Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2021

“LỊCH SỬ ĐEN” TẠI CỤC QUẢN LÝ DƯỢC ĐANG TIẾP DIỄN !

“LỊCH SỬ ĐEN” TẠI CƠ QUAN QUẢN LÝ DƯỢC BỘ Y TẾ VẪN ĐANG TIẾP DIỄN !
Fb Vân Hải Hoàng - Bộ Công an vừa có động thái rất được lòng dân là khởi tố đương kim Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Dược về trách nhiệm của ông này trong việc cấp “số đăng ký thuốc” để nhập khẩu thuốc chữa bệnh giả. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng rất được lòng dân khi lôi một loạt các quan chức và cựu quan chức Bộ Y tế ra thi hành kỷ luật, tạo điều kiện cho việc tẩy trừ các nhóm lợi ích để bước đầu làm trong sạch Bộ này.
Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người và văn bản cho biết 'ĐỪNG NGHĨ CHI PHÍ CHO VIỆC HỌC LÀ CAO CÁI GIÁ PHẢI TRẢ CHO SỰ NGU DỐT CÒN CAO HƠN NHIỀU'
Như đã đề cập hôm qua, việc đưa Thứ trưởng Cường và đám quan chức lũng đoạn Bộ Y tế ra xử lý mới chỉ giải quyết vấn đề trên ngọn. Bởi vì các nhóm lợi ích nhiều thế hệ bâu quanh Cục Quản lý Dược đã bám rễ thâm căn cố đế rất không dễ tẩy trừ. Trong 3 thập niên gần đây, thập niên nào cái Cục này cũng để lại nhiều vết nhơ nhưng đều bị "chìm xuồng".

Vào năm 2004, Báo Thanh Niên đã đăng 2 loạt bài. Loạt bài thứ nhất : Ai tạo thế độc quyền cho doanh nghiệp tăng giá thuốc ? gồm 6 kỳ do tôi và phóng viên Liên Châu viết. 

Loạt thứ hai : Lật lại hồ sơ vụ tham nhũng lớn tại Cơ quan quản lý Dược – Bộ Y tế, gồm 7 kỳ do tôi và phóng viên Võ Khối viết. Hai loạt bài đó tuy đăng đã lâu nhưng đề cập đến các yếu tố cốt lõi của những vấn đề thời sự đang diễn ra hiện nay : Các nhóm lợi ích câu kết với quan chức nhà nước tạo ra một cơ chế dung túng cho tham nhũng và kinh doanh độc quyền, vừa tăng giá thuốc vừa mở cửa cho thuốc kém chất lượng tràn vào Việt Nam. Đó là cơ chế ăn trên lưng người bệnh và hủy hoại sức khỏe giống nòi để phục vụ cho lòng tham vô đáy của một số người.

Đối với vụ tham nhũng lớn tại Cơ quan quản lý Dược, đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo điều tra xử lý, nhưng vụ tham nhũng vẫn bị “chìm xuồng”, sau đó rơi vào quên lãng. Điều đó cho thấy tập đoàn tham nhũng tại đây thế lực lớn đến cỡ nào và có những dây mơ rễ má sâu rộng tới đâu.

Đối với cơ chế tạo độc quyền tăng giá thuốc, điều nguy hiểm là cơ chế này đã ăn sâu vào hệ thống đến mức không thể sửa được. Tại thời điểm này, có thể một số thứ đã thay đổi, nhưng những vấn đề cốt lõi chỉ bị biến tướng khó phát hiện mà thôi.

Cơ chế độc quyền tăng giá thuốc chúng tôi đề cập trong loạt bài này xuất phát từ một “tử huyệt” của cơ chế cấp số đăng ký thuốc (SĐK). Trong một ma trận vô cùng rối rắm những quy định và thủ tục về cấp SĐK thuốc, rất ít người ngoài ngành quan tâm đến vấn đề này.

“Tử huyệt” đó là : SĐK thuốc được cấp cho các doanh nghiệp dược trong và ngoài nước, nhưng không phân biệt doanh nghiệp đó là hãng bào chế hay chỉ làm nhiệm vụ phân phối thuốc. Nếu chỉ cấp cho hãng bào chế thì không tạo ra độc quyền, còn cấp cho hãng phân phối thì tạo ra độc quyền. Vì khi hãng bào chế được cấp SĐK, họ có thể cung ứng thuốc được cấp SĐK cho nhiều hãng phân phối khác nhau để đưa vào thị trường Việt Nam. Còn khi hãng phân phối được cấp SĐK, thì muốn đưa thuốc vào thị trường Việt Nam, hãng bào chế chỉ cung ứng thuốc đó cho hãng phân phối được cấp SĐK, tất nhiên họ vẫn có thể cung ứng thuốc cho các hãng phân phối khác nhưng các hãng phân phối đó không đưa thuốc vào thị trường Việt Nam được.

Vì sao các SĐK thuốc lại dẫn đến sự độc quyền của các hãng dược nước ngoài?

Chúng ta đã biết, mỗi hoạt chất có thể có một hoặc nhiều tên thuốc (cũng có tên thuốc có chứa nhiều hoạt chất), mỗi tên thuốc được cấp một SĐK. SĐK chẳng qua là sự cho phép loại thuốc đó được lưu hành hợp pháp tại thị trường Việt Nam. Bởi vậy, nếu như SĐK chỉ được cấp cho hãng bào chế thì nhiều công ty phân phối có thể đến mua loại thuốc đó đưa vào thị trường Việt Nam, do vậy sẽ không dẫn đến độc quyền. Đằng này SĐK không chỉ cấp cho các hãng bào chế mà còn cấp cho các công ty phân phối thuốc. Vào lúc đó (năm 2004), đa số các SĐK thuốc đều thuộc sở hữu của các công ty không hề sản xuất thuốc, đó là những công ty phân phối, điển hình nhất là Zuellig Pharma. 

Khi một công ty phân phối sở hữu một SĐK thuốc thì lập tức công ty này trở thành độc quyền phân phối loại sản phẩm đó, vì hãng bào chế thường chỉ dành độc quyền cho công ty có SĐK được phân phối sản phẩm của họ vào Việt Nam. Các công ty kinh doanh dược phẩm khác tại Việt Nam muốn mua sản phẩm đó thì phải mua qua các nhà bán sỉ (với giá cao hơn), nhưng dù mua được cũng vô nghĩa vì không có SĐK thì không thể lưu hành tại thị trường Việt Nam.

Vào thời điểm chúng tôi viết loạt bài này (năm 2004) chỉ duy nhất Zuellig Pharma Singapore là công ty nước ngoài cung cấp vào Việt Nam thuốc của 27 nhà sản xuất lớn. Trong tổng số 180 hoạt chất mà công ty này cung cấp vào thị trường Việt Nam có 97 hoạt chất chỉ duy nhất có một SĐK, số hoạt chất có từ 2-5 SĐK là 65 và số hoạt chất có trên 5 SĐK của 1 đến 5 nhà sản xuất nhưng chỉ duy nhất do Zuellig Pharma cung cấp là 18 hoạt chất.

Cho nên, theo nhiều công ty dược, giải pháp quan trọng đầu tiên để chống độc quyền là Cục Quản lý dược chỉ cấp SĐK cho hãng bào chế, không cấp SĐK cho công ty phân phối. Kế đó là việc cho nhập khẩu thuốc song hành, nghĩa là cho các doanh nghiệp khác nhập khẩu chuyến các thuốc đã có SĐK.

Tuy nhiên, cả hai giải pháp nói trên vẫn chưa thể khắc phục được tình trạng độc quyền. Bởi lẽ, với tình trạng độc quyền được tạo ra cho đến lúc đó (2004), với gần 4.500 loại thuốc và 900 hoạt chất đã được cấp SĐK (thời hạn của mỗi SĐK là 5 năm, sau đó tiếp tục được gia hạn), những hãng dược khổng lồ đang án ngữ trên tất cả các lối vào của thị trường thuốc Việt Nam, những anh đi sau khó mà chen chân nổi.

Tại thời điểm chúng tôi viết loạt bài này (2004), thị trường tân dược đã bị án ngữ bởi các đại gia được cấp số SĐK. Đến thời điểm hiện tại (2021), sau khi nước ta gia nhập WTO, tình hình có nhiều đổi khác, việc phân phối thuốc được mở cửa rộng rãi cho các hãng dược nước ngoài, nhưng sự mở cửa này không có nghĩa là đã xóa được độc quyền phân phối thuốc.

Giới thiệu lại loạt bài nói trên, chúng tôi hy vọng các nhà báo khi viết về đề tài có liên quan nên tự mình khảo sát lại những quy định mới, đối chiếu với các quy định cũ để ghi nhận thực chất của những thay đổi và ý nghĩa của những thay đổi ấy , đồng thời nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia độc lập với cơ quan quản lý Dược Bộ Y tế, có như vậy mới mô tả được những bức tranh chân thực.

Riêng đối với trường hợp của Zuellig Pharma, tại thời điểm viết loạt bài nói trên, đây là vấn đề nhức nhối, nhưng hiện nay đã là chuyện lịch sử. Từ câu chuyện của Zuellig Pharma chúng tôi mới đào sâu vào vấn đề độc quyền, nay dẫn lại hoàn toàn không mang hàm ý làm ảnh hưởng đến uy tín các hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp này trong hiện tại. Và ngay cả thời kỳ đó, chúng tôi cũng đã không nói là Zuellig Pharma kinh doanh trái pháp luật.

Câu chuyện đăng ở kỳ 3 "Đường dây ma quỷ" bây giờ có thể đã thay đổi, chúng tôi không có điều tra cập nhật nên không biết ngày nay sự thật đang như thế nào. Tại kỳ 4 "Bộ Y tế tung hỏa mù", là câu chuyện diễn ra tại thời điểm đó, "truyền thống" này được tiếp nối ra sao thì chúng tôi không theo dõi.

Những gì mà chúng tôi điều tra và phân tích lúc đó có thể dẫn đến một kết luận đáng buồn : Bộ trưởng Y tế, dù là người nào, cũng không điều khiển được Cơ quan quản lý Dược với những quy định đã đóng đinh vào hệ thống, mà ngược lại, hoặc là bị Cơ quan này điều khiển, hoặc là phải rời khỏi nhiệm sở để bảo toàn danh tiết.

Hai loạt bài nói trên cũng bị "chìm xuồng" luôn. Bộ Y tế cũng như Cục Quản lý Dược không hề có bất cứ một phản đối nào xung quanh nội dung hai loạt bài, các "cơ quan chức năng" thì hoàn toàn im lặng. Họ lơ chúng đi là xong. Những chuyện chúng tôi đề cập trong hai loạt bài nói trên lâu nay báo chí không thấy đề cập đến, hoặc có thể có nhưng lọt khỏi tầm theo dõi của chúng tôi, điều đó cũng chứng tỏ có những rào cản vô hình trong việc tiếp cận thông tin.

Nhiều năm sau loạt bài nói trên, cơ chế cấp SĐK thuốc dù đã được nhiều người có trách nhiệm đề nghị chỉ cấp cho hãng bào chế để tránh độc quyền, nhưng người ta không những không tiếp thu mà còn đẩy cái “tử huyệt” này vào Luật Dược (2016). 

Điều 54, khoản 3 luật này quy định “Cơ sở được đứng tên đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong trường hợp sau đây : a) Cơ sở có hoạt động sản xuất, bán buôn, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam…). Khoản 2 Điều 55 lại quy định : “Cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong trường hợp sau đây: a) Thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam”. Nghĩa là cơ chế độc quyền tăng giá thuốc không những vẫn được duy trì mà còn được bảo vệ bằng luật. Soạn thảo những điều khoản này chắc chắn là các “chuyên gia” của Cục Quản lý Dược.

Trở lại trường hợp của “ông thần” Trương Quốc Cường vừa bị khởi tố. Với tư cách là Cục trưởng Cục Quản lý Dược, ông ta được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch thường trực “Hội đồng tư vấn cấp số đăng ký lưu hành thuốc” theo quyết định ngày 7-4-2015 của Bộ trưởng Y tế, một chức vụ thực quyền. Từ 11-5-2018, Hội đồng này đổi tên thành “Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc”, ông Cường với tư cách Thứ trưởng Bộ Y tế làm Chủ tịch Hội đồng, một chức vụ thực quyền hơn. Hội đồng này cũng có trách nhiệm phê duyệt cấp phép sử dụng khẩn cấp V/C.

Điều lạ lùng là cái Hội đồng do ông Cường có trách nhiệm thực quyền đã rất dễ dàng cấp số đăng ký thuốc để nhập thuốc giả và nhập thả cửa chất cấm Salbutamol, sử dụng để làm thuốc thì ít mà phục vụ cho tăng trọng trong chăn nuôi gây hại cho cộng đồng thì nhiều, trong khi đó hồ sơ v/c Nano Covax, dù đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia phê chuẩn thông qua đưa lên thì bị “dìm hàng” vô thời hạn. Phải biết hết “đường dây ma quỷ” trong việc xin cấp SĐK thuốc trong quá khứ mới có thể hiểu thực chất những vấn đề trong hiện tại.

Chúng tôi không có ảo tưởng rằng “cái lò” của Tổng Bí thư có thể “đốt” được tới đây, vì cả "củi khô" lẫn "củi tươi" khó có thể gom lại được mà đốt. Nó chỉ có thể được cải sửa kiên trì và tiệm tiến bởi những con người không phải là tác giả của cơ chế quản lý Dược hiện hành và không dính dáng xa gần với những lợi ích tạo ra từ cơ chế đó. Nó chỉ có thể là nhiệm vụ của một Chính phủ liêm chính. Bởi vậy chúng tôi thật sự vui mừng trước động thái của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Bộ Công an.

Nhưng muốn cải sửa thì trước hết phải mổ xẻ cho hết các khối ung nhọt cùng dây mơ rễ má của chúng. Đó là nhiệm vụ của các nhà báo và những người có trách nhiệm trong cộng đồng. Tôi phải nhấn mạnh đến “những người có trách nhiệm”, vì chửi bới mà xuất phát từ những thông tin suy diễn thiếu căn cứ không những không có lợi gì cho việc bảo vệ sức khỏe toàn dân mà còn tiếp tay cho các nhóm lợi ích cấu kết lại để đối phó.

HOÀNG HẢI VÂN
Do nhiều thay đổi về giao diện nên 2 loạt bài này không còn truy cập được trên Thanh Niên online. Chúng tôi vẫn còn ghi lại loạt bài “Ai tạo thế độc quyền cho doanh nghiệp tăng giá thuốc ? gồm 6 kỳ, có thể đọc tại đây :
Kỳ 1+Kỳ 2 : https://www.facebook.com/hksanh/posts/1556035001122221
Kỳ 3+Kỳ 4 : https://www.facebook.com/hksanh/posts/1556592244399830
Kỳ 5+Kỳ 6 : https://www.facebook.com/hksanh/posts/1557085934350461
Riêng loạt bài “Lật lại hồ sơ vụ tham nhũng lớn tại Cơ quan quản lý Dược – Bộ Y tế”, gồm 7 kỳ, chúng tôi không còn lưu giữ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét