Vì sao NHNN tăng mạnh lãi suất dù lạm phát 'trong tầm kiểm soát'?
Khác với động thái nâng lãi suất điều hành để ngăn ngừa lạm phát của các Ngân hàng trung ương (NHTW) các quốc gia khác, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) đã nâng lãi suất trong bối cảnh lạm phát đang ở mức rất thấp so với các nền kinh tế trong khu vực và thế giới, chỉ số giá DXY của đồng USD ổn định ở mức 112 - 113 điểm. Vậy lý do là gì?1) Tăng lãi suất điều hành thêm 2% chỉ trong 1 tháng
Ngày 24/10, NHNN đã tăng lãi suất điều hành thêm 1%. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn được nâng từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng tăng từ 6,0%/năm lên 7,0%/năm.
Như vậy trong vòng một tháng, NHNN đã 2 lần tăng lãi suất điều hành. Theo NHNN, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu lên mức 3-3,25%/năm. Fed dự kiến sẽ đưa lãi suất điều hành lên mức 4,6% vào năm 2023 và không có kế hoạch hạ lãi suất cho tới năm 2024.
Khác hoàn toàn với hầu hết các NHTW khác trên khắp toàn cầu, thường chỉ tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. NHNN Việt Nam đã tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát đang được chính phủ Việt Nam tự hào là "ổn định" so với bất kỳ nền kinh tế nào khác trong khu vực và thế giới.
Lạm phát (so hàng năm) ở Việt Nam vào tháng 9/2022 dù tăng mạnh so với tháng 8/2022 (2,89%) nhưng vẫn ở mức 3,94%. Các cơ quan quản lý của Việt Nam và chuyên gia phát đi thông điệp rằng lạm phát cả năm 2022 của nền kinh tế có thể duy trì ở mức 4 - 4,5%; đây là mức lý tưởng trong bối cảnh lạm phát đang lan như cháy rừng khắp toàn cầu.
Rõ ràng, biến động của lạm phát đang nằm trong giới hạn mục tiêu mà NHNN và Chính phủ theo dõi. Đây không phải là biến động quá lớn hoặc đang ở mức cần phải kiềm chế như cách Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang phải đối mặt với lạm phát của quốc gia này.
2) Áp lực gia tăng, tỷ giá chợ đen lập kỷ lục mới: 25.300 VND/USD
Mặc dù lạm phát chưa tăng cao, hoặc ít nhất số liệu lạm phát công bố bởi Tổng cục Thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư chưa tăng ngoài tầm kiểm soát, NHNN vẫn tăng lãi suất đồng VND. Sức ép của lạm phát đã manh nha nhưng chưa xuất hiện. Một lý do duy nhất giải thích cho động thái chính sách này của NHNN chính là sức ép tỷ giá.
VND so với USD đã mất giá tới 9% kể từ đầu năm. Trong tuần vừa rồi, đồng VND mất giá 5%; một kiểu mất giá sốc tác động tiêu cực tới niềm tin và tâm lý thị trường.
Ngày 25/10/2022, ngày hiệu lực của lãi suất mới, tỷ giá không hề hạ nhiệt. Trên thị trường liên ngân hàng, các NHTM bán USD với giá kịch trần biên độ (+5%). Tỷ giá trung tâm tăng 13 phiên liên tiếp, tổng mức tăng 286 đồng, tương đương 1,2%.
Theo đó, hầu hết ngân hàng trong mẫu khảo sát của Cafef đều đã tăng giá bán USD lên mức tối đa được phép là 24.888 VND/USD. Trong đó gồm cả 3 ngân hàng thương mại Nhà nước có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống là Vietcombank. Trên thị trường chợ đen, tỷ giá đã tăng tới 25,300 VND/USD; mức kỷ lục mới.
Từ đầu năm 2022 tới giữa tháng 9/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải bán ra tới 21 tỷ USD để ổn định thị trường. Chưa có số liệu trong hơn một tháng qua NHNN bán ra bao nhiêu USD nhưng cơ quan này đã phải nới lỏng tỷ giá trung tâm (từ +/-3% lên +/-5%) để giá trị đồng VND 'có cơ hội' mất giá nhiều hơn theo đúng cung - cầu của thị trường. Điều này cho thấy sức ép tỷ giá đang rất nóng.
Nhưng hiển nhiên, nới lỏng tỷ giá điều hành trung tâm mới chỉ để hỗ trợ tỷ giá chính thức kéo gần hơn với tỷ giá chợ đen, chưa đủ để ngăn chặn cầu về USD tăng mạnh, xu hướng khan USD.
Tình trạng khan USD không chỉ Việt Nam phải đối mặt, đó là xu hướng toàn cầu khi Fed tăng lãi suất kiểu diều hâu.
Đáng lưu ý là, tỷ giá VND tăng sốc tại thời điểm mà giá trị đồng USD duy trì ổn định, chỉ số DXY của USD ở mức 112 - 113 điểm. Rõ ràng, với Việt Nam, bên cạnh nguyên nhân khách quan như yếu tố thời vụ, USD tăng giá, nợ nước ngoài quốc gia cao, khan USD trong hệ thống NHTM và cầu USD tăng mạnh hơn còn do hai chính sách được tạo ra bởi chính NHNN; do các vấn đề nội tại của nền kinh tế.
Thứ nhất, buôn lậu vàng khiến USD chợ đen tăng giá. Trong Báo cáo trước Quốc hội của NHNN năm 2022, cơ quan này tự hào rằng chính sách quản lý độc quyền vàng miếng, dù tạo ra chênh lệch giá trong và ngoài nước rất cao (15-18 triệu đồng/lượng) nhưng không ảnh hưởng tới tỷ giá trong nước. Duy trì vị thế độc quyền vàng đã tạo ra các méo mó cung - cầu và giá cả trên thị trường này; tác động tiêu cực lên tỷ giá khi thị trường tiền tệ thế giới biến động mạnh trong khi dự trữ ngoại hối của NHNN không còn dồi dào như trước.
Một khoảng trống về lợi nhuận đã được tạo ra bởi tồn tại chênh lệch vô lý giữa giá vàng trong nước và thế giới. Điều này khuyến khích nhập khẩu lậu vàng vào Việt Nam. Vấn nạn nhập lậu vàng không chỉ xuất hiện trên các bản tin trên truyền hình và báo chí, số liệu phơi bày nhập lậu vàng (và cả hàng hoá khác) nằm ở khoản mục 'Lỗi và Sai sót' của Báo cáo Cán cân thanh toán quốc tế (công bố bởi NHNN hàng quý) cũng như biến động giá USD/VND ở chợ đen.
Thứ hai, tích trữ USD trong dân cao nhưng hệ thống NHTM không huy động được. Các lo sợ mất giá VND và trải nghiệm trong quá khứ đã tạo ra văn hoá tích trữ vàng, USD lớn trong dân cư. Đây là hai nguồn tài sản phòng lạm phát trong các hộ gia đình Việt Nam. Nhưng theo chính sách của NHNN, các NHTM phải huy động USD với mức lãi suất 0%. Điều này khiến một lượng lớn ngoại tệ tích trữ trong dân không chảy vào hệ thống NHTM. Các NHTM đang vật lộn với thanh khoản của cả VND và USD vì nợ xấu, yếu tố mùa vụ, khó khăn huy động do lạm phát kỳ vọng tăng,... Tất cả đang trở thành vòng kim cô siết chặt vào thị trường ngoại hối, khiến tỷ giá liên ngân hàng và chợ đen tăng kỷ lục như bây giờ.
3) Bị động với chính sách neo tỷ giá
Vị thế độc lập với một ngân hàng trung ương được tạo ra khi cơ quan này không phải chạy theo vấn đề của tài khoá, mà là để nhắm vào ổn định lạm phát, toàn dụng lao động. NHNN càng độc lập thì toàn bộ nguồn lực đều có thể dành cho mục tiêu này.
Chính sách tỷ giá trung tâm thực chất là NHNN ấn định tỷ giá thị trường. Biên độ giao động là một ấn định nữa, cho phép các NHTM chỉ mua và bán USD với giá trị bằng tỷ giá trung tâm cộng hoặc trừ đi phần trăm biên độ giao động mà NHNN cho phép.
NHNN tuyên bố rằng, tỷ giá trung tâm mà cơ quan này điều hành được neo vào một rổ tiền tệ gồm các đồng tiền có mối quan hệ thương mại lớn với Việt Nam. Như vậy, trừ USD, thì các loại ngoại tệ khác đều đang mất giá. Đáng lẽ ra, tỷ giá không phải là vấn đề, theo lý thuyết tiếp cận này. Nhưng thực tế thị trường chứng minh rằng tỷ giá trung tâm của NHNN thực tế biến động theo tỷ giá USD/VND; hoàn toàn neo vào ngoại tệ mạnh là USD.
Thêm vào đó, thị trường ngoại hối của Việt Nam đang tồn tại hai thị trường song song: thị trường chính thức, nơi mọi giao dịch theo giá cả ấn định của NHNN và thị trường chợ đen, nơi tỷ giá USD/VND hoàn toàn theo cung - cầu thị trường.
Tỷ giá chợ đen, như phân tích ở trên, lại chịu tác động bởi các hoạt động buôn lậu, tích trữ USD trong dân chúng (nhằm tránh lạm phát). Khoản ngoại tệ này không đi qua hệ thống NHTM, nằm trong két của hộ gia đình hoặc rời khỏi quốc gia mà không được hạch toán đã thúc đẩy cầu ngoại tệ tăng cao trong khi thu hẹp nguồn cung ngoại tệ.
Trong các giai đoạn biến động mạnh như vừa rồi, tỷ giá chợ đen luôn duy trì một khoảng cách xa so với tỷ giá liên ngân hàng (theo điều hành của NHNN). Để kéo hẹp khoảng cách này lại, NHNN buộc phải bán dự trữ ngoại hối để ổn định thị trường. Thực chất, là để duy trì chính sách tỷ giá cố định.
Nhưng khi dự trữ ngoại hối trở bắt đầu mỏng đi, NHNN không thể tiếp tục bán ngoại tệ để ổn định thị trường. Lúc này, tăng lãi suất cho đồng VND để giúp đồng VND hấp dẫn hơn, ngăn làn sóng tích USD, ngăn làn sóng USD rời khỏi Việt Nam, giảm sức ép lên tỷ giá là con đường hữu hiệu nhất.
Dù vậy, chính sách tăng lãi suất khi lạm phát chưa tăng, chỉ để ổn định ngoại hối trong khi không sửa chữa những chính sách đang tạo ra khan hiếm USD cho thị trường như độc quyền vàng, lãi suất 0% với USD có thể khiến NHNN tiếp tục bị động; đặc biệt khi biến động trên thị trường tiền tệ của Mỹ, EU, Trung Quốc đang trở nên tiêu cực hơn, làn sóng lạm phát bắt đầu lan tới Việt Nam....
nguồn: Trên mạng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét