Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2022

Ngẫm nghĩ về cái chết

Đọc đoạn này thấy buồn quá: "Một cô giáo trẻ ở Quy Nhơn đã tự sát để lại thư tuyệt mệnh: “Em mong khi em đi rồi, tuyệt đối không cho một ai là giáo viên đến viếng em. Nếu em được sống các kiếp tiếp theo, em không bao giờ ước một cái nghề cao quý này cả…". Giáo dục là một trong những ngành tệ hại nhất ở VN. Suốt mấy chục năm nay, chẳng có ông Bộ trưởng giáo dục nào có đủ tư cách của kẻ làm người. Không chỉ ở Quy Nhơn mà ở bất cứ trường học nào trên cả nước, đa số giáo viên đều cảm thấy mình cô độc trên bục giảng và xa lạ giữa các đồng nghiệp của chính mình. Tất cả đều ở trạng thái bằng mặt chứ không bằng lòng. Ngành giáo dục nằm dưới sự quản lý tuyệt đối và kỷ luật sắt của các phòng, sở, bộ giáo dục và sự chuyên quyền độc đoán của các hiệu trưởng, trưởng khoa do nhà nước bổ nhiệm chứ không phải do giáo viên của các trường bỏ phiếu lựa chọn một cách tự do dân chủ. Nhà nước chính trị hoá giáo dục làm quyền tự do học thuật cũng biến mất. Giáo viên trở thành những cỗ máy phải làm việc và giảng dạy theo ý lãnh đạo bộ, trường và những kẻ mồm to mặt lớn trong khoa, trong trường… Nhưng vì sự sinh tồn của cả gia đình nên giáo viên đành chấp nhận vì không còn con đường sống nào khác. Đôi người như cô giáo ở Quy Nhơn đã tuyệt vọng đến mức tự giết chính mình, nhưng rồi cũng không có giáo viên, học trò nào xuống đường bày tỏ thương tiếc, sẻ chia. Và bộ máy nhà nước, bộ máy truyền thông thì giả vờ quan tâm đến cô nhưng khi đưa tin thì viết tắt tên cô và không đưa hình ảnh cô. Rồi cái chết của cô sẽ nhanh chóng bị lãng quên như hòn bi rơi xuống biển nước. Tôi đã đôi lần tham gia các sự kiện ủng hộ những nạn nhân của chế độ như thế này, nhưng rồi cuối cùng cũng đành chán nản bỏ cuộc và trở thành người vô cảm. Khi Bộ Công an cho người đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều tra, tìm hiểu về tôi, có đồng chí lãnh đạo đã nhắc nhở "Trứng chọi đá, đừng tham gia nữa...". Trong khi thực tế vô cùng đau xót thì những nhà lãnh đạo quốc gia cứ như đang bay trên mây. Có vị còn dõng dạc “Mặc dù nền giáo dục của chúng ta vẫn còn những hạn chế, xã hội vẫn còn nhiều mong muốn nhưng nhìn tổng thể giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ”. Cứ thế này thì biết đến bao giờ đất nước mới sánh vai với các cường quốc năm châu, đến bao giờ người giáo viên mới có được nhân phẩm, tư cách đúng nghĩa của nghề giáo ? Nhiều lúc tôi cũng giống như cô giáo ở Quy Nhơn, cảm thấy cuộc sống ở VN quá vô nghĩa, sống đến bây giờ đã quá đủ rồi, ra cầu Nhật Tân nhảy xuống thôi.
Ngẫm nghĩ về cái chết
Kỳ Thanh - Tháng 9-2022, thế giới đã chứng kiến hai quốc tang ở hai quốc gia quân chủ lập hiến, đều lấy Mặt Trời làm biểu trưng cho đất nước, cho dân tộc mình.

Người dân Iran biểu tình chống lại luật lệ hà khắc.
Phía đông là nước Nhật: hậu duệ của Thái Dương Thần Nữ “mặt trời sáng tỏa Phương Đông”, với quốc tang của cựu Thủ Tướng Shinzo Abe.

Phía tây là nước Anh: mặt trời chưa bao giờ lặn “ở xứ sương mù”, với quốc tang của Nữ Hoàng Elizabeth II.

Hai xứ sở “mặt trời” đã từng có quá khứ huy hoàng, hùng mạnh; một thời “làm mưa làm gió” hét ra lửa với các nước láng giềng và thế giới. Hãy để lịch sử sẽ phán xét sau.

*

Tháng 9 - 2022, đất nước Iran rúng động bởi cái chết của cô gái trẻ 22 tuổi Mahsa Amini, tạo nên làn sóng biểu tình dữ dội của phụ nữ Iran chống lại luật lệ hà khắc tại nước này.

Một cô gái chỉ vì muốn thả tóc cho gió bay giữa đường phố, xóm thôn để rồi bị đám cảnh sát đánh chết. Hàng ngàn các cô gái khác xuống đường. Truyền thông đưa họ tên cô và hình ảnh cô rõ ràng. Cô gái Iran bị giết chết bất ngờ nên không có thư tuyệt mệnh.

Cũng tháng 9 – 2022, tại Quy Nhơn (Việt Nam) một cô giáo trẻ đã tự sát để lại thư tuyệt mệnh: “Em mong khi em đi rồi, tuyệt đối không cho một ai là giáo viên đến viếng em. Nếu em được sống các kiếp tiếp theo, em không bao giờ ước một cái nghề cao quý này cả…"


Lá thư tuyệt mệnh của cô giáo tại Quy Nhơn.

Một cô gái thấy cô độc trên bục giảng và thấy xa lạ giữa các đồng nghiệp đã tự giết chính mình. Không giáo viên, học trò nào xuống đường hết. Truyền thông viết tắt tên cô: V.T.H.P. và không đưa hình ảnh cô. Cô giáo Việt Nam chuẩn bị cái chết của mình để lại thư tuyệt mệnh.

*

Ngắm nhìn chiếc quan tài của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ (Việt Nam) và chiếc quan tài của Tổng Giám Mục Desmond Tutu (Cộng hòa Nam Phi) ít nhiều cũng nghĩ rằng: Hai vị đều Đạo cao, Đức trọng, giữ vị trí cao trong Giáo hội. Nhưng sao Lễ tang và 2 chiếc quan tài lại khác nhau đến thế?

Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ cả đời: sống giản dị, tụng kinh, viết sách, tu tập. Đối với người dân, Đại lão Hòa thượng không chỉ là một vị cao tăng uyên thâm Phật pháp, đức hạnh vẹn toàn mà còn là một nông dân thực thụ.

Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ cả đời, sống chân tu theo lời Phật dạy đến khi Ngài viên tịch, mà lại có chiếc quan tài khủng như vua chúa, là sao?



Vì sao Đại lão Hòa thượng lại bị rơi vào “hội chứng” của một thứ văn hoá “xa lạ” với (lời Phật dạy), với truyền thống văn hoá Phật giáo, với dân tộc, và với những giá trị Chân, Thiện, Mỹ phổ quát của nhân loại? Trách nhiệm này thuộc về ai? Ai đã xa rời những lời Phật dạy?

Tổng Giám Mục Desmond Tutu là nhân vật vĩ đại và tên tuổi vang danh toàn cầu. Ngài là người đấu tranh không mệt mỏi chống chế độ phân biệt chủng tộc, chống chia rẽ các sắc tộc, đòi dân chủ, bình đẳng cho các tầng lớp bị áp bức. Ngài là biểu tượng của tinh thần đấu tranh phi bạo lực và tấm gương về đạo đức của người dân Nam Phi.

Lễ tang của Đức Tổng Giám Mục Tutu diễn ra trong một nhà thờ tại Cape Town, nơi được trang trí với bức hình của Ngài và chỉ với một vòng hoa cẩm chướng từ gia đình, như Ngài mong muốn.



Quan tài của Ngài chỉ là một chiếc quan tài bằng gỗ rẻ tiền với những đoạn dây thừng đơn sơ (để nhấc lên, di chuyển).

*

Sống và chết là do bởi số mệnh. Đời người tuy dài mà lại ngắn, trăm năm qua đi chỉ như cơn gió thoảng. Yêu ghét vui buồn, giàu sang, chức vị, cuối cùng cũng chẳng khác nào mây bay khói tỏa. Sống ung dung, đối diện vô thường, không cầu danh cũng chẳng mong gì lợi lộc, bởi trên đời vạn sự tùy duyên (lời Phật dạy).

Càng lớn tuổi, cảm nhận về tốc độ của thời gian càng nhanh hơn.Thời gian cho một đời người có giới hạn; vì vậy, hãy tận hưởng quỹ thời gian quí báu còn lại của cuộc đời. Mỗi ngày hãy tạo cho mình một niềm vui, ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua. “Kỷ sở bất dục, vật ư thi nhân” (những gì mà bản thân mình không thích, thì không nên cố làm cho người khác): là lẽ sống ở đời.

Kỳ Thanh, 01-10-2022.

Nguồn tham khảo:

FB Lưu Trọng Văn 27/09/2022.
“Suy nghĩ từ hai chiếc quan tài của hai vị tu hành” Mạc Văn Trang
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02n3mDBt6bC2APFzSacARDeXBY2vP2iiudH6AKnwZ8gR6KSSpTzo3okkWkeVWdEG12l&id=100009457401127

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-cua-chung-ta-chua-bao-gio-duoc-nhu-bay-gio-post192455.gd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét