Dù không quen biết gì gia đình ông nhưng do được nghe 1 số giai thoại về ông nên khoảng đầu thập kỷ 80, mỗi khi có việc lên nghĩa trang Bất Bạt, tôi thường ghé thăm, ngắm nhìn mộ ông, người vẫn được gọi là "Tư lệnh quân khu Bất Bạt".
TƯỚNG CAO VĂN KHÁNH –
CHUYỆN BUỒN ĐỔ CẢ XUỐNG SÔNG
Bà Ngọc Toản nói, vì bà hiểu tâm nguyện của ông, con người sinh ra từ đất và khi chết, con người ấy cũng muốn được trở về với đất. Giản dị vậy thôi. Dù vị tướng ấy, đã từng là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Gia đình tướng Cao Văn Khánh trước ngày ông mất 6 tuần |
1. Nhà văn hóa Hữu Ngọc, người bạn dạy học cùng thời ở Huế với tướng Cao Văn Khánh đã viết về ông, với một niềm kính trọng: “Anh luôn chỉ nhận mình là một công dân, giặc đến thì đánh. Sau chiến tranh, mong được trở lại cuộc sống đời thường mà thôi”.
Trong ngôi nhà tập thể cũ ở phố Trần Thánh Tông, Hà Nội, người bạn đời của Trung tướng Cao Văn Khánh, bác sĩ Ngọc Toản vẫn đang cần mẫn làm việc. Căn phòng của bà treo đầy những bức ảnh thời chiến trận của ông, ở Điện Biên Phủ, Mặt trận đường 9 - Nam Lào. Rồi Tây Nguyên, và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, là những khoảnh khắc lịch sử khi tướng Cao Văn Khánh đang bàn chiến lược với tướng Vương Thừa Vũ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có lẽ, chỉ cần chừng ấy thôi, cũng đã đủ nói lên một phần nào cuộc đời của vị tướng chiến lược này.
Trong căn nhà nhỏ ấy, bà Ngọc Toản, người bạn đời chung thủy của ông, đã kể cho tôi nghe về một cuộc đời trận mạc, về một nhân cách lớn trong lịch sử đấu tranh của dân tộc. Giọng bà run run xúc động.
Đó là những ngày cuối cùng của Trung tướng Cao Văn Khánh khi ông từ chiến trường trở ra năm 1974, cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Sức khỏe của ông bắt đầu có vấn đề. Bà Ngọc Toản vẫn ngờ ngợ về bệnh gan, nhưng lúc đó chưa biết về thủ phạm giấu mặt là chất độc da cam. Năm 1975, đất nước vừa giải phóng. Trung tướng Cao Văn Khánh lại phải gánh chịu nỗi đau mất người con trai đầu, mới chỉ 19 tuổi, do một tai nạn. Ông đau đớn nuốt nước mắt vào trong. Lần đó ông suy sụp lắm.
Bà Ngọc Toản bảo, ông bị stress triền miên. Sức khỏe suy giảm dần. Năm 1977, khi được cấp trên cho đi học ở nước ngoài, bà đã nhờ giáo sư Tôn Thất Tùng khám cho chồng. Giáo sư khẳng định, gan của anh Khánh chưa có vấn đề gì, sức khỏe sa sút có lẽ do lâu ngày bị sốt rét. Lần đó, bà đã đi tu nghiệp ở Pháp 14 tháng, nhưng vẫn canh cánh một nỗi lo cho sức khỏe của ông. Bà vẫn mua thuốc bổ gan từ Pháp gửi về, nhắc ông uống từng ngày. Bà bảo, ông thường giấu những cơn đau, vì không muốn vợ con lo lắng. Và luôn ủng hộ bà Ngọc Toản trên con đường khoa học của mình.
Lần đó, khi bà đi công tác về, thì bệnh của ông đã nặng. Trung tướng Cao Văn Khánh đã nhiễm chất độc da cam trong những chuyến hành quân xuyên rừng năm 1967. Những đồng đội cùng hành quân năm đó, nay cũng không còn. Căn bệnh tích tụ hơn 13 năm mới phát. Khi đó ông đang là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên bàn làm việc của ông vẫn còn những kế hoạch dang dở chỉ đạo chiến tranh biên giới năm 1979…
Bà Ngọc Toản nhớ lại, những cơn đau đớn vật vã của ông ngắn ngủi trong 6 tuần. Giáo sư Tôn Thất Tùng đã ra sức cứu chữa, nhưng căn bệnh quái ác tiến triển quá nhanh. Bà Ngọc Toản kể: “Tôi và anh Khánh có những linh cảm giống nhau. Chúng tôi hiểu nhau nhưng ai cũng kìm nén không muốn nói cho nhau biết. Ông nói với bạn bè, Toản khổ nhiều, chúng tôi lấy nhau nhưng chưa có nhiều thời gian bên nhau. Tôi đi chiến trường biền biệt suốt hai cuộc kháng chiến. Toản một mình ở nhà vừa lo công việc chuyên môn, vừa chăm sóc con cái. Những năm chiến tranh, tản cư, phải sơ tán, tôi chẳng giúp được gì cho Toản. Thế mà, Toản vẫn chu toàn mọi việc. Các con tôi đều khỏe mạnh, học giỏi”.
Bà Ngọc Toản không bao giờ quên được những ký ức buồn đó. Khi con người đã đi qua những trận chiến khốc liệt nhất, lại phải gánh lấy một cái chết đau đớn trong thời bình. Bà còn nhớ, lần đầu tiên bà nhìn thấy ông khóc, hai hàng nước mắt chảy dài từ hai gò má gầy tóp của ông, khi ông cố rướn mình ôm lấy đứa con trai thứ hai vừa từ Liên Xô trở về trong khoảnh khắc cuối đời… Nhưng rồi sau này, người con trai đó cũng đi theo ông, khi mang trong mình di chứng của chất độc da cam từ bố…
2. Trung tướng Cao Văn Khánh sinh ra trong một gia đình trí thức ở Huế. Bố ông cũng là một cụ đồ nho nghèo, không hợp tác với triều đình nhà Nguyễn mà làm nghề gõ đầu trẻ. Cao Văn Khánh từng ra Hà Nội học tú tài và tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội. Ông thuộc thế hệ 1945 của Việt Nam, một thế hệ những trí thức do trường Tây, ít nhất là hai trường Pháp - Việt đào tạo, rồi tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Học xong Trường Luật, Cao Văn Khánh không hợp tác với Pháp mà về dạy trung học tư thục Lyceum Việt Anh. Sau đó, ông bỏ ra dạy ở Trường tư thục Hồng Đức cùng ông Hữu Ngọc. Rồi tham gia phong trào hướng đạo ở Huế và sau đó đi theo kháng chiến. Ông là người Khu trưởng duy nhất chưa vào Đảng.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc kể, ông từng tâm sự: “Trước 1945, mình không tham gia chính trị vì còn phải ở Huế chăm sóc mẹ già. Đảng thành công, mình chưa muốn vào vì chưa có đóng góp gì… Mình chỉ muốn là một công dân tốt. Tổ quốc cần đi đánh giặc. Xong lại về dạy học. Thế là mãn nguyện”.
Bà Ngọc Toản kể, có lần ông tâm sự: “Nếu vào Đảng thì đã vào từ dạo anh Đào Duy Kỳ đưa tài liệu về Đảng và mình muốn tham gia những năm 34, 35. Nhưng lúc ấy mình chưa rõ lý do phải vào Đảng, khi ấy mình là một trí thức tự do, yêu nước và hoạt động theo cách của mình mà mình tự thấy là đúng đắn như công việc dạy học của mình lúc đó. Hơn nữa, chưa thể bay nhảy vì còn phải chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già”. Thế mà, nhiều người cho ông có tư tưởng “gàn dở”, “chậm giác ngộ”(?!). Nhưng đó là phẩm chất điển hình của một trí thức mà giáo sư Tương Lai cho rằng, đó là lòng tự trọng.
Trong hoạt động thanh niên tiền tuyến ở Huế, ông lại thuộc về những người Nam tiến đầu tiên, một người thầy giáo dấn thân vào lửa đạn, rồi từ đó có mặt trên khắp các chiến trường ác liệt nhất, từ khi chưa là đảng viên, cũng như khi đã gia nhập Đảng. Điều đó, cũng đủ cho chúng ta hiểu, tư tưởng cũng như nhân cách cao đẹp của một trí thức tham gia chiến trận như ông. Ông luôn có mặt ở tuyến đầu (mặc dù đến năm 1974 ông mới được gọi là tướng), trong gần 30 năm, ông chỉ huy những trận đánh ác liệt nhất và đem lại những chiến thắng mang tính chiến lược: Sông Thao (1949), Biên giới (1950), Điện Biên Phủ (1954), Khe Sanh (1968), Đường 9 (1971), Tây Nguyên (1972-1974).
Cùng với tướng Lê Trọng Tấn, tướng Cao Văn Khánh được coi là những vị tướng có tầm chiến lược. Ông trở thành trợ thủ đắc lực của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh. Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói về ông: “Đồng chí Cao Văn Khánh là một trí thức yêu nước, tham gia Cách mạng tháng Tám từ năm 1945. Anh là một cán bộ quân đội chỉ huy Đại đoàn 308, đánh những trận lớn trong kháng chiến chống Pháp, từng là Tư lệnh B.70, trong kháng chiến chống Mỹ. Một người hăng hái, trung thực, có nhiều kinh nghiệm hợp đồng binh chủng, được bộ đội tin yêu”.
Gần 30 tuổi, ông vẫn độc thân. Mải đi đánh trận đến quên cả chuyện riêng tư. Nhưng cuộc gặp gỡ với bác sĩ Ngọc Toản đã làm thay đổi cuộc đời ông. Một đám cưới lãng mạn giữa lòng chảo Điện Biên Phủ sau chiến thắng 2 tuần trở thành một biểu tượng đẹp của tình yêu thời chiến. Nhưng có lẽ đó là đỉnh cao hạnh phúc của đời ông. Hơn 30 năm lấy nhau, thời gian ông bà sống bên nhau chỉ đếm chưa hết trên đầu ngón tay.
Nhưng đối với một vị tướng như Cao Văn Khánh, thì hậu phương, người vợ và những đứa con, luôn là chỗ dựa vững chắc cho ông ra đi đánh giặc. Trong những thời khắc giữa hai trận đánh ác liệt, ông vẫn dành thời gian viết thư cho vợ và ghi nhật ký. Bà Ngọc Toản trân trọng những kỷ vật đã bạc màu đó, như một báu vật của mình. Bởi ở đó, có tình yêu, một góc rất đỗi đời thường của ông và bà. Và ở đó, còn có cả tâm thế của một vị tướng.
“Ngày 4 tháng 7 năm 1968. Được tin anh Song Hào gọi điện về Hà Nội tổng kết nhận nhiệm vụ mới. Thế là đạt nguyện vọng tổng kết một chiến dịch lớn do mình phụ trách. Về nguyện vọng riêng là được gặp em và các con. Không biết em đã biết tin này chưa. Chiều hôm nay lại nghe H3 báo tin có gói quà em gửi vào. Đã điện H3 sẽ về lấy. Ngày về chưa định vì còn muốn ở lại đến khi địch hoàn toàn rút khỏi Khe Sanh, hoàn thành một chiến dịch có nhiều kinh nghiệm mới”.
“Ngày 5 tháng 7 năm 1968. Được tin báo chiến thắng liên tiếp. Phấn khởi quá, càng phấn khởi khi nghe tin địch bốc số quân còn lại và ta đang đánh quyết liệt. Chỉ thị cho đơn vị xong, ra võng ngồi hóng mát và tất nhiên nghĩ đến em. Hôm nay bớt sốt, người nhẹ. Trời chiều nay mát quá. Tối nay sau khi làm việc xong về lán nằm nghe đài. Đài báo tin về phụ nữ 108, trong đó có nói đến em. Phấn khởi quá. Nghe đến tin đồng chí Ngọc Toản trao đổi với phóng viên thì chợt có điện thoại gọi. Tưởng là tin gì. Ai ngờ anh Đỗ gọi cho biết, mở đài mà nghe tin chị Toản… Tối nay trăng rất đẹp. Đài luôn báo tin chiến thắng Khe Sanh. Tối nay chắc là mơ thấy em đây”.
“Ngày 9 tháng 7: 22h: Đài vừa phát xong Bản thông báo của Bộ Chỉ huy Mặt trận đường 9 - Khe Sanh. Vinh dự xiết bao. Em ơi, làm chiến sĩ giải phóng đã là vinh dự, làm chiến sĩ Khe Sanh càng vinh dự thêm. Chắc giờ phút này em của anh ở nhà cũng vui mừng phấn khởi với anh với người thân nhất của mình đã đóng góp vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc. Anh cũng rất sung sướng nghĩ về em - em đã đóng góp phần xứng đáng của mình vào chiến thắng oanh liệt Khe Sanh. Em đã động viên anh rất nhiều trong suốt 6 tháng nay…”.
Giờ thì ông đã nằm yên nghỉ ở nghĩa trang Yên Kỳ, vùng đất xưa nơi ông từng chỉ huy đánh trận. Thanh thản nằm lại giữa sông nước mây trời. Tổ chức đề nghị đưa ông về nơi đúng tiêu chuẩn của một Phó Tổng Tham mưu trưởng, ở nghĩa trang Mai Dịch, nhưng bà Ngọc Toản đã ý nhị từ chối…
Việt Linh
Nguồn: ANTGCT
Ông sinh năm 1917 tại Huế, trong một gia đình quý tộc trí thức của triều Nguyễn. Được giáo dục theo văn hóa Pháp, thời trẻ, ông từng sang Pháp học bằng Cử nhân Luật và tham gia phong trào Hướng đạo Pháp. Cũng tại đây, ông có những tiếp xúc với một số trí thức trẻ như Phan Anh, Tạ Quang Bửu.... Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp về Việt Nam, nhưng ông lại không làm nghề luật mà trở thành một giáo sư tư thục ở Huế, và tiếp tục tham gia phong trào Hướng đạo Trung Kỳ.
Sau khi chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập, do sự vận động của Phan Anh và Tạ Quang Bửu, ông tham gia trường Quân sự Thanh niên tiền tuyến[1]. Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông trở thành Trung đội trưởng rồi Đại đội trưởng Giải phóng quân của Việt Minh ở Huế.
Khi quân Pháp nổ súng tại Nam Bộ, ông được cử theo đội quân Nam tiến, tiến quân vào Bình định và trở thành Ủy viên quân sự tỉnh Bình Định. Cuối năm 1945, ông được cử làm Khu trưởng Khu V (với chính ủy là Trần Lương, chính là tướng Trần Nam Trung sau này), rồi chỉ huy phó phân sở của Ủy ban Hành chính Kháng chiến miền Nam (do Nguyễn Sơn làm Chủ tịch), phụ trách các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận. Giữa năm 1946, khi Đại đoàn 27 ra đời, ông được cử làm Đại đoàn phó, rồi Đại đoàn trưởng. Tháng 12 năm 1946, ông trở lại làm Khu trưởng Khu V một lần nữa.
Tháng 8 năm 1949, ông được điều về làm Đại đoàn phó cho Đại đoàn 308, Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Bộ Tổng Tư lệnh [2], cùng tham gia chỉ huy của địa đoàn này trong nhiều chiến dịch lớn như Sông Thao 1949, Biên Giới 1950... Đầu năm 1954, để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ông chỉ huy một bộ phận của đại đoàn này, cơ động mở đường hành quân sang Lào, tấn công quân Pháp dọc tuyến sông Nậm Hu, nhằm tiêu hao lực lượng có khả năng tiếp viện và bịt trước đường rút lui dự kiến của binh đoàn Pháp tại lòng chảo Điện Biên.
Sau Hiệp định Genève, ông được điều về làm Cục trưởng Cục Quân huấn. Tháng 4 năm 1958, ông giữ chức Cục trưởng Cục tổ chức Kế hoạch, kiêm Cục trưởng Cục Nhà trường, thuộc Tổng Cục Quân huấn [3]. Tháng 10 năm 1960, ông trở thành Hiệu trưởng trường Sĩ quan Lục quân, quân hàm Đại tá.
Tháng 3 năm 1964, ông được điều vào chức vụ Phó tư lệnh, kiêm Tham mưu trưởng Quân khu III, nhằm mục đích chuẩn bị cho chiến trường miền Nam. Từ năm 1966 đến 1969, ông lần lượt giữ các chức vụ Phó tư lệnh của Chiến trường B3, Quân khu Trị Thiên, Quân Khu IV. Đến tháng 5 năm 1970, ông được điều làm Tư lệnh Mặt trận 968 Hạ Lào, kiêm Phó tư lệnh Binh đoàn B70. Từ tháng 2 năm 1971, ông là Phó tư lệnh Mặt trận Đường 9 Nam Lào, rồi Tư lệnh Mặt trận B5, kiêm Phó tư lệnh Quân khu IV. Từ tháng 12 năm 1972, ông trở thành Tư lệnh Quân khu Trị Thiên. Có thể nói, Cao Văn Khánh gắn bó với chiến trường miền Trung và Tây Nguyên suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, liên tục với các chiến dịch lớn như Đắc Tô (1966), Khe Sanh (1968), Đường 9 (1971), Quảng Trị (1972), Tây Nguyên (1974).
Năm 1974, ông được điều về làm việc tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu với chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng và được thăng quân hàm Thiếu tướng (1974), rồi Trung tướng (1980), với nhiệm vụ thường trực, nắm tình hình chiến sự, truyền đạt các mệnh lệnh của Tổng tư lệnh đến các cánh quân, các lực lượng trên chiến trường. Ông giữ chức vụ này liên tục cho đến ngày qua đời.
Vợ của ông, bà Nguyễn Thị Ngọc Toản xuất thân trong gia đình quý tộc triều Nguyễn. Thân phụ của bà là ông Tôn Thất Đàn, từng giữ chức Thượng thư bộ Hình. Tên gốc của bà là Tôn Nữ Ngọc Toản. Người chị gái của bà là Tôn Nữ Thị Cung là phu nhân của Giáo sư Bác sĩ Đặng Văn Ngữ.
Bà Ngọc Toản hiện đang là Giáo sư, Bác sĩ Quân y, hàm Đại tá, Phó chủ tịch Hội phụ sản Việt Nam. Bà cũng là Ủy viên Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin. Bà cũng là tác giả một số sách y học, với các chuyên đề về sinh sản và giới tính, kiến thức về bệnh ung thư gan... được người đọc đánh giá cao.
Ông bà có với nhau 4 người con, 3 trai 1 gái. Người con trai đầu tên là Cao Quý Vũ, là học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi [4], đã qua đời trong chiến tranh. Người con trai thứ là Cao Quý Bảo từng phục vụ bộ đội, đã rời ngũ và hiện là doanh nhân, chủ nhân khu Resort Vạn Chài ở Thanh Hóa. Người con gái duy nhất là Cao Thị Bảo Vân hiện là Viện phó Viện Paxtơ thành phố Hồ Chí Minh. Người con trai út là Cao Quý Anh đã qua đời vào năm 2003 do bệnh ung thư gan từ di chứng của Dioxin.
Bản thân tướng Cao Văn Khánh cũng được xác định qua đời do bệnh ung thư gan từ di chứng của Dioxin. Theo lời của Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự kể với nhà báo Phùng Nguyên, trong một chuyến công tác qua huyện A Lưới – Thừa Thiên Huế, có 5 người gồm cả tướng Cao Văn Khánh, ông và 3 người nữa, đã có đi qua một khu vực bị rải Dioxin làm trụi lá cây. Sau chiến tranh, 4 người trong chuyến công tác ấy đều chết vì ung thư gan, riêng tướng Nguyễn Đôn Tự sinh một người con gái bị di chứng chất độc da cam, gây chậm phát triển.
Cao Văn Khánh
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trung tướng Cao Văn Khánh (1917-1980) là một tướng lĩnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông qua đời vì bị bệnh ung thư gan và được xác định gây nên bởi di chứng của chất diệt cỏ Dioxin.Sau khi chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập, do sự vận động của Phan Anh và Tạ Quang Bửu, ông tham gia trường Quân sự Thanh niên tiền tuyến[1]. Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông trở thành Trung đội trưởng rồi Đại đội trưởng Giải phóng quân của Việt Minh ở Huế.
Khi quân Pháp nổ súng tại Nam Bộ, ông được cử theo đội quân Nam tiến, tiến quân vào Bình định và trở thành Ủy viên quân sự tỉnh Bình Định. Cuối năm 1945, ông được cử làm Khu trưởng Khu V (với chính ủy là Trần Lương, chính là tướng Trần Nam Trung sau này), rồi chỉ huy phó phân sở của Ủy ban Hành chính Kháng chiến miền Nam (do Nguyễn Sơn làm Chủ tịch), phụ trách các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận. Giữa năm 1946, khi Đại đoàn 27 ra đời, ông được cử làm Đại đoàn phó, rồi Đại đoàn trưởng. Tháng 12 năm 1946, ông trở lại làm Khu trưởng Khu V một lần nữa.
Tháng 8 năm 1949, ông được điều về làm Đại đoàn phó cho Đại đoàn 308, Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Bộ Tổng Tư lệnh [2], cùng tham gia chỉ huy của địa đoàn này trong nhiều chiến dịch lớn như Sông Thao 1949, Biên Giới 1950... Đầu năm 1954, để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ông chỉ huy một bộ phận của đại đoàn này, cơ động mở đường hành quân sang Lào, tấn công quân Pháp dọc tuyến sông Nậm Hu, nhằm tiêu hao lực lượng có khả năng tiếp viện và bịt trước đường rút lui dự kiến của binh đoàn Pháp tại lòng chảo Điện Biên.
Sau Hiệp định Genève, ông được điều về làm Cục trưởng Cục Quân huấn. Tháng 4 năm 1958, ông giữ chức Cục trưởng Cục tổ chức Kế hoạch, kiêm Cục trưởng Cục Nhà trường, thuộc Tổng Cục Quân huấn [3]. Tháng 10 năm 1960, ông trở thành Hiệu trưởng trường Sĩ quan Lục quân, quân hàm Đại tá.
Tháng 3 năm 1964, ông được điều vào chức vụ Phó tư lệnh, kiêm Tham mưu trưởng Quân khu III, nhằm mục đích chuẩn bị cho chiến trường miền Nam. Từ năm 1966 đến 1969, ông lần lượt giữ các chức vụ Phó tư lệnh của Chiến trường B3, Quân khu Trị Thiên, Quân Khu IV. Đến tháng 5 năm 1970, ông được điều làm Tư lệnh Mặt trận 968 Hạ Lào, kiêm Phó tư lệnh Binh đoàn B70. Từ tháng 2 năm 1971, ông là Phó tư lệnh Mặt trận Đường 9 Nam Lào, rồi Tư lệnh Mặt trận B5, kiêm Phó tư lệnh Quân khu IV. Từ tháng 12 năm 1972, ông trở thành Tư lệnh Quân khu Trị Thiên. Có thể nói, Cao Văn Khánh gắn bó với chiến trường miền Trung và Tây Nguyên suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, liên tục với các chiến dịch lớn như Đắc Tô (1966), Khe Sanh (1968), Đường 9 (1971), Quảng Trị (1972), Tây Nguyên (1974).
Năm 1974, ông được điều về làm việc tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu với chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng và được thăng quân hàm Thiếu tướng (1974), rồi Trung tướng (1980), với nhiệm vụ thường trực, nắm tình hình chiến sự, truyền đạt các mệnh lệnh của Tổng tư lệnh đến các cánh quân, các lực lượng trên chiến trường. Ông giữ chức vụ này liên tục cho đến ngày qua đời.
[sửa] Cuộc sống gia đình
Năm 1949, trong buổi nói chuyện với các sinh viên trường Đại học Y khoa Việt Bắc, ông gặp một nữ sinh viên người đồng hương là Nguyễn Thị Ngọc Toản. Ngày 22 tháng 5 năm 1954, ông bà tổ chức đám cưới tại Điện Biên Phủ sau ngày chiến thắng, ngay trong hầm của tướng Christian de Castries.Vợ của ông, bà Nguyễn Thị Ngọc Toản xuất thân trong gia đình quý tộc triều Nguyễn. Thân phụ của bà là ông Tôn Thất Đàn, từng giữ chức Thượng thư bộ Hình. Tên gốc của bà là Tôn Nữ Ngọc Toản. Người chị gái của bà là Tôn Nữ Thị Cung là phu nhân của Giáo sư Bác sĩ Đặng Văn Ngữ.
Bà Ngọc Toản hiện đang là Giáo sư, Bác sĩ Quân y, hàm Đại tá, Phó chủ tịch Hội phụ sản Việt Nam. Bà cũng là Ủy viên Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin. Bà cũng là tác giả một số sách y học, với các chuyên đề về sinh sản và giới tính, kiến thức về bệnh ung thư gan... được người đọc đánh giá cao.
Ông bà có với nhau 4 người con, 3 trai 1 gái. Người con trai đầu tên là Cao Quý Vũ, là học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi [4], đã qua đời trong chiến tranh. Người con trai thứ là Cao Quý Bảo từng phục vụ bộ đội, đã rời ngũ và hiện là doanh nhân, chủ nhân khu Resort Vạn Chài ở Thanh Hóa. Người con gái duy nhất là Cao Thị Bảo Vân hiện là Viện phó Viện Paxtơ thành phố Hồ Chí Minh. Người con trai út là Cao Quý Anh đã qua đời vào năm 2003 do bệnh ung thư gan từ di chứng của Dioxin.
Bản thân tướng Cao Văn Khánh cũng được xác định qua đời do bệnh ung thư gan từ di chứng của Dioxin. Theo lời của Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự kể với nhà báo Phùng Nguyên, trong một chuyến công tác qua huyện A Lưới – Thừa Thiên Huế, có 5 người gồm cả tướng Cao Văn Khánh, ông và 3 người nữa, đã có đi qua một khu vực bị rải Dioxin làm trụi lá cây. Sau chiến tranh, 4 người trong chuyến công tác ấy đều chết vì ung thư gan, riêng tướng Nguyễn Đôn Tự sinh một người con gái bị di chứng chất độc da cam, gây chậm phát triển.
[sửa] Chú thích
- ^ Cùng học tại đây với ông khi đó còn có Phan Hàm, Võ Quang Hồ, Đào Văn Liêu, Nguyễn Thế Lâm, Cao Pha, Đặng Văn Việt, Đoàn Huyên, về sau đều trở thành tướng lĩnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam
- ^ Vương Thừa Vũ làm Đại đoàn trưởng
- ^ Do Thiếu tướng Hoàng Văn Thái làm Tổng cục trưởng
- ^ Trường dành cho con em cán bộ cao cấp đang công tác tại miền Nam
[sửa] Liên kết ngoài
Một nhân cách trí thức
Trung tướng Cao Văn Khánh (1917-1980), nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, từng đảm nhiệm Phó tư lệnh chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng của chiến dịch lịch sử này, Nguyệt san SK&NC xin giới thiệu bài viết của Giáo sư Tương Lai về ông, một trí thức trong Quân đội nhân dân Việt Nam (trước khi gia nhập Quân đội, Trung tướng Cao Văn Khánh là cử nhân toán học và cử nhân luật học).
Một trí thức và là một vị tướng, hai nét đặc trưng ấy hòa quyện trong một người, anh tôi, Cao Văn Khánh. Hoặc đúng hơn, nhân cách trí thức đã làm nổi bật hình ảnh và sự nghiệp của anh. Và hôm nay tôi muốn nói lên tình cảm sâu nặng, sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn đối với anh, người bạn đời của chị Ngọc Toản, người chị đã chăm sóc tôi với tình thương của người mẹ kính yêu.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Cao Văn Khánh (sau này là Trung tướng) và Đại tá Lê Hữu Đức (sau này là Trung tướng), Cục trưởng Cục tác chiến tại Tổng hành dinh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Ảnh tư liệu
|
Gần đây, trong sự cởi mở của thời cuộc xua bớt đi lớp sương mờ ảo và u ám của những định kiến, người ta đã bắt đầu nói nhiều hơn về những vị tướng xuất thân là trí thức, chứ không chỉ những người từ bần cố, từ thợ thuyền mà trưởng thành lên, cho dù họ có tài thao lược đến đâu và sự cống hiến của họ cho Tổ quốc, vai trò của họ trong quân ngũ đáng trân trọng thế nào. Đương nhiên, không có đội quân công nông ấy, không có sự dũng cảm và hy sinh vô bờ bến của người nông dân, không thể có ngày hôm nay và hiển nhiên cũng không có sự cống hiến, tài thao lược của những người chỉ huy xuất thân là trí thức kia.
Là chủ lực quân của cách mạng, người nông dân kế tiếp truyền thống bao đời dựng nước và giữ nước trong suốt chiều dài lịch sử, luôn là người gánh trên vai mình gánh nặng nhất. Và lịch sử đã chứng minh, ai khởi động được ý chí và quy tụ được sức mạnh nông dân dưới ngọn cờ cứu nước của mình, người ấy sẽ lập nên sự nghiệp, sử sách ghi tên họ.
Chỉ có điều, nếu chỉ thấy nông dân mà không thấy người tập hợp và chỉ huy họ, thấy lính mà không thấy tướng, là tự lấy tay che mắt mình. Nếu tỉnh táo mà nhìn, thì lớp cán bộ quân sự cao cấp giữ vai trò nòng cốt trong đội quân công nông của Đảng, phần lớn xuất thân từ trí thức, kể từ ngày thành lập với người anh cả của quân đội, vị lão tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp. May mắn thay, màu xám định kiến sai lầm, hệ lụy của một thời đang được cuộc sống dần dần hàn gắn lại. Có lẽ người ta đã hiểu ra phần nào lời cảnh báo của Mác-xim Goóc-ki từng đưa ra từ những năm 1917-1918, năm của Cách mạng Tháng Mười Nga: “Cách mạng đã đánh đổ nền quân chủ, điều đó đúng! Nhưng điều đó có lẽ cũng có nghĩa rằng cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng. Người ta không được phép tin rằng cách mạng đã chữa trị và làm phong phú cho nước Nga về mặt tinh thần...”. Và vì thế, nhà đại văn hào Xô viết ấy đã quyết liệt mà rằng: “Đối với tôi, lời kêu gọi Tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ hơn lời kêu gọi “Hỡi các công dân! Văn hóa bị lâm nguy!”.
Dẫn ra hơi dài những lập luận trên chỉ để nhằm làm sống lại bối cảnh mà người thanh niên, hướng đạo sinh Cao Văn Khánh chọn con đường của mình. Hữu Ngọc đã kể về Cao Văn Khánh: “Trước 1945, mình không tham gia chính trị vì còn phải ở lại Huế săn sóc mẹ già. Đảng thành công, mình chưa muốn vào vì chưa có đóng góp gì... Mình chỉ muốn là người công dân tốt. Tổ quốc cần, đi đánh giặc. Xong, lại về dạy học”. Chúng tôi biết, có người cùng thế hệ “xếp bút nghiên” với Cao Văn Khánh đã nhận xét anh cư xử như vậy là “chậm”, ý nói “chậm giác ngộ” để nhanh chóng xin vào Đảng khi đã gánh vác trọng trách của quân đội. Một cách nghĩ khác: Đây lại là biểu hiện rất điển hình của một phẩm tính trí thức: Lòng tự trọng.
Theo chị chúng tôi kể thì đã có lần anh tâm sự: “Nếu vào Đảng thì đã vào từ dạo anh Đào Duy Kỳ đưa tài liệu về Đảng và muốn mình tham gia những năm 34, 35. Nhưng lúc ấy mình chưa thấy thật rõ lý do phải vào Đảng, khi mình đang là một trí thức tự do, yêu nước và hoạt động theo cách của mình mà tự mình thấy là đúng đắn như công việc dạy học của mình lúc đó, hơn nữa chưa thể bay nhảy vì còn phải chăm sóc, phụng dưỡng mẹ”. Có thể, từ một cách nhìn nào đó, thái độ ấy bị phê phán. Sự phê phán ấy, không phải là không có lý nếu từ một cách nhìn, cách nghĩ quen thuộc. Thế nhưng, đừng quên rằng, trong hoạt động “Thanh niên tiền tuyến” ở Huế, Cao Văn Khánh lại thuộc về những người “nam tiến” đầu tiên, người thầy giáo ấy dấn thân vào lửa đạn của cuộc chiến đấu, rồi từ đó luôn có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất khi chưa phải là đảng viên cũng như khi đã gia nhập Đảng.
Ai đó đã nói rất hay về phẩm tính trí thức “phải là con người có sự đoan chính về nhận thức... chỉ những con người tự do trong đức tin của mình, những con người không bị lệ thuộc bởi các ràng buộc kinh tế, đảng phái, quyền chính, không phải tuân phục các khế ước tư tưởng, mới thuộc về giới trí thức... Nguyên tắc cơ bản của phẩm tính trí thức là tự do trí tuệ – tự do trong tư cách một phạm trù đạo đức. Con người trí thức chỉ không tự do với lương tâm và với tư duy của mình”.
Phải chăng sự “đoan chính về nhận thức” và “chỉ không tự do với lương tâm” của Cao Văn Khánh lúc ấy chính là bổn phận của người con đối với mẹ già, là giữ chữ hiếu? Có lẽ chàng thanh niên trí thức ấy không quá câu nệ như Từ Thứ, một nhân vật trong truyện “Tam Quốc”, phải “quy Tào” vì vướng bận mẹ già, không theo về được với Khổng Minh để phò minh chúa. Nhưng đúng là bổn phận của người con phải giữ tròn chữ hiếu đã khiến người trí thức Cao Văn Khánh chọn việc dạy học ở một trường tư thục tại Huế. Nhưng chắc chắn rằng, trong phẩm tính “đoan chính về nhận thức” của người trí thức ấy, “chữ hiếu” chiếm lĩnh một góc sâu thẳm trong đời sống tinh thần của anh. Những ứng xử của anh đối với gia đình mà chúng tôi được chứng kiến sau này, cho thấy rõ điều đó. Chị của chúng tôi từng tâm sự, tình cảm của anh dành cho mẹ chúng tôi, sự ân cần, chu đáo và tế nhị của anh mỗi khi từ chiến trường về hay trong thư gửi cho chị, bao giờ cũng có những dòng đằm thắm về mẹ chúng tôi đã làm bền chặt thêm tình yêu của chị dành cho anh. Cũng vì thế, tình thương yêu của mẹ chúng tôi đối với anh cũng là một nguồn động viên không nhỏ trong anh.
Phẩm tính trí thức, bản lĩnh, tầm vóc và sự nghiệp của vị tướng được khẳng định trong một con người: Cao Văn Khánh. Được vậy, chính là do anh đã tạo dựng được nhân cách của mình trên cái nền tảng nhân bản đó, trên cái bề dày văn hóa đó. Không có cái nền nhân bản ấy, không tự định hình và phát triển phẩm chất và tài năng của mình trên mảnh đất văn hóa cơ bản ấy, không thể có một nhân cách, một sự nghiệp Cao Văn Khánh.
Trong bối cảnh của sự suy thoái đạo lý xã hội, sự thoái hóa biến chất của không ít những người cầm quyền, kể cả những người ở cương vị mà “Trăm con mắt đều nhìn vào, trăm ngón tay đều chỉ vào” như lời cảnh báo của Phạm Văn Đồng cách đây 10 năm, đang ngày càng làm vẩn đục môi trường xã hội, thì việc quay trở lại cái chiều sâu nhân bản của một nền tảng văn hóa trong sự định hình nhân cách và phẩm tính làm người của Cao Văn Khánh là điều cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Hình ảnh sống động của một con người như Cao Văn Khánh, nếu được suy nghĩ kỹ, phân tích kỹ, được nhìn nhận một cách nghiêm cẩn và giàu thiện ý, thì trong chiều cạnh nào đó, có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Ở đây không là tụng ca một con người, ở đây là bàn về cái gốc nhân bản, cái nền văn hóa đã định hình một nhân cách, nhân tố quyết định của tài năng và sự nghiệp rất cần cho việc định hướng phát triển của thế hệ trẻ hôm nay.
Để tránh những lập luận khô khan và tư biện, xin dẫn ra đây vài câu chuyện rất cụ thể, có khi là nhỏ nhặt. Lê Văn Khánh, vốn là học trò của thầy dạy toán Cao Văn Khánh hồi học ở Huế, kể lại rằng: “...có lần trong bài kiểm tra viết về toán, tôi chỉ ghi hai chữ Lưu Khánh vào bài khi tên tôi là Lê Văn Khánh. Khi trả bài, thầy gạch đỏ chữ Lưu và phê: “Pas serieux – 1 point” [không nghiêm túc, trừ 1 điểm]. Đã có lần thầy nhẹ nhàng khuyên tôi “Hãy cố gắng luyện văn”, thầy dạy toán lại nhắc nhở trò học văn... Khi tôi làm chủ nhiệm Công binh ở chiến dịch Đường 9-Nam Lào và chiến dịch Trị Thiên, thỉnh thoảng anh Cao trực tiếp gọi tôi lên báo cáo về tình hình đảm bảo công trình và lần nào cũng vậy, anh Cao ít khi hỏi đến những công việc đang triển khai bảo đảm cho ý đồ của chiến dịch. Những việc đó thường là do đồng chí tham mưu trưởng đã trực tiếp làm việc với các binh chủng rồi. Anh Cao thường hỏi những vấn đề sẽ phát triển của chiến dịch, những công việc của các bước tiếp theo. Có những việc tôi chưa kịp nghĩ đến, nhiều phen toát mồ hôi với sự cạn nghĩ của mình. Nhờ đó, chúng tôi tích lũy thêm được kinh nghiệm trong đời binh nghiệp của mình…”.
Sự nhất quán trong tính cách thấm đẫm “đức nhân”, “nhân chi pháp tại ái nhân, nghĩa chi pháp tại chính kỷ” (phép tắc của nhân là yêu người, phép tắc của nghĩa là chính mình) phải thể hiện ra trong những ứng xử nhỏ nhặt nhất. Từ chuyện nhỏ nhặt ấy, cho đến chuyện lớn như chuyện mà chúng tôi, với khí lượng hẹp hòi tầm nhìn hạn chế vẫn thường nghĩ đến và đã từng suy tư, ấy là chuyện suốt một thời gian rất dài, chúng tôi không hề đọc được, chưa hề nghe được những bài viết, bài nói nào về Cao Văn Khánh, có chăng chỉ một vài câu thoáng qua trong hồi ký hay đôi dòng phóng sự chiến trường của một ai đó. Đấy là chúng tôi, chứ anh, người trí thức, vị tướng Cao Văn Khánh, không một chút băn khoăn...
Có lẽ vì thế mà giờ đây, đứng trước mộ anh đang lộng gió trên ngọn đồi ở Bất Bạt, Yên Kỳ của một vùng trung du mà anh đã từng chỉ huy những trận đánh đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp, chúng tôi sung sướng vì chị Toản đã không chút do dự khi quyết định đưa anh Khánh thân yêu của chúng tôi lên đây.
Sinh ra từ đất, khi trở về với đất, con người bình dị và cao đẹp ấy có thể thanh thoát nơi chốn vĩnh hằng vì đã sống trọn vẹn một kiếp người với sự trọn vẹn của một nhân cách trí thức đích thực.
GS Tương Lai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét