Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Kiểm soát buôn bán động vật hoang dã: Việt Nam “chót bảng”



- Việt Nam xếp cuối cùng trong một bảng đánh giá khả năng kiểm soát hoạt động buôn bán động vật hoang dã do WWF mới công bố.
Trong khi đó, theo AP, xếp kế tiếp là Trung Quốc, nước được xem là thị trường sản phẩm sinh vật hoang dã bất hợp pháp lớn nhất thế giới. Xếp thứ 3 từ dưới lên là Lào.


Tê giác Java (tê giác một sừng) đã tuyệt chủng tại Việt Nam

Báo cáo của một nhóm bảo tồn thuộc Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đánh giá 23 quốc gia châu Á và châu Phi, dựa trên tiêu chí các quốc gia này có thông qua hay không và thực thi đến đâu các chính sách hỗ trợ công ước quy định buôn bán động vật hoang dã.
Đánh giá tập trung vào 3 loài được săn lùng hàng đầu trên thị trường đen quốc tế: voi, hổ, tê giác. "Đây có lẽ là ba loài được nhắc đến nhiều nhất, vì vậy chúng chính là mắt xích chủ chốt cho những vấn đề lớn hơn", Colman O Criodain, chuyên gia về hoạt động buôn bán động vật hoang dã WWF, nhận định.
Việt Nam và một số quốc gia nhận được "điểm đỏ" của WWF. Điều này đồng nghĩa tổ chức này đánh giá Việt Nam đã thất bại trong việc duy trì các cam kết theo công ước.

Hệ quả là, tê giác Java đã hoàn toàn bị "xóa sổ" ở Việt Nam năm 2011. Nguyên nhân quan trọng mà WWF chỉ ra là nạn săn bắn. Một số loài tê giác khác cũng bị đe dọa do nhu cầu đối với sừng của chúng. Ở Việt Nam, nhu cầu về sừng tê giác thuộc hàng cao nhất thế giới do tin đồn nó là thần dược chữa bách bệnh.
Theo Livescience, WWF đánh giá tại Việt Nam, các hình phạt dành cho hoạt động buôn bán động vật hoang dã phi pháp còn yếu và các công cụ pháp lý chưa đủ mạnh để kiểm soát buôn bán trên Internet. Tính từ năm 2008 đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận được vụ bắt giữ buôn bán sừng tê giác nào.
Báo cáo cũng đánh giá, quyết định năm 2007 của Việt Nam cho phép thí điểm mô hình trang trại nuôi hổ cũng đã làm suy yếu nỗ lực kiểm soát hoạt động buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ hổ. Hiện Việt Nam đã có 11 trang trại nuôi hổ có đăng ký.
Ấn Độ và Nepal nhận được điểm xanh, cho thấy họ đã đạt được tiến bộ trong việc tuân thủ công ước và thực thi các chính sách để ngăn chặn nạn buôn bán bất hợp pháp.
Một số liệu của Viện Brookings (Mỹ) ước lượng doanh thu từ hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã lên tới 8 - 10 tỉ USD mỗi năm, chỉ riêng tại Đông Nam Á.
Theo Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) được ký kết bởi 175 quốc gia, hầu như mọi hoạt động buôn bán sừng tê giác, ngà voi, các bộ phận hổ và các loài bị đe dọa tuyệt chủng khác đều được coi là phi pháp.
Hải Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét