Cọp và tục săn cọp
Diendan. Đặng TiếnNgười Việt ngày xưa, từ đồng bằng lên Mạn ngược, không lấy việc săn bắn làm thú vui.
Săn bắt thú hoang là để tăng cường lương thực, bảo vệ mùa màng, chứ không lấy đó làm tiêu khiển như ở Âu Tây có truyền thống săn bắn, còn phổ biến ngày nay.
Khác với những điển cố Trung Quốc, vua chúa Đại Việt không có tập tục và nghi thức săn bắn như các triều đình phương Bắc. Vua Tự Đức có đi săn thì cũng chỉ đi bắn chim loanh quanh ở các vườn thượng uyển.
Từ đó, người Việt tộc, Kinh cũng như Thượng không có tục săn hổ như người Âu Tây. Sau này, từ đầu thế kỷ XX mới có tục săn hổ, là do người Pháp du nhập : một trong những môn đồ đầu tiên có lẽ là vua Bảo Đại khoảng 1930, và hậu duệ sẽ là Ngô Đình Nhu, khoảng 1960, một tay sát thủ đã từng hạ 13 con cọp tại vùng Đà Lạt1. Nói khác đi, việc săn cọp tốn kém, khó khăn và nguy hiểm, không nằm trong tầm tay của dân gian, mà chỉ là trò tiêu khiển của giới thượng lưu, quan chức, quyền thế và giàu có.
« Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận ; hùm tha sấu bắt » là nỗi hãi hùng của người Việt trên đường Nam Tiến. Sợ thì có sợ, nhưng phải đối phó. Sơn Nam (1926- 2008) đã ghi lại nhiều chứng cớ về cọp ở Nam Bộ : « Hồi thế kỷ 17 và 18, Gia Định thành Thống chí (của Trịnh Hoài Đức 1725-1825) ghi rằng : « trẻ con, đàn bà cầm liềm cắt cỏ, cầm đòn xóc cũng chống cự và đuổi được cọp. Thái độ của người dân đối với cọp vừa kính nể, xem như vị thần, nhưng cũng coi thường, nếu cần thì rủ nhau đi săn bắn giết không nương tay ».
Sơn Nam còn kể lại những thế võ đánh cọp như sau :
« Người từng đánh cọp nắm được quy luật cọp quỳ chân sau, chống chân trước là đang chờ đợi ; trước khi vồ mồi, cọp chạy theo thế bò sát rồi phóng tới. Đuôi cọp phe phẩy hoặc để ở phía nào cũng là chỉ dẫn để ta đoán trước hướng tấn công. Người đánh cọp thường dùng cây roi nặng, cứng, chắc. Có chuyện khó tin kể rằng võ sĩ cao cường có thể đánh cọp bằng tay không. Khi cọp nhảy tới, võ sĩ hụp xuống, nắm hai chân trước của cọp rồi dùng đầu mà đội lên, miệng cọp không hả ra được, nanh cọp trở thành vô hiệu. Nhưng theo sự tổng kết có thể tin được, trước khi giết cọp, phải đánh nhừ tử vài hiệp cho nó mệt. Nhiều con cọp, từng đánh nhau với người nên khôn ngoan, dùng thế hiểm độc là nằm ngửa bụng lên, nhìn đối thủ qua hai chân trước và hai chân sau. Với thư thế ấy, cọp dưỡng sức chờ thời cơ. Ai nôn nống sốc tới đánh, cọp sẽ chụp roi, giữ chặt, người mạnh khỏe cũng không tài nào dằng ra nổi, cọp thừa cơ mà vồ trong nháy mắt. Buông roi để chạy thì càng mau chết. Miếng võ ấy của cọp gọi là thế « trâu giằn ».
Lúc mới khẩn hoang, thầy võ đánh cọp không nhiều, thông thường là đồng bào đứng lên tự vệ ; trong gia đình, ở láng giềng, dù có cọp tới lui, giết người, đồng bào vẫn bám đất kiên trì »2
Sơn Nam mô tả tâm lý về cọp « vừa sợ vừa kính nể xem như vị thần, nhưng cũng coi thường » là đúng và tế nhị. Nơi khác, ông bổ sung : vì còn dấu vết mê tín cổ xưa, đồng bào ta ít chịu tổ chức săn cọp ; khi nào gặp những con có nợ máu thì huy động cả xóm đi ví khai hoặc bẫy hầm. Nhà nước khuyến khích giết cọp nhưng hương chức hội tề chỉ làm lấy lệ »3
« Nhà nước » đây là chính quyền Pháp. Thậm chí, những đoàn thợ săn Tây Phương muốn đi săn hổ tại nước ta, thuê người địa phương làm hướng dẫn thì họ không nhận, dù là người Kinh hay Thượng ; người săn phải thuê hướng dẫn viên da trắng, hiệu lực hơn 4
Tư liệu của Sơn Nam đáng tin cậy. Ví dụ ông kể lại sự kiện hổ dữ xuất hiện tại chợ Tân Kiểng, Sài gòn, năm 1770, bị người đánh chết trong Đất Gia Định Xưa, thì do Trịnh hoài Đức tường thuật chính xác :
« Chợ Tân Cảnh tục danh Chợ Quán, phố chợ đông đúc, thường năm đến ngày Tết người ta thường bày các trò chơi xe-quay đu-tiên, thực là một chợ rất lớn ; ngày trước, cứ đến cuối năm, giết tù tử-tội ở đấy. Tuệ-tôn canh-dần (1770) năm thứ 6 (Lê Hiến-tôn Cảnh-hưng thứ 31, Thanh, Càn-long thứ 35) mùa xuân tháng giêng, ngày 25, lúc đêm khuya vắng người, có một con cọp lớn vào nhà dân ở phía nam chợ, hầm hét vang dậy, mọi người đều kinh hoàng ; chạy báo đồn dinh, phái binh đến vây bắt. Người ta triệt hạ nốc nhà, làm hàng rào vây quanh mấy lớp. Nhưng cọp rất dữ ác, không ai dám gần. Vây được ba ngày, có thầy sãi viễn phương hiệu Hồng-Ân cùng đồ đệ Trí-Năng tình nguyện vào bắt cọp. Hồng Ân đấu với cọp hồi lâu, cọp bị côn đánh đau, nhảy núp vào bụi tre. Hồng Ân đuổi nà, cọp quay lại đấu nữa. Hồng Ân thối lui, vấp chân ngã vào mương nước, bị cọp vồ trọng thương. Đồ đệ Trí Năng tiếp viện, dùng côn đánh cọp trúng đầu cọp chết nốt. Thương tích Hồng Ân quá nặng, nên ông cũng chết liền lúc ấy. Người ở chợ cảm nghĩa nhà Sư, chôn cất và dựng tháp ngay tại chỗ, hiện nay đương còn. »5
Tại miền Trung, người đánh hổ nổi tiếng là một phụ nữ thuộc huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định, được Quốc Sử Quán, đời Tự Đức ghi lại trong Đại Nam Nhất Thống Chí và phong « liệt nữ ». Bà tên Trần Thị Quyền, nhà ở gần núi, cùng mẹ đi hái củi gặp cọp, mẹ ngã, bà cố sức đuổi cọp chạy và vực mẹ về, từ đó, đêm nào cũng cầm dao bảo vệ mẹ ; có một đêm, mẹ ra khỏi cửa bị cọp tấn công, bà hết sức chém giết cọp. Bà được biểu dương vào năm Tự Đức thứ nhất, 1847, chuyện phải xảy ra trước đó, và chắc là chính xác.
Tại Miền Bắc, nơi còn nhiều dấu vết « mê tín cổ xưa » theo lời lẽ của Sơn Nam, kỳ thật là có tục thờ Thần Hổ theo niềm tin nguyên thủy có từ thời Văn Lang, người dân vẫn chống hổ, diệt hổ để bảo vệ gia súc. Truyện cổ dân gian Tày, miệt Cao Bằng, có truyền thuyết Pú Lương Quân và nhân vật anh hùng khổng lồ Báo Luông đánh cọp :
« Một đêm đông mưa dầm gió bấc, trời tối như mực, một hổ lớn đến bắt lợn ở Chông Mu vác lên núi. Nghe tiếng lợn kêu, Bảo Luông thức giấc liền vác giáo đuổi theo đến núi Khau Sưa thì đuổi kịp hổ. Con thú dữ thấy người liền trừng mắt nhe nanh vuốt để dọa. Bảo Luông không hề sợ sệt nao núng liền nhảy sổ vào đâm cọp. Cọp nhảy tránh sang một bên, Bảo Luông đâm không trúng, ngọn giáo đâm quá mạnh cắm sâu xuống đất rút mãi không ra. Cọp thừa thế nhảy đến vồ. Bảo Luông nhanh tay nắm chặt hai cẳng trước của nó rồi hai bên xô đi đẩy lại hồi lâu. Bảo Luông dùng chân đá vào mạng mỡ cọp. Con thú dữ hộc máu ra, kiệt sức dần rồi lăn ra chết. Anh giành lại được con lợn đem về nhà.
Nhân việc hổ bắt lợn, Bảo Luông nghĩ nên tìm một giống vật để đêm hôm giúp người coi nhà, canh giữ gia súc. Anh liền lên núi Khau Han bắt mấy con chó rừng về nuôi dạy ở núi Khau Ma. Giống chó thuần dưỡng rất dễ dàng, chỉ trong hai tháng là có thể giúp người coi nhà, săn đuổi nai hoẵng được. » 6
Đây là truyền thuyết về thủy tổ của loài người và nguồn gốc xã hội. Chuyện không thật nhưng phản ánh tâm lý thật, ở đây là tranh chấp giữa người và hổ, tại một miền núi nhiều hổ.
Bên cạnh sử liệu và truyền thuyết, chúng ta có tư liệu cụ thể về tương quan hổ - người tại Tây Nguyên, qua dân tộc Gia Rai, vùng Đac Lac, theo những công trình nghiên cứu chính xác, sâu sắc và uyên bác của Jacques Dournes : « cọp không phải lúc nào cũng chỉ là con cọp 7(Le tigre n’est pas toujours seulement un tigre) . Ý nói cọp còn là biểu tượng, thần linh. Người Gia Rai thường xuyên chung đụng với cọp, có những quan hệ phức tạp. Nói chung thì người không săn cọp, cả hai bên đều là thợ săn, sống chung hòa bình trong thỏa ước tôn trọng lẫn nhau. Thần Hổ, yang ramung cũng là Thần Rừng Yang dlei bảo vệ người thợ săn mogap. Cũng có lúc người buộc lòng phải giết hổ, thì xem như là « án mạng » theo nghĩa giới luật --hay pháp luật --, được xét xử là « ngộ sát » và phải đền bù bằng « giá mạng » : sinh mạng cọp ngang giá với sinh mạng người, ngang với mười lăm con trâu. Lễ đền mạng phải bốn người chứng giám và bảo lãnh : hai chứng nhân phía người, hai chứng nhân về phía cọp, trong khi chủ tế xướng :
« Hôm qua, hôm kia, con người đã giết ông. Hôm nay nó trả nợ. Việc như vậy là xong. Ông an nghỉ, đừng tức giận chúng tôi. Chúng tôi mang lễ vật đầy đủ. Đừng sát hại chúng tôi và con cháu chúng tôi »
Rồi chủ tế ném một vòng đeo tay xuống thi hài cọp.
Sở dĩ sinh mạng cọp được định giá ngang với sinh mạng người, vì theo truyền thuyết, hay hoang tưởng người Gia Rai, biên giới giữa người và cọp không phân minh, có những Người Hổ, nam hay nữ, dưới dạng này hay dạng kia. Vì thế, hai bên tránh sát hại lẫn nhau, trừ phi khi giao đấu tay đôi sòng phẳng. Người dân tộc Sré phía Lâm Đồng cũng có niềm tin như vậy, và họ gọi Người Hổ, hay Ma Hổ là Somri, sống lẩn lút với người trong thôn bản. Là một nguồn tác hại, ma hổ bị tiêu diệt khi người phát hiện. Theo J. Dournes, dân tộc Ê-đê lân cận cũng có truyện kể như vậy (sđd, chương 9, tr.113-122). Theo chúng tôi, ở Miền Tây Bắc, dân tộc Khờ Mú có niềm tin người hóa hổ hay hươu nai. Người Trung Quốc cổ sơ có thể cũng có niềm tin như thế. Chuyện Tiết Nhơn Quý, trong truyện và tuồng cổ Chinh Đông, ngủ trưa lúc mệt, hiện hình cầm tinh hổ, bị con trai là Tiết Đinh San bắn nhầm và ngộ sát, có lẽ cùng nguồn gốc.
Ở ta, truyền thuyết Từ Đạo Hạnh cũng mang ý nghĩa này. Gần đây, trong Truyện Đường Rừng, 1940, của Lan Khai (1906-1945) có chuyện như vậy, dù là hư cấu.
Tâm lý cổ sơ của người Việt, còn phản chiếu trong nếp sống hay truyền thuyết của các dân tộc ít người, giải thích nhận xét của Sơn Nam, là người Việt không có tập quán săn cọp. Đến khi người Pháp thiết lập vững vàng nền đô hộ trên bán đảo Đông Dương, mới có lớp người săn – không phải thợ săn – da trắng săn giết cọp vô tội vạ, mà J. Dournes có mỉa mai nhắc đến : « cảm xúc và thú vui của người Pháp thuộc địa đi săn » (sđd, tr.113). Ngoài ra nhiều hãng du lịch Pháp, thời 1930, đã bán những chuyến sa-pha-ri (safari) săn cọp cho du khách Âu Tây, bảo đảm một vài con hổ cho « bảng thành tích ». Thời điểm này, nhiều người còn nhắc đến những chuyến săn cọp của vua Bảo Đại thời trẻ8. Tài liệu sau này, có lẽ là thuộc những chứng từ mới nhất, là hồi ký săn cọp của Huỳnh Văn Lang, đã trích dẫn ở đầu bài, mang tiêu đề Cọp cái ba con. Ông này là Giám đốc viện Hối đoái của chính quyền Sài Gòn , chủ nhiệm tạp chí Bách Khoa từ 1957, thân cận với Ngô Đình Nhu, một tay săn cọp nổi tiếng. Ông kể lại chuyến săn cọp vào trước Tết 1961, đã được báo Times of Vietnam đăng ảnh như là một tin tức quan trọng. Trước đó, giữa năm 1960, tại Sài gòn, ông đã thành lập « hội săn bắn Việt Nam » với một ông trung tướng.
Cuộc săn bắt đầu từ làng Pang Xim, gần thị trấn Tùng Nghĩa, cây số 270 trên đường lên Đà Lạt là nơi nhiều cọp, nhất là giống cọp « hoàng gia » (tigre royal) lớn con, có bộ lông rực rỡ.
Hồi ký viết chi ly về kỹ thuật săn cọp hiện đại, và tâm trạng người săn cọp, từ ý chí say sưa, đến niềm hoảng hốt và khoái cảm. Ông Lang tìm được một con heo rừng lớn bị cọp ăn già nửa, bên bờ sông Đa Dung, và đoán rằng tối hôm sau, thể nào cọp tiếc mồi, cũng sẽ trở lại. Ông chỉ cần làm thum để đợi :
« Liền ngay khi đó, từ trong vùng tối ở dưới mé vực, xuất hiện không một tiếng động, không một mùi hôi, không một dấu hiệu, một cái bóng dáng nhẹ nhàng lanh lẹn làm sao, tưởng như một loại linh hồn mang hình ảnh cọp.
Trời đã tối sẫm, tôi không nhận được màu vàng của con ác thú, chỉ thấy lờ mờ vệt xám và những vằn đen trên một thân hình rất cao mà cũng rất gầy. Bóng tối rừng chiều và xúc động mạnh vừa qua, làm cặp mắt nhìn của tôi sai lạc, hình vóc con thú trở thành quá đỗi dị kỳ.
(…) Từ từ tôi đưa cây Marlin lên, nhắm cái màu trắng thân bụng con heo và sửa đầu súng cho đúng mục tiêu mà tôi đinh ninh là ngay bả vai trệt xuống yết hầu ác thú. Chớp nhoáng, tôi cho nổ một phát súng 12 vang dậy như xé không gian… tức thì một tiếng gầm lên, la lên thét lên, vừa ấm, lại vừa chát chúa, vừa khan khàn, vừa đứt đoạn, vừa liên tục, rền vang hơn tiếng súng nhiều, hãi hùng hơn tiếng voi rống và có vẻ gì ai oán, ghê rợn hơn sự kêu khóc của người.Tôi không có đủ từ ngữ thể hiện xác thực những tiếng gầm thét của một con hổ bị thương. Bấy giờ tôi cuống người lên vì tiếng gầm thét kỳ quái làm tôi hoảng sợ (…) Con cọp tiếp tục oàn oại, lăn lộn, gầm thét gần nửa giờ sau mới tạm êm đi, nhường cho tiếng thở hổn hển và tiếng rên rỉ nhè nhẹ. »
Theo lý thuyết, bắn cọp phải nhắm ngay vào đầu, giữa trán, cọp mới chết ngay. Trúng đạn vào nơi khác cọp vẫn đủ sức lê thân hình đi chỗ khác, mà người đi săn khó bề tìm ra, chưa kể là nguy hiểm (xem Thevenin, bài đã dẫn).
Sáng hôm sau, ông Lang và người Thượng hướng dẫn, truy tầm con hổ bị thương, lần theo vết máu. Cuối cùng, họ đã gặp lại con hổ :
« Một con hổ khổng lồ, vàng rực và lông mướt đẹp tôi chưa từng thấy bao giờ, rượt theo người Thượng không xa quá một thước và lướt ngang qua mặt tôi, không qua một tầm chân đá. Cây súng Marlin sẵn trên tay tôi, nhưng biến cố xảy ra đột ngột và nhanh chóng quá, tôi không bắn kịp vào đầu hay vào hông nó, mà chỉ kịp bắn vào mông con vật khi cả thân hình của nó đã vượt khỏi tôi hơn một thước rồi ».
Con hổ bị bắn vào mông vẫn còn sức tuôn chạy. Sau đó tác giả thuê voi để truy lùng đối tượng.Và như vậy là chấm dứt phần hấp dẫn.
*
Săn bắn là dấu vết sinh hoạt loài người nguyên thủy ; sau này ít nhiều gắn bó với việc luyện tập quân sự, sau nữa có phần biểu dương thanh thế.
Ngày nay tại nhiều nước Âu Tây tập tục vẫn còn tồn tại : có nơi giới săn bắn, câu cá kết hợp thành lực lượng chính trị, có khi tạo được ảnh hưởng trong các cuộc bầu cử dân chủ.
Nước ta chưa có những hội đoàn săn bắt bề thế, những cuộc săn tập thể quy mô. Săn bắn là thú tiêu khiển cá nhân và giới hạn, xưa nay vẫn có.
Người thợ săn tên tuổi nhất có lẽ là Nguyễn Du, thời gió bụi ở Nghệ An (1796-1802), tự xưng là Thợ Săn Núi Hồng (Hồng Sơn Liệp Hộ). Ông có bàiLiệp (Đi săn) trong tập thơ chữ Hán Thanh Hiên Thi tập.
Y quan đạt giả chí thanh vân,
Ngô diệc lộc ngô mi lộc quần.
Giải thích nhàn tình an tại hoạch,
Bỉnh trừ dị loại bất phương nhân.
Xạ miên thiển thảo hương do thấp,
Khuyển độ trùng sơn phệ bất văn.
Phù thế vi hoan các hữu đạo,
Khu xa ủng cái thị hà nhân.
Ngô diệc lộc ngô mi lộc quần.
Giải thích nhàn tình an tại hoạch,
Bỉnh trừ dị loại bất phương nhân.
Xạ miên thiển thảo hương do thấp,
Khuyển độ trùng sơn phệ bất văn.
Phù thế vi hoan các hữu đạo,
Khu xa ủng cái thị hà nhân.
Trần Thanh Mại dịch sát và hay :
Áo mão đường mây mặc kẻ tài,
Ta vui vui với lũ hươu nai.
Cốt khuây lúc rỗi mong gì lợi,
Há trái điều nhân, diệt các loài.
Cỏ ngắn xạ nằm hương đượm ấm
Núi sâu chó sủa tiếng ngoài tai.
Thú vui trần thế âu tùy thích
Xe cưỡi dù che ấy những ai.
Ta vui vui với lũ hươu nai.
Cốt khuây lúc rỗi mong gì lợi,
Há trái điều nhân, diệt các loài.
Cỏ ngắn xạ nằm hương đượm ấm
Núi sâu chó sủa tiếng ngoài tai.
Thú vui trần thế âu tùy thích
Xe cưỡi dù che ấy những ai.
Bản dịch ĐT :
Mũ áo tài ai ruổi dặm mây,
Vụng ta hươu hoẵng chuộng vui bầy.
Săn nhàn ai lọ cầu thu hoạch,
Bảo trọng muôn loài miễn giải khuây.
Chồn giấc bãi non, hương đượm cỏ,
Chó phăng núi khuất, sủa ngoài tai.
Cõi người ai có nguồn vui nấy,
Lọng lọng xe xe ai mặc ai.
Vụng ta hươu hoẵng chuộng vui bầy.
Săn nhàn ai lọ cầu thu hoạch,
Bảo trọng muôn loài miễn giải khuây.
Chồn giấc bãi non, hương đượm cỏ,
Chó phăng núi khuất, sủa ngoài tai.
Cõi người ai có nguồn vui nấy,
Lọng lọng xe xe ai mặc ai.
Trong văn chương hiện đại, người ưa đi săn là Hoàng Ngọc Phách, tác giả truyện Tố Tâm.
Ông bắn chim giỏi, và có viết nhiều chuyện về đề tài này, theo lối truyện kể trong « những
buổi tối của người đi săn » của Âu Tây.
Nhưng đây không còn là chuyện săn hổ.
Nguồn : bài đã được trích đăng trên Thể thao & Văn hoá, nguyên bản do tác giả gửi Diễn Đàn
Đặng Tiến
09-02-2010
2 Sơn Nam Đất Gia Định Xưa, tr.36-37, nxb Trẻ, 1984, TPHCM.
3 Sơn Nam Bến Nghé Xưa, tr.175, nxb Trẻ, 1992, TPHCM.
4 Thevenin R., 1930, Archives de l’Indochine, trong bộ Archives de France, tr.145, nxb Trinckvel, 1995, Paris.
5 Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thống Chí, mục Thành trì chí, bản dịch Trần Kinh Hòa, tạp chí Đại Học (Huế), tr.50, số 6, tháng 12-1961.
6 Tuyển Tập Văn Học các dân tộc ít người, cuốn I, tr.36, nxb Khoa Học Xã Hội, 1992, Hà Nội
7 Jacques Dournes, Forêt Femme Folie (Rừng núi Đàn bà Hoang tưởng) tr 113, nxb Aubier Montaigne, 1978, Paris.
8 Đoàn Thêm, báo Bách Khoa, tr.23, số 235, tháng 10-1966, Sài Gòn.
Diendan: http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/cop-va-tuc-san-cop/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét