Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Ðồng tiền người Việt quận Cam: Kiếm khó, được ít


Ðồng tiền người Việt quận Cam: Kiếm khó, được ít


Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt
Với hơn một triệu người trên đất Mỹ, và gần 200,000 người ở Quận Cam, cộng đồng Việt Nam đang trở thành một lực lượng dân số đáng kể. Những cửa tiệm chi chít trên đường Bolsa, Brookhurst, Westminster, khắp vùng Little Saigon, cũng minh chứng cho hoạt động sầm uất của người Việt quận Cam về kinh tế.

Trong 5 tiểu bang nhiều người Việt Nam nhất, tiểu bang California có mức tăng dân số Việt thấp nhất từ kỳ Census 2000 tới Census 2010. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)

Nhưng sự sầm uất đó thật sự là tới đâu? Những con số thực sự về nền kinh tế của người Việt quận Cam là bao nhiêu? Những cửa tiệm đẹp đẽ có phản ánh sự thành công của chủ nhân, hay chỉ che lấp sự vất vả của người quần quật làm ăn nuôi gia đình?

Câu trả lời nằm trong cơ quan kiểm kê dân số U.S. Census. Cơ quan này có rất nhiều con số chi tiết về nước Mỹ. Ngoài cuộc kiểm kê dân số mỗi 10 năm (“Census”), cơ quan này còn thăm dò thường xuyên, trong đó quan trọng nhất là cuộc thăm dò người dân mang tên American Community Survey “ACS” và cuộc thăm dò thương gia mang tên Survey of Business Owners “SBO”.

Những con số, vừa từ Census, vừa từ ACS, vừa từ SBO, khắc họa hình ảnh một cộng đồng Việt Nam lớn lên nhanh, làm việc siêng năng, nhưng số tiền làm ra không nhiều.

Con số Census 2010 cho thấy, California có hơn 580,000 người Việt Nam. Vùng miền Nam California, mà cơ quan Census gọi là vùng đô thị (MSA) Los Angeles-Long Beach-Santa Ana, có 271,234 người. Ðứng hạng nhì là vùng MSA San Jose-Sunnyvale-Santa Clara với 125,774 người. Hạng 3 là vùng Houston, hạng 4 vùng Arlington, hạng 5 vùng Virginia.

Riêng quận hạt Orange County, tức quận Cam, có 183,766 người Việt Nam. Nếu tính thêm những người vừa sắc tộc Việt Nam vừa có một hoặc hai sắc tộc khác nữa, quận Cam có 187,948 người Việt Nam thuần hoặc lai.

Từ lần thăm dò trước, năm 2000, tới 2010, dân số gốc Việt ở Mỹ tăng 37.9%, từ 1.1 triệu lên 1.5 triệu.
Tuy nhiên, với nạn thất nghiệp cao tại California, ở quận Cam cũng như ở khu kỹ nghệ điện tử quanh San Jose, mức tăng ở California thấp hơn của toàn quốc: Dân số người Việt ở California tăng 30% trong 10 năm. Trong khi đó, ở Texas, nơi nhiều việc làm hơn, dân số Việt Nam tăng 56% trong cùng thời gian đó. Không riêng gì với Texas: Trong 5 tiểu bang đông dân Việt nhất, tiểu bang California đứng đầu về số dân nhưng lại đứng chót về mức gia tăng.

Mức thất nghiệp tại quận Cam ảnh hưởng ngay vào cộng đồng Việt Nam. Theo thăm dò ACS, trung bình 3 năm 2008-2010, quận Cam thất nghiệp 9.0%, nhưng trong cộng đồng Việt Nam mức thất nghiệp còn cao hơn, 10.2%.

Con số này cao hơn hẳn so với trước cuộc khủng hoảng tài chính thời 2007-2008. Trong ACS trước đó, trung bình 3 năm 2005-2007, cộng đồng Việt Nam quận Cam thất nghiệp 4.8%.

Không chỉ gặp khó khăn về việc làm, cộng đồng Việt Nam còn bị kẹt về nhiều yếu tố khác khiến họ khó bứt lên trong kinh tế, trong chuyện kiếm tiền.

Ngôn ngữ, và những trở ngại khác


Khó khăn đầu tiên là về ngôn ngữ. Tỷ lệ người Việt Nam tại quận Cam tự nhận là nói tiếng Anh chưa tới mức “very well” (rất rành) lên tới 55.6%. Trong khi đó, người gốc Á tại quận Cam nói chung, tỷ lệ này chỉ có 38.2%.

Tiếng Anh của người Việt Nam cũng thua tiếng Anh của người gốc Mỹ La Tinh, tức người Hispanic hay Latino. Tỷ lệ nói tiếng Anh chưa tới mức “rất rành” của họ chỉ có 41.3%.

Tỷ lệ người gốc Việt tại quận Cam nói tiếng Anh chưa tới mức “rất rành” (“very well”) cao hơn phân nửa. Trong khi người gốc Mỹ La Tinh chỉ bị có 42% và người gốc Á nói chung chỉ bị tới mức 32%. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)

Nói cách khác, chưa tới một nửa người gốc Việt là “rất rành” tiếng Anh, so với quá nửa người gốc Á nói chung hay người gốc Mỹ La Tinh. “Ðiều này không có gì ngạc nhiên,” Giáo Sư Linda Võ Ðại Học UC Irvine nói với báo Người Việt. “Cộng đồng Mỹ gốc Việt hầu hết là di dân thế hệ thứ nhất, người sinh trưởng ở ngoại quốc.” Giáo Sư Võ chuyên nghiên cứu về phát triển cộng đồng Mỹ gốc Á, nhất là gốc Việt Nam ở miền Nam California. Giáo sư nói thêm, “Ðiều này không áp dụng với thế hệ thứ nhì sinh trưởng ở Mỹ, dùng tiếng Anh thoải mái hơn.”

Cũng vì không rành tiếng Anh, nên người Việt cũng ít dùng tiếng Anh ở nhà. Tỷ lệ người Việt quận Cam dùng thuần túy tiếng Anh ở nhà chỉ có 9.1%, tức là 11 nhà mới có 1 nhà dùng thuần túy tiếng Anh. Trong khi đó, đối với người Châu Á khác, là 24.1%, cao gần gấp hai rưỡi; và đối với người gốc Mỹ La Tinh, là 20.6%, hơn gấp đôi.

Học vấn người Việt Nam cũng thấp hơn các cộng đồng bạn. Những tấm gương sáng của những người Việt Nam thành danh trong học vấn, tuy đáng hãnh diện, vẫn lộ ra là một thứ ngoại lệ đặc biệt, làm phai đi thực trạng của người di dân chật vật với chuyện trường lớp, bằng cấp.


Tỷ lệ người Việt Nam quận Cam 25 tuổi trở lên mà vẫn chưa xong trung học (ở Mỹ hay ở nước khác) là tới 27.7%. Tức là, cứ 4 người thì hơn 1 người chưa xong trung học. Tỷ lệ này cao hơn quận Cam nói chung (16.9%), và cao hơn người gốc Á nói chung (13.7%). Nếu có phần an ủi, thì tỷ lệ người gốc Mỹ La Tinh chưa xong trung học còn cao hơn người Việt, tới 43.8%.

Có thể vì vậy, người Việt quận Cam làm những công việc nặng nhọc, ít đòi hỏi ngôn ngữ và học vấn, hơn người quận Cam nói chung.

Bốn ngành nhiều người Việt nhất, theo thứ tự, là: (1) Hãng xưởng (manufacturing); rồi tới (2) Giáo dục, y tế, xã hội; rồi (3) Dịch vụ không chuyên; rồi (4) Bán lẻ.

Trong khi đó, quận Cam nói chung, bốn ngành nhiều người nhất là: (1) Giáo dục, y tế, xã hội; sau đó là (2) Dịch vụ chuyên môn, khoa học, quản trị; rồi mới tới (3) Hãng xưởng; và (4) Bán lẻ.
 
Tỷ lệ người gốc Việt tại quận Cam chưa xong trung học là 28%, thấp hơn người gốc Mỹ La Tinh, nhưng cao hơn quận Cam nói chung và cao hơn người gốc Á nói chung. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)  

Người Châu Á tại quận Cam có các ngành này nhiều người nhất: (1) Giáo dục, y tế, xã hội; rồi (2) Hãng xưởng; (3) Dịch vụ chuyên môn, khoa học, quản trị; (4) Bán lẻ.
Cụ thể, ngành dịch vụ không chuyên (trong đó có ngành nails) nằm trong Top 4 của người Việt Nam, không trong Top 4 cộng đồng bạn. Ngược lại, bạn có dịch vụ chuyên môn, khoa học, quản trị trong Top 4, mà người Việt Nam không có.

Thu nhập

Với ngành nghề khác, số tiền người Việt Nam kiếm được cũng khác người ta. Trong khi một gia đình tại quận Cam có thu nhập trung bình (median, chính xác hơn là “trung vị”) $72,832, thì một gia đình Việt Nam thua tới 1/6, chỉ có thu nhập $60,026.

Những gia đình thu nhập bằng tiền kiếm được (“earnings”), như lương hoặc tiền lời mở tiệm, gia đình Việt Nam trung bình $78,727; gia đình quận Cam trung bình $96,936.

“Người Việt Nam hầu hết là người tỵ nạn, di dân. Nền giáo dục và kinh nghiệm làm việc của họ khác, nên điều này ảnh hưởng tới khả năng hội nhập và tìm việc làm lương cao sau khi nhập cư,” Giáo Sư Võ giải thích.

Và nếu tiền lương thấp hơn, thì tiền hưu cũng thấp hơn, và thấp hơn nhiều: Tiền hưu trung bình của người Việt Nam là $17,147; của quận Cam hơn gấp rưỡi, $26,650.

     Người gốc Việt nhận food stampngang với người gốc Hispanis. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)

Ngay cả tiền già, tiền trợ cấp của một gia đình Việt Nam, cũng thấp hơn của một gia đình quận Cam nói chung. Trung bình Social Security của gia đình Việt Nam là $12,163 một năm, còn của gia đình quận Cam là $16,469. Tiền trợ cấp: Việt Nam $5,890; quận Cam: $6,293.

Có tiền SSI thì người Việt Nam lãnh cao hơn người quận Cam nói chung: Người Việt Nam trung bình $10,675; quận Cam: $9,225.

Và tỷ lệ người Việt Nam nhận food stamp (SNAP) cũng cao nhất so với các cộng đồng khác: 8.7% gia đình Việt Nam nhận food stamp, ngang với người gốc Mỹ La Tinh. Trong khi đó, chỉ có 3.5% gia đình quận Cam nói chung, chỉ có 3.6% gia đình gốc Á quận Cam, và chỉ có 5.5% gia đình người da đen ở quận Cam, là nhận food stamp.

“Lý do là vì Little Saigon,” Tiến Sĩ Thúy Võ-Ðặng giải thích cho báo Người Việt. Tiến Sĩ Võ-Ðặng hiện nghiên cứu và dạy tại Ðại Học UC Irvine về cộng đồng Việt Nam.

“Vùng Little Saigon là một hiện tượng mà xã hội học gọi là 'institutional completeness' - một chỗ cung cấp tất cả các thứ cho một cộng đồng sắc tộc. Người ta có thể đi bác sĩ, đi chợ, tìm việc làm, giải trí, sinh hoạt văn hóa, mà không cần ra khỏi Little Saigon. Những khu như vậy thường thu hút người di dân mới qua, nếu tỷ lệ những người này nhận SNAP nhiều thì không có gì là lạ.”

Làm ăn, mở tiệm

Như nhiều người di dân khác, nhiều người trong cộng đồng Việt Nam chọn con đường mở tiệm riêng để làm ăn, thay vì đi làm cho người khác. Nhiều cuộc nghiên cứu trước đây cho thấy người di dân thế hệ thứ nhất thường hay mở tiệm hoặc công ty riêng, nhưng thường thì kiếm được tiền ít hơn các cửa tiệm hay công ty của người sinh tại Mỹ.

Con số về người Việt Nam tại quận Cam cũng có kết quả tương tự. Ở Quận Cam, cuộc thăm dò SBO năm 2007 của U.S. Census cho thấy người Việt Nam có 14,662 thương nghiệp, với tổng thương vụ (tiền kiếm được) là gần $2.86 tỷ.

Ðó là một con số lớn. Tuy nhiên, chia trung bình ra, mỗi thương nghiệp Việt Nam kiếm được chưa tới $195,000 một năm.

Trong khi đó, toàn bộ quận Cam có 329,380 thương nghiệp, với thương vụ hơn $442 tỷ. Trung bình một thương nghiệp quận Cam, do đó, kiếm được hơn $1.3 triệu một năm.

Nói cách khác, người Việt Nam chịu khó mở tiệm, nhưng kiếm tiền chưa bằng 1/7 các thương nghiệp quận Cam nói chung.

Mỗi doanh nghiệp gốc Việt tại Quận Cam thu được mỗi năm $195,000, ít hơn các doanh nghiệp gốc Ấn, gốc Hoa, gốc Nhật, gốc Hàn, nhưng cao hơn doanh nghiệp gốc Philippines. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)

Số tiệm, công ty, xưởng của người Việt Nam cao hơn các sắc dân Á Châu khác trừ người Hoa. Người Mỹ gốc Hoa tại quận Cam có 15,903 thương nghiệp. Còn lại thì đều ít hơn Việt Nam: Người gốc Hàn có 8,905 doanh nghiệp, gốc Philippines 8,890; gốc Ấn 6,427; gốc Nhật 4,664.

Mỗi thương nghiệp của người gốc Ấn ($505,000), người gốc Hoa ($461,000), người gốc Nhật ($405,00), người gốc Hàn ($297,000) tại quận Cam đều kiếm được nhiều tiền hơn thương nghiệp người Việt. Bù lại, thương nghiệp người Việt kiếm nhiều tiền hơn của người gốc Philippines ($78,000).

“Tôi cho rằng lý do là vì các thương nghiệp Việt Nam vẫn làm theo kiểu gia đình, 'mom-and-pop,'” Tiến Sĩ Võ-Ðặng nói. “Trong khi các cộng đồng Châu Á khác đã có nhiều thương nghiệp làm theo mô hình hiện đại, phát triển lớn, thì cộng đồng Việt Nam vẫn rất ít. Mô hình franchise, chẳng hạn, ngoài Lee's Sandwiches ra cộng đồng Việt không có bao nhiêu.”

Ngoài số tiền kiếm vào không cao, một dấu hiệu khác các thương nghiệp Việt Nam không lớn, là một tỷ lệ rất lớn các thương nghiệp gốc Việt không có nhân viên làm ăn lương.

Trong số 14,662 thương nghiệp Việt Nam, chỉ có 2,581 thương nghiệp là có nhân viên làm ăn lương. Tỷ lệ này chỉ có 18%: Trong 5 tiệm, chưa tới 1 tiệm có nhân viên.

Trong khi đó, tỷ lệ các thương nghiệp trong cộng đồng khác có nhân viên làm ăn lương đều cao hơn: Thương nghiệp gốc Ấn có 29% có nhân viên ăn lương, thương nghiệp gốc Hàn 31%, thương nghiệp gốc Nhật 26%, thương nghiệp gốc Hoa 19%.
   

Trong cộng đồng gốc Á tại quận Cam, người Việt Nam có tỷ lệ doanh nghiệp tới 23%, nhưng tỷ lệ số tiền thu được (doanh thu) chỉ có 14%. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)

Riêng các thương nghiệp gốc Philippines, tỷ lệ có nhân viên ăn lương thấp hơn của Việt Nam, chỉ có 9%.
Có thể nào con số của thăm dò SBO bị thấp vì thương nghiệp Việt Nam trả tiền mặt cho nhân viên và không nói ra? Giáo Sư Linda Võ nói, “Ðiều đó mình biết là đang xảy ra trong tất cả các cộng đồng Châu Á, không riêng gì cộng đồng Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không có con số thống kê khả tín về tình trạng này.”

Vì đây là xảy ra trong nhiều cộng đồng, mà thương nghiệp Việt vẫn ít nhân viên ăn lương, nên, theo Giáo Sư Võ, điều này có nghĩa là “thương gia Việt Nam phải cố gắng làm việc nhiều giờ, trông cậy vào sức lực trong gia đình, chứ không đủ khả năng thuê nhân viên ngoài”.

Ngay cả những thương nghiệp đủ phát triển để có thuê nhân viên, thương nghiệp gốc Việt thuê ít nhân viên hơn các sắc dân khác. Theo SBO của U.S. Census, mỗi thương nghiệp gốc Việt, nếu có nhân viên, thuê trung bình 6 người - nhiều hơn thương nghiệp gốc Hàn và gốc Philippines (5 người). Nhưng thấp hơn thương nghiệp gốc Nhật, gốc Hoa, gốc Ấn (9 người).

Tức là, con số nhiều thương nghiệp giải thích tại sao khu phố người Việt Nam ở quận Cam tấp nập các cửa tiệm, người ra người vào rộn ràng. Tuy nhiên, khi chỉ có một số ít tiệm có nhân viên ăn lương, và số nhân viên cũng ít, điều đó cho thấy các vị chủ nhân các thương nghiệp cũng chính là nhân viên luôn: Họ lấy công làm lời, mang sức lực gia đình ra để kiếm tiền.

Những cố gắng quần quật đó lại không kiếm ra bao nhiêu. Cộng với trình độ Anh ngữ giới hạn, học vấn dang dở, có những mối hợp đồng mà các thương nghiệp Việt Nam sẽ vẫn khó kiếm được. Kết quả xuất hiện ngay trong con số thống kê: Số tiền các doanh nghiệp Việt Nam kiếm ra còn rất thấp so với các cộng đồng bạn. Ðường đi đến sự thành công thực sự của người Việt Nam về kinh tế, vẫn còn dài và cần nhiều sự giúp đỡ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét