Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Trả lời thư bạn đọc về số liệu tiền tệ và lạm phát

Trả lời thư bạn đọc về số liệu tiền tệ và lạm phát

Chào bạn hoanganhduc,
Hoan nghênh bạn có ý định nghiên cứu quan hệ giữa tăng trưởng tiền tệ và lạm phát.
Về câu hỏi của bạn liên quan tới các số liệu tiền tệ và lạm phát và đề nghị hướng dẫn cách tìm các số liệu này, tôi xin trả lời như sau:
Số liệu tiền tệ và lạm phát thường được lấy từ các nguồn:
A-   Số liệu từ trong nước:
1)    Đối với lạm phát :
-          Nếu nghiên cứu quan hệ trên theo năm thì số liệu tăng giá hàng tiêu dùng CPI hàng năm đều sẵn có trong niên giám thống kê; hoặc vào trang mạng của Tổng cục Thống kê (gso.gov.vn) là có.
-           Nếu nghiên cứu quan hệ trên theo tháng thì số liệu tăng giá hàng tiêu dùng CPI hàng tháng cũng đều có. Lưu ý là có hai loại số theo tháng: So với tháng trước và so với cùng tháng của năm trước. Điều này rất quan trọng để bạn lấy số liệu tiền tệ và lạm phát đồng nhất (cùng so với tháng trước hoặc cùng sao với cùng tháng của năm trước).
-          Nếu nghiên cứu quan hệ trên theo quý thì phải dựa vào số liệu tăng giá hàng tiêu dùng CPI hàng tháng rồi tính lũy tiến gộp cho 3 tháng để có số liệu quý. Cũng lưu ý có hai loại số theo quý: So với quý trước và so với cùng quý của năm trước.
2)    Đối với tiền tệ:

-          Việc chọn chỉ tiêu nào đại diện cho chỉ tiêu tiền tệ trong nghiên cứu quan hệ giữa tăng trưởng tiền tệ và lạm phát là một vấn đề rất lớn: Cơ sở tiền tệ M0, rồi M1, M2, M3… Ngoài ra ở VN còn có hiện tượng sử dụng vàng và ngoại tệ để giao dịch mua bán nên thực chất cũng là một dạng tiền cần đưa vào tính toán.
-          Các chỉ tiêu tiền tệ dạng tuyệt đối (ví dụ M2 đến 31/12/2011 là bao nhiêu tỷ đồng) hiện nay vẫn được coi là số liệu mật, không công bố công khai. Những chỉ tiêu tiền tệ dạng tương đối (ví dụ M2 đến 31/12/2011 tăng bao nhiêu % so với 31/12/2010) được phép đưa ra công khai, nhưng vì quá trình cập nhật diễn ra liên tục nên có rất nhiều con số khác nhau của cùng một chỉ tiêu tiền tệ, chẳng ai biết số nào đúng, số nào sai, số nào cũ, số nào mới được cập nhật. Ngay thời điểm hiện nay (năm 2012) hỏi các Bộ tổng hợp ở VN hay các Vụ khác nhau ngay trong Ngân hàng Nhà nước về tốc độ tăng trưởng tiền tệ  năm 2000 hay 2005 là bao nhiêu… thì cũng mỗi nơi đưa một số khác nhau.
-          Mặc dù những chỉ tiêu tiền tệ dạng tương đối được phép đưa ra công khai nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan chính thống nào của Nhà nước ta công bố chính thức các chỉ tiêu này, kể cả Ngân hàng Nhà nước và  Tổng cục Thống kê. Do đó với những người nghiên cứu theo hứng thú, hầu như không thể có các bộ số liệu tiền tệ cần thiết để thực hiện.
-          Hiện nay có hai đối tượng có thể có bộ số liệu tiền tệ:
Một là nhóm các nhà khoa học có uy tín, có tiền, đặt hàng “mua” số liệu (gọi né đi là “nhờ điều tra, thu thập hộ”) từ các cơ quan có thẩm quyền về số liệu tiền tệ. Nhưng người bán không phải là chính cơ quan đó mà chỉ là 1 số cán bộ hay 1 đơn vị của cơ quan đó; những số liệu đó được người bán lưu ý là không chính thống, cung cấp chỉ với mục đích để các nhà khoa học tham khảo… Họ không chịu trách nhiệm về những con số do họ cung cấp cũng như những suy diễn từ những số liệu đó.
Hai là một số cán bộ nhà nước được giao trách nhiệm trực tiếp theo dõi các số liệu tiền tệ. Những người này được Ngân hàng Nhà nước đều đặn cung cấp số liệu tiền tệ hàng tháng để phục vụ xây dựng các báo cáo kinh tế, tài chính, tiền tệ… cho Nhà nước. Về nguyên tắc, chỉ những người này mới có được bộ số liệu hoàn chỉnh và họ không được phép công bố ra ngoài. Tuy nhiên có hai vấn đề đặt ra về độ chính xác của số liệu: a) NHNN thường xuyên cập nhật lại các số liệu cũ nhưng ít khi thông báo cho các cán bộ này biết, nên bộ số liệu của những cán bộ này nhiều khi khác khá lớn so với số cập nhật của NHNN mà họ không biết; b) Bản thân những người này cũng thường hỏi nhau không biết những số mà NHNN cấp cho có thật là số thật không ? (giống như vẫn hỏi nhau số liệu thu chi ngân sách hàng tháng, hàng quý, hàng năm mà Bộ Tài chính cấp cho có thật là số thật không ?).

Như vậy theo tôi hiểu nếu bạn không thuộc hai đối tượng trên thì bạn rất khó có được bộ số liệu tiền tệ tháng và quý, nhất là các số liệu tiền tệ dạng tuyệt đối. Con đường duy nhất để bạn tìm kiếm bộ số liệu này là từ nước ngoài. Đây là một nỗi đau của các nhà kinh tế học ở nước ta.

B-   Số liệu từ ngoài nước:
1)    Đối với lạm phát : Bạn đã có số liệu lạm phát từ nguồn trong nước nên không cần tìm từ nguồn ngoài nước.
2)    Đối với tiền tệ:
-          Theo hiểu biết của tôi, hiện nay duy nhất có 1 tổ chức ngoài nước cung cấp được bộ số liệu tiền tệ khá hoàn chỉnh cho nền kinh tế nước ta; đó là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
-          Trong gần nửa thế kỷ qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều đặn công bố các chỉ tiêu tiền tệ, tỷ giá và một số chỉ tiêu khác liên quan theo tháng trong cuốn sách phát hành hàng tháng (có bản đĩa CD) với tên gọi: (Monthly) International Financial Statistics (Thống kê Tài chính Quốc tế) . Khoảng năm 2000 gì đó, số liệu tiền tệ của Việt Nam bắt đầu được đưa vào. Đây là những số liệu tiền tệ hàng tháng, hàng năm do NHNNVN cung cấp cho IMF theo quy định đối với một nước thành viên. NHNNVN có một phòng Thống kê tiền tệ quốc tế chuyên xử lý số liệu và cung cấp cho IMF.
-          Về nguyên tắc, do đây là những số liệu do NHNNVN cung cấp nên phải là số liệu “thực” và chính thống. Tuy nhiên trên thực tế cũng chưa chắc đã phải vậy. Giống như có thời gian dài các tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB không công nhận số liệu GDP và tốc độ tăng trưởng GDP của nước ta do Tổng cục Thống kê cung cấp, và họ tự ước lượng ra các con số khác để sử dụng. Đối với số liệu tiền tệ cũng như vậy, sau khi nhận được số liệu do NHNN cung cấp, họ phân tích, điều chỉnh lại và đưa ra những con số khác mà họ cho là phản ánh đúng thực tế hơn. 
Mặt khác, bản thân NHNN cũng có nhiều bộ số liệu khác nhau được sử dụng theo nhiều mục tiêu khác nhau, và khi chuyển cho IMF thì cũng phải qua khâu xử lý bổ sung. Trong Vụ Chính sách tiền tệ của NHNN có phòng thống kê quốc tế có trách nhiệm điều chỉnh các số liệu trước khi chuyển cho IMF (có lẽ là để số liệu đáp ứng đúng tiêu chuẩn quốc tế). 
Một số cán bộ nhà nước được Ngân hàng Nhà nước đều đặn cung cấp số liệu đã đem so sánh bộ số liệu của mình và bộ số liệu của IMF thì thấy chúng khác nhau khủng khiếp. Những năm gần đây mức độ khác nhau đã được co hẹp song còn khá lớn.
-   Để có được bộ số liệu của IMF về biến động tiền tệ hàng tháng, hàng quý và hàng năm của Việt Nam, bạn có hai cách làm:
Một là tìm cuốn (Monthly) International Financial Statistics của IMF (hình như trên trang mạng của IMF không cho phép khai thác miễn phí mà bạn phải trả tiền mua). Việc này rất đơn giản: Bạn chỉ cần đến Văn phòng đại diện IMF tại Việt Nam (Hà Nội), tại đó có thư viện và có đầy đủ các cuốn (Monthly) International Financial Statistics, kể cả cuốn mới nhất.
Hai là bạn làm việc với Văn phòng đại diện IMF tại Việt Nam để xin số liệu. Văn phòng này thường xuyên phải có báo cáo về kinh tế Việt Nam nên có đầy đủ các số liệu tiền tệ tháng, quý và năm mà bạn cần.
Ngoài 2 nguồn trên, có lẽ không còn nguồn nào khác. Các tổ chức quốc tế khác cũng như nhiều bài nghiên cứu có nêu số liệu tiền tệ Việt Nam song thường chỉ có số liệu năm, không thành hệ thống và độ tin cập cũng thấp.

Đọc những nội dung trên đây, có lẽ bạn sẽ thất vọng vì tình hình số liệu tiền tệ của Việt Nam và ngay cả nếu có được những bộ số liệu với độ tin cậy còn nhiều nghi ngại như vậy thì kết quả nghiên cứu quan hệ giữa tăng trưởng tiền tệ và lạm phát còn có ý nghĩa gì ? Đúng là như vậy, đây là đặc điểm nổi bật của toàn hệ thống số liệu thống kê nước ta. Không chỉ các số liệu tiền tệ, tài chính (còn mang tính bảo mật) mà ngay cả các số liệu công khai như GDP, lao động, việc làm, đầu tư, lạm phát, ngoại thương, cán cân thanh toán quốc tế… của ta cũng không giống ai vì cách thống kê của ta không theo chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, rất hoan nghênh bạn cứ tiếp tục dấn thân vào sự nghiệp nghiên cứu toán kinh tế này vì một mặt, đây là quá trình tự đào tạo để sau này khi đất nước có được những bộ số liệu tốt thì bạn đã có sẵn những kiến thức cần thiết để khai thác, sử dụng; và mặt khác các số liệu hiện nay của ta tuy chưa theo đúng chuẩn quốc tế nhưng chúng có tương quan, gắn bó (tức là cùng xu thế) với số liệu tính theo đúng chuẩn quốc tế nên việc nghiên cứu quan hệ vẫn có một ý nghĩa nào đó. Ngoài ra cũng cần phải làm vì chẳng nhẽ mang tiếng là nhà khoa học (trẻ) mà lại… không nghiên cứu gì ?

Chúc bạn thành công.

5 nhận xét:

  1. Kính gửi bác Lại Trần Mai,
    Cháu cám ơn Bác, những ý kiến nhận xét của Bác về thực trạng số liệu kinh tế của nước ta hiện nay rất chính xác. Thực ra trước khi phải hỏi xin bác về bộ số liệu này thi cháu đã tìm o tất cả các trang wed của GSO, NHNN... chắc sang tuần cháu sẽ thử đến văn phòng IMF xem sao, hy vong sẽ có được bộ số liệu này.
    Một lần nữa cháu cám ơn Bác, chúc Bác mạnh khỏe và có nhiều bài thật hay.
    Hoàng Anh Đức

    Trả lờiXóa
  2. Bác Giang ơi! Cháu là Oanh, sinh viên ĐHKT TPHCM
    Bác cho cháu hỏi: số liệu của giá dầu thế giới thì tìm như thế nào ại, cháu có vào website:www.eia.gov, nhưng không biết làm thế nào để lấy số liệu của "the world oil price in terms of the US dolla".
    Cháu rất mong nhận được hồi âm của Bác ạ!

    Trả lờiXóa
  3. Chào bạn.
    Có nhiều trang về giá dầu lắm, ví như:
    http://www.oil-price.net/
    http://oilprice.com/
    http://www.bloomberg.com/energy/
    http://topics.bloomberg.com/oil-prices/
    http://www.livecharts.co.uk/MarketCharts/crude.php
    http://www.opec.org/opec_web/en/data_graphs/40.htm
    ...
    Để xem giá dầu trong trang www.eia.gov thì vào đây:
    http://www.eia.gov/dnav/pet/pet_pri_spt_s1_d.htm

    Còn đây là bảng giá dầu từ năm 1946
    http://inflationdata.com/Inflation/Inflation_Rate/Historical_Oil_Prices_Table.asp

    Trả lờiXóa
  4. dạ, cháu muốn tìm số liệu FDI , lạm phát, GFCF trên IMF. có thể giúp cháu ko ạ

    Trả lờiXóa
  5. Dạ cháu đang có nhu cầu tìm số liệu theo quý từ các năm 2000 - 2013 của các biến:
    + Lực lượng lao động
    + Số người lao động có việc làm
    + Tổng tài sản cố định quốc gia (realgross fixed capital formation)
    + Tổng chi tiêu cho tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ (general government finalconsumption expenditure)
    + Tín dụng trong khu vực tư nhân (private-sector credit)
    + Tổng tín dụng nội địa (total domestic credit)
    + Cung tiền M1, M0
    + Tổng các khoản nợ từ tiền gửi của ngân hàng (Total bank deposit liabilities)
    + Lãi suất huy động tiền gửi thực tế (đo lường bằng: lãi suất tiền gửi kỳ hạn 03 tháng và được tính toán bằng chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi danh nghĩa và tỉ lệ lạm phát hàng năm, %)
    Cháu đã tìm nhiều nguồn nhưng vẫn không thể tìm được các số liệu cho các biến trên để có thể hoàn thành được bài luận. Rất mong Bác có thể giúp cháu tim được nguồn dữ liệu này
    Chân thành cảm ơn Bác
    P/s: Mail của cháu là: pqbinhk21@gmail.com

    Trả lờiXóa