Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2021

TẢN MẠN TRÊN ĐỈNH DỊCH

Tôi đồng ý với bác sĩ Sơn trong bài là chúng ta đang ở đỉnh dịch, và chỉ sau khoảng 1-2 tuần nữa là chúng ta có thể đi qua sườn bên kia của đỉnh. Quan sát hai đồ thị số ca nhiễm và số ca tử vong hàng ngày và trung bình 7 ngày thấy rõ điều đó. Từ khoảng ngày 25/8 đến nay, các đường này có xu hướng nằm ngang tức là đang ổn định ở đỉnh dịch. Ngay khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 1438/QĐ-TTg ngày 25/8/2021 kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, theo đó ông Chính thay ông Đam làm Trưởng Ban chỉ đạo, tôi đã nghĩ tới điều này. Nếu dịch vẫn đang trong xu thế bùng cháy dữ dội theo xu hướng tiến lên của giai đoạn trước thì ông Chính không dại gì thay ông Đam để gánh trách nhiệm. Còn nhớ năm 2020 cũng thấy, đến khoảng tháng 9/2020, khi tình hình dịch đã cơ bản được kiểm soát thì ông Phúc đột nhiên nhảy ra điều hành chống dịch hàng ngày rất sôi nổi, còn ông Đam mặc dù trên danh nghĩa là Trưởng Ban, nhưng thỉnh thoảng mới thấy xuất hiện. Như tôi đã viết nhiều lần, theo quy luật chung của các đợt dịch trước, dịch đến hoành hành chán rồi dịch sẽ tự đi; giờ là lúc nó sắp đi. Lúc nó lên ầm ầm thì không thấy ai nhận sai lầm và chịu trách nhiệm, nhưng khi nó đi thì sẽ lại có những màn tự khen và tung hô nhau chống dịch giỏi, chống dịch đại thành công như năm ngoái. Rồi thời gian sẽ trôi qua, mọi nỗi đau đều mờ dần, như nỗi đau của người dân SG trong bài dưới đây hay nỗi đau của người dân cả nước trong vô số bài khác... Nhưng câu hỏi "tình đồng bào ở đâu", "lương tâm ở đâu" chắc sẽ còn day dứt trong chúng ta nhiều năm. Tôi chỉ mong có một ngày, những người lãnh đạo quốc gia đột nhiên thức tỉnh, và họ biết cúi đầu xin lỗi người dân Sài Gòn, xin lỗi người dân cả nước về những sai lầm nghiêm trọng làm hơn 14.000 người tử vong và hàng vạn, hàng triệu gia đình lâm vào cảnh bi thương giống như lãnh đạo Nhật, lãnh đạo Hàn Quốc và  lãnh đạo nhiều nước vẫn làm. Khó lắm, nhưng dẫu sao tôi cũng vẫn mong, vẫn đợi, vẫn chờ.
TẢN MẠN TRÊN ĐỈNH DỊCH
FB Bs Võ Xuân Sơn - Nếu nói đỉnh dịch là khi số ca nhiễm tăng tới tối đa rồi giảm, thì bây giờ rõ ràng chưa phải đỉnh dịch. Nhưng tôi cho là chúng ta đang ở đỉnh dịch, và chỉ khoảng 1 tuần nữa, là chúng ta bắt đầu đi qua sườn bên kia của đỉnh, mặc dù tôi đã không theo dõi số ca mắc mới và số ca tử vong khá lâu rồi.
Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'Nhiễm Trungbình Trung bình 7 ngày Ngày 27/8 Nhiễm 17.409 Trung bình ngày: 12.431 13/6 6/7 28/7 19/8'Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'Tử vong -Trungbình7ngày Trung bình ngày Ngày 1/9 vong 803 Trung bình ngày 360 13/6 6/7 28/7 19/8'
Tôi chẳng mấy tin vào con số nhiễm được công bố hàng ngày. Tôi biết rất nhiều người bị nhiễm và tự ở nhà cách li, tự chữa nếu có triệu chứng, và không khai báo. Tôi không phản đối họ. Đó là lựa chọn của họ, phụ thuộc vào niềm tin của họ. Mà thực tế thì họ rất có lí, khi hệ thống y tế TPHCM đã bị đánh sụm. Với thực tế đó, tôi nghĩ rằng, khả năng lây nhiễm ở TPHCM sẽ bắt đầu giảm trong khoảng 1 tuần nữa, vì chẳng còn mấy người để con virus Vũ Hán kia tấn công, cho đến khi có một chủng mới được nhập về.


Kể từ hôm làm chương trình OXY CHO SỰ SỐNG, tôi cảm nhận về dịch ở Sài gòn thông qua tiếng tinh tinh trên điện thoại, qua các thông tin trên các group dùng để quản lí các nhóm của chương trình, của một số bạn bè trong ngành, và qua các báo cáo hàng ngày tôi nhận được từ các bộ phận.

Khoảng nửa tháng nay, dịch đã tràn thẳng vào cuộc đời tôi, khi mấy gia đình bạn bè thân thiết của tôi bị nhiễm cả nhà, và cả gia đình mẹ tôi cùng bị nhiễm. Tôi đã chuẩn bị sẵn phương án để trở về Sài Gòn, nếu mẹ tôi có dấu hiệu trở nặng, dù có phải trốn trong xe rau, hay chui trong các kiện hàng. Cũng may là mẹ tôi đã không trở nặng, xét nghiệm ngày càng tốt lên. Những người khác trong nhà thì gần như bình thường hoàn toàn.

Một người bạn thân của tôi, sau khoảng 1 tuần vật vã trong bệnh viện, cũng đã được xuất viện về nhà. Chỉ buồn một chút, khi về nhà thì anh ấy vẫn cảm thấy khó thở và vẫn muốn tiếp tục thở oxy, nhưng kiên quyết đòi thở bằng máy tạo oxy. Anh ấy cho rằng oxy bình có độc. Trước đó, khi anh ấy chưa nhập viện, tôi phản đối việc anh ấy thở oxy bằng máy tạo oxy, nhất là khi SpO2 rất thấp, và mang bình oxy đến cho anh ấy, SpO2 đã cải thiện rõ rệt.

Nhưng thôi. Người bệnh sau khi qua cơn thập tử nhất sinh, có thể có những biến đổi tâm lí. Cũng có thể, bác sĩ điều trị cho anh ấy là người không ưa tôi (rất nhiều bác sĩ không ưa tôi). Cũng có thể… À mà thôi. Vấn đề quan trọng là anh ấy đã khỏe, đã âm tính, đã ra viện. Cả nhà anh ấy cũng đã khỏe.

Nhiều nhân viên của tôi bị nhiễm. Bây giờ, chẳng còn ai quan tâm đến chẩn đoán xác định nhiễm. Có nhân viên đi test ở phường, được phường gọi điện thoại báo là nhiễm. Và thế là xong. Mẹ tôi lớn tuổi, có bệnh nền. Mặc dù rất sợ mẹ tôi phải bị bắt đưa đi bệnh viện, nhưng tôi vẫn phải gọi báo cho phường. Trưởng trạm cũng đang bị nhiễm, đang cách li ở nhà. Người thay thế chắc cũng không có lựa chọn nào, nên khi tôi yêu cầu để điều trị ở nhà thì vui vẻ đồng ý liền. Và sau đó cũng không thấy ai thăm hỏi. Sức đâu nữa mà theo dõi, thăm hỏi.

Cũng chẳng ai truy vết. Nếu bây giờ mà cách li F1, F2, thì có lẽ cả Sài Gòn này không còn ai là không bị cách li. Ít nhất thì OXY CHO SỰ SỐNG sẽ không hoạt động được. Xem cái clip đập phá nhà bắt F1 đi cách li, sao mà thấy con người ta man rợ thế. Sự sợ hãi đã đẩy con người ta trở thành dã thú với đồng loại của mình.

Nghe nói con số tử vong vẫn chưa giảm, nhưng rõ ràng là con số cần đến chương trình OXY CHO SỰ SỐNG đã giảm khá nhiều. Những thông tin xung quanh những cái chết cũng ít dần đi. Những người quen, bạn bè tôi, khi bị nhiễm thì hầu như cả gia đình cùng bị, nhưng gần như không có người nào nguy kịch cả. Có lẽ, họ được quan tâm, chăm sóc cả về y tế lẫn tinh thần ngay từ đầu, nên đã không trở nặng và vượt qua được.

Thật buồn khi thời gian đầu có nhiều người trở nặng và chết rất nhanh. Sự vỡ trận đã đẩy họ vào thế không có nơi bấu víu, nên dễ hoảng loạn và ra đi rất nhanh. Tôi gọi những cái chết như vậy là chết oan. Rồi đây lịch sử sẽ soi xét lại những gì đã và đang xảy ra xung quanh vụ dịch này. Nhưng dù có soi xét gì thì những oan hồn kia cũng sẽ theo ám ảnh chúng ta rất lâu.

Âu đó cũng là cái kiếp nạn mà chúng ta phải gánh chịu, khi không quan tâm đến bất cứ điều gì ngoài miếng cơm, manh áo của bản thân, của gia đình. Thôi, cũng may mà sự hoảng loạn đã bắt đầu qua đi, tình hình đã bắt đầu được kiểm soát. Kiểm soát dưới một hình thức khác. Đó là cùng nhau, cùng người bị nhiễm vượt qua dịch bệnh, tăng cường cứu chữa những người nhiễm bị trở nặng. Thực tế bây giờ ở Sài Gòn đang là như vậy.

Còn thì, mặc cho ai, vì lí do gì đó mà chỉ có họ mới biết chính xác, cứ nhất quyết đòi “bóc” F0 ra, nhưng thực tế thì họ đang nhân F0 lên. Không biết có phải để chia đều đau thương với Sài Gòn hay không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét