Thứ Tư, 26 tháng 3, 2025

Hà Nội đang “chết dần chết mòn” vì ô nhiễm không khí

Hà Nội chắc chắn là thành phố ô nhiễm vào loại bậc nhất thế giới. Tôi đã đi qua, thậm chí sống nhiều năm, nhiều tháng ở hàng trăm thành phố trên thế giới, kể cả ở Lào, Campuchia, Thái Lan hay Philippines, nhưng tôi không thấy ở bất cứ đâu bẩn và thối như ở Hà Nội. Bẩn vì nhìn đâu cũng thấy rác, kể cả bên trong các quán ăn, khách sạn, nhà hàng. Thối vì ở khắp mọi phố phường, khu dân cư hay khu sản xuất, thậm chí cả ra ngoại thành, đâu đâu cũng có mùi cống rãnh bốc lên cực kỳ khó chịu, nhất là mỗi khi có gió thổi. Người VN quen sống trong bầu không khí ô nhiễm này nên vẫn vui vẻ, thích thú chứ tôi thì rất chán. Tác giả bài dưới đây cho biết theo Ngân hàng Thế giới hồi năm 2024, ô nhiễm không khí gây ra thiệt hại về mặt xã hội và kinh tế cho Việt Nam ước tính lên tới hơn 13 tỷ đô la mỗi năm, tương đương 4% GDP của cả nước. Tăng trưởng kinh tế trung bình chưa tới 6% mỗi năm và thiệt hại riêng về ô nhiễm không khí đã 4% rồi thì tăng trưởng chẳng ý nghĩa gì. Thêm được tý của cải vật chất, nhưng mất đi thứ vô giá là môi trường sống thì mất nhiều hơn được. Tới đây tăng trưởng gấp gáp tới 8% rồi tới 2 con số trong hàng chục năm, thì không biết môi trường sẽ bị hủy hoại bao nhiêu, thực không dám nghĩ, không dám thử ước tính, vì nghĩ và tính đều làm điên đầu và giảm thêm tuổi thọ.
Hà Nội đang “chết dần chết mòn” vì ô nhiễm không khí
Lê Hồng Hiệp - Mỗi khi có dịp quay lại Hà Nội, mình luôn cảm thấy háo hức vì mình từng sống ở đây 7 năm tươi đẹp nhất thời trai trẻ. Với mình, về lại Hà Nội như về lại chốn cũ. Trong mắt mình, Hà Nội vẫn luôn có nét đẹp cổ kính, một nét quyến rũ rất riêng mà ít nơi nào ở Việt Nam có được.

Không khí tại Hà Nội luôn ô nhiễm ở top đầu các thành phố trên thế giới. Ảnh: FB Lê Hồng Hiệp

Hai mươi năm qua, Hà Nội phát triển thật nhanh, với đường sá mở rộng, cao ốc hiện đại khắp nơi, hạ tầng ngày càng hoàn thiện… Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển đó chính là tình trạng ô nhiễm không khí tệ hại. Có thời điểm, Hà Nội được xác định là thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới. Và quả thực, trong chuyến thăm Hà Nội lần này, mình đã được trực tiếp “trải nghiệm” tình trạng ô nhiễm đó, một trải nghiệm kinh hoàng mà có lẽ mình sẽ không bao giờ muốn trải qua lần thứ hai.

Những ngày này bầu trời Hà Nội luôn u ám, xám xịt. Bầu không khí nhờ nhờ, đặc quánh bụi. Cảnh vật gần xa đều mờ mờ ảo ảo. Bụi phủ kín trên những ô cửa kính xe hơi, vệ đường, trên mặt tiền của các tòa nhà ven đường, khiến mọi thứ trông cũ kỹ, dơ dáy. Mặt đường nào cũng một màu bàng bạc, các vạch kẻ đường vốn màu trắng giờ cũng khoác trên mình một màu xám xịt. Đến các cành cây ven đường cũng không thể giữ được màu xanh khi một màn bụi bàng bạc phủ kín khắp thân, lá, cành. Chỉ cần đứng ngoài trời một lúc là mình đã thấy không khí khét lẹt, sống mũi cay cay, ngứa ngáy khó chịu…


Có thể thời tiết Hà Nội mùa này khiến tình trạng ô nhiễm tồi tệ hơn bình thường, nhưng rõ ràng vấn đề ô nhiễm không khí của Hà Nội ngày càng trở nên phổ biến và nghiêm trọng. Nếu không có biện pháp nhanh chóng khắc phục, Hà Nội sẽ đánh mất sức hấp dẫn của mình, dần trở thành một nơi không đáng sống, [mà là] một “thành phố chết”.

Nhiều người Hà Nội đã chấp nhận “bỏ phố về làng” để trốn chạy ô nhiễm. Khách du lịch cũng sẽ một đi không trở lại khi trải qua tình trạng ô nhiễm như thế này. Còn cư dân Hà Nội, những người không có lựa chọn nào khác ngoài bám trụ mảnh đất này, sẽ phải trả giá bằng sức khỏe của mình. Nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới hồi năm ngoái cho thấy, ô nhiễm không khí gây ra thiệt hại về mặt xã hội và kinh tế cho Việt Nam ước tính lên tới hơn 13 tỷ đô la mỗi năm, tương đương 4% GDP của cả nước.

Thực sự, Hà Nội cần có biện pháp mạnh tay, quyết liệt để giải quyết tình trạng này, nhất là đối với những nguồn gây ô nhiễm đã biết rõ và có thể kiểm soát được. Ví dụ:

1) Cần buộc các nhà thầu xây dựng tuân thủ quy tắc bảo vệ môi trường bằng cách bao quây các công trình xây dựng (mình để ý nhiều công trình đang xây ở Hà Nội không làm như vậy), phải xịt rửa bánh xe ra vào công trường để ngăn phát tán bụi;

2) Cho xe vệ sinh môi trường xịt rửa đường thường xuyên hơn, đồng thời đầu tư máy móc thiết bị để thu gom bụi, đất bám ở các vệ đường, giải phân cách;

3) Cấm bán mới xe máy chạy bằng xăng (Ấn Độ gần đây đã làm như vậy), trợ cấp để dân đổi các xe máy cũ chạy bằng xăng dầu sang xe máy điện; đồng thời có chính sách khuyến khích hơn nữa việc chuyển đổi ô tô, xe bus sang các phương tiện năng lượng xanh;

4) Hạn chế phương tiện cá nhân ở các khu vực nội đô;

5) Tăng cường không gian xanh, không gian công cộng ở các khu vực chung cư cũ sắp tới sẽ giải tỏa, thậm chí giải tỏa trắng các khu vực này để làm công viên, trồng cây xanh mà không cho xây dựng các chung cư mới ở các khu vực như thế…

Ngoài ra, về lâu dài cần có các biện pháp kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm không khí từ các nhà máy sản xuất, nhà máy điện, tình trạng đốt rơm rạ,… vốn là những nguồn gây ô nhiễm không khí lớn cho Hà Nội nhưng dường như khó giải quyết hơn.

Chắc chắn các giải pháp này rất khó khăn và nghe có vẻ tốn kém để thực hiện. Nhưng nếu nhìn vào những thiệt hại về kinh tế, môi trường và sức khỏe mà ô nhiễm không khí gây ra, những giải pháp đó lại không hề tốn kém đến vậy. Điều còn thiếu lúc này chính là quyết tâm chính trị và sự quyết liệt trong hành động của chính quyền, chứ không phải là thiếu giải pháp hay vấn đề tài chính.

Bắc Kinh đã từng ô nhiễm không khí như Hà Nội, nhưng họ đã giải quyết được thành công. Hà Nội cũng có thể làm được như vậy nếu đủ quyết tâm.

Suy cho cùng, nếu chúng ta không còn thở được nữa, thì mọi thứ tốt đẹp khác đều trở nên vô nghĩa mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét