Vì sao Đại tướng không được nhắc trong SGK
Học sinh phổ thông không biết nhiều về Đại tướng qua SGKĐề cập tới một cuộc khảo sát mới đây, học sinh phổ thông không biết nhiều về Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua SGK, ngay cả khi học về trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ, ĐBQH Dương Trung Quốc chia sẻ: “Lịch sử đương đại thường rất phức tạp vì nó có liên quan cả tới những người còn sống, thế nhưng thời gian là thứ thuốc hiện hình rõ nhất và chính vào dịp Đại tướng qua đời có thể nói đã làm sáng tỏ nhiều giá trị, có tác động vào đời sống xã hội và sẽ được in dấu trong lịch sử dân tộc. Những phát hiện ấy sẽ giúp cho nhà sư phạm, biên soạn SGK phải điều chỉnh lại, khi chúng ta đang thực hiện cải cách giáo dục”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhân vật lớn, nhưng bản thân ông cũng luôn ý thức không thể tách khỏi dân tộc của mình, quân đội mình, đặc biệt là với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Người ta đặt câu hỏi tại sao ông đang từ một nhà giáo dạy sử lại trở thành một vị tướng giỏi như thế? Ông trả lời rằng điều đó thì nên hỏi Bác Hồ, vì Bác là người đã giao nhiệm vụ, còn ông là người đã hoàn thành tất cả những nhiệm vụ được giao.
Chúng ta đã quên đi một vai trò cực kỳ quan trọng của Đại tướng trong những năm đầu Cách mạng Tháng tám thành công khi ông là Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ông thực sự là người góp phần cùng Bác Hồ kiến tạo cái thể chế chính trị này. Lúc đó chỉ có hai người được ký sắc lệnh của lịch sử Quốc gia là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng đã đóng góp cho dân tộc trên rất nhiều lĩnh vực ở lĩnh vực, những năm tháng cuối đời, ông cũng có những đóng góp theo cách riêng của mình, để tạo nên một vị thế con người ông”, ông Quốc nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: Ngọc Quang
Dưới góc nhìn của nhà sử học, ông Quốc cho rằng, việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến năm 70 tuổi, giữ chức Phó Thủ tướng đến năm 80 tuổi, cũng là điều thật ấn tượng.
Ông Quốc nhấn mạnh: “Chúng ta không quên ông là người chỉ huy kháng chiến chống Pháp và Mỹ thành công, mà ông cũng là Bộ trưởng Quốc phòng trong giai đoạn bảo vệ cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.
Sau này, tới thời kỳ phát triển, những tư tưởng của ông về kinh tế biển, chiến lược biển, về khoa học kỹ thuật là những điều hết sức đáng trân trọng. Và bây giờ chúng ta có quyền đặt câu hỏi: Tại sao những tư tưởng lớn ấy lại không được lắng nghe, không thực sự đi vào đời sống?”.
Căn nhà của Đại tướng trở thành một không gian lịch sử
Chia sẻ quan điểm về việc Hội Cựu chiến binh có đề xuất với Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch MTTQ Việt Nam kiến nghị nhà nước, Chính phủ giữ ngôi nhà 30 Hoàng Diệu làm bảo tàng của Đại tướng sau này, ông Dương Trung Quốc cho hay, thông tin này không mới, vì trước đây khi quy hoạch nhà Quốc hội đã có dự án sẽ giải tỏa khu vực ấy và đương nhiên sẽ có những giải pháp riêng với gia đình Đại tướng.
“Ngay khi đó không chỉ anh em trong giới Cựu chiến binh mà bản thân chúng tôi trong Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng đã kiến nghị không nên giải tỏa. Theo quy định của nhà nước hiện nay, làm bảo tàng cá nhân hiện chỉ có hai nhà lãnh đạo là Bác Hồ và Bác Tôn. Nhưng điều quan trọng là chúng ta có làm bảo tảng cho Đại tướng hay không thôi.
“Thời gian gần đây đã có những ý kiến bàn về việc truy phong Đại Nguyên Soái cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp đó là thể hiện tầm vóc của Đại tướng, nhất là sau khi ông qua đời. Tuy nhiên, hiện luật chưa quy định để làm được điều ấy. Nhưng đó cũng chưa phải điều quan trọng, bởi vinh dự nhất của ông là chức danh Đại tướng do Bác Hồ phong. Dẫu sao ai cũng biết ông là vị Đại tướng khai quốc công thần, là vị Tổng Tư lệnh duy nhất. Tôi thấy người Mỹ khi viết về ông đã dùng từ “Đại tướng bốn sao” – mà với họ thì đó là đẳng cấp cao nhất” – Nhà sử học Dương Trung Quốc.
Hơn nữa tôi nghĩ rằng, đây không phải là bảo tàng riêng cho cá nhân Đại tướng, vì không gian đó ông không chỉ sống rất nhiều năm, mà còn là nơi ông gặp gỡ rất nhiều tướng lĩnh, nhiều nhà lãnh đạo, đặc biệt các tầng lớp quần chúng nhân dân trong quá trình chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng như cả giai đoạn xây dựng đất nước sau này.
Tôi nghĩ rằng nên coi đó là một không gian lịch sử. Tôi hình dung có một vườn tượng về các vị tướng của Việt Nam ở đấy cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng như Trần Hưng Đạo thì phải có Yết Kiêu, Dã Tượng... đó sẽ là một không gian rất đáng kính trọng”, ông Quốc bày tỏ.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng nhận định, căn nhà số 30 Hoàng Diệu có ý nghĩa đặc biệt với cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một phần lịch sử dân tộc.
“Tôi nghĩ ngay cả việc hàng chục nghìn người vào viếng Đại tướng tại số 30 Hoàng Diệu thì đó thực sự cũng là một nơi rất thiêng liêng rồi. Xin nêu một thí dụ khác để so sánh là chúng ta quyết định không phá bỏ nhà Hội trường Ba Đình không phải vì kiến trúc quá đẹp mà vì nó gắn kết quá nhiều với sự kiện lịch sử, trong đó có đám tang Chủ tịch Hồ Chí Minh”, ông Quốc nói.
Sau lễ Quốc tang Đại tướng 1 tuần, vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh việc tìm con đường xứng tầm để gắn tên Đại tướng. Ông Dương Trung Quốc cho rằng, tìm một con đường mới thì phải tương xứng với tầm vóc của Đại tướng, đó là một bài toán không dễ, vì trên thực tế chưa chuẩn bị gì cả.
“Có người cho rằng, có thể lấy những con đường đã đặt tên rồi để đổi thành tên đường mang tên Đại tướng, nhưng trong nguyên tắc đặt tên đường, đó là vấn đề hết sức phải tránh, nhất là những cái tên cũ cũng rất đáng vinh danh.
Chúng tôi cũng thấy có một ý kiến rất hay, đó là để có một con đường tương xứng với Đại tướng đồng thời cũng phù hợp với sự phát triển của quỹ đất tại Hà Nội hiện nay thì có thể gắn tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đường Điện Biên Phủ làm một, vì không gian đó rất đẹp, đi thẳng ra Ba Đình, gần nhà Đại tướng, lại gắn kết với nhiều vị tướng yêu nước trong lịch sử.
Như vậy có thể đổi tên đường Điện Biên Phủ thành đường Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp. Công viên Lê Nin có thể đổi thành Công viên mang tên Đại tướng, hay có thể đặt tượng của Đại tướng ở công viên đó cũng được.
Còn con đường đi sang sân bay Nội Bài, chúng tôi cũng đã có kiến nghị nên đặt tên là đường Cách mạng Tháng Tám. Hà Nội chưa có con đường này, trong khi đó TP Huế, TP.HCM đều có rồi. Đây cũng là giải pháp tình huống hay, nhưng để tạo được sự đồng thuận thì phải tiếp tục lắng nghe ý kiến của nhiều người”, ông Quốc chia sẻ./.
Nguồn Báo Giáo dục
****************************
BBC : Sách giáo khoa vắng bóng tướng Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không được nhắc đến trong sách giáo khoa (SGK) dành cho học sinh ở Việt Nam, theo truyền thông Việt Nam.
Phát hiện này dường như là bằng chứng cho thấy vị tướng huyền thoại đã có thời gian bị thất sủng, bất chấp các chiến công quân sự của ông.
SGK Lịch sử lớp 12, cũng trong phần nói về Điện Biên Phủ, “không một lần” nhắc tên vị tướng. Báo Thanh Niên cho biết ở SGK Lịch sử lớp 9, có nêu diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng “không câu từ nào nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Bà Nguyễn Ái Hằng - nguyên Tổ trưởng bộ môn Sử, Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM) – nói: “Trong SGK lịch sử ở cấp 3, những bài chính đều không nhắc tới Đại tướng.”
“Ở những bài phần tham khảo, đọc thêm có thể hiện một số nhân vật lịch sử, nhưng cũng không có thông tin nào xoay quanh Đại tướng Võ Nguyên Giáp,” bà nói.
Cùng ngày 21/10, tờ PetroTimes cũng nói vị tướng lừng danh “không hề có mặt trong các sách giáo khoa (SGK) phổ thông”.
Tờ này dẫn lời Phó giáo sư Lê Mậu Hãn cho rằng đây là “một sai lầm rất lớn”.
“Sách giáo khoa sẽ được đổi mới vào năm 2015, đây là cơ hội tốt để các nhà viết sách lịch sử có thể sửa chữa sai lầm,” ông nhận định.
Sử gia Đinh Xuân Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đồng tình rằng “việc này thể hiện sự thiếu tôn trọng lịch sử”.
Trong khi đó, một học sinh nói trên báo Thanh Niên: “Suốt 12 năm phổ thông, em không được học gì về Đại tướng. Đến khi Đại tướng mất, thông qua báo đài, em mới thật sự hiểu biết về cuộc đời của ông.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét