Thảo luận tại QH về chi tiêu ngân sách:
'Chúng ta đã ăn vào thịt của mình'
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền đã nói như vậy khi thảo luận về ngân sách, chương trình mục tiêu quốc gia, trái phiếu ngày 25.10. Trước thực trạng này, nhiều đại biểu kiến nghị điều tiết thêm phần vốn từ các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ, lấy lợi nhuận để bù đắp ngân sách thiếu hụt.
Trong thảo luận tại tổ, đa phần ý kiến các đại biểu (ĐB) đều tán đồng về việc cần thiết phải tăng bội chi ngân sách lên 5,3% GDP, nhưng đề nghị Chính phủ phải có phương án phân bổ vốn, giám sát chặt chẽ, dùng cho đầu tư một cách hiệu quả. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội (QH) Nguyễn Đình Quyền nhận xét: “Năm 2013 chi cho hành chính vẫn rất lớn, năm nay cao hơn năm trước. Chi đầu tư vẫn rất dàn trải. Kỷ cương, kỷ luật trong tài chính ngân sách bị buông lỏng. Các chuyên gia kinh tế nói với tôi rằng chúng ta đã ăn vào thịt của mình rồi”.
Sau lễ khởi công được cho là chi vượt 80 lần chi phí cho phép, Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong thi công ì ạch và bị rút giấy phép đầu tư, gây lãng phí rất lớn - Ảnh: Thiện Nhân
Đi sâu vào nguyên nhân, nhiều ĐB bức xúc về tình trạng chi tiêu ngân sách còn lãng phí cho hội họp, khánh thành, khởi công; đầu tư dàn trải, không tập trung. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) bức xúc: “Tình hình lãng phí là rất lớn và chúng ta phải thấy xót xa từng đồng. Có cần thiết không khi đám tiệc, khởi công, khánh thành hoành tráng, mời rất đông khách. Mình chi một triệu, một tỉ đồng thấy nhẹ nhàng trong khi đó người dân gò lưng ra đóng từng đồng một”.
“Siết” lại ngành thuế TP.HCM sẽ có thêm 15.000 tỉ đồng
Kỷ cương, kỷ luật ngân sách không chỉ lỏng lẻo ở khâu chi tiêu mà ngay ở “đầu vào”, tức thu ngân sách, tình trạng thất thu thuế do cán bộ thuế bị tha hóa đạo đức, bắt tay, móc ngoặc với doanh nghiệp (DN) cũng là vấn đề khiến các ĐB rất bức xúc. ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) phát biểu: “Tôi có hỏi đại diện lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM thì được trả lời là nếu tăng cường tổ chức, cho đủ thẩm quyền thì mỗi năm cơ quan thuế có thể thu về cho ngân sách thêm 15.000 tỉ đồng. Qua câu chuyện này để thấy, một bộ phận nhân viên thuế thoái hóa, bắt tay với DN thông đồng thuế để cùng chia lợi cá nhân. Thực trạng đó khá phổ biến hiện nay, nếu chỉnh đốn thì gian lận thuế sẽ khắc phục được, thu ngân sách sẽ cao hơn”.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng dẫn thêm ví dụ: “Mấy triệu xe đạp điện không hiểu thu ngân sách được bao nhiêu, vì dân mua không lấy hóa đơn đã bớt 10% rồi, hàng triệu xe nhân lên sẽ là bao nhiêu tiền thuế? Rõ ràng đa số cán bộ ngành thuế năng lực đạo đức tốt nhưng cũng không ít các cán bộ thuế tư vấn hai chiều để thu lợi cá nhân, gây thất thu ngân sách”. Ông Thăng đề xuất: “Luật có hết rồi, giờ phải tập trung thực hiện nghiêm, tập trung vào lĩnh vực nào cần chú trọng. Theo tôi cần có lực lượng cảnh sát thuế độc lập với cơ quan thuế để thực hiện, kiểm soát việc thu thuế sắp tới”.
Thu tiền gửi ngân hàng của SCIC về ngân sách
Để tránh việc đất nước phải vay nợ đầu tư rồi “còng lưng” ra trả, TS Trần Du Lịch (Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM) đề xuất nên điều tiết vốn từ các tập đoàn, tổng công ty (TCT) mà nhà nước không cần nắm giữ vốn, không cần kiểm soát về ngân sách. ĐB Lịch đề nghị, ngoài các lĩnh vực chính quan trọng, thiết yếu như dịch vụ công, quốc phòng, an ninh nhà nước cần nắm giữ, các lĩnh vực còn lại như cao su, dệt may, sữa… phải đẩy nhanh việc bán vốn, thu tiền về điều tiết cho ngân sách vốn đang bị thâm thủng vì hụt thu. “Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng hiện nay thị trường chứng khoán ảm đạm không thoái vốn được. Trước mắt tôi đề xuất lấy cổ tức tập đoàn, TCT đã cổ phần hóa đang dồn vào công ty mẹ, lấy toàn bộ về và phải làm nhanh. Ngoài ra, tiền tại TCT đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đem gửi ngân hàng đề nghị cũng điều tiết để đầu tư”, TS Trần Du Lịch kiến nghị. Trước đó, theo báo cáo tài chính của SCIC, do tình hình khó khăn nên TCT này mang khoản tiền lên tới 19.600 tỉ đồng đi gửi ngân hàng để kiếm lãi.
Giải pháp này từng được đề xuất ở kỳ họp trước, nhưng theo ĐB Lịch, do chưa được thảo luận kỹ lưỡng, nghiêm túc nên lần này ông tiếp tục kiến nghị và mong muốn QH sẽ đồng tình để đưa vào nghị quyết, làm căn cứ pháp lý cho Chính phủ thực hiện. ĐB Lịch khẳng định nếu làm được như vậy trong 3 năm tới ngân sách sẽ không phải đi vay vì thu được một nguồn tiền không nhỏ, lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng.
Theo ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), khối DN nhà nước hiện nay vẫn đang sử dụng vốn nhà nước, sử dụng thuế đóng góp của dân nhưng trong rất nhiều năm cứ có lãi là được giữ lại chứ không phải trả về ngân sách nhà nước. “Tôi đề nghị các DN sử dụng vốn nhà nước thì phải trả lãi của vốn đó, như một cách ràng buộc trách nhiệm, vừa tạo sự bình đẳng trong môi trường hoạt động”, ĐB Hường đề xuất. ĐB Hường cũng băn khoăn việc Chính phủ vay tiền từ quỹ hoàn trả thuế GTGT, phần tiền lẽ ra phải trả lại DN để có vốn đầu tư, nhưng hiện nay còn khoảng vài chục ngàn tỉ đồng chưa hoàn trả cho DN. “Điều này khiến cho DN đã đang rất khó khăn về vốn mà lại bị giữ lại thuế GTGT nên khó khăn lại chồng chất khó khăn. Tôi đề nghị phải giải quyết dứt điểm, trả lại khoản nợ từ quỹ GTGT này”, ĐB Hường nói.
Lãng phí rất lớn
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM)
Rà soát lại công trình nguồn vốn trái phiếu chính phủ
ĐB Nguyễn Đình Quyền (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp)
Khoán chi hành chính vào lương
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội)
|
Anh Vũ - Tuyết Mai - Nguyệt Minh
Hòa
Đồng Tháp
Đại biểu khi thảo luận thì vạch rõ được các vấn đề cần phải làm, nhưng khi biểu quyết thì dẫn theo đề nghị của chính phủ. Thế nên nói thì ai nói cũng ra lời còn làm thì sao?...
Vinh
Bài báo rất hay, rất đúng nhưng chưa đủ vì không chỉ ăn vào thịt chúng ta mà ăn cả vào thịt của con cháu chúng ta. Cám ơn đại biểu Trần Du Lịch đã chỉ rõ khoản thu về cổ tức phần vốn nhà nước của các doanh nghiệp đã cổ phần hoá nhưng được nộp về công ty mẹ từ 2007 để lấy nguồn chi tiêu - khoản này Chính phủ không quên nhưng quên chưa thu.
Hùng
128 Quang Trung-Hải Phòng
Không những ăn vào thịt của mình mà còn ăn cả thịt đời con, đời cháu chúng ta nữa. Mình rất thích khi đọc bài viết rất hay và dám đụng vào những vấn đề sâu sắc trong chuyện nợ nần quốc gia của Alan Phan.
VU NGOC HIEU
4.10 LO C C/C G1- KHU PHO 5 -P.PHUOC LONG A -Q9-TPHCM
Không biết bà Nguyễn Thi Quyết Tâm có đi dự khánh thành Cầu Sài Gòn 2 không? tôi thấy khách mời tất cả gần 400 khách...
Hoàng Đạo
Tp.Hồ Chí Minh
Tình trạng buôn bán trao tay bằng tiền mặt không cần hóa đơn theo thói quen của người Việt hiện là vô cùng lớn. Chỉ cần tập chung tìm mọi biện pháp, áp dụng KHKT để cho ngành thuế thu đúng, công bằng và đầy đủ các khoản thuế thì ngân sách có thể tăng thêm 50% nữa. Cùng với chính sách khoán chi hành chính và tiết kiệm thực sự thì Nhà nước lo gì thiếu tiền, các Đại biểu QH đâu phải bàn mãi vấn đề này mà chẳng có kết quả gì.
Nguyễn Phúc Hội
Nhơn Lợi, Nhơn Mỹ, CM, AG
Thừa hay thiếu trong thu chi ngân sách cũng nói lên năng lực dự toán ngân sách. Và khi cái thừa thiếu đó đã 'VÀO" tới phòng hợp của Quốc Hội rồi thì QH CŨNG PHẢI CÙNG CHỊU TRÁCH NHIỆM- trách nhiệm liên đới vì năng lực biểu quyết không đủ kiểm tra năng lực dự toán. Nếu có một sự phản tỉnh như thế chắc chắn sẽ tạo ra được sự thay đổi tốt hơn cho những năm sau và cho những nhiệm kỳ sau. Quốc Hội- từng thành viên- nên tự hoàn thiện, hoàn chỉnh mình trước để thực hiện tốt chức năng đại biểu tài đức của dân, nhằm phục vụ hiệu quả cho dân cho nước.
le vinh
254 nguyen trai ha noi
Lãnh phí công thì đã quá rõ, QH đã họp bàn rất nhiều rồi nhưng cũng không làm được bao nhiêu nên theo tôi QH đi vào công việc cụ thể hơn xem xét từng công trình đầu tư tổng mức đầu tư, nguồn vốn , hàng năm chính phủ phải báo cáo cụ thể cho QH xem xét tiến độ thực hiện để xảy ra xin tăng vốn đầu tư phải xử lý trách nhiệm chủ đầu tư. Các TCT tập đoàn NN phải nộp lợi nhuận hàng năm đúng với dự án đã đăng ký. Thực hiện khoán hành chính công và xử lý mạnh tay các hành vi lãnh phí tham nhũng của các công chức NN.
dieuhien
SG
Xe hơi dành cho cán bộ lãnh đạo Bộ TC chi đến 800 triệu . Xin hỏi tại sao cứ phải mua 800 triệu, sao không mua 300 triệu hay 400 triệu. Đi xa thì lãnh đạo đi máy bay, làm việc gần trong TP thì chỉ cần đi xe hơi 400 triệu là được rồi. Nước còn nghèo, nhân dân còn nghèo đi xe sang, đắt tiền để làm gì. Dân thì chắt chiu từng đồng còn cán bộ thì phải xe sang hay sao. Nhìn Hàn quốc từ Thủ tướng, Tổng thống họ đi xe nội địa do nước họ sản xuất nhưng người dân thì thu nhập gấp 40 lần dân VN. Mình thì ngược lại.
Vinh Phạm
Tân phú
Đất nước còn nghèo thì phải tiết kiệm, đằng này cứ vẽ vời hết công trình ngàn tỉ này đến công trình ngàn tỉ kia. Nếu có tiền thì làm, không tiền thì khoan,, không nên đi vay mượn quá nhiều để ráng làm để rồi thâm thụt, đổ nợ. Cứ thử hỏi từng người dân thì biết, không tiền họ có dám vay mượn để xây phòng, gắn máy lạnh trong nhà để ở cho sướng hay k ? Hay vay mượn mua xe hơi để chạy vòng vòng cho sướng hay k? sau đó là bể nợ nhà cửa đất đai phải bán tất...? Bây giờ người dân muốn biết chúng ta đang thiếu nợ nước ngoài bao nhiêu tiền? Những đồng tiền vay mượn trước kia chúng ta đã làm gì?...
Đặng Bắc Phương
Trước tiên Nhà nước nên tập trung quản lý chi ngân sách thật tốt đi, rồi mới nói đến chuyện thất thu ngân sách. Tiền ở trong dân không thu vẫn còn đó. Trong lúc người dân cần vốn để sản xuất kinh doanh, thì có rất nhiều công trình hàng trăm, hàng ngàn tỉ bị bỏ hoang lãng phí.
Nguyễn Văn Sơn
Thọ Xương, Bắc Giang
Cực kỳ lãng phí và không hiệu quả ở rất nhiều lĩnh vực. Cứ xem cách mua sắm tài sản thì biết mức độ lãng phí thế nào? Một lĩnh vực cụ thể là mua thiết bị dạy nghề của các trường dạy nghề...
Lê Thắng
Lâm Đồng
Theo thiển nghĩ của cá nhân tôi thì trong thời gian vừa qua chúng ta chi tiêu ngân sách nhà nước, đầu tư tràn lan, mỗi nơi một ít chưa nói tới tham nhũng nhưng lãng phí chắc chắn là rất lớn. Cơ chế xin cho tiền ngân sách, dự án sử dụng ngân sách nhà nước cho các địa phương diễn ra phổ biến. Nói về thu thì việc thất thu thuế rất nhiều như: thuế thu nhập cá nhân của các nghệ sĩ, đại gia... thu nhập khủng nhưng nộp thuế rất ít. Các công chức thuế khi làm việc với những người nổi tiếng kiểu này thì cũng nhẹ tay hơn nhiều so với các cá nhân và doanh nghiệp khác. Việc các doanh nghiệp ngành giải khát nếu xét về thực tế thì lợi nhuận rất cao nhưng có doanh nghiệp báo lỗ hoặc làm lợi nhuận giảm đi rất đáng kể để khỏi phải nộp thuế TNDN là không thiếu. Các nhà hàng ăn uống, đám cưới; dịch vụ giải trí như quán bar, karaoke...lợi nhuận cũng không ít nhưng thử hỏi thu thuế được bao nhiêu? ngoài cái thuế khoán như bèo. Đây là những nguồn thu cũng rất quan trọng nếu quản lý chặt thì cũng thu được rất nhiều đó.
ngoc
Những chiếc xe bus sao không cho quảng cáo để có thêm tiền thu nhập cho xe, như vậy xe trở nên sạch đẹp hơn, an toàn hơn, hang ngàn tỉ đồng lãng phí, không ai quan tâm?!
Chờ QH họp xong thì đâu lại vào đấy.
Trả lờiXóa