'Không giống ai'
"Chính sách Việt Nam cần đó là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng với lãi suất hợp lý"
Hôm thứ Hai 22/04, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cũng nói với BBC rằng các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ đang gặp rủi ro cao và một số lượng không nhỏ vẫn chưa chắc chắn có thể 'trụ' được hay không, do gặp khó khăn chính từ thiếu nguồn vốn vay.
Ông nói: "Thực sự khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là không tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng.
"Trong hai năm nay, lãi suất của ngân hàng lên quá cao, từ mười mấy phần trăm lên tới hai chục, thậm chí ba chục phần trăm.
"Vì vậy các doanh nghiệp không thể hoạt động được, nhất là các doanh nghiệp nhỏ không đủ sức chịu đựng lãi suất cao đến như thế và không tiếp cận được nguồn vốn, thì nguồn vốn tự có không có đủ."
Kinh tế gia cho rằng đây là vấn đề đặc thù của riêng Việt Nam, không giống bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới, khi hệ thống ngân hàng thương mại không tuân thủ một hệ thống quy định pháp luật nào, trong lúc ngân hàng nhà nước không quản lý quy củ được hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Ông nói: "Vì thế mới có vấn đề các ngân hàng tranh nhau huy động vốn với lãi suất lên tới 15, 16, 17, 18% cho các doanh nghiệp vay với lãi suất trời ơi đất hỡi hai chục, ba chục phần trăm và tồn tại như thế hơn hai năm nay rồi."
Ông Thành cho rằng nhiều biện pháp điều chỉnh vĩ mô của Việt Nam hiện nay chỉ mang tính tình thế, nhất thời mà chưa trở thành các chính sách hợp lý và đúng nghĩa như được kỳ vọng.
Ông nói: "Chính sách Việt Nam cần đó là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng với lãi suất hợp lý,
"... Doanh nghiệp mong muốn được vay với lãi suất dưới 10%, muốn thế, ngân hàng trung ương phải cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất, 1, 2, 3, 4%, ngân hàng thương mại có thể cho doanh nghiệp vay với lãi suất 6, 7%, như thế là hoàn toàn trong tầm tay."
Ông Thành nói thêm rằng thời gian qua nhà nươc để xảy ra một việc khó hiểu là các nguồn vốn vay lại không tới với đối tượng các doanh nghiệp có nhu cầu và cần trợ giúp trong nền kinh tế để vực dậy sau đợt khủng hoảng kinh tài, mà lại được cung cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, đặc biệt là các "đại gia", một lĩnh vực đã được dự đoán là "bong bóng" và thiếu hiệu quả.
'Xem lại mình'
Khi được hỏi đâu là tỷ lệ giữa các nguyên nhân đến từ bên ngoài và bên trong hệ thống vốn gây khó khăn cho nền kinh tế trong nước, cùng các trở ngại cho các doanh nghiệp, ông Bùi Kiến Thành nói:
"Chúng tôi dự báo và đánh giá rằng nền kinh tế Việt Nam đang nằm trong vùng trũng mấp mô, vùng trũng là suy giảm tăng trưởng và lạm phát lúc cao, lúc thấp"
"Không có con số để tính, nhưng ước lượng thì tác động từ bên ngoài Việt Nam có thể là chừng 20%, cái Việt Nam tự tạo ra cho mình có thể lên tới 60, 70%."
Ông Thành cũng nói tới việc nhiều doanh nghiệp trong nước, đặc biệt doanh nghiệp nhà nước, trong thời gian qua đã phân tán đầu tư từ lĩnh vực sản xuất, dịch vụ chuyên của mình và đổ vào thị trường bất động sản cũng như thị trường chứng khoán.
Và theo ông, đây là hai nguyên nhân làm cho họ vừa không phát triển được năng lực tự thân, mà ngược lại chuốc lấy những khoản thua lỗ khi đi vào những thị trường tưởng dễ thu lời lãi nhanh, mà thực tế rất không bền vững.
Ông đề nghị các doanh nghiệp xem lại động cơ và định hướng đầu tư, cũng như thế mạnh kinh doanh của mình, trong khi kêu gọi nhà nước xem lại độ hợp lý trong các chính sách tiền tệ, tài khóa.
"Những vấn đề tham nhũng, tham lam và tiêu cực là rất lớn, không thể nào nhìn được trên đất nước này từ làng xóm từ xã cho tới trung ương, chỗ nào cũng có tiêu cực, chỗ nào cũng có khó khăn.
"Con rồng không thể bay lên được vì cái cánh của nó bị trĩu xuống do bao nhiêu khó khăn tiêu cực, cho nên nước Việt Nam phải xem lại mình."
'Không bất ngờ'
Còn về phần mình, đánh giá chu kỳ khó khăn mà nền kinh tế đang mắc phải, chuyên gia quy hoạch kinh tế vĩ mô và chiến lược phát triển dài hạn nói:
"Chúng tôi đã tiên lượng được những khó khăn này của nền kinh tế Việt Nam hơn một năm nay rồi, và những gì xảy ra không có gì là bất ngờ.
"Những vấn đề vài năm trước đây tích tụ để lại, từ 4-5 năm nay, thì không thể dễ gì ngày một, ngày hai, có thể gỡ ngay được, nhất là trong tình hình quốc tế và khu vực không hoàn toàn thuận lợi, thậm chí bất lợi nhiều hơn cho việc khôi phục của Việt Nam.
"Chúng tôi dự báo và đánh giá rằng nền kinh tế Việt Nam đang nằm trong vùng trũng mấp mô, vùng trũng là suy giảm tăng trưởng và lạm phát lúc cao, lúc thấp
"Lúc thấp xuống này, có khả năng lại tăng lên, giảm lạm phát, nhưng vẫn bấp bênh vì các chính sách thực hiện chưa giải quyết được về cơ bản mà đối phó là chính, bất ổn vĩ mô chưa giải quyết cơ bản.
'Tái lập niềm tin'
"Cái gì dễ làm trước, đã hứa thì phải làm, làm tới đâu dứt điểm tới đó, để lấy lại niềm tin, và phải làm thôi, vì nếu không sẽ ngày một lỡ đà và tụt hậu, cũng giống như nợ xấu cứ để thế sẽ bị chồng lên nợ xấu"
Theo chuyên gia, để giải quyết dứt điểm các vấn đề và đưa Việt Nam bước đầu ổn định trở lại, Việt Nam cần phải đợi ít nhất tới năm 2015 và trong quá trình này, một trong các yếu tố quan trọng bên cạnh việc tái cơ cấu kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cải cách thể chế, trong đó có tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, môi trường luật pháp..., cần phải tái lập lại "niềm tin."
Chuyên gia nói thêm: "Lòng tin là yếu tố hàng đầu, không có lòng tin, người dân không tin vào thể chế, bộ máy, doanh nghiệp không tin vào chính sách, nhà đầu tư không tin vào thị trường, người tiêu thụ và lao động không tin vào doanh nghiệp, luật pháp không tạo được sự tin cậy, các lời hứa về chính sách không được thực hiện, thì sẽ rất khó cho việc xốc lại động lực của nền kinh tế...
"Và đây là một điều mà Việt Nam cần quan tâm giải quyết, cái gì dễ làm trước, đã hứa thì phải làm, làm tới đâu dứt điểm tới đó, để lấy lại niềm tin, và phải làm thôi, vì nếu không sẽ ngày một lỡ đà và tụt hậu, cũng giống như nợ xấu cứ để thế sẽ bị chồng lên nợ xấu," chuyên gia nói với BBC.
Hôm thứ Hai, truyền thông Việt Nam trích dẫn kết quả một số điều tra nghiên cứu, Bấmkhảo sát của các tổ chức, định chế trong nước phản ánh thực trạng được cho là 'sức khỏe đáng lo ngại' của các doanh nghiệp trong nước.
Một số tờ báo phản ánh hiện trạng phá sản, thiểu phát của các doanh nghiệp, nạn Bấmthiếu tiếp cận vốn nhất là ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa và có báo thậm chí cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đang ' Bấmteo tóp, chết như rạ'.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét