Đại tướng Võ Nguyên Giáp và số phận hang Cốc Bó
Đại tướng về thăm Cao Bằng (ảnh tư liệu)
Câu chuyện này còn in đậm trong cuộc đời binh nghiệp của Thiếu tướng Hoàng Kiền, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường Tuần tra biên giới (Bộ Tổng tham mưu). Một buổi sáng mùa hè năm 2004, khi đó ông đang là Tư lệnh Binh chủng Công binh thì bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại lạ… Thiếu tướng Hoàng Kiền kể:Cuộc điện thoại đặc biệt
Hôm ấy là ngày 5-7-2004, tôi đang trực ở Sở chỉ huy thì đầu giờ buổi sáng, có cuộc điện thoại vào máy quân sự. Bên kia đầu dây là một giọng nói nhẹ nhàng nhưng rành rọt:
- Đồng chí là Tư lệnh Binh chủng Công binh phải không. Xin tự giới thiệu, tôi là Thư ký của anh Văn….
Khi đó, tôi vẫn không nghĩ anh Văn chính là Đại tướng, Tổng tư lệnh kính mến nên hỏi ngay:
- Văn nào ạ?
- Đại tướng Võ Nguyên Giáp!
Tôi giật mình. Bên kia đầu dây, Đại tá Nguyễn Huyên, Thư ký của Đại tướng đi thẳng vào vấn đề:
- Anh Văn giao cho tôi truyền chỉ thị đề nghị Binh chủng Công binh nghiên cứu, khắc phục di tích hang Cốc Bó bị sập và xuống cấp từ lâu! Đề nghị đồng chí lên khảo sát và về báo cáo Đại tướng sớm! Đại tướng từng nhiều đêm mất ngủ khi nhớ về hang Cốc Bó và tình trạng hang bị hư hỏng, bị sập nhiều chỗ đã mấy chục năm nay.
Là người chỉ huy trọn đời gắn bó với binh chủng công binh, Thiếu tướng Hoàng Kiền hết sức xúc động trước “nhiệm vụ đặc biệt” và sự quan tâm của Đại tướng. Ông bồi hồi nhớ lại những ngày là công binh Trường Sơn những năm đánh Mỹ, cả binh chủng còn lưu truyền lời căn dặn của Đại tướng năm 1966 khi đến thăm Đại hội thi đua Quyết thắng của Binh chủng. Đại tướng đã có một câu nói bất hủ, được ghi vào sử vàng như là phương châm hành động của toàn binh chủng: “Trong chiến dịch Điên Biên Phủ, chúng ta đã đưa cả mặt trận xuống lòng đất để đánh Pháp và thắng Pháp. Ngày nay, giặc Mỹ có sức mạnh và hung bạo hơn nhiều lần, dù phải đưa cả dân tộc xuống lòng đất, chúng ta cũng quyết làm để đánh Mỹ và thắng Mỹ”.
Lúc đó, dù chưa hiểu nhiều về giá trị lịch sử của hang Cốc Bó nhưng cảm nhận được điều gì đó hệ trọng trong câu nói “Đại tướng từng nhiều đêm mất ngủ”, ông Kiền tức tốc triệu tập chỉ huy Bộ Tư lệnh họp bàn. Chỉ mấy ngày sau, đích thân ông chỉ huy tổ công tác, cùng với Đại tá Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn khảo sát thiết kế Công trình Quốc phòng (Binh chủng Công binh) khẩn trương lên đường tới Cao Bằng.
Ngậm ngùi nơi đầu nguồn
Khi ấy là mùa mưa, dòng suối Lê-nin đang vào mùa lũ, lại là cơn lũ lịch sử lớn chưa từng có trong mấy chục năm nhưng những người lính vẫn quyết tâm “mắt thấy, tai nghe, tay sờ” khi triển khai nhiệm vụ. Cầu đầu nguồn gần hang Cốc Bó chìm trong dòng nước lũ, để tìm hiểu nó, Thiếu uý Lê Văn Ngọc xung phong được bơi ra kiểm tra. Đại tá Nguyễn Thanh Sơn đứng trên bờ, buộc một đầu dây thừng vào người Ngọc, một đầu dây vào cây Kim giao Đại tướng trồng ven bờ vì sợ Ngọc… trôi mất. (Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975 Đại tướng trồng trồng cây Kim Giao này cho Bác). Vẫn chưa yên tâm, anh vừa cầm dây, vừa lội ra sát bờ suối, vừa chỉ huy vừa sẵn sàng ứng cứu.
Gần 10 năm đã trôi qua, nhưng Đại tá Nguyễn Thanh Sơn vẫn nâng niu giữ cuốn sổ tay ghi chép về những ngày “cứu” hang Cốc Bó như một báu vật. Anh mở cho chúng tôi xem từng trang, còn ghi rõ hiện trạng và cả sơ đồ hang được vẽ lại theo lối vẽ của bản đồ địa hình quân sự. Xem những trang sổ tay, chúng tôi như thấy tái hiện cảnh hang Cốc Bó ngày đó thật hoang vắng, nhiều tảng đá sập ngổn ngang khắp lòng hang. Một trang trong cuốn sổ viết: “Giường Bác nằm hiện nay chỉ còn tấm phản gỗ, được kê ngang trên các cây gỗ tròn, tình trạng đã xộc xệch, gỗ đã xuống cấp ẩm mốc… Phía dưới các cây gỗ là các hòn đá kê một cách miễn cưỡng không chỉn chu và thiếu hẳn sự đầu tư về khoa học thẩm mỹ.
Một trang sổ ghi ngày kiểm tra 12/7/2004 viết: “Nước chảy xối xả xuống lan can phải của đầu cầu. Mức nước dềnh gần kín miệng hang Đầu Nguồn (gần hang Cốc Bó – PV), chảy giật từng đợt (đây chính là nguyên nhân gây vỡ lan can). Toàn bộ khu vực cửa hang đến tảng đá Bác thường ngồi làm việc nước ngập 0,8-1,5 mét. Nước từ các khe chảy xối xả ra suối
Hòn đá sập chắn giữa lòng hang (chụp năm 2004)
Đoàn công tác phải vất vả leo qua nhiều tảng đá sập đổ ngổn ngang để tiếp cận lòng hang. Nhiều lớp đất đá lấp dày tới hàng mét. Nhiều địa chỉ khác như núi Các Mác, suối Lê-nin, bàn đá Bác Hồ “dịch sử Đảng”, cầu Đầu Nguồn nhà ông Lý Quốc Súng – nơi Bác Hồ ở trước khi chuyển tới hang Cốc Bó…cũng đều cần phải tôn tạo.
Để Đại tướng nắm rõ hơn tình hình, ông Kiền cẩn thận cho quay phim các nội dung cần thiết tại khu di tích.
Đúng hẹn, ngày 15 tháng 7 ông Kiền và đoàn công tác trở về Hà Nội, tới nhà 30 Hoàng Diệu báo cáo Đại tướng. Tới nơi, Đại tướng, phu nhân, anh Võ Hồng Nam, con trai út của Đại tướng đã chờ sẵn. Đại tướng chăm chú nghe Thiếu tướng Hoàng Kiền và Đại tá Nguyễn Thanh Sơn báo cáo phương án khảo sát.
Sau khi khảo sát, 29/8/2004 đoàn cán bộ công binh báo cáo kết quả khảo sát tại hang bằng Video và văn bản. Càng xem, nét đăm chiêu càng hiện lên rõ hơn trên gương mặt Đại tướng. Nhìn trên băng hình, Đại tướng nói và chỉ tay khiến ông Kiền sững sờ: Chỗ có một hòn đá rơi chắn giữa lòng hang kia đúng vào chỗ Bác Hồ và Đại tướng nằm bàn bạc công việc năm xưa.
Ngón tay Đại tướng liên tiếp gõ xuống mặt bàn, Đại tướng thốt lên, lặp lại câu hỏi 3 lần:
- Tại sao lại làm hang sập như thế này ?
Dường như trong Đại tướng đang dâng lên một nỗi xót xa, nuối tiếc. Hồi lâu Đại tướng mới nói:
- Các chú biết không, Pác Bó và hang Cốc Bó là di tích lịch sử hàng đầu của Việt Nam. Không có Pác Bó thì không có Điện Biên Phủ, cũng không có chiến dịch Hồ Chí Minh đâu. Bác Hồ sau 30 năm bôn ba khắp 4 biển năm châu tìm đường cứu nước đã về nghỉ và làm việc từ năm 1941 tại hang Cốc Bó. Tại đây, Bác đã nói “Chú Văn ạ, làm cách mạng thì phải “dĩ công vi thượng". Bác cũng đã vạch ra con đường cách mạng Việt Nam là phải vũ trang khởi nghĩa cướp chính quyền. Vạch ra con đường đánh Nhật – Tây cũng từ cái hang Cốc Bó này. Các đồng chí là bộ đội công binh, đã làm nhiều công trình cho Đảng, Bác Hồ, Trung ương và rất nhiều hầm hào cho nhân dân, có rất nhiều kinh nghiệm và phương tiện kỹ thuật hiện đại, các đồng chí phải làm sao khôi phục được di tích lịch sử này càng gần nguyên trạng càng tốt, để lưu truyền, giáo dục truyền thống cho con cháu muôn đời sau.
Lễ khánh thành tu bổ khu di tích Cốc Bó năm 2009
Khi Đại tướng gửi thư cho Thủ tướng
Một điều khiến Thiếu tướng Hoàng Kiền bất ngờ nữa là Đại tướng đã dự liệu luôn cả các vấn đề kinh phí, dự án. Đại tướng nói: “Về kinh phí, tôi sẽ gửi thư cho Thủ tướng Phan Văn Khải và đề nghị giao cho Bộ Quốc phòng thực hiện dự án”. Điều đó cho thấy, Đại tướng đã trăn trở, dự liệu điều này từ lâu. Tuy nhiên, phu nhân Đại tướng ngồi bên cạnh góp ý:
- Ba cũng nên cân nhắc mọi việc bây giờ nhiều cái khó, nhiều việc phải lo trong nền kinh tế thị trường.
- Tôi tin Thủ tướng Chính phủ chắc chắn sẽ quan tâm việc này. Các đồng chí chuẩn bị sẵn sàng! – Đại tướng quả quyết và còn động viên trước lúc chia tay: Các đồng chí hãy khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ.
Những ngày này, sau khi Đại tướng vừa đi xa, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng bào cả nước và đối với gia đình. Anh Võ Hồng Nam dù rất bận rộn bởi những công việc bộn bề sau Quốc tang Đại tướng nhưng khi hay tin chúng tôi đang thực hiện bài viết về tấm lòng Đại tướng với hang Cốc Bó, anh rất xúc động, tận tình trao đổi làm rõ thêm các thông tin, tư liệu lịch sử mà anh nắm rất chắc. Anh Võ Hồng Nam nhớ lại: “Ngày ấy, sau khi giao nhiệm vụ cho Bộ đội Công binh, ba tôi đã giao nhiệm vụ cho tôi thay mặt ông cùng đi với Binh chủng Công binh thực hiện các bước tiếp theo để tôn tạo di tích. Ba tôi thường nói “Cao Bằng là ngôi sao cách mạng (tiếng Tày là Đau Đí cách mạng”) của toàn quốc trong giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử dân tộc trước cách mạng tháng Tám. Hang Cốc Bó nơi đầu tiên Bác về nước sau 30 năm bôn ba hải ngoại cần được khôi phục, tôn tạo càng sớm càng tốt. Ngay sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, năm 1975, ba tôi đã trở lại Cao Bằng, lên hang Cốc Bó và trồng một cây kim giao. Ba tôi nói cây kim giao này trồng để tưởng nhớ Bác Hồ, nhớ những ngày bên Bác nơi đầu nguồn cách mạng. Còn về việc tôn tạo, cũng không phải đến năm 2004 mà từ cuối năm 2003, ba tôi đã làm việc với đồng chí Trương Quang Khánh, lúc đó là Tư lệnh Binh chủng (nay là Thượng tướng – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) về thực trạng hang Cốc Bó và làm các bước chuẩn bị Dự án”.
Hang Cốc Bó sau khi tu bổ (ảnh: Trần Đại Ngoạn)
Sau khi làm việc với lãnh đạo Binh chủng Công binh năm ấy, Đại tướng viết thư cho Thủ tướng Phan Văn Khải, đề nghị giao cho Bộ Quốc phòng làm dự án tôn tạo di tích hang Cốc Bó. Anh Võ Hồng Nam đã trực tiếp mang thư của Đại tướng cùng với Bộ Tư lệnh Công binh làm việc với Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa thông tin, làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng để bàn cách triển khai. Đại tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó và Thượng tướng Phùng Quang Thanh (nay là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng), khi đó là Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam rất quan tâm tới nhiệm vụ tôn tạo hang Cốc Bó, đã có nhiều chỉ đạo sát sao, trực tiếp giao nhiệm vụ quan trong này cho Binh chủng Công binh và Thiếu tướng Hoàng Kiền.
Hiểu nỗi lòng của Đại tướng, anh Võ Hồng Nam đã nỗ lực cao nhất làm việc với các cơ quan chức năng, để việc khôi phục hang Cốc Bó sớm trở thành một dự án chính thức. Sau này, cùng với các cán bộ công binh anh thường xuyên lên Cao Bằng, tham gia cùng các lực lượng giúp cho việc tôn tạo hang đạt kết quả cao nhất.
Thủ tướng đã có văn bản nhất trí bố trí vốn ngân sách Nhà nước, giao cho Sở Văn hóa Thông tin Cao Bằng làm chủ đầu tư, giao cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Công binh triển khai dự án. Bộ Tư lệnh Công binh, trực tiếp là Trung tâm tư vấn khảo sát thiết kế công trình quốc phòng thiết kế, Công ty xây dựng Lũng Lô được chọn là nhà thầu thi công.
“Công việc được bắt đầu từ những ngày đầu xuân 2006, trong cái rét nàng Bân dai dẳng, cái lạnh như thấm vào từng vách đá, phả ra trong làm sương mờ ảm đạm khiến tôi liên tưởng 7 đêm đầu xuân lạnh giá năm nào, Bác Hồ và Đại tướng nằm thao thức suốt đêm bàn việc dân, việc nước. Anh em tự nhủ lòng phải cố gắng vì đây là nhiệm vụ rất thiêng liêng” - Đại tá Nguyễn Thanh Sơn kể lại.
Thời gian vật đổi sao dời. Sau mấy chục năm bởi chiến tranh và thiên tai tàn phá, hang Cốc Bó không còn nguyên vẹn như xưa. Để “xử lý” những hòn đá rơi sập chình ình trong lòng hang là rất khó. Nó rất lớn, khiêng đẩy ra không được. Dùng thuốc nổ lại càng không. Bộ đội công binh phải dùng thiết bị ép hơi khoan đá và búa chèn để chẻ hòn đá nhỏ ra rồi chuyển ra ngoài. Sau đó, lại phải dùng khung bằng thép đổ bê tông hàn vết nứt trên trần hang.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Quang, sinh năm 1977, Trưởng phòng Thiết kế Công trình của Trung tâm Tư vấn khảo sát thiết kế Công trình Quốc phòng, hồi đó mang quân hàm Thượng uý là một sĩ quan trẻ bồi hồi nhớ lại: “Cái khó khăn nhất là tu bổ tôn tạo nhưng lại không có ảnh nguyên trạng nên chúng tôi phải đi phỏng vấn, gặp gỡ các nhân chứng, phải vào bảo tàng, sang cả Điện ảnh Quân đội nhân dân mượn phim tư liệu xem”. May mắn hơn khi Quang và đồng đội đã được gặp các ông Mạc Văn Chung, cán bộ bảo tàng Cốc Bó, là cháu ngoại ông Dương Văn Đinh, anh em kết nghĩa với Bác Hồ, bà Hoàng Thị Khìn em vợ ông Lê Quảng Ba, bà Nông Thị Duyên, nguyên cán bộ thuyết minh bảo tàng Cao Bằng. Những người này đều đã từng được gặp Bác Hồ khi Người ở Pác Bó nên đã giúp rất nhiều cho việc tái tạo lòng hang. Việc chống sập cũng vô cùng phức tạp, phải đưa khung sắt, đổ bê tông “vá” những vết nứt lớn sao cho vừa bảo đảm an toàn, vững chắc vừa giữ được hình ảnh nhũ đá tự nhiên.
Tái tạo nhà ông Lý Quốc Súng, nơi Bác Hồ từng ở khi mới về nước cũng vô cùng khó. Khi đoàn công tác tới nơi, ngôi nhà chỉ còn một bãi đất hoang. Ông Súng đã tạ thế từ lâu, con cháu không còn ai. Anh Sơn và đồng đội phải mất cả tháng trời tìm hiểu, phác thảo lại ngôi nhà trên cơ sở những ngôi nhà đồng dạng còn tồn tại ở địa phương để rồi xây dựng lại.
Ngày 12/11/2006 Sở Văn hóa Thông tin Cao Bằng và Bộ Tư lệnh Công binh đã tổ chức lễ khởi công tái tạo lại hang Cốc Bó với sự chứng kiến của gia đình Đại tướng và sự có mặt của đông đảo cán bộ thay mặt cho cấp ủy chính quyền cơ quan đoàn thể của địa phương và nhân dân khu vực đã từng bảo vệ, đùm bọc Bác Hồ, đại tướng trong những ngày đầu vô cùng gian khổ. Lễ khởi công được diễn ra trang nghiêm, thành kính
Chiếc phản gỗ mà Bác Hồ đã dùng năm xưa (ảnh: Trần Đại Ngoạn)
Vượt mưa, thắng lũ, hàng chục người lính, cán bộ, công nhân viên của hai đơn vị thuộc Binh chủng Công binh khắc phục khó khăn, hăng say lao động sáng tạo, làm việc suốt ngày đêm. Một phong trào thi đua đột kích lấy cột mốc chào mừng kỷ niệm giải phóng Điện Biên để lập công báo cáo Đại tướng được phát động. Công trình đã về đích sớm hơn dự kiến 5 tháng.
Tháng 5-2007, khi hoa ban đã nở bung khắp núi rừng cũng là lúc những người lính công binh hoàn thành nhiệm vụ trở về. Việc xây dựng phần thô giai đoạn 1 đã xong, họ lại tiếp tục thực hiện giai đoạn hai vào cuối năm 2008, anh Nguyễn Thanh Sơn và anh Võ Hồng Nam tiếp tục sát cánh thực hiện tâm nguyện của Đại tướng.
Công tác hoàn thiện mỹ thuật tái tạo lại trần hang thạch nhũ ban đầu còn phức tạp hơn, qua nhiều lần hội thảo, thiết kế, thi công do Sở Văn hóa Thể thao Cao Bằng triển khai tiếp mãi đến giữa năm 2009 mới hoàn thành. Bộ Tư lệnh Công binh lại báo công với Đại tướng. Trong ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, gặp lại Đại tá Nguyễn Thanh Sơn cùng những người lính gương mặt sạm đen vì sương nắng núi rừng, Đại tướng nắm chặt tay anh Sơn, vui mừng khi nghe tin công việc đã thành công. Xem băng ghi hình từng hạng mục công trình, hình chiếu tới đâu, Đại tướng đều gật đầu tỏ ý hài lòng. Tới chỗ cây cầu đầu nguồn được gia cố, không chuyển vị trí, Đại tướng nói “thế là rất tốt vì nếu chuyển cầu Đầu Nguồn có thể “làm hỏng những chỗ khác”…
Dù không phải là một bộ phim, cách quay của bộ đội công binh rất mộc mạc nhưng khi những hình ảnh của một thời bình minh đất nước hiện lên, mắt Đại tướng dần nhoè lệ. Có lẽ những cảnh vật “trăng xưa, hạc cũ, xuân này” và bao ký ức về Bác Hồ - người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang đã gây xúc động mạnh mẽ trong lòng vị tướng huyền thoại.
“Gọi là báo cáo nhưng chúng tôi được trao đổi với Đại tướng thân tình như cha – con, ông – cháu, không còn khoảng cách cán - binh. Đại tướng rất mừng về việc tôn tạo di tích đã hoàn thành và rất muốn được trở lại thăm Pác Bó, thăm lại đồng bào, đồng chí vùng căn cứ cách mạng. Tôi vui mừng báo cáo Đại tướng: Bộ đội Công binh sẵn sàng tháp tùng Đại tướng lên đường vào một ngày sớm nhất!” - Đại tá Nguyễn Thanh Sơn kể.
Tuy nhiên, kế hoạch đó đã không thực hiện được vì bác sĩ nói sức khoẻ của Đại tướng không cho phép nhưng trong tim Đại tướng, hình ảnh Cao Bằng – Pác Bó – Cốc Bó mãi không bao giờ nhạt phai, nơi như Đại tướng nhiều lần nói là quê hương thứ hai của cuộc đời mình.
Sau 4 năm chuẩn bị, triển khai dự án, Lễ khánh thành Di tích cách mạng hang Cốc Bó được tổ chức vào sáng ngày 13 tháng 5 năm 2009. Anh Võ Hồng Nam mang thư của Đại tướng gửi cho Đảng bộ, HĐND, UBND và đồng bào các dân tộc Cao Bằng, các chiến sỹ chúc mừng sự kiện quan trọng này. Trong thư, Đại tướng căn dặn: Những cơ quan chức năng của tỉnh Cao Bằng cần phối hợp tốt với các cơ quan hữu quan của Trung ương lập quy hoạch tu bổ, tôn tạo các di tích cách mạng, đặc biệt là các di tích có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh.
Dự án khôi phục hang Cốc Bó thể hiện tình cảm đặc biệt sâu nặng, thủy chung trước sau như một của Người anh Cả của QĐND Việt Nam, của Toàn quân, của các chiến sỹ công binh với Bác Hồ, với đồng chí, với đồng bào các dân tộc Cao Bằng và cả vùng chiến khu cách mạng Cao - Bắc - Lạng - Thái - Tuyên - Hà.
CÔNG MINH – NGUYÊN THẮNG
http://petrotimes.vn/news/vn/chinh-tri/dai-tuong-vo-nguyen-giap-va-hang-coc-bo.html
http://petrotimes.vn/news/vn/chinh-tri/dai-tuong-vo-nguyen-giap-va-hang-coc-bo.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét