Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Tương lai Châu Âu sẽ đi về đâu?


Câu trả lời chuẩn là sự liên minh về tài khóa, ngân hàng và chính trị đầy đủ. Nhiều chính trị gia của khối đồng euro đang thiên về phương án này. Kể cả những chính trị gia ngoài khối như thủ tướng Anh David Cameron cũng ủng hộ đáp án đó.


Tương lai Châu Âu sẽ đi về đâu?
Tầm nhìn dài hạn nào cho khối euro?

Cuộc khủng hoảng cho thấy hệ thống hiện tại không hoạt động tốt. Nhưng nếu khối đồng euro chuyển thành Hợp chủng quốc châu Âu (mô hình giống nước Mỹ hiện nay) thì đó lại là sự lựa chọn tệ cả về chính trị và kinh tế. Một sự lựa chọn khác hấp dẫn hơn là duy trì chủ quyền quốc gia ở mức tối đa với một đồng tiền chung duy nhất. Điều này có thể xảy ra nếu có điểm cuối hỗ trợ (backstop) thanh khoản dành cho các chính phủ và ngân hàng còn khả năng trả nợ, tái cấu trúc nợ cho các chính phủ hoặc ngân hàng không có khả năng thanh toán và sự linh hoạt mềm dẻo cho tất cả.

Những người có quan điểm nhiệt tình cho rằng việc đoàn kết chặt chẽ hơn sẽ không thể ngăn chặn được các cuộc khủng hoảng trong tương lai mà sẽ chỉ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Những đề xuất then chốt là các chính phủ phải bảo đảm cho trái phiếu của nhau thông qua cái gọi là trái phiếu khu vực đồng euro và chuẩn bị để giải cứu cho ngân hàng của các nước khác trong khối. Để duy trì sự hỗ trợ lẫn nhau, mỗi chính phủ và toàn bộ các ngân hàng phải tuân thủ nguyên tắc tập trung cao độ.
Nhưng người châu Âu hiện chưa sẵn sàng cho những bước đi trên. Xu hướng chống đồng euro hiện đang gia tăng và quan điểm quyết liệt của Đức vào tháng 12 năm ngoái về Hiệp ước Nguyên tắc Tài khóa đã cổ xúy thêm cho xu hướng này.
Nỗ lực của những nhà lãnh đạo hàng đầu khu vực trong việc tăng cường hội nhập với những kế hoạch không rõ ràng sẽ dễ bị các cử tri phản đối, đặc biệt là khu vực Bắc Âu. Họ lo sợ sẽ phải đóng tiền để nộp quỹ giải cứu cho những người vô trách nhiệm ở Nam Âu. Hội nhập diễn ra quá vội vàng và nếu bị các nhà đầu tư phản đối thì cũng sẽ không thể giải quyết được chính cuộc khủng hoảng hiện nay. Các nhà đầu tư sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về khả năng thanh toán nợ của Đức nếu nước này phải giơ lưng gánh vác nợ của toàn khu vực.
Ngược lại, nguyên tắc “phụ trợ” – như giải thích của hiệp ước Maastricht là các quyết định phải được đưa ra với với mức độ thấp nhất có thể để các chính phủ có thể thực hiện được. Và nguyên tắc này tốt cả về mặt chính trị và mặt kinh tế. Tất nhiên, ngay cả những người ủng hộ sự liên minh chặt chẽ về chính trị như bộ trưởng tài chính Đức,Wolfgang Schaeuble cũng tán thành nguyên tắc này. Vấn đề là phải xác định các điều kiện tối thiểu cần thiết để duy trì một đồng tiền duy nhất. Có thể có 3 điều kiện như sau.
Điều kiện đầu tiên là các thực thể không có khả năng thanh toán – hoặc là chính phủ hoặc là các nhà băng – nên để các khoản nợ của họ được tái cấu trúc. Một trong những nguyên nhân chính mà các quốc gia và chủ nợ tự động viên bản thân mình là vì họ nghĩ theo lẽ thông thường rằng các chính phủ và ngân hàng không thể vỡ nợ. Chính sự tự mãn đã nuôi dưỡng hạt giống của khủng hoảng.
Trong khi đó, một sai lầm quan trọng trong quản lý khủng hoảng là các khoản nợ của Hy Lạp đã không được tái cấu trúc ngay khi chúng không thể chịu đựng hơn được nữa. Nếu họ làm được như vậy thì những chủ nợ thuộc khối tư nhân sẽ gánh chịu hậu quả. Thay vào đó, họ lại được giải cứu – với kết quả là 74% của khoản nợ 274 tỷ đô la của Hy Lạp hiện thuộc về các chính phủ và Quỹ tiền tệ quốc tế IMF. Điều này có nghĩa là những người trả thuế sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu Hy Lạp vỡ nợ.
Tất nhiên, nếu nợ của Hy Lạp được tái cấu trúc sớm hơn, các ngân hàng của các quốc gia khác trong khu vực đồng euro sẽ bị thâm hụt lớn trong bảng cân đối tài chính. Một số ngân hàng sẽ cần đến giải cứu từ chính phủ. Nhưng điều đó sẽ tốt hơn là các cuộc khủng hoảng về chủ quyền kiêm ngân hàng ngày càng trầm trọng và khó có thể thoát ra như hiện nay.
Thêm vào đó, trong tương lai các ngân hàng không có khả năng thanh toán sẽ không được giải cứu. Chủ nợ sẽ phải chấp nhận mất mát trước khi người đóng thuế phải dùng chính tiền mặt của họ để giải cứu cho các ngân hàng. Do không thể làm được điều đó mà chính phủ Ai Len, vốn có cơ sở tài chính khá vững chắc như giờ đây cũng đã bị liên lụy vì sự "ngớ ngẩn" của các chủ nợ.
Điều kiện tối thiểu thứ hai dành cho liên minh tiền tệ là phải thúc đẩy điều kiện đầu: phải có “điểm cuối hỗ trợ' thanh khoản cho các ngân hàng và chính phủ có khả năng thanh toán.
Đối với các ngân hàng, đương nhiên Ngân hàng trung ương châu Âu là điểm hỗ trợ thanh khoản cuối cùng. Bù lại là các chủ nợ phải được cấp vốn một cách hợp lý. Trong suốt thời gian cuộc khủng hoảng diễn ra, các chính phủ khu vực đồng euro đã phải ngụp lặn trong vấn đề này. Chỉ riêng trong tháng này, Pháp và Đức đã giảm bớt các quy tắc vốn toàn cầu Basel 3 đối với châu Âu nhưng Tây Ban Nha lại áp đặt quy trình tái cấu trúc nửa vời đối với các ngân hàng của mình. Nếu các nhà lãnh đạo khối đồng euro muốn có một đồng tiền chung thành công, họ phải dừng ngay kiểu hành xử vô nghĩa lý này.
Đối với các chính phủ, điểm hỗ trợ thanh khoản cuối cùng là Cơ chế bình ổn châu Âu, một quỹ giải cứu sẽ sớm được hình thành cho khối euro. Để làm tốt việc này, quỹ này sẽ phải cần có thêm tiền vì hiện nay quỹ chưa đủ tiền để cứu cả Tây Ban Nha và Ý. Một phương án giải quyết có thể sẽ là vay tiền từ Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).
Một lần nữa, cái được bù lại sẽ là khả năng trả nợ. Các chính phủ không có khả năng thanh toán sẽ chỉ có được khả năng đó nếu họ tái cấu trúc các khoản nợ của mình. Nhưng các ngân hàng khó có khả năng trả nợ sẽ cần phải có kế hoạch dài hạn đáng tin cậy nhằm cắt giảm các khoản nợ. Ý có khoản nợ lên tới 120% GDP nhưng nước này có lượng tài sản tư nhân và nhà nước khổng lồ. Để có được tính thanh khoản, có thể nước này sẽ đồng ý thực hiện một chương trình dài hạn kéo dài hàng năm để tư nhân hóa tài sản và đánh thuế người giàu.
Điều kiện tối thiểu cuối cùng cho một liên minh tiền tệ thành công là cần có sự linh hoạt cao hơn đặc biệt là ở các thị trường lao động. Đây là chìa khóa để khôi phục lại tính cạnh tranh cho Nam Âu và giúp khu vực đồng euro có thể phản ứng trước các cú sốc trong tương lai.
Nếu khối đồng euro có thể làm được 3 điều trên – tái cấu trúc nợ của các thể chế không có khả năng thanh toán, giúp các thể chế có khả năng thanh toán tăng cường tính thanh khoản và cải tiến sự mềm dẻo linh hoạt – thì các quốc gia sẽ có thể giữ cả đồng euro và chủ quyền của mình. Đó có lẽ là tầm nhìn tốt cho châu Âu dù là một siêu quốc gia euro hay là một khối các quốc gia rời rạc, thiếu tính liên kết.
Lê Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét