Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Tỷ lệ an toàn vốn CAR của ngân hàng


Tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu 
(Capital Adequacy Ratio - CAR )

Tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu là một thước đo độ an toàn vốn của ngân hàng. Nó được tính theo tỉ lệ phần trăm của tổng vốn cấp I và vốn cấp II so với tổng tài sản đã điều chỉnh rủi ro của ngân hàng.

CAR = [(Vốn cấp I + Vốn cấp II) / (Tài sản đã điều chỉnh rủi ro)] * 100%

Tỉ lệ này thường được dùng để bảo vệ những người gửi tiền trước rủi ro của ngân hàng và tăng tính ổn định cũng như hiệu quả của hệ thống tài chính toàn cầu. Bằng tỉ lệ này người ta có thể xác định được khả năng của ngân hàng thanh toán các khoản nợ có thời hạn và đối mặt với các loại rủi ro khác như rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành. Hay nói cách khác, khi ngân hàng đảm bảo được tỉ lệ này tức là nó đã tự tạo ra một tấm đệm chống lại những cú sốc về tài chính, vừa tự bảo vệ mình, vừa bảo vệ những người gửi tiền.
Chính vì lý do trên, các nhà quản lý ngành ngân hàng các nước luôn xác định rõ và giám sát các ngân hàng phải duy trì một tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu, ở Việt Nam tỉ lệ này hiện đang là 8%, giống như chuẩn mực Basel mà các hệ thống ngân hàng trên thế giới áp dụng phổ biến.

Khi tính toán tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu, người ta xét đến hai loại vốn: vốn cấp I(vốn nòng cốt) và vốn cấp II(vốn bổ sung), trong đó vốn cấp I được coi là có độ tin cậy và an toàn cao hơn. Ngoài yêu cầu đảm bảo cho CAR từ 8% trở nên, các ngân hàng còn phải đảm bảo tổng vốn cấp II không được vượt quá 100% vốn cấp I.


Vốn cấp một/vốn nòng cốt (Tier 1 capital/core capital)

Vốn cấp 1 là thước đo chủ yếu đánh giá sức mạnh, tiềm lực tài chính của một ngân hàng từ quan điểm của cơ quan quản lý, được định nghĩa trong Basel.

Vốn cấp 1 bao gồm các loại nguồn lực tài chính có độ tin cậy cao nhất và có tính thanh khoản tốt nhất, ở chủ yếu đề cập đến vốn cổ đông. Các ví dụ về vốn cấp 1 có thể kể đến: cổ phiếu thường, cổ phiếu ưu đãi không hoàn lại và không tích luỹ, lợi nhuận giữ lại.

Theo nghĩa này, vốn cấp 1 không hoàn toàn giống nhưng có liên quan mật thiết đến khái niệm vốn cổ đông, đây là phần chính nhưng không phải tất cả vốn cấp 1.

Khái niệm chung là như vậy, tuy nhiên cơ quan quản lý hệ thống ngân hàng mỗi nước, tuỳ theo ý mình lại có những qui định cụ thể riêng về những công cụ tài chính cụ thể nào có thể được tính vào vốn cấp 1. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi mà khung pháp lý ở mỗi hệ thống pháp luật lại khác nhau đôi chút.

Ở Việt Nam, theo Quyết Định số 457/2005/QĐ-NHNN ngày 19 tháng 4 năm 2005 của Thống Đốc NHNN ban hành quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, vốn cấp 1 về cơ bản gồm (i) vốn điều lệ, (ii) lợi nhuận không chia và (iii) các quỹ dự trữ được lập trên cơ sở trích lập từ lợi nhuận của tổ chức tín dụng như quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính và quỹ đầu tư phát triển.

Về mặt lý thuyết, nguyên nhân để dự trữ vốn là nó giúp các ngân hàng phòng vệ trước những rủi ro ngoài dự kiến. Khác với rủi ro ngoài dự kiến, rủi ro lường trước được thường đã có một phần trích riêng để phòng ngừa.

Cụ thể hơn, vốn cấp 1 là một trong những thước đo tỉ lệ đủ vốn của Ngân hàng, đó là tỉ lệ giữa vốn nòng cốt của ngân hàng với tổng tài sản có điều chỉnh rủi ro. Tài sản điều chỉnh rủi ro là tổng tất cả các tài sản do ngân hàng nắm giữ được tính toán theo trọng số đối với rủi ro tín dụng theo một công thức do cơ quan quản lý (thường là Ngân Hàng Trung Ương) đưa ra. Hầu hết các ngân hàng Trung ương đều theo chuẩn BIS - Ngân hàng thanh toán quốc tế - để đặt ra những trọng số này. Các tài sản như tiền mặt, tiền xu thường có trọng số rủi ro là 0, trong khi các khoản vay không có bảo đảm có trọng số 100%.

Tỉ lệ an toàn vốn cấp 1 được tính theo công thức:

Vốn cấp 1 / Tổng tài sản điều chỉnh rủi ro

Vốn cấp hai (Tier 2 capital/Supplementary capital)

Vốn cấp 2 là thước đo tiềm lực tài chính của một ngân hàng liên quan đến các dạng nguồn lực tài chính có độ tin cậy ở hàng thứ hai (sau vốn cấp 1), xét từ quan điểm của cơ quan quản lý ngành ngân hàng. Các dạng nguồn lực tài chính này được tiêu chuẩn hóa rất rõ ràng trong Basel I và không có gì thay đổi trong Basel II.

So với vốn cấp 1, vốn cấp 2 được coi là có độ tin cậy, an toàn thấp hơn. Cơ quan quản lý của hầu hết các quốc gia, kể cả ban thống đốc của FED, đều áp dụng tiêu chuẩn về vốn này trong hệ thống pháp lý của mình.

Có một vài cách phân loại vốn cấp 2, nếu theo chuẩn Basel I, vốn cấp 2 bao gồm: lợi nhuận chưa công bố, giá trị tài sản đánh giá lại, các khoản dự phòng rủi ro chung và các công cụ lai giữa nợ và vốn, và các khoản nợ thứ cấp. Với cách phân loại này, trái phiếu chuyển đổi cũng được xếp vào vốn cấp 2 vì nó chính là một dạng công cụ tài chính lai giữa cổ phiếu và trái phiếu.

Tuy có vai trò và độ tin cậy thấp hơn vốn cấp 1, song vốn cấp 2 là một trong hai thành tố quan trọng để đánh gia mức độ an toàn vốn của một ngân hàng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét