Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

Leo núi thăm Đền Gióng và Chùa Non Nước

Leo núi thăm Đền Gióng và Chùa Non Nước
Thực hiện chương trình "2 tuần 1 điểm leo núi", sau các chuyến lên Ba Vì, Tam Đảo, Tây Thiên..., cách đây 2 tuần tôi và TS Lê Nhật đã có chuyến dạo chơi trên đồi Đá Chông, thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì; đây là địa điểm nơi gìn giữ thi hài của Bác Hồ từ 1969 - 1975 còn gọi là Khu di tích K9. 
Hôm nay tôi lại trở núi Tam Đảo nhưng là đến núi Sóc (còn gọi là núi Mã, núi Đền, núi Vệ Linh). Đây là ngọn núi lớn đầu tiên của dãy Tam Đảo về phía Đông Nam, nằm trên địa phận huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Sóc (朔) là một từ Hán Việt cổ, có nghĩa là phương bắc. Tên gọi này xuất phát từ vị trí địa lý khi đỉnh núi Sóc nằm gần theo hướng chính Bắc so với Kinh thành Thăng Long xưa.

Núi Sóc trải dài khoảng 6 km theo hướng chính là Đông Bắc - Tây Nam, bao phủ một diện tích khoảng 15 km² , nằm trên địa phận các xã Phù Linh, Nam Sơn, Quang Tiến, Tiên Dược và Hồng Kỳ. Núi Sóc bao gồm hai khối núi lớn và nhiều gò đồi nhỏ xung quanh, với đỉnh cao nhất là đỉnh Vệ Linh có độ cao 308 m. Núi Sóc và dãy Tam Đảo đã hình thành bởi hoạt động núi lửa cách đây 230 triệu năm. Đất ở đây chủ yếu là feralit phát triển trên đá trầm tích.

Theo truyền thuyết, núi Sóc là nơi Thánh Gióng bay về trời sau khi đánh đuổi giặc Ân. Các câu chuyện về Sóc Thiên Vương được ghi chép trong nhiều tài liệu cổ của dân tộc như Việt điện u linh tập, Lĩnh Nam chích quái, Đại Việt sử ký toàn thư,... Truyền thuyết có nhiều dị bản, nhưng về cơ bản đều có chi tiết Thánh Gióng sau khi đánh đuổi quân giặc đã cưỡi ngựa lên đỉnh núi Vệ Linh rồi bay thẳng lên trời, từ đó không thấy trở về nhân gian.

Cảnh quan thiên nhiên vùng núi Sóc chủ yếu là rừng cây tự nhiên xen lẫn rừng trồng bao phủ đồi núi với những suối cạn; rừng thông rậm rạp được phủ kín bởi guột dưới mặt đất; và những khoảng đồi trống thường được sử dụng làm nơi cắm trại cho các nhóm đi dã ngoại. Dưới chân núi là nhiều hồ nước đẹp, trong đó có hồ Đồng Quan là hồ nhân tạo lớn nhất của huyện Sóc Sơn.

Trước đây, đỉnh Vệ Linh chỉ có đường mòn xuyên rừng đi lên, hiện nay, ngoài con đường lớn cho xe cơ giới dẫn lên tượng đài Thánh Gióng (đường mầu hồng, dài 5 km), còn có 2 con đường khác được xây bậc thang bằng gạch (dài 1,6 km), cho phép du khách trải nghiệm leo bộ lên đỉnh núi từ đền Sóc hoặc chùa Non Nước.

Hôm nay tôi đã leo lên đỉnh Vệ Linh chính bằng 2 con đường gạch này (các tuyến đường mầu vàng). Dù độ cao chỉ hơn 300 mét, nhưng các đường leo lên đều khá dốc nên đối với người bình thường leo cũng rất mệt. Dọc đường leo lên và đi xuống trên cả 2 con đường này, tôi không gặp bất cứ người nào leo bộ, dù có khá đông người trên đỉnh núi. Chắc tất cả họ đều đi lên bằng ô tô và xe máy.

Theo kế hoạch, sau khi tham quan khu du lịch và di tích núi Sóc và tượng đài Thánh Gióng, tôi sẽ đi xuyên rừng trên núi (đường mầu xanh đậm) sang thăm Linh Từ Ngai Vàng Đền Mẫu và Việt Phủ Thành Chương. Rất tiếc, khi hỏi người dân địa phương về tuyến đường xuyên rừng này, thì tất cả đều bảo không có, còn cố tình xuyên rừng đi thì rất nguy hiểm vì có nhiều động vật hoang dã, nhất là rắn rết rất to, ong vò vẽ rất nhiều... Thế nên kế hoạch này đã bị phá sản.

Mỗi lên leo núi thế này, tôi lại nhớ tới câu nói vô cùng sâu sắc của danh y Hy Lạp Hippocrat cách đây 2400 năm: 

(1) Bác sĩ tốt nhất là chính mình (ăn uống khoa học, thể dục đều đặn, không rượu không thuốc, cân nặng vừa phải..., thì tự cơ thể sẽ chữa mọi bệnh cho mình)

(2) Liều thuốc tốt nhất là thời gian (phòng bệnh hơn chữa bệnh, phát hiện và điều trị bệnh càng sớm càng tốt); 

(3) Cách sống tốt nhất là tâm lý cân bằng và bình ổn và 

(4) Thể dục tốt nhất là đi bộ; không có môn thể thao nào tốt bằng đi bộ. Toàn bộ kết cấu của cơ thể con người đều nhằm phục vụ cho việc đi bộ. Đi bộ là nguồn gốc của sự sống và sức khỏe. Tất cả những người sống thọ đều đi bộ và chăm chỉ lao động.
---------------------------

Quần thể di tích Đền Gióng - Sóc Sơn nằm ở khu vực núi Vệ Linh – hay còn gọi là núi Sóc, thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Khởi nguồn của quần thể di tích này chỉ là một miếu thờ Phù Đổng Thiên Vương rất nhỏ và chùa Non Nước được xây dựng từ thời Vua Đinh Tiên Hoàng. Trong cuộc đấu tranh chống giặc Tống, vua Lê Đại Hành cùng các tướng sĩ trên đường hành quân đã vào làm lễ cầu Thánh Gióng phù hộ cho trận chiến và sau đó quân Tống thua lớn nên khi quay về, vua Lê Đại Hành đã vào lễ tạ và sai người tìm gốc trầm hương để tạc tượng thần và cho xây dựng khu vực này thành khu vực đền rất uy nghi và phong thành Đền Phù Đổng Thiên Vương. Khu vực này được xếp hạng Di tích Quốc gia vào năm 1962.



Quần thể di tích Đền Gióng - chùa Non Nước ngày nay có một quy mô khá rộng bao gồm khu vực đền Gióng hay còn gọi là đền Sóc Sơn nằm dưới chân núi (có đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng). Chùa Non Nước nằm kế bên và có đường thông sang khu vực đền Gióng ở trên sườn núi. Ngoài ra trên đỉnh núi Đá Chồng sau lưng đền còn có tượng đài Thánh Gióng bằng đồng rất lớn.



Riêng tượng đài Thánh Gióng bạn có hai đường để đi lên. Đường thứ nhất là đường lớn phía sau núi dành cho ô tô xe máy có thể lên đến chân tượng đài, sau đó leo bộ một đoạn bậc tam cấp là tới nơi.



Quãng đường từ cổng đền Sóc (Là điểm trên bản đồ ghi Học viện Phật Giáo Việt Nam) lên đến tượng đài Thánh Gióng theo cách thứ nhất khoảng 4km nhưng lại nhàn hạ không mất sức do di chuyển bằng xe đến tận nơi. Còn cách thứ hai là bạn phải leo bộ theo đường núi phía sau chùa Thượng (vị trí trên bản đồ ghi là Đền Sóc Sơn) theo kiểu trekking, cần nhiều sức lực và thời gian hơn.



Lộ trình trong bài viết này sẽ đi thành một vòng tròn. Đầu tiên sẽ vào các đền chùa dưới chân núi (Đền Sóc), sau đó leo bộ theo đường núi lên tượng đài Thánh Gióng. Từ tượng đài sẽ theo đường xe sau núi quay trở lại ghé thăm chùa Non Nước, sau đó từ chùa Non Nước đi xuyên trở lại đền Sóc Sơn và kết thúc hành trình ở đây. Nếu bạn không muốn vất vả, bạn hãy ghé thăm đền Sóc Sơn, chùa Non Nước. Sau đó ra ngoài lấy xe chạy thẳng lên tượng đài trên đỉnh núi là kết thúc hành trình.

1- Đền Sóc Sơn và tượng đài Thánh Gióng

Đền Sóc là nơi thờ Thánh Gióng, một trong 4 vị Tứ Bất Tử của tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam. Ông là vị Thánh tượng trưng cho tinh thần chống giặc ngoại xâm và sức mạnh của tuổi trẻ



Từ Hà Nội, người ta có thể đến đền Sóc bằng xe bus, nhưng các tuyến bus chỉ dừng ở ngoài ngã ba vào đền, cách đền khoảng 3km nữa nên nếu đi xe bus bạn vẫn phải bắt xe ôm thêm một đoạn.



Sau đó, từ bãi gửi xe vào đến trong đền bạn sẽ phải đi bộ tiếp thêm một đoạn nữa và sẽ ngang qua lối vào chùa Non Nước. Những ngày lễ hội rất đông người và nhiều hàng quán.



Cổng của đền Sóc xây gạch kiểu tứ trụ, hai trụ lớn có đỉnh trụ đắp nổi hình bốn chim phượng, đuôi chụm vào nhau, tạo thành hình trái giành cách điệu, bên dưới là các ô lồng đèn, đắp nổi đề tài “tứ linh”, “tứ quý”, thân trụ đắp nổi các câu đối chữ Hán.



Nếu tính theo con đường lớn thẳng giữa cổng chính đi vào thì bên tay trái sẽ lần lượt là đền Trình (hay còn gọi là đền Hạ) chùa Đại Bi và đền Thượng. Còn bên tay phải có đền Mẫu nằm gần hồ (nơi thờ mẹ Thánh Gióng) đối xứng với đền Trình. Do vậy nếu bạn muốn đi một lượt rồi lên thẳng tượng đài Thánh Gióng bằng đường núi bạn phải vào đền Trình, qua đền Mẫu rồi mới đi chùa Đại Bi và đền Thượng.



Đền Trình (đền Hạ) là nơi thờ quan thần linh núi Sóc. Truyền thuyết kể rằng tướng quân Lê Hoàn của nhà Đinh lúc lên ngôi vua (vua Lê Đại Hành) trên đường đánh giặc đã hành quân qua đây đã được thần núi Vệ Linh trợ giúp thánh giá nên đánh đâu thắng đấy. Ngày khải hoàn ông đã cho dựng đền đúc tượng phong là "Thánh Thần Vương".


Đền Hạ có kết cấu hình chữ nhị, gian trước là Đại bái, gian sau là Hậu cung.


Phía bên trong đều được trang trí họa tiết rồng mây, sơn son thếp vàng rất đẹp.


Đền Mẫu nằm gần hồ dưới những tán cây cổ thụ lớn. Đền là nơi thờ thân mẫu của Thánh Gióng. Trước cửa đền có một giếng nước, thành giếng xây bằng đá ong.



Dân gian kể rằng khi xưa Thánh Gióng đã không nhận vinh hoa phú quý của vua ban mà chọn đỉnh núi Đá Chồng siêu thoát về trời. Tạ ơn sinh thành, Ngài xuống ngựa quay về hướng quê hương nơi mẫu thân đang sống quỳ lạy. Để tưởng nhớ công ơn nên nhân dân đã lập đền thờ mẫu thân của Ngài.



Trước khi lên đền Thượng bạn sẽ đi qua chùa Đại Bi, được cho là nơi Thánh Gióng dừng chân trước khi bay về trời. Trước đây, Khuông Việt Đại Sư đã từng lập am tu hành ở đây và được Tỳ Sa Môn Thiên Vương báo mộng.



Sau đó ông đã sai người khắc tượng như đã thấy trong giấc mộng để thờ và chính là chùa Đại Bi sau này.



Cuối cùng là đền Thượng nằm trên một khu đất cao, tựa lưng vào núi. Phía trước có hồ nước. Cổng vào của đền Thượng bố cục giống hệt cổng vào phía ngoài của khu di tích. Đền Thượng là nơi thờ Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương.


Phía trước cổng đền Thượng là những linh vật đang đứng chầu.



Đền gồm có Tiền Tế, Trung Cung và Hậu Cung. Ở phía ngoài Tiền Tế là những đồ được sử dụng trong lễ rước ngày hội Đền Sóc. Chính hội đền Sóc luôn có hai nghi lễ không bao giờ thiếu đó là nghi lễ chém tướng và tục cướp hoa tre (hay còn gọi là roi ngựa của Gióng). Hoa Tre được rước từ đình làng Vệ vào đền Thượng vào sáng ngày 6 tháng giêng, còn lễ chém tướng ở đồi Yên Ngựa gần ngã ba khu vực đền như một nghi thức chứng minh cho chiến thắng của Thánh Gióng khi xưa đã dùng tre ngà đánh bại giặc Ân khỏi bờ cõi nước ta.

Hoa tre thực chất là những thanh tre dài khoảng 50cm, rộng 1cm, đầu tre vót xơ bông và nhuộm các màu, chủ yếu là màu vàng. Nhiều năm trước đây việc cướp hoa tre trong ngày lễ hội đã thành một nhức nhối khi có lúc xảy ra các hiện tượng xô lấn, đánh nhau và đầy bạo lực. Những năm sau này khi ban tổ chức thay đổi cách thức chỉ rước và phát hoa tre chứ không để cướp tự do giúp cho lễ hội ổn định hơn.



Bạn đi qua Tiền Tế là Trung Cung và cuối cùng là Hậu Cung. Hậu Cung khá nhỏ lối vào lễ bái chỉ vừa một người nên bạn sẽ phải xếp hàng không được gây ồn ào và chen lấn.



Đường bộ lên tượng đài Thánh Gióng nằm về phía sau đền Thượng. Vì ở đây có cả đường thông sang bên chùa Non Nước nên bạn có thể hỏi người dân để đi đúng đường.



Để lên đến đỉnh núi Đá Chồng nơi có tượng đài đối với một người bình thường phải mất cỡ chừng 3 lần nghỉ mệt là bạn lên tới nơi. Đường bậc thang tam cấp rất dễ đi nhưng vì leo từ dưới chân núi lên đến đỉnh nên nếu đi vội bạn sẽ khá mệt.


Gần đến chân tượng đài bạn sẽ nhìn thấy toàn cảnh Sóc Sơn ở phía dưới.



Tượng đài Thánh Gióng trong một khuôn viên trên đỉnh núi rất rộng. Tượng trong tư thế Thánh Gióng cầm cây tre bay về trời. Bức tượng này cao 11,7 mét, nặng 85 tấn được đúc bằng đồng và hoàn thành vào năm 2010. Đây là công trình văn hóa chào mừng kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Các nhà tâm linh cho rằng pho tượng Thánh Gióng ngự ở vị trí này có thể phóng tầm nhìn bao quát toàn cõi đất Việt, trở thành vị thần "hộ quốc an dân".


Nếu như bạn không muốn quay lại con đường cũ (tuy nhiên leo bộ xuống núi bằng đường cũ sẽ rất tiện vì có thể đi xuyên sang chùa Non Nước), bạn có thể đi thẳng tiếp xuống chân đường lớn dành cho ô tô và xe máy phía sau núi.


Ở chân tượng đài phía này có rất nhiều xe ôm chờ khách.

Mặc dù vậy, rất nhiều du khách sẵn sàng đi bộ để trải nghiệm toàn bộ hành trình.

2- Chùa Non Nước

Chùa Non Nước nằm trong quần thể Khu di tích đền Sóc. Chùa là ngôi cổ tự linh thiêng với hơn 1.000 năm tuổi, gắn liền với vị quốc sư đầu tiên của Việt Nam, Khuông Việt Đại Sư, cũng là cháu đích tôn của Ngô Quyền.

Từ phía ngoài cổng khu di tích đi bộ lên chùa cũng không hề ngắn.


Vào những ngày lễ, bạn phải gửi xe ở phía ngoài trong khu Bảo Tàng của Học Viện Phật Giáo Việt Nam (ngay gần cổng chào của chùa) và đi bộ lên thì tổng quãng đường bạn đi bộ hết cả khu đền Sóc và chùa Non Nước là khá nhiều.


Chùa Non Nước của ngày nay được xây với quy mô rất hoành tráng. Lối lên trồng nhiều cây hoa đào. Mùa xuân, hoa đào ra hoa tươi thắm cả góc sân.



Chùa Non Nước tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền Tự. Chùa có không gian thiên nhiên khoáng đạt, yên tĩnh. Chính điện của chùa có tới 80 cột lim. Đây cũng là ngôi chùa có số cột gỗ lim trong chính điện nhiều nhất nước ta



Chùa có tượng Phật Tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối lớn nhất nước, tượng nặng 30 tấn, cao hơn 8m (kể cả bệ đá), đươc đặt chính giữa chùa. Pho tượng là một kiệt tác lớn nhất trong tất cả các pho tượng Phật liền khối ở khu vực Đông Nam Á. Bảo tượng được nghệ nhân Vũ Duy Thuấn thực hiện tại thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.



Trong cuốn “Thiền Uyển Tập Anh” và “Đại Việt Sử ký toàn thư” ghi rất rõ: Vị thiền sư đầu tiên trụ trì Sóc Thiên Vương Thiền Tự tên là Ngô Chân Lưu (933-1011), hậu duệ của Ngô Quyền. Năm 971, ông được vua Đinh Tiên Hoàng phong hiệu Khuông Việt Quốc sư. Đó là vị thiền sư đầu tiên được nhà nước phong kiến của Việt Nam phong tặng danh hiệu Quốc sư


Lịch sử ghi nhận vị Quốc sư này cùng Vạn Hạnh Thiền sư đã phù trợ đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long, mở đầu cho thời kỳ hưng thịnh nhất của lịch sử Việt Nam.



Khuông Việt Quốc sư trở thành Việt Nam tam triều Quốc sư (trải ba triều Đinh - Lê - Lý). Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử và thiên nhiên, Sóc Thiên Vương Thiền Tự đã từng bị chôn vùi hoàn toàn.


Sau khi nền chùa cũ được phát hiện, năm 2002, chùa được xây dựng trên nền đất cũ, thuộc sườn núi Non, phía Nam núi Nhà Bia.



Khi bạn qua những lối cầu thang xếp lớp nối nhau dọc theo sườn núi lên đến gian thờ cuối cùng của chùa, ở độ cao đó bạn sẽ thấy toàn cảnh của chùa Non Nước, với những không gian vô cùng phóng khoáng. Thẳng dọc phía cuối tay phải bên sân ngoài là đường thông sang bên đền Gióng.


Con đường này sẽ đưa bạn đi qua Nhà Bia.



Nhà bia này hoàn toàn khác với các nhà bia ở các đình chùa khác, hoàn toàn được xây dựng bằng đá phiến, phần thân nhà vững chãi gắn liền với đỉnh hình chóp nón, trông xa giống như chiếc mũ sắt của Thánh Gióng năm xưa. Theo người dân nơi đây, nhà bia đã tồn tại hàng trăm năm.

Lễ hội Gióng Đền Sóc diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm với nhiều các hoạt động nhộn nhịp. Trước ngày hội diễn ra, bảy thôn làng đại diện cho bảy xã chuẩn bị lễ vật trong ngày mở đầu hội chính. Nhưng nghi lễ đặc biệt sẽ được làm vào đêm mùng 5 đó là lễ Dục Vọng để mời ông Gióng về với các lễ vật, lễ phẩm đã được chuẩn bị chu đáo với lòng thành kính, mong đức Thánh Gióng phù hộ cho dân làng có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra, trong hội còn có nhiều trò chơi dân gian sôi động như đấu vật, cờ tướng, hát ca trù, hát chèo… Ngày chính hội là mùng 7, ngày thánh hoá theo truyền thuyết. Ngày khai hội, dân làng và khách thập phương dâng hương, đúng nửa đêm có lễ khai quang – tắm cho pho tượng Thánh Gióng. Nghi lễ chủ yếu trong ngày chính hội là dâng hoa tre ở đền Sóc và chém tướng giặc. Vào những ngày đầu xuân, bạn hãy dành thời gian để tham gia lễ hội đền Sóc nhé.

nguồn: Trên mạng.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét