Câu chuyện khôn ngoan
Nhà báo Lê Phú Khải viết (theo lời kể lại của nhà văn Nguyên Ngọc): Một hôm bà Bình “triệu tập” một nhóm trí thức hơn 10 người lại, đặt câu hỏi, chúng ta sai từ bao giờ? Mọi người đều nói sai từ năm 1951, khi đại hội lần thứ hai của Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam cho mọi đường lối chính sách của mình. Riêng Nguyên Ngọc nói: “Sai từ đại hội Tour” (cơ quan tình báo KGB của Liên Xô được cho là đã thành lập đảng cộng sản Pháp năm 1920, một bộ phận tách ra từ Đảng Xã Hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc được cử đến đại hội Tour, rồi gia nhập phong trào cộng sản Pháp từ lúc đó). “Bà Bình không đồng ý.” Vậy mà sang ngày hôm sau bà Bình bảo Nguyên Ngọc: “Chị đã suy nghĩ suốt đêm qua, Nguyên Ngọc nói đúng đấy!”. Tôi thì nghĩ từ 4-5 nghìn năm nay, đất nước nào cũng phải có nhà nước; và có nhà nước thì phải có các nhà lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo là con người nên không thể không có những sai lầm, thậm chí sai lầm trầm trọng; nhưng nếu họ biết nhận ra sai lầm, sửa sai và làm tốt hơn, thì đất nước lại phát triển. Do đó chọn ra một mốc thời gian để khẳng định "Chúng ta sai kể từ lúc đó đến tận ngày nay" dường như không hợp lý. Thêm nữa, nói như mọi người (sai từ năm 1951) hay bà Bình và bác Ngọc (sai từ năm 1920), là đổ cho trách nhiệm của một cá nhân hoặc một tổ chức, nhưng một quốc gia đâu phải chỉ gồm duy nhất một cá nhân hay một tổ chức. 600 năm trước Nguyễn Trãi đúc kết: "đẩy thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân"; và cha ông ta cũng tổng kết "tức nước vỡ bờ", người dân mới là nhân tố quyết định. Vì thế suy nghĩ của nhà báo Lưu Trọng Văn trong bài này có vẻ hợp lý hơn, đó là lỗi của "cả Dân tộc Việt Nam". Đây gốc là khẳng định của chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh. Cá nhân tôi không tin là có một mốc thời gian cụ thể và duy nhất khẳng định chúng ta (cả Dân tộc Việt) sai từ đó, và tôi cũng không cho rằng "thời gian sai không chỉ là đương đại mà kéo dài nhiều thế kỷ" như nhà báo Lưu Trọng Văn nhận xét. Cá nhân tôi cho rằng chúng ta có những giai đoạn sai và những giai đoạn đúng xen kẽ nhau, tạo nên những giai đoạn thất bại và những giai đoạn thành công xen kẽ nhau. Nho giáo được truyền vào nước ta ngay từ thế kỷ 1 TCN song song với chữ Hán dần Hán hóa ngôn ngữ của người Việt làm nền tảng cho việc tiếp thu những tri thức về xã hội và tự nhiên, văn học, sử học, triết học, thiên văn học và y học từ người Trung Hoa cổ đại. Tuy nhiên, đến thời nhà Lý mới chính thức khai sinh cho lịch sử thi cử Nho giáo lâu dài ở Việt Nam, bằng việc xây dựng Văn Miếu năm 1070 ngay giữa kinh thành và “chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào Quốc tử giám”. Từ đây, con em quý tộc họ Lý chính thức được đào tạo chủ yếu theo Nho giáo. Cũng từ đây, nền đại học Việt Nam được khai sinh. Năm 1156, nhà Lý cho lập miếu riêng thờ Khổng Tử. Điều đó thể hiện “khuynh hướng muốn dựng Nho giáo thành một giáo lý độc tôn, đem Khổng Tử từ bậc tử (thầy) như các Chư Tử lên bậc Thánh Khổng vậy”. Nếu cho rằng chúng ta sai lầm từ thời khởi đầu nhà Lý và kéo dài suốt từ đó tới nay thì làm sao đất nước có được lịch sử chống quân xâm lược, mở mang bờ cõi và xây dựng kinh tế hào hùng trong gần một nghìn năm qua ? Dù sao, nếu bắt buộc phải chọn một mốc thời điểm đất nước ta bắt đầu tụt hậu và tụt hậu mãi đến tận ngày nay, thì tôi chọn mốc năm 1802 khi Nguyễn Ánh tiêu diệt nhà Tây Sơn, lập ra nhà Nguyễn; chấm dứt chính sách tự do hóa ngoại thương của các triều đại trước và học tập nhà Thanh thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng, nhà nước độc quyền ngoại thương và kiểm soát chặt chẽ quan hệ với nước ngoài. Hậu quả là trong 2 thế kỷ 19 và 20, cả ba cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (nửa cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19), lần thứ hai (nửa cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20), và lần thứ ba (1960-1997) đều không lan tỏa vào Việt Nam. Người Việt càng bị nhồi nhét Nho học, tư duy theo lối duy tình và duy thực, bế quan tỏa cảng, không theo xu thế cách mạng công nghiệp là duy lý, tức là lấy khoa học là trung tâm, là thước đo chân lý, làm gì cũng phải có cơ sở khoa học..., cho nên càng ngày càng lạc hậu.Câu chuyện khôn ngoan
Lưu Trọng Văn - Bà Bình ở tuổi gần 100, nhưng vẫn rất tinh tế, uyên thâm và đau đáu sự thay đổi thời cuộc. Bà từng rất nổi tiếng trong giới trí thức phản biện khi hỏi nhà văn Nguyên Ngọc câu hỏi đau đớn nhất đối với cuộc đời làm cách mạng của bà: “Chúng ta sai từ lúc nào?“
1. Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc chuyện trò thân mật với nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, cháu ngoại nhà cách tân vĩ đại Phan Châu Trinh.
Bà Bình ở tuổi gần 100, nhưng vẫn rất tinh tế, uyên thâm và đau đáu sự thay đổi thời cuộc. Bà từng rất nổi tiếng trong giới trí thức phản biện khi hỏi nhà văn Nguyên Ngọc câu hỏi đau đớn nhất đối với cuộc đời làm cách mạng của bà:
“Chúng ta sai từ lúc nào?“
Gã xin phép không dẫn lại câu trả lời của nhà văn Nguyên Ngọc, câu trả lời mà bà Bình đã phải mất ngủ suốt đêm để hôm sau thú thật với nhà văn Nguyên Ngọc, đó là câu trả lời đúng theo bà.
Gã có cách nhìn khác với cả bà Bình và nhà văn Nguyên Ngọc khi phạm trù “chúng ta ”không chỉ là các đảng viên cộng sản như bà Bình và nhà văn Nguyên Ngọc, mà là cả Dân tộc Việt Nam, và thời gian không chỉ là đương đại mà kéo dài nhiều thế kỷ.
Cụ Phan Châu Trinh là người trả lời đúng nhất câu hỏi “Chúng ta sai lầm từ lúc nào?”. Trong các diễn thuyết của cụ năm 1925, đúng 100 năm trước, cụ đã phê phán tư tưởng “Trung quân ái quốc”của Nho giáo được rước về đất nước ta thời Lý. Dẫn đến giới trí thức tinh hoa đã phải cúi đầu trước lưỡi gươm trung quân, tức “trung thành với vua là yêu nước”, không còn tiếng nói phản biện nữa.
Và theo cụ Phan Châu Trinh, cách trị quốc trên là sự “không khôn ngoan” nếu không muốn nói là ngu dốt, bởi điều đó đồng nghĩa với “hiền tài không còn là nguyên khí quốc gia”nữa.
Gã đồng tình với cụ Phan Châu Trinh, nguyên nhân bắt đầu từ đó, và đó mới là sai lầm lớn nhất của Đất nước mà hậu họa vẫn còn đến hôm nay.
2. Trở lại cuộc trao đổi giữa thủ tướng Phạm Minh Chính và bà Nguyễn Thị Bình.
Phạm Minh Chính: Tình hình diễn biến nhanh và phức tạp lắm.
Nguyễn Thị Bình: Mình phải hết sức khôn ngoan.
Phạm Minh Chính: Vâng. Phải khôn khéo phải mềm dẻo nhưng mình phải có thực lực. Cuối cùng thì ta vẫn phải mạnh. Có thực lực mới nói được.
Nguyễn Thị Bình: Mong rằng đồng chí Tô Lâm và đồng chí Chính cũng sẽ khôn ngoan.
Phạm Minh Chính: Cô mạnh khỏe, có gì góp ý cho chúng con để chúng con xứng đáng với các cô, các chú, các bác.
3. Không khó để hiểu vấn đề về “tình hình” trong cuộc trao đổi của bà Bình, một nhà ngoại giao nổi tiếng thế giới và ông Chính, là tình hình thế giới. Và tình hình ấy phức tạp, diễn biến nhanh, không thể không có ám chỉ đến quan hệ của Việt Nam với thế lực láng giềng.
“Khôn ngoan”là lời khuyên rất đúng của bà Bình gửi đến tổng bí thư Tô Lâm và thủ tướng Phạm Minh Chính về chính sách đối ngoại. Lời đáp của ông Chính, “Trước hết Việt Nam phải có thực lực, phải mạnh” là nhận định rất đúng đối với thời cuộc.
Nhưng làm thế nào để có “thực lực mạnh?”. Câu trả lời duy nhất đúng vẫn là tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh: Dân khí.
Dân khí chỉ có được khi sức Dân, trí tuệ Dân được giải phóng trên mục tiêu chung “Dân tộc hòa hợp hùng cường”, không bị bất cứ vòng kim cô kìm hãm nào, để: Hiền tài thực sự là Nguyên khí Quốc gia.
Đó mới chính là sự khôn ngoan nhất trong chính sách đối ngoại, khi đối ngoại chỉ là bề nổi của tảng băng chìm đối nội.
LƯU TRỌNG VĂN 23.03.2025
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét