Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Di cốt Phùng Chí Kiên ở Mai Dịch được giám định ADN ra sao ?

Đọc lại Nguyễn Lê Cát (2011): Nhận dạng với mẫu hài cốt đồng chí Phùng Chí Kiên
Chỉ là bài mà anh Cát đứng tên chung, đã công bố năm 2011 trên Dân Việt.Giám định ADN ở viện của anh Cát, như vậy, mới chỉ có từ 2003, tức đúng 10 năm trước. Có thắc mắc một chút xíu, để xác nhận rõ nghĩa câu văn, nhờ anh Cát giải thích giùm: Hài cốt của cụ Phùng Chí Kiên có hai phần (như mọi người đều biết). Vậy hài cốt của "đồng chí Phùng Chí Kiên" như anh viết trong bài, là nửa nào, hay cả hai ?
Thêm nữa, nhân tiện cũng nhờ anh Cát luôn: chiếc thủ cấp thì đang nóng thời sự (anh nói sự thực chỉ là chiếc răng lợn), thế còn phần thân mình của cụ thì kết quả giám định của các anh ra sao ? Không thấy bên anh nói cụ thể hơn. Anh nhớ cho xem bản giám định, nhưng phải cụ thể chi tiết hơn với bản giám định cái răng lợn vừa rồi nhé. 
Phải hỏi anh như vậy, là vì, theo tư liệu cũ, chúng tôi đã thấy tình hình như sau (trích nguyên lại):


Cho đến cuối tháng 2/1990, anh Việt nghe một tin vui lớn, ấy là Nhà nước đang chuẩn bị đưa hài cốt của chú Phùng Chí Kiên về an táng tại nghĩa trang Mai Dịch.

Ngày 3/3/1990, buổi lễ rước di cốt của Phùng Chí Kiên từ Nghĩa trang huyện Ngân Sơn về Nghĩa trang Mai Dịch được tổ chức long trọng, với sự có mặt của các vị lão thành cách mạng Hoàng Quốc Việt, Chu Huy Mân, lãnh đạo các ban ngành trong tỉnh Nghệ An, dưới sự chủ trì của Phó ban Tổ chức T.Ư Đảng Nguyễn Đình Hương...

Từ năm 1990, phần thân mình của cụ đã được chuyển về Mai Dịch. Như vậy, xét nghiệm mà anh Cát phát biểu năm 2011 ở dưới đây, là cho phần thân mình ấy ư ?


Từ đây trở xuống là chép nguyên xi.

---

Tìm hài cốt bằng ngoại cảm: Chính xác chưa đến 10%

21/07/2011 12:23

(Dân Việt) - Chẳng thế mà có người Mỹ khi được hỏi về phương pháp này họ cho rằng: “Có lẽ đó là cách mà những người đang đi tìm hài cốt của thân nhân mình tìm sự an ủi”.

Có thể khẳng định, khó khăn lớn nhất cho công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là do thiếu thông tin. Ngoại trừ những thông tin về thời gian, địa điểm hy sinh, hầu như không có bất cứ thông tin nào về các đặc điểm sinh học như: Chiều cao, cân nặng, nhóm máu, hồ sơ răng… chính vì vậy mà đa số trường hợp thân nhân liệt sĩ mang mẫu đến giám định tại Viện Pháp y Quân đội là dựa vào phương pháp ngoại cảm.

Một phương pháp có lẽ được áp dụng duy nhất tại Việt Nam, không có bất cứ một nước nào trên thế giới áp dụng phương pháp này trong giám định nhận dạng. Chẳng thế mà có người Mỹ khi được hỏi về phương pháp này họ cho rằng: “Có lẽ đó là cách mà những người đang đi tìm hài cốt của thân nhân mình tìm sự an ủi”.


Trong những năm qua, rất nhiều hài cốt liệt sĩ đã được khai quật, di chuyển về quê hương liệt sĩ mà không qua bất kỳ một phương pháp giám định khoa học nào. Chính thực trạng này sẽ gây nên một sự xáo trộn rất lớn trong hệ thống quản lý phần mộ liệt sĩ ở các nghĩa trang. Bởi khi không biết phần hài cốt liệt sĩ được di chuyển đi đâu, chúng ta hết cơ hội để lấy mẫu giám định.

Hãy thử làm một phép tính nhỏ, mỗi gia đình liệt sĩ di chuyển hài cốt khi chưa xác định chắc chắn sẽ làm cho hai gia đình liệt sĩ mất phần mộ: Một gia đình chuyển sai mộ và một gia đình khác bị gia đình trên chuyển mất không còn cơ hội tìm thấy, hàng ngàn gia đình đều làm vậy thì cơ hội không tìm thấy hài cốt liệt sĩ cần tìm sẽ nhân lên gấp nhiều lần.

Giám định nhận dạng hài cốt liệt sĩ bằng kỹ thuật phân tích ADN được thực hiện tại Viện Pháp y Quân đội từ năm 2003, cho đến nay Viện đã thực hiện thành công hàng trăm trường hợp nhận dạng hài cốt liệt sĩ trong đó có sử dụng kỹ thuật phân tích ADN. Đặc biệt, có trường hợp nhận dạng với số lượng mẫu lớn như trường hợp nhận dạng hài cốt liệt sĩ trên tàu HQ604 (56 liệt sĩ), tàu HQ 317…hay các trường hợp nhận dạng với mẫu hài cốt có thời gian chôn cất lâu như trường hợp nhận dạng hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, đồng chí Phùng Chí Kiên (hơn 70 năm)… Tuy nhiên, tỷ lệ hài cốt liệt sĩ tìm được trên tổng số giám định là không cao, chưa đến 10%. Điều này thể hiện phương pháp của chúng ta chưa khoa học, chưa có một giải pháp tổng thể, chủ yếu còn mang tính tự phát của các gia đình liệt sĩ.


Xuất phát từ những thực trạng trên, chúng tôi kiến nghị: Xây dựng đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin là một chủ trương đúng đắn và cần thiết phải triển khai sớm, càng để lâu sẽ càng gặp khó khăn và khó thực hiện. Đề án này phải ưu tiên việc xây dựng hồ sơ, lập cơ sở dữ liệu một cách chi tiết nhất cho từng liệt sĩ, mỗi liệt sĩ còn thiếu thông tin phải gắn với một mã số tìm kiếm khoa học, tạo điều kiện để bất cứ ai có thông tin cũng có thể cung cấp và bổ sung cho nguồn dữ liệu này; căn cứ vào khả năng, nguồn kinh phí để xác định tiến độ của đề án một cách khoa học; lựa chọn một số mô hình thí điểm để xây dựng cơ sở dữ liệu, mã hoá, thực hiện các bước giám định để rút kinh nghiệm nhân rộng.

Chuyên gia Nguyễn Văn Hoà, Nguyễn Lê Cát (Viện Pháp y Quân đội)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét