt-Trung. Một trong những nhóm người Hoa đông đảo nhất ở nông thôn là dân tộc Ngái, nhiều thế hệ trước đây đã di cư từ miền nam Trung Quốc đến tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam. Bộ phận dân số này được cho là bao gồm những người nói tiếng Hẹ (Khách Gia) và một số khác đến từ Vân Nam.[83] Mặc dù quy mô dân số chính xác vẫn chưa rõ ràng, ước tính có 160.000 người Hoa ở Quảng Ninh vào năm 1978, chiếm 22% dân số toàn tỉnh. Những số liệu này đã biến người Hoa ở Quảng Ninh thành cộng đồng lớn thứ hai tại đất nước Việt Nam thống nhất, chỉ đứng sau cộng đồng ở Chợ Lớn.[84] Họ tập hợp thành bốn huyện trong tỉnh, chiếm từ 50% đến 60% dân số mỗi huyện. Họ tham gia vào hoạt động nông nghiệp, ngư nghiệp, khai thác mỏ, chế tạo gốm sứ, buôn bán và dịch vụ.[85]
Ngay từ tháng 10 năm 1945, chính quyền Bắc Việt Nam đã chủ trương tất cả dân tộc thiểu số ở Việt Nam, ngoại trừ “những người lưu trú gốc Hoa” thuộc tầng lớp tư bản thành thị, đều là công dân Việt Nam.[86] Tuy nhiên, chính sách này không được thực thi hiệu quả. Đó là nguyên nhân Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai thúc giục người Hoa ở Quảng Ninh nhập quốc tịch Việt Nam vào năm 1956, cuộc hô hào đã gặp phải sự phản đối từ cư dân Hoa kiều. Một tư liệu của Việt Nam cho hay vào năm 1957, đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và chính quyền Bắc Việt Nam nhất trí quan điểm người Ngái ở Quảng Ninh được xem là công dân Việt Nam, trong khi vấn đề quốc tịch cho người Hoa sống tại các khu vực khác thuộc miền Bắc Việt Nam bị trì hoãn.[87]
Chính sách phân hóa người Ngái khỏi cộng đồng người Hoa ở thành thị có khả năng góp phần loại trừ họ ra khỏi Tổng hội Liên hiệp Hoa kiều Việt Nam, một tổ chức chủ yếu bao gồm Hoa kiều tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định.[88] Việc phân hóa này cũng khiến cho chính quyền Việt Nam dùng đến một thuật ngữ riêng biệt đối với người Hoa ở Quảng Ninh. Trong một bài báo nhắc đến người Hoa ở Quảng Ninh năm 1965, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh dùng thuật ngữ “người Hán” (dân tộc Hán) thay cho Hoa kiều (người Hoa ở hải ngoại).[89] Bài báo viết về nông dân và ngư dân ở đảo Cô Tô cũng gọi họ là người Hán thay vì Hoa kiều,[90] trong khi nông dân người Hoa tại các tỉnh phía Bắc khác vẫn được gọi là Hoa kiều.[91] Nhìn chung, việc áp dụng chính sách phân hóa này không mấy ảnh hưởng tức thời đến người Ngái và bộ phận người Hoa ở nông thôn – họ vẫn có thể dễ dàng vượt qua biên giới mà không cần hộ chiếu. Thời kỳ khủng hoảng những năm cuối 1970, Việt Nam tuyên bố người Hoa ở miền Bắc đã tự nguyện trở thành những công dân Việt Nam thực sự, nhưng Trung Quốc biện luận rằng hầu hết những nỗ lực khuyến khích họ nhập quốc tịch Việt Nam đều thất bại.[92] Cuối những năm 1970, nhiều người Ngái trở về Trung Quốc hoặc đến các quốc gia khác cùng với người Hoa. Năm 1979, chính quyền Việt Nam thừa nhận những người ở lại là nhóm dân tộc riêng biệt, độc lập với dân tộc Hoa.[93]
Năm 1961, miền Bắc Việt Nam và Trung Quốc đi đến một thỏa thuận khác, theo đó đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội sẽ ngừng phát hành hộ chiếu cho người Hoa ở Việt Nam. Người Hoa muốn đi thăm Trung Quốc phải nộp đơn xin chính phủ Việt Nam chấp thuận. Sau khi chấp thuận, đơn sẽ được trình lên đại sứ quán Trung Quốc, nơi sẽ cấp visa du lịch và giấy thông hành cho người nộp đơn. Đây là một bước rất quan trọng trong quá trình nhập tịch của cư dân gốc Hoa mặc dù Việt Nam vẫn chưa có thẩm quyền cấp hộ chiếu phổ thông cho họ. Điều này về cơ bản khiến cho người Hoa ở miền Bắc Việt Nam trở thành “người không có hộ chiếu”.[94]
Thời kỳ Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, khởi đầu vào năm 1966, người Hoa ở miền Bắc Việt Nam gây nên nhiều xáo trộn. Họ tổ chức các cuộc biểu tình chống lại “bá quyền Liên Xô” và tiến hành các cuộc tuần hành “ủng hộ đường lối Mao-ít” tại Hà Nội.[95] Về sau, các lãnh đạo Việt Nam đã cáo buộc rằng trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, “các Hoa kiều phản động đã truyền bá ‘tư tưởng Mao Trạch Đông’ và ‘Cách mạng Văn hóa’, xuyên tạc đường lối chính trị của Việt Nam và thiết lập một mạng lưới tình báo”.[96] Đây không phải những cáo buộc thiếu căn cứ. Thời kỳ này, Tân Việt Hoa Báo (Xin Yue Hua Bao), cơ quan tin tức của Tổng hội Liên hiệp Hoa kiều Việt Nam, tràn ngập các báo cáo về người Hoa ở Việt Nam hô hào khẩu hiệu cách mạng, hát bài hát cách mạng, lên án chủ nghĩa xét lại, học tập đường lối của Chủ tịch Mao Trạch Đông và thể hiện lòng trung thành với vị lãnh đạo này.[97] Bí thư Đảng ủy của một trường tiểu học người Hoa ở Hà Nội về sau nhớ lại, trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, trường học trở nên hỗn loạn bởi các cuộc xung đột giữa các bè phái chính trị khác nhau.[98]
Nếu người Hoa ở miền Bắc Việt Nam sẵn sàng trở thành công dân Việt Nam trước cuộc Cách mạng Văn hóa thì Cách mạng Văn hóa đã đảo ngược, hay ít ra là trì hoãn tình hình. Mặc dù Trung Quốc đồng ý chuyển giao các vấn đề về cộng đồng Hoa kiều cho chính quyền Bắc Việt Nam vào năm 1957,[99] một tuyên bố của Tổng hội Liên hiệp Hoa kiều Việt Nam năm 1967 ghi nhận rằng người Hoa ở miền Bắc Việt Nam chịu sự chỉ đạo của “hai chính quyền và hai đảng”.[100] Các viên chức đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội một lần nữa lại can thiệp sâu vào vấn đề người Hoa ở địa phương. Trong chuyến viếng thăm vài trường học người Hoa tại Hà Nội, một bí thư đến từ đại sứ quán Trung Quốc bình luận rằng người Hoa ở miền Bắc Việt Nam có quyền và nghĩa vụ đọc báo chí tiếng Hoa, nghe các chương trình phát thanh tiếng Hoa và thể hiện lòng trung thành với Chủ tịch Mao như người Hoa vốn làm ở Trung Quốc, rằng cộng đồng người Hoa và đại sứ quán Trung Quốc ràng buộc bởi tình máu mủ.[101]
Phản ứng trước những động thái và bình luận cực đoan này, chính quyền Việt Nam tiến hành những nỗ lực đặc biệt nhằm ngăn chặn người Hoa nghe các chương trình phát thanh tiếng Hoa, đọc báo cũng như tạp chí tiếng Hoa. Một số người Hoa giữ các chức vụ trong Đảng, quân đội hay chính phủ đều bị giáng chức. Chính quyền cũng tiến hành kiểm soát đối với các trường học người Hoa được Việt hóa.[102] Ngoài ra, chính quyền phát động chiến dịch Ba Chia Sẻ và Hai Tốt (chia sẻ vui buồn, sống chết, nghĩa vụ với người Việt đồng thời lao động tốt và chiến đấu tốt) nhằm hòa nhập người Hoa và người Việt.[103] Sau cùng, miền Bắc Việt Nam lại bắt đầu khuyến khích người Hoa nhập quốc tịch Việt Nam nhưng một lần nữa, họ thể hiện thái độ miễn cưỡng.[104] Báo cáo cho hay, sau tháng 3 năm 1967, chính quyền địa phương Lào Cai ngược đãi người Hoa và buộc họ phải nhập quốc tịch Việt Nam. Để phản đối, mười sinh viên người Hoa từ Lào Cai đã vượt biên trong đêm và có mặt tại Trung Quốc. Tháng 12 năm 1967, khoảng 1.000 người Hoa đã đặt chân đến Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc động viên họ trở về Việt Nam nhưng 101 người được phép ở lại Trung Quốc. Gần 400 người Hoa từ Việt Nam dời sang Trung Quốc năm 1968 vì những lý do tương tự và hầu hết được phép ở lại.[105] Nhiều người Hoa rõ ràng đã phớt lờ lời kêu gọi nhập tịch bởi vào năm 1976, Tổng hội Liên hiệp Hoa kiều Việt Nam một lần nữa phải hối thúc bộ phận người Hoa ở thành thị tự nguyện nhập quốc tịch Việt Nam.[106]
So với các nước Đông Nam Á khác, cho đến cuối những năm 1970, kế hoạch chuyển đổi quốc tịch cho cư dân người Hoa của miền Bắc Việt Nam bất thành, một thất bại đặc biệt nghiêm trọng nếu xét quy mô nhỏ bé của cộng đồng người Hoa nơi đây. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất cho thất bại là bản chất ôn hòa của chính sách Bắc Việt Nam đối với người Hoa. Ở các nước như Malaysia, miền Nam Việt Nam và Indonesia, chính quyền có khả năng buộc người Hoa thay đổi quốc tịch, nhưng ở miền Bắc Việt Nam, theo như thỏa thuận giữa hai chính quyền Bắc Việt Nam và Trung Quốc, biện pháp duy nhất được áp dụng là thuyết phục và giáo dục nhưng rốt cuộc chẳng mấy hiệu quả.
Chính sách của miền Bắc Việt Nam đối với người Hoa không chỉ ôn hòa mà còn mang tính mâu thuẫn nội tại. Một mặt, chính quyền Bắc Việt Nam hăm hở động viên người Hoa trở thành công dân Việt Nam; mặt khác, chính quyền không chỉ trao cho người Hoa tất cả các quyền công dân Việt Nam được hưởng vào thời điểm trước khi họ mang quốc tịch Việt Nam mà còn trao cho người Hoa đặc quyền nếu họ vẫn duy trì quốc tịch Trung Quốc. Giống như công dân Việt Nam, người Hoa được phép tham gia bầu cử, tham gia Đảng Lao Động và làm công chức.[107] Đặc quyền chủ yếu nhất đối với người Hoa là miễn trừ quân dịch: suốt cuộc chiến tranh kéo dài với Mỹ và miền Nam Việt Nam, người Hoa ở miền Bắc Việt Nam không có nghĩa vụ tham gia quân đội.[108] Một người Hoa tị nạn ở Việt Nam giải thích rằng vào năm 1978, nhiều người Hoa không muốn mang quốc tịch Việt Nam vì địa vị ấy sẽ gắn liền với các nghĩa vụ quân sự cũng như chế độ phục dịch khác. Vài người tị nạn thừa nhận, một trong những lý do họ dời đến Trung Quốc những năm cuối 1970 là vì họ không muốn bị gửi sang tham chiến ở Campuchia.[109]
Hoa kiều cũng được hưởng tự do thương mại nhiều hơn công dân Việt Nam. Vấn đề xã hội hóa người Hoa ở miền Bắc Việt Nam bắt đầu vào những năm cuối 1950 và bao gồm hai chính sách: một là khuyến khích các thương nhân cùng thợ thủ công người Hoa tự tổ chức thành các hợp tác xã, và hai là khuyến khích một số thương nhân người Hoa trở thành chủ thể sản xuất, theo cách nói của chủ nghĩa cộng sản, tức là công nhân nhà máy hoặc nông dân.[110]Quá trình chuyển đổi ấy chưa được hoàn tất cho đến giữa năm 1974.[111] Đối với nhiều người Việt Nam, việc người Hoa có thể qua lại Trung Quốc là một đặc quyền khác, bởi lý do những chuyến viếng thăm này tạo cơ hội để người Hoa buôn lậu hàng Trung Quốc như nước hoa, bột, rượu, và dược thảo. Người ta tin rằng người Hoa kiểm soát một mạng lưới hàng hóa chợ đen.[112] Thời kỳ 1974 và 1975, Tổng hội Liên hiệp Hoa kiều Việt Nam báo cáo tình trạng có quá nhiều thương nhân bán lẻ người Hoa và một vài trong số đó dính líu đến kinh doanh phi pháp.[113] Một người Việt tị nạn đến từ miền Bắc Việt Nam nhớ về các cư dân Hoa kiều:
Họ hưởng nhiều đặc quyền mà ngay cả người Việt chúng tôi không có được. Chừng nào quan hệ Việt – Trung còn tốt đẹp, họ khá giả về mọi mặt so với người Việt – những người buộc phải tham gia vào lực lượng lao động xã hội chủ nghĩa. Họ có những cơ hội giáo dục mà chúng tôi không được đón nhận và quyền tự do mua bán rộng rãi hơn. Chính quyền muốn người Hoa trở thành công dân để họ tham gia vào quá trình sản xuất xã hội chủ nghĩa như người Việt, nhưng họ từ chối nhằm có thêm tự do và tránh chế độ quân dịch.[114]
Một người Hoa tị nạn từ miền Bắc Việt Nam cũng đồng tình: “Vẹn cả đôi đường. Người Hoa ở miền Bắc có mọi quyền cũng như đặc quyền của công dân Việt Nam mà không chịu bất lợi nào”.[115] Một bác sĩ người Việt gốc Hoa khẳng định rằng bệnh nhân người Hoa được đối xử tốt hơn người Việt tại các bệnh viện của Bắc Việt Nam.[116] Thậm chí vào năm 1978, khi Trung – Việt khởi động cuộc khẩu chiến quyết liệt vì vấn đề người Hoa ở Việt Nam, chính quyền Trung Quốc vẫn thừa nhận rằng trước năm 1975, Hoa kiều ở miền Bắc Việt Nam được đối đãi tốt.[117] Năm 1978, chính quyền Việt Nam lý luận rằng sở dĩ người Hoa được đối xử tốt bởi họ được xem là công dân Việt Nam chứ không phải người nước ngoài và chính quyền Việt Nam trao nhiều quyền lợi cho người Hoa ở Việt Nam hơn là Trung Quốc trao cho người Việt ở Trung Quốc.[118] Nhưng khi trao đặc quyền cho người Hoa, chính quyền Việt Nam vẫn duy trì một truyền thống bắt nguồn từ chính quyền thực dân Trung Quốc mà vài triều đại Việt Nam cũng như chính quyền thực dân Pháp còn giữ lại, trái ngược với ý định công khai là đối xử với người Hoa như công dân Việt Nam.[119] Đối xử ưu đãi có thể đã tác động mạnh đến việc gia tăng sự khác biệt mà người ta nhận thấy giữa người Việt và người Hoa, thúc đẩy cảm giác ưu việt của người Hoa và một sự gắn kết mang tính ảo tưởng với Trung Quốc, tất cả những điều này khiến họ miễn cưỡng đồng hóa.
Cần lưu ý rằng mặc dù phần đông Hoa kiều vui vẻ chấp nhận những đặc ân mà chính quyền mang lại, cũng có nhiều người tự nguyện từ bỏ đặc quyền và hành xử như những công dân tận tụy của Việt Nam. Điển hình là từ năm 1964 đến 1975, khoảng 1.800 người Hoa ở Quảng Ninh gia nhập quân đội mỗi năm. Suốt thời kỳ chiến tranh Việt Nam, tổng cộng 22.000 người Hoa tại tỉnh này đã tham gia quân đội.[120] Nhiều người Hoa từ các tỉnh và các thành phố lớn khác như Hà Nội và Hải Phòng cũng tình nguyện tham gia quân ngũ.[121] Thời kỳ 1967 đến 1974, chính quyền Bắc Việt Nam công nhận hai mươi bảy người Hoa ở Hải Phòng là các liệt sĩ bởi họ đã hy sinh thân mình cho “cuộc cách mạng Việt Nam nhằm bảo vệ thành phố Hải Phòng anh hùng”. Từ năm 1969 đến 1972, hơn 100 người Hoa ở Hải Phòng được trao danh hiệu “Lao Động Kiểu Mẫu” và hơn 1.000 người được trao danh hiệu “Lao Động Tiên Tiến”. Cùng thời kỳ, các cá nhân người Hoa ở Hải Phòng nhận 24 Huân chương Hồ Chí Minh, 11 Huân chương Lao Động, 5 Huân chương Quân Công, 2 Huân chương Kháng Chiến từ chính phủ và 10 bằng khen do Phủ Thủ tướng trực tiếp trao tặng.[122] Nhiều lãnh đạo Bắc Việt Nam, từ Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến Lê Duẩn, không ngừng tuyên dương các cư dân gốc Hoa vì sự đóng góp của họ đối với cách mạng Việt Nam trước năm 1978[123] và về sau, chính phủ Việt Nam tiếp tục công nhận những đóng góp này.
Bản chất khoan dung và mâu thuẫn nội tại từ chính sách của miền Bắc Việt Nam đối với người Hoa chỉ có thể giải thích bằng mong muốn mãnh liệt của các lãnh đạo Bắc Việt là duy trì quan hệ bền chặt với Trung Quốc, động thái mà họ nghĩ rằng có lợi cho nỗ lực tái thống nhất và tái thiết Việt Nam. Họ đối xử với người Hoa ở miền Bắc Việt Nam như những đại diện của Trung Quốc, tin tưởng rằng việc trao cho họ các đặc quyền sẽ thúc đẩy tình hữu nghị và đoàn kết giữa hai nước Việt – Trung.
Trường học người Hoa
Vị trí của Trung Quốc trong quan hệ ba bên
Chính sách đồng hóa của Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á nói chung
Tài liệu tham khảo
Xem toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Nguoi Hoa o Bac Viet Nam thoi ky 1954-1978.pdf
Tôi xin gửi lời cảm ơn tới Viện Nghiên Cứu & Giáo Dục cũng như Trung Tâm Giáo Dục Toàn Cầu thuộc Đại học Butler đã tài trợ cho những chuyến đi đến Trung Quốc và Việt Nam vào năm 2007, 2008. Tôi biết ơn những hỗ trợ nhiệt tình từ các giáo viên và bạn bè tại Trung Quốc và Việt Nam: Giáo sư Fan Honggui và Huang Xingqiu ở Quảng Tây; Ngài Liu Zhiqiang ở Bắc Kinh; Giáo sư Châu Thị Hải, Nguyễn Văn Hảo và Nguyễn Văn Huy ở Hà Nội; Ngài Truong Thai Du ở thành phố Hồ Chí Minh và Giáo sư Fan Ruiping ở Hồng Kông. Tác giả xin chịu trách nhiệm cá nhân cho mọi quan điểm cũng như sai sót nếu có trong bài báo này.
[1] Theo một ước lượng vào năm 1978, người Trung Quốc chiếm 85% số người vượt biên ở miền nam Việt Nam và 95% số người tị nạn di cư từ miền Bắc Việt Nam sang Trung Quốc. Chang P.M. 1982, trang 212-13.
[2] Amer 1991, trang 46.
[3] Beijing Review 2 tháng 6 năm 1978, trang 15.
[4] Nguyễn V. 1978, trang 43, 48.
[5] Beijing Review 16 tháng 6 năm 1978, trang 15.
[6] Godley 1980, trang 36.
[7] Porter 1980, trang 57.
[8] People’s Daily, 25 tháng 8 năm 1994.
[9] Một ước lượng cho hay vào năm 1989, có trên 900.000 người Trung Quốc ở miền Nam Việt Nam nhưng chỉ có 2.000 đến 3.000 người Trung Quốc ở miền Bắc Việt Nam. Guowuyuan qiaoban qiaowu ganbu xuexiao, 1993, trang 74. Báo cáo điều tra dân số chính thức của Việt Nam thống kê con số 961.702 người Việt gốc Hoa ở Việt Nam vào năm 1989. Chỉ còn lại một bộ phận nhỏ trong số họ sống ở miền bắc Việt Nam, 4.015 người ở Hà Nội, 2.659 người ở Hải Phòng, 2.287 người ở Lạng Sơn và 2.276 người ở Quảng Ninh. Châu 1992, trang 44-45.
[10] Lu 1964, trang 26, 39, 47.
[11] Tham khảo Taylor 1983, trang 69-80 để có được thông tin trọn vẹn về các gia tộc Hán Việt.
[12] Zhang W. 1975, trang 5.
[13] Lu 1964, trang 109-14; Taylor 1983, trang 69-80; Zhang C. 25 tháng 5 năm 1969.
[14] Zhang C. 23 tháng 5 năm 1969.
[15] Zhang C. 25 tháng 5 năm 1969; 27 tháng 5 năm 1969.
[16] Zhang C. 25 tháng 5 năm 1969; Châu 1992, trang 98; Zhang W. 1975, trang 17.
[17] Phân tích cô đọng về chính sách của Việt Nam đối với người Hoa từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 20, tham khảo Châu 2004, trang 69-85.
[18] Châu 1992, trang 17.
[19] Zhang C. 23 tháng 5 năm 1969; Châu 1992, trang 20.
[20] Woodside 1971, trang 8.
[21] Châu 1992, trang 23.
[22] Li B. 1990, trang 4-5.
[23] Li B. 1990, trang 68-72.
[24] Zhang W. 1975, trang 36; Châu 1993, trang 52-59.
[25] Li B. 1990, trang 6. Để hiểu thêm lược sử về Minh Hương và một nghiên cứu chi tiết về cộng đồng này, tham khảo Chen C. 1964.
[26] Châu 1992, trang 25-26; Ly Singko 1978, trang 32-41.
[27] Châu 1992, trang 100.
[28] Li B. 1990, trang 7. Thực dân Pháp về sau kế thừa hệ thống này và vào năm 1885 đã giảm số lượng cộng đồng từ bảy xuống còn năm, lấy năm thổ ngữ Trung Hoa chính làm cơ sở. Marsot 1993, trang 85.
[29] Dai 1997, trang 40-50.
[30] Châu 1992, trang 28-29; Li B. 1990, trang 8-9; Zheng 1976, trang 33-34.
[31] McAleavy 1968.
[32] Fan H. 2004, trang 203; Fan H. 1999, trang 163.
[33] Marsot 1993, trang 43; McAleavy 1968, trang 183.
[34] Zheng 1976, trang 85-86; Miller 1946, trang 268-79.
[35] Châu 1992, trang 121.
[36] Tôn Dật Tiên từng sáu lần viếng thăm Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 1900 đến 1907. Những người ủng hộ ông đã tiến hành năm cuộc nổi loạn chống quân Mãn Châu ở Việt Nam. Zhang W. 1975, trang 90-91. Để biết thêm thông tin thú vị về mối quan hệ của Tôn Dật Tiên với người Pháp và người Hoa ở Việt Nam suốt những năm tháng trước Cách Mạng 1911, tham khảo Barlow 1979.
[37] Marsot 1993, trang 44-51, 53, 116-17.
[38] Purcell 1952, trang 209; trang 227-29.
[39] Marsot 1993, trang 84.
[40] Purcell 1952, trang 230.
[41] Thompson và Adloff 1955, trang 56.
[42] Purcell 1952, trang 265.
[43] Elegant 1959, trang 261; Mitchison 1961, trang 58; Zhang W. 1957, trang 43. Để biết thêm chi tiết về những trải nghiệm của một gia đình người Hoa ở miền Bắc Việt Nam trước và trong thời kỳ chia cắt, tham khảo Vuong-Riddick 2007.
[44] Qi 16 tháng 2 năm 1969; Xin Yue Hua Bao 24 tháng 8 năm 1961; 28 tháng 7 năm 1964; 31 tháng 8 năm 1965.
[45] Marsot 1993, trang 92, 95-98.
[46] Li B. 1990, trang 16.
[47] Li B. 1990, trang 81.
[48] Marsot 1993, trang 5.
[49] Fu 2004, trang 295.
[50] Fitzgerald 1972, trang 196.
[51] Sở Văn Hóa và Thông Tin Thanh Hóa, 1978, trang 17.
[52] Nguyen M. 1979, trang 1041.
[53] Qing 1996. Năm 1954, khoảng 5.000 người Nùng ở Hải Ninh theo Voong A Sang chuyển đến miền Nam Việt Nam. Ở đó, họ thành lập những cộng đồng riêng và bắt đầu tự nhận là người “Hoa Nùng” hay người Nùng gốc Hoa. Tham khảo Châu 2006, trang 112; Zhang W. 1975, trang 89. Những nghiên cứu gần đây về nhận diện người Nùng, tham khảo Hutton 2000, trang 254-76. Hutton chỉ ra rằng (trang 263) người Nùng gốc Hoa khác biệt so với người Thái-Nùng vốn là nhóm dân tộc có quy mô lớn hơn nhiều.
[54] Châu 1992, trang 58-60.
[55] Ước tính vào năm 1955, có 800.000 người Hoa ở miền Nam Việt Nam và trong số đó có trên 570.000 người sống ở khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn. Châu 1992, trang 38.
[56] Marsot 1993, trang 95.
[57] Châu 1992.
[58] Purcell 1952, trang 210, 214.
[59] Xin Yue Hua Bao 27 tháng 11 năm 1968.
[60] Kỳ 1978, trang 18.
[61] Marsot 1993, trang 96.
[62] Châu 1992, trang 35.
[63] Purcell 1952, trang 214.
[64] Xin Yue Hua Bao, 10 tháng 8 năm 1974; Kỳ 1978, trang 18.
[65] Nguyen M. 1979, trang 1041; Unger 1987, trang 598; Li B. 1990, trang 18.
[66] Lấy ví dụ, hầu hết những người Hoa ở Quảng Ninh có đất đai tổ tiên nằm ở Quảng Tây. Tham khảo Zhao 1993, trang 11.
[67] Danh sách hoàn chỉnh 19 nhóm dân tộc khác có nguồn gốc từ Trung Quốc, tham khảo Fan H. 1999, trang 162-246.
[68] Sở Văn Hóa và Thông Tin Thanh Hóa, 1978, trang 17; Kỳ 1978, trang 22.
[69] Xin Yue Hua Bao 6 tháng 11 năm 1969.
[70] Xin Yue Hua Bao 30 tháng 10 năm 1969.
[71] Xin Yue Hua Bao 7 tháng 11 năm 1969.
[72] Guo 2007.
[73] Mitchison 1961, trang 45-46; Evans 1990, trang 48.
[74] Woodside 1979, trang 389.
[75] Fitzgerald 1972, trang 114; Godley 1980, trang 46-47; Minority Rights Group, 1992, trang 26-27; Qiaowu weiyuanhui qiaowu yanjiusuo 1966, trang 30-40.
[76] Beijing Review 2 tháng 6 năm 1978; 16 tháng 6 năm 1978.
[77] Xin Yue Hua Bao 6 tháng 7 năm 1960; 17 tháng 7 năm 1960a; 17 tháng 7 năm 1960b; 17 tháng 7 năm 1960c.
[78] Evans 1990, trang 49.
[79] Unger 1987, trang 602.
[80] Châu 2006, trang 111.
[81] Zhuang S. 6 tháng 3 năm 1960; Xin Yue Hua Bao 30 tháng 3 năm 1960.
[82] Xin Yue Hua Bao 19 tháng 4 năm 1960; 12 tháng 5 năm 1960; 22 tháng 5 năm 1960; 19 tháng 4 năm 1961.
[83] Purcell 1952, trang 218; Unger 1987, trang 612; Fan H. 1999, trang 299.
[84] Kỳ 1978, trang 18. Theo Qing 1996, tổng dân số của Quảng Ninh là 664.000 vào tháng 1 năm 1976, bao gồm 142.000 người Hoa và người Hoa chiếm 21,4% tổng dân số.
[85] Nguyễn V. 1978, trang 41-42.
[86] Woodside 1979, trang 389.
[87] Unger 1987, trang 609. Một nghiên cứu gần đây về người Ngái, tham khảo Hutton 2000, trang 254-76.
[88] Chính quyền Việt Nam về sau lập luận rằng bộ phận người Hoa ở thành thị cũng cần được xem là công dân Việt Nam vì ba lý do: thứ nhất, họ được đối xử như công dân Việt Nam; thứ hai, tổng hội của họ nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Lao Động Việt Nam; và thứ ba, họ không có hộ chiếu do Trung Quốc cấp hay thẻ cư trú vĩnh viễn do Việt Nam cấp. Kỳ 1978, trang 23.
[89] Nguyễn T. 7 tháng 9 năm 1965.
[90] Xin Yue Hua Bao 13 tháng 5 năm 1961; Hồng 14 tháng 5 năm 1964.
[91] Xin Yue Hua Bao 27 tháng 4 năm 1963; 20 tháng 11 năm 1963.
[92] Cankao Xiaoxi, 18 tháng 6 năm 1978; Hãng thông tấn Xinhua, 15 tháng 6 năm 1978.
[93] Fan H. 1999, trang 73; trang 219-20; Fan H. 2004, trang 264.
[94] Hoàng 1978, trang 11; Bộ Ngoại Giao, Việt Nam 1978.
[95] Amer 1991, trang 17.
[96] Bộ Ngoại Giao nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam 1979, trang 38.
[97] Xin Yue Hua Bao 19 tháng 10 năm 1966; 27 tháng 11 năm 1966; 11 tháng 12 năm 1966; 25 tháng 12 năm 1966; 5 tháng 7 năm 1967; 14 tháng 7 năm 1967.
[98] Xin Yue Hua Bao 7 tháng 12 năm 1973
[99] Porter 1980, trang 55.
[100] Xin Yue Hua Bao 21 tháng 9 năm 1967.
[101] Như trên.
[102] Fu 2004, trang 305.
[103] Xin Yue Hua Bao 20 tháng 8 năm 1966.
[104] Benoit 1981, trang 148.
[105] He Kou Xian Zhi, 1994, trang 608-09.
[106] Xin Yue Hua Bao 1 tháng 9 năm 1976.
[107] Xin Yue Hua Bao, 20 tháng 3 năm 1960.
[108] Mai 1978, trang 56. Ngay cả trước thời thuộc Pháp, Hoa kiều ở Việt Nam cũng thừa hưởng đặc quyền ấy; Purcell 1952, trang 224.
[109] Cankao Xiaoxi 13 tháng 5 năm 1978; 1 tháng 6 năm 1978.
[110] Xin Yue Hua Bao 16 tháng 1 năm 1960; 20 tháng 1 năm 1960; 23 tháng 1 năm 1960; 25 tháng 1 năm 1960; 27 tháng 1 năm 1960; 1 tháng 2 năm 1960; 13 tháng 6 năm 1965; 13 tháng 8 năm 1966; Zhuang Y. 1960.
[111] Stern 1986, trang 284.
[112] Benoit 1981, trang 144.
[113] Xin Yue Hua Bao 10 tháng 8 năm 1974; 29 tháng 3 năm 1975.
[114] Benoit 1981, trang 148.
[115] Benoit 1981, trang 144.
[116] Nguyễn V. 1978, trang 43.
[117] Chang P.M. 1982, trang 197.
[118] Hoàng 1978, trang 12; Sở Văn Hóa và Thông Tin Thanh Hóa, 1978, trang 17.
[119] Một tuyên bố trong Bộ Văn Hóa và Thông Tin Việt Nam, 1878, trang 6.
[120] Fu 2004, trang 296.
[121] Tham khảo Xin Yue Hua Bao 1 tháng 6 năm 1965; 30 tháng 8 năm 1966; 18 tháng 10 năm 1966.
[122] Li B. 1990, trang 143.
[123] Li B. 1990, trang 139-43.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét