Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

VND mất giá 9% so với USD và nguy cơ khủng hoảng tiền tệ

VND mất giá 9% so với USD và nguy cơ khủng hoảng tiền tệ 
Dù so với các đồng nội tệ khác trong khu vực và thế giới, VND chưa mất giá quá nhiều so với USD. Vấn đề là VND mất giá sốc đã khiến tâm lý thị trường tiêu cực. Ngoài ra, nền kinh tế Việt đang có độ mở quá rủi ro, đây là yếu điểm khiến mọi thứ trở nên mong manh hơn... Một cuộc khủng hoảng tiền tệ có xảy ra không? Chúng ta cách nó bao xa?

1) Dòng vốn toàn cầu đang tăng tốc đổ về Mỹ

Chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến tranh tiền tệ thực sự giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới. Cuộc chiến cho thấy sức mạnh thống trị của USD khiến các đối thủ muốn soán ngôi vị của Mỹ trên thị trường tiền tệ như Trung Quốc hay Nga phải cân nhắc lại.

Chỉ bằng một động thái tăng lãi suất kiểu diều hâu của Cục Dự trữ liên bang (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát đang leo thang, Mỹ thành công hút nguồn USD khắp toàn cầu trở lại nước Mỹ. Cả thế giới khan hiếm USD, Việt Nam không ngoại lệ.

Gần đây nhất, số liệu (cập nhật tới tháng 8/2022) công bố bởi Bộ Tài chính Hoa Kỳ về dòng vốn ngoại đổ vào trái phiếu chính phủ Mỹ, chỉ trong 8 tháng năm 2022, vốn ngoại mua ròng đổ vào TPCP Hoa Kỳ (tính riêng cho loại trung và dài hạn) đã lên tới 556,67 tỷ USD; mức cao kỷ lục trong giai đoạn 1978-2022 (so cùng kỳ)

Điều thú vị là, trong lúc các NHTW khắp toàn cầu đều đang bán USD để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ trong nước suốt 8 tháng qua thì khối tư nhân lại đang gấp rút đổ tiền về Mỹ mua TPCP trung và dài hạn để phòng ngừa rui ro tiền tệ và trú ẩn. Khối lượng mua ròng TPCP Mỹ tăng dần theo thời gian.


Chỉ riêng tháng 8/2022, con số này lên tới 172 tỷ USD, bằng 1/3 tổng vốn ngoại ròng đổ vào Mỹ từ tháng 1 -8/2022. Quyết tâm và thông điệp tăng lãi suất của Fed đã mạnh mẽ hơn nhiều kể từ tháng 8/2022 cho đến nay, đặc biệt khi OPEC+ cho biết sẽ cắt sản lượng cung dầu tới 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11/2022. Điều này có nghĩa, dòng vốn về Mỹ từ tháng 8/2022 cho tới hết năm 2022 còn có thể tăng tốc hơn nữa.

Khắp toàn cầu khan USD. Việt Nam cũng không ngoại lệ, nền kinh tế đang rơi vào tình trạng khan USD. Tỷ giá như một con diều đứt dây chỉ trong vài ngày qua.

2) VND tự do cán mốc 25.100 VND/USD


25.000 VND/USD là cột mốc tỷ giá chưa từng có trong lịch sử. Con số cao hơn, 25.100 VND/USD đã xuất hiện trên thị trường chợ đen (thị trường ngoại hối phi chính thức) hôm nay, ngày 21/10/2022.

Trong xu hướng dòng vốn đổ về Mỹ, các NHTW phải bán tháo dự trữ để hỗ trợ tỷ giá, Việt Nam không ngoại lệ. Mới tới giữa tháng 9/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải bán ra tới 21 tỷ USD để ổn định thị trường. Chưa có số liệu trong hơn một tháng qua NHNN bán ra bao nhiêu USD nhưng cơ quan này đã phải nới lỏng tỷ giá trung tâm để giá trị đồng VND 'có cơ hội' mất giá nhiều hơn theo đúng cung - cầu của thị trường.

Chỉ trong vài ngày, VND đã mất giá thêm 5%. Cú mất giá sốc gây hoảng loạn cho thị trường tiền tệ.

Thực ra, so với các nền kinh tế khác trên thế giới và khu vực, mức mất giá của đồng nộị tệ so với USD của Việt Nam còn thấp. Theo một thống kê trên trang Trading Economics, mức mất giá của đồng CNY (Trung Quốc) là 13,81%, của THB (Thái) là 15,34% và của JPY (Nhật) lên tới 32,5%...

3) Vì sao tỷ giá VND tăng sốc?


Giá cả quyết định bởi cung - cầu; rõ ràng cung ngoại tệ không đáp ứng được cầu ngoại tệ. Một trong số nguồn cung là dự trữ ngoại hối bán ra. Khoản dữ trữ ngoại hối mỏng đi sau khi đã đổ ra để kiềm chế tỷ giá từ tháng 5/2022 đến nay.

Nhưng ngoài dự trữ ngoại hối, đáng ngạc nhiên là cung ngoại tệ đang ở trạng thái rất tốt: (i) Việt Nam có thặng dư thương mại 5 năm liên tiếp sau hàng chục năm thâm hụt; (ii) nguồn vốn đầu tư trực tiếp vẫn chưa rời bỏ Việt Nam; ít nhất là chưa có dấu hiệu tháo chạy và Việt Nam vẫn đang hưởng lợi từ dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc; (iii) cuối cùng, dòng kiều hối của Việt Nam luôn khá cao và chưa hề có dấu hiệu giảm sốc.

Rõ ràng, khan USD đến từ vấn đề nguồn cầu ngoại tệ đã tăng cao hơn nhiều so với khả năng của cung và luôn khiến cung căng thẳng trong nhiều tháng. Điều này không khó dự báo.

Thứ nhất, do yếu tố mùa vụ. Thực tế, quý 4 luôn là rơi vào thời điểm mùa vụ cầu ngoại tệ tăng cao do nhập khẩu sản xuất phục vụ giáng sinh, năm mới. Dòng vốn nóng, theo thông lệ cũng rời bỏ thị trường tài chính vào quý 4 mạnh hơn bất kỳ thời điểm nào trong năm. Trong khi đó TTTC khắp toàn cầu đang lao dốc, dòng vốn nóng, ngắn hạn đổ về Mỹ như đã đề cập ở trên.

Thứ hai, buôn lậu vàng, USD chợ đen tăng giá. Giá vàng đang lao dốc do USD tăng giá. Trong khi một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang ngấp nghé. Khi khủng hoảng bùng nổ, vàng sẽ lên ngôi, chứ không phải USD. Đây là thời điểm tuyệt vời để tích trữ vàng. Thêm vào đó, giá vàng trong nước và thế giới chênh quá cao (15 -18 triệu đồng mỗi lượng); một khoảng trống về lợi nhuận đã được tạo ra. Điều này khuyến khích nhập khẩu lậu vàng vào Việt Nam. Vấn nạn nhập lậu vàng không chỉ xuất hiện trên các bản tin trên truyền hình và báo chí, số liệu phơi bày nhập lậu vàng (và cả hàng hoá khác) nằm ở khoản mục 'Lỗi và Sai sót' của Báo cáo Cán cân thanh toán quốc tế (công bố bởi NHNN hàng quý) cũng như biến động giá USD/VND ở chợ đen.

Thứ ba, tích trữ USD trong dân cao nhưng hệ thống NHTM không huy động được. Các lo sợ mất giá VND và trải nghiệm trong quá khứ đã tạo ra văn hoá tích trữ vàng, USD lớn trong dân cư. Đây là hai nguồn tài sản phòng lạm phát trong các hộ gia đình Việt Nam. Nhưng theo chính sách của NHNN, các NHTM phải huy động USD với mức lãi suất 0%. Điều này khiến một lượng lớn ngoại tệ tích trữ trong dân không chảy vào hệ thống NHTM. Các NHTM đang vật lộn với thanh khoản của cả VND và USD vì nợ xấu, yếu tố mùa vụ, khó khăn huy động do lạm phát kỳ vọng tăng,... Tất cả đang trở thành vòng kim cô siết chặt vào thị trường ngoại hối, khiến tỷ giá liên ngân hàng và chợ đen tăng kỷ lục như bây giờ.

Thứ tư, lý do cuối cùng nhưng lại là quan trọng nhất: nợ nước ngoài quốc gia (bằng USD) của Việt Nam quá cao. Nợ nước ngoài quốc gia/GDP ở mức dưới 50% được xem là an toàn. Quốc hội Việt Nam giao chỉ tiêu này cho Chính phủ. Chính phủ giao cho NHNN quản lý. Đã có những thời điểm, tỷ lệ này bị vượt tới 55% hoặc hơn; NHNN đã phải giải trình về khoản nợ vượt giới hạn rủi ro này trước Chính phủ. Sau đó, Việt Nam điều chỉnh quy mô GDP (đưa thêm vào đo lường các khu vực kinh tế phi chính thức), điều này giúp giảm tỷ lệ nợ nước ngoài quốc gia/GDP. Nợ nước ngoài quốc gia bao gồm cả nợ công và nợ tư.

Trong khi dự trữ ngoại hối mỏng, nền kinh tế có độ mở và rủi ro độ mở lớn nhất Đông Nam Á, khoản nợ nước ngoài quốc gia vượt ngưỡng rủi ro trong nhiều năm cũng là nguyên nhân khiến cầu USD trong nước phục vụ mục tiêu trả nợ tăng vọt, góp phần làm khan hiếm USD.

Nhìn lại, ngoài nguyên nhân khách quan, thì chính nguyên nhân chủ quan như cấu trúc của nền kinh tế, quy mô, cấu trúc của nợ, các chính sách quản lý của nhà nước bất cập về tỷ giá, vàng, buôn lậu, lạm phát... , vấn đề sức khoẻ của NHTM đã phối hợp một cách tiêu cực với nhau, tạo ra thời điểm khan hiếm USD như hiện nay.

4) Chúng ta cách khủng hoảng tiền tệ bao xa?

Câu hỏi mà tất cả chúng ta đều muốn nhận được câu trả lời thích đáng thời điểm khó khăn này là: chúng ta có đang hoặc phải đối mặt với khủng hoảng tiền tệ hay không?

Theo Reinhart, Carmen M. (2002), một cuộc khủng hoảng tiền tệ là một tình huống có nghi ngờ nghiêm trọng về việc liệu một ngân hàng trung ương của một quốc gia có dự trữ ngoại tệ đủ để duy trì tỷ giá cố định của nước này hay không.

Thường thì, một cuộc khủng hoảng tiền tệ phát sinh từ thâm hụt cán cân thanh toán thường xuyên, và do đó cũng được gọi là cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán. Nhưng đây không phải là tình huống hiện tại trong cán cân thanh toán của Việt Nam, vốn duy trì thặng dư suốt 5 năm nay (như phân tích ở trên).

Nhưng ngược lại, do độ mở quá lớn, do nợ nước ngoài quốc gia ở mức cao, do buôn lậu và không huy động được USD dự trữ trong dân (cũng không ngăn dược dân mua USD dự trữ ngoại hối), cầu USD đang tăng cao và rõ ràng là thị trường đang nghi ngờ liệu NHNN có đủ dự trữ ngoại tệ để duy trì tỷ giá, tránh tăng sốc cho nền kinh tế hay không?

Không có khái niệm được chấp nhận rộng rãi về khủng hoảng tiền tệ, thường được coi là một phần của cuộc khủng hoảng tài chính. Kaminsky et al. (1998), xác định các cuộc khủng hoảng tiền tệ như khi một trung bình trọng số tỷ lệ phần trăm suy giảm hàng tháng trong tỷ giá hối đoái và tỉ lệ phần trăm hàng tháng giảm dự trữ ngoại hối vượt quá mức trung bình của nó bởi hơn ba độ lệch chuẩn. 

Đơn giản hơn, Frankel và Rose (1996) định nghĩa một cuộc khủng hoảng tiền tệ như là một sự suy giảm danh nghĩa của một loại tiền tệ ít nhất 25%, các tác giả này cũng xác định rằng nếu tỷ giá danh nghĩa mất 10% thì cần được xem như một cảnh báo sớm về khủng hoảng tiền tệ.

Với các quan điểm và định nghĩa như thế này, Việt Nam chưa chạm tới một cuộc khủng hoảng tiền tệ thực sự, nhưng rõ ràng đã ngấp nghé mức này khi đồng VND mất giá tới 9%. Hồi chuông cảnh báo sớm đã vang lên.

Quan trọng hơn, như phân tích ở trên, nếu VND có thể mất giá trong kiểm soát; một lộ trình mất giá có tính toán thì sẽ không thúc đẩy thị trường hoảng loạn về tâm lý. Điều này có thể giúp giảm cầu mua USD để trú ẩn trong dân cư.

Rõ ràng, NHNN chưa làm tốt trong điều hành chính sách tỷ giá. Một dự báo chính sách sớm, các cảnh báo sớm đáng lẽ nên được thiết lập sớm hơn chứ không phải là sự 'ổn định' đầy bất an. Nhớ lại, vào khoảng quý 2/2022 cơ quan này còn báo cáo trước Quốc hội rằng chính sách quản lý vàng của NHNN đã không tác động tới thị trường ngoại hối, tỷ giá, góp phần giảm tích vàng trong dân. Lời hồi đáp của thị trường, như chúng ta đã thấy, khác xa so với quan điểm chính sách này.

Chỉ số độ mở nền kinh tế là tổng kim ngạch XNK/GDP, của VN đang trên mức 200%, lớn hơn nhiều so với Thái Lan (120%), Singapore (170%), kết hợp với nợ nước ngoài quốc gia lớn trong bối cảnh Fed tiếp tục hút tiền khắp toàn cầu về Mỹ bằng chính sách lãi suất diều hâu, khả năng đồng VND, dù chậm mất giá hơn các đồng tiền khác, nhưng sớm lạc bước vào một cuộc khủng hoảng tiền tệ là hoàn toàn có thể.

nguồn: Trên mạng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét