Thứ Tư, 26 tháng 3, 2025

Phường Đà Lạt, Phường Quy Nhơn, Phường Nha Trang ?

Thật tôi không hiểu các quan chức chủ trì chiến dịch sáp nhập và đặt tên các tỉnh các phường đang suy nghĩ theo loại tư duy gì. Tại sao cứ phải làm biến mất rất nhiều cái tên có ý nghĩa và giá trị lịch sử và văn hóa từ hàng trăm năm và nằm trong tim của mỗi người dân một cách không cần thiết như vậy ? Tôi thấy trong mỗi tỉnh hay thành phố trực thuộc Trung ương vừa có phường, vừa có thành phố có sao đâu. Như ở Pháp, trong tỉnh Ile de France có thành phố Paris và hàng loạt Ville (thành phố) khác. Ở Thụy Sĩ, bang Geneva hay vùng Geneva có thành phố Geneva và hàng loạt thành phố nhỏ và xã hay thị trấn nằm san sát cạnh nhau hay xen kẽ nhau... Ở các nước châu Âu và ở Bắc Mỹ, nói chung cứ đô thị dù lớn hay nhỏ thì đều được gọi là City tức là “thành phố”.
Tại sao chúng ta không thể làm như họ, tại sao không thể cùng lúc có các phường và cũng giữ nguyên tên các thành phố như thành phố Đà Lạt, thành phố Quy Nhơn... như hiện nay ?
Phường Đà Lạt, Phường Quy Nhơn, Phường Nha Trang ?
Đà Lạt sắp thành “phường”: Cú sốc hành chính và ký ức khó phai của một thành phố mộng mơ. Một thông tin bất ngờ vừa được báo Tuổi Trẻ tiết lộ ngày 23/3: Đà Lạt – thành phố nổi tiếng với vẻ đẹp thơ mộng và lịch sử trăm năm – có thể sẽ không còn là một đơn vị cấp thành phố mà sẽ trở thành… một phường, sau kế hoạch sáp nhập hành chính giữa tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bình Thuận.

Dù tin đồn về việc sáp nhập hai tỉnh đã râm ran từ vài tuần trước khi những hình ảnh văn bản rò rỉ xuất hiện trên mạng xã hội, nhưng đến khi chi tiết “Đà Lạt sẽ chỉ là một phường” xuất hiện trong bản tin chính thức, không ít người dân và dư luận mạng đã sửng sốt. Hiện vẫn chưa rõ tên gọi của tỉnh mới sau sáp nhập là gì, nhưng điều chắc chắn là cấu trúc hành chính của Đà Lạt sẽ thay đổi sâu sắc.

Ba phương án phân chia được đưa ra gồm: phường Đà Lạt có thể hình thành từ các phường 1, 2, 3, 8, 9, 10; hoặc từ phường 1, 2, 3, 4, 10; hoặc một phương án mở rộng hơn gồm phường 1 đến 7, phường 10 và xã Tà Nung.

Tin tức này ngay lập tức tạo ra làn sóng bình luận sôi nổi trên mạng xã hội. Một số người dự đoán các thành phố khác như Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) hay Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) rồi cũng sẽ “chung số phận”. Nhiều người hài hước chế ảnh gọi Đà Lạt sắp tới là “phường hoa”, “phường buồn” hay “phường sương mù”, như cách chơi chữ đầy tiếc nuối với danh xưng thơ mộng đã gắn liền với thành phố từ lâu.

Không chỉ là một đơn vị hành chính, Đà Lạt từ lâu là một biểu tượng văn hóa – lịch sử. Nơi đây bắt đầu hình thành từ năm 1893, khi bác sĩ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên. Từ một khu tự trị năm 1920, Đà Lạt nhanh chóng trở thành thị xã và đến năm 1926 đã có tính tự trị cao, trực thuộc Toàn quyền Đông Dương. Năm 1945, Đà Lạt trở thành một đô thị quy mô với 25.000 dân, được biết đến như một trung tâm giáo dục, nghỉ dưỡng hàng đầu Đông Dương.

Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Đà Lạt tiếp tục được quy hoạch phát triển với nhiều trường học danh giá, trung tâm văn hóa, và kiến trúc kiểu Pháp độc đáo, biến nơi đây thành “tiểu Paris” giữa núi rừng. Tuy nhiên, kể từ năm 1964, khi chính trường miền Nam bắt đầu rối ren và chiến tranh leo thang, tốc độ phát triển của Đà Lạt dần chậm lại.

Ngày nay, với gần 400.000 dân và diện tích hơn 391 km², Đà Lạt không chỉ là thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng mà còn là trái tim du lịch của vùng Tây Nguyên, nơi lưu giữ ký ức và cảm xúc của nhiều thế hệ người Việt.

Việc Đà Lạt có nguy cơ mất tên gọi thành phố để trở thành một “phường” – dù chỉ là thay đổi trên giấy tờ – vẫn khiến nhiều người tiếc nuối. Với họ, Đà Lạt không chỉ là một đơn vị hành chính, mà là một miền ký ức, một biểu tượng văn hóa, một chất thơ rất riêng của đất nước hình chữ S.

Chuyện hành chính có thể thay đổi, nhưng trong lòng người, Đà Lạt mãi là Đà Lạt – thành phố mộng mơ, thành phố của sương và thông reo, chứ chẳng thể chỉ là một “phường” như văn bản sẽ ghi.

Có tên 'phường Đà Lạt' trong tất cả phương án dự kiến sắp xếp thành phố Đà Lạt

Trong ba phương án dự kiến tại Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn TP Đà Lạt giai đoạn 2023 – 2030 đều có tên phường Đà Lạt.


Khu vực trung tâm TP Đà Lạt - Ảnh: M.V.

Dự thảo sắp xếp bộ máy hành chính cấp phường, xã của thành phố Đà Lạt đưa ra 3 phương án. Trong 3 phương án sắp xếp, cái tên Đà Lạt quen thuộc trong lòng du khách dự kiến vẫn sẽ được giữ.

Đề xuất giữ tên Đà Lạt khi sắp xếp phường trung tâm ở thành phố ngàn hoa - Video: M.V

Hiện nay, TP Đà Lạt có 16 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 12 phường và 4 xã. Tuy nhiên 100% các đơn vị hành chính đều chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên theo quy định hiện hành.


Thành phố Quy Nhơn thành phường Quy Nhơn?

Theo đề án, với phương án 1, các phường trung tâm của TP Đà Lạt hiện nay là phường 1, 2, 3, 8, 9 và 10 sẽ sáp nhập lại thành phường Đà Lạt.

Ở phương án này, ngoài phường Đà Lạt sẽ có thêm 2 phường là phường Nam Hồ (hoặc Xuân Trường) gồm các phường 11, 12, xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành và phường Cam Ly gồm phường 4, 5, 6, 7 và xã Tà Nung.

Phương án 2, TP Đà Lạt sắp xếp 16 xã, phường để thành lập 4 đơn vị hành chính mới. Theo đó phường Đà Lạt được thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 phường hiện nay gồm phường 1, 2, 3, 4 và 10.

Các phường còn lại gồm phường Cam Ly với phường 5, 6 và Tà Nung; phường Xuân Hương với phường 7, 8, 9, 12; phường Nam Hồ (hoặc Xuân Trường) với phường 11, xã Xuân Thọ, Xuân Trường và Trạm Hành.

Phương án 3, TP Đà Lạt sẽ sáp nhập toàn bộ 16 phường, xã thành 2 phường. Trong đó phường Đà Lạt sẽ gồm toàn bộ 10 phường trung tâm hiện tại là phường 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 10 và xã Tà Nung. Phường Nam Hồ (hoặc Xuân Trường) sẽ gồm các phường, xã còn lại là phường 8, 9, 11, 12, Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành.

Cả ba phương án này đều bảo đảm các tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo các quy định hiện hành. Mục tiêu chính của việc sắp xếp là giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã từ 16 xuống còn từ 2 - 4 đơn vị.

Đồng thời, tinh gọn bộ máy hành chính, giảm số lượng cán bộ, công chức cấp xã, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Việc sắp xếp còn nhằm góp phần phát triển đô thị Đà Lạt theo hướng hiện đại, bền vững và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân.

Theo thông tin từ UBND TP Đà Lạt, thành phố du lịch hiện có diện tích hơn 391km², dân số gần 400.000 người.

https://tuoitre.vn/co-ten-phuong-da-lat-trong-tat-ca-phuong-an-du-kien-sap-xep-thanh-pho-da-lat-20250323102557931.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét