Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2012-07-08
Nền kinh tế Việt Nam bước qua nửa đầu năm với những mừng
lo lẫn lộn, nhưng có lẽ lo nhiều hơn mừng, khi tình trạng đình
trệ sản xuất vẫn là nỗi ám ảnh, nợ xấu của hệ thống ngân
hàng tăng cao, số doanh nghiệp phá sản lũy tiến, cộng với đó
là nguy cơ giảm phát.
RFA photo - Hàng hóa bày bán trên đường phố Hà Nội.
Những điều này cộng lại, khiến bức tranh chung khá ảm đạm.
Ghi lại những điểm chính, Vũ Hoàng tổng hợp trong phần sau.
Những con số mới nhất phát đi từ Tổng cục Thống kê hôm 29/6
cho thấy nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu tích cực, GDP quí 2
ở mức 4,66%, tăng 0,66% so với quí 1. Thế nhưng, nhìn chung tăng
trưởng Việt Nam trong nửa đầu năm nay vẫn thấp hơn nhiều so với
mức tăng trưởng này của năm trước và thấp xa so với mục tiêu
đề ra của cả năm nay ở mức 6 đến 6,5%. Để có thể đạt được
tăng trưởng cả năm như kỳ vọng, nửa cuối năm nền kinh tế phải
tăng rất mạnh ở mức trên 8%, đây là điều rất khó đạt được,
nhất là khi nền kinh tế vừa chuyển từ lạm phát sang thiểu
phát.
Đằng sau vẻ bề ngoài tiều tụy kia là một thể trạng khá ốm
yếu của nền kinh tế, khi những con số biết nói đang gióng lên
hồi chuông báo động: tổng nợ DNNN trên 1 triệu tỷ đồng, nợ xấu
của hệ thống ngân hàng hơn 110,000 tỷ đồng, lượng hàng tồn kho
chiếm đến 26% tổng số hàng hóa, doanh nghiệp giải thể, hoặc
ngừng hoạt động tiếp tục tăng cao ở mức trên 26,000 doanh
nghiệp; trong đó, những nhóm ngành đầu tầu động lực thúc đẩy
nền kinh tế như công nghiệp và xây dựng thì đang gần chạm đáy
và hồi phục chậm chạp.