Thứ Hai, 2 tháng 8, 2021

Mật vụ và chỉ điểm : Bóng ma cộng sản vẫn ám ảnh Hungary?

Mật vụ và chỉ điểm : Bóng ma cộng sản vẫn ám ảnh Hungary?
28/07/2021 - 
Định cư ở Mỹ từ năm 1978 và hiện là người Hung nổi tiếng nhất trên thế giới, TS. Karikó Katalin được xem là có khả năng đoạt giải Nobel sinh lý học và y khoa trong năm nay do những cống hiến mà nhiều hãng truyền thông quốc tế - trong đó có đài báo Pháp - coi là đã góp phần “cứu vãn nhân loại” khỏi hiểm họa Covid-19. Tin dữ đến với bà đúng vào lúc, sau rất nhiều năm tháng gian nan, bà đã được hưởng sự tiếp đón trọng thị từ quê hương.
Một Mật Vụ Hungary bình thản đi ngoài phố ở Budapest cùng một phụ nữ trong những ngày đầu cuộc nổi dậy ở Hungary. Ảnh tư liệu, chụp ngày 02/11/1956. 

Hạ tuần tháng 5/2021, nữ khoa học gia Hungary nổi tiếng - tiến sĩ (TS.) Karikó Katalin, phó chủ tịch cấp cao của công ty công nghệ sinh học BioNTech, một trong những “cha đẻ” của công nghệ RNA Thông tin (mRNA) - nền tảng của các loại vaccine “thế hệ mới” kháng Covid-19 - bất ngờ bị cáo buộc là có hợp tác với Cơ quan An ninh Quốc gia thời cộng sản tại Hungary ngay trong chuyến trở về thăm quê hương của bà.

TS. Karikó Katalin là một trong số rất nhiều nhân vật nổi tiếng của Hungary được xem là có quan hệ với mật vụ cộng sản và trường hợp của bà cho thấy, bóng ma của Chủ Nghĩa Cộng Sản vẫn chưa buông tha Hungary sau hơn 30 năm. Những hồ sơ mật vụ chưa được bạch hóa vẫn là vấn đề nhức nhối, được xem là một trong những đề tài của kỳ tranh cử Quốc Hội vào mùa xuân năm sau, và chắc chắn sẽ vẫn còn ầm ĩ trong những tháng còn lại của năm 2021.

“Mỗi người dân là một chiến sĩ an ninh”


Được xây dựng trên căn bản “công an trị”, nên các thể chế độc tài toàn trị luôn xây dựng một hệ thống an ninh mật rất rộng lớn và bao trùm, điển hình là các cơ quan mật vụ chính trị khét tiếng trong quá khứ như Cheka - KGB của Liên Xô, Stasi của Cộng Hòa Dân Chủ Đức, Securitate của Rumani ... Trong nhiều thập niên, việc người dân hợp tác - tình nguyện hay bắt buộc - trên diện rộng với những cơ quan này, là điều rất bình thường và phổ biến ở các xứ cộng sản.

Tại Liên bang Xô-viết, kể từ khi tổ chức tiền thân đầu tiên của các ủy ban an ninh quốc gia được thành lập vào tháng 12/1917 sau chính biến tháng Mười với tên rất dài là “Ủy ban đặc biệt toàn quốc về đấu tranh chống phản cách mạng, tung tin đồn nhảm và phá hoại” (gọi tắt là Cheka), thì cơ quan này đã dần trở thành hình mẫu cho các cơ quan mật vụ chính trị khác trong khối cộng sản ở cÂu, và sau này lan ra các châu lục khác trên thế giới.

Tròn 20 năm sau, nhân kỷ niệm 2 thập niên cuộc đảo chính tháng 10/1917, phó chủ tịch Hội đồng Dân ủy (tức phó thủ tướng Liên Xô) khi đó là Anastas Mikoyan đã long trọng tuyên bố kết quả đạt được của Liên Xô trong 20 năm, là “mỗi người dân đều trở thành một cán bộ mật vụ Chekist”. Câu nói này của ông, về sau còn được mô phỏng ở các quốc gia cộng sản khác, và trở thành một thực tế đáng sợ, khi bất cứ ai cũng có thể trở thành chỉ điểm!

Là một nhân sĩ thiên tả, văn hào Pháp André Gide, Giải Nobel Văn chương năm 1947 đã có chuyến thăm Liên Xô vào năm 1936 và được chính quyền Xô-viết đón tiếp rất trọng thể như một “nhà văn tiến bộ Phương Tây” để tô điểm cho chế độ. Tuy nhiên, Gide đã nhận thấy và tỏ ra kinh hoàng trước cảnh bị mật vụ theo dõi thường xuyên, và người dân Liên Xô từ trẻ em trở đi đã coi việc chỉ điểm như một “phẩm hạnh” và “nghĩa vụ công dân”.

Trong nhiều thập niên của thể chế cộng sản tại Châu Âu, thông tin về những công dân là “cộng tác viên” cho cơ quan mật vụ chính trị được lưu trữ trong các hồ sơ tuyển dụng, kèm các báo cáo, theo dõi của họ về bạn bè, đồng nghiệp, hoặc ngay chính các thành viên gia đình của mình. Tại các nước cộng sản Đông Âu, việc xử lý, công bố hoặc “mật hóa” một phần những hồ sơ này luôn là vấn đề được xã hội quan tâm, vì những hệ lụy không lường được của nó.

Cách đây 6 năm, một bộ phim tài liệu mang tựa đề “Trong tầm ngắm của Securitate” khi được công chiếu tại Rumani và Hungary, một lần nữa làm “dậy sóng” công luận về những vấn đề nhức nhối về đạo đức và tội ác trong quá khứ vẫn chưa bị trừng phạt. Điều đáng sợ là tình huống trong phim, như chồng chỉ điểm vợ với chính quyền trong nhiều năm ròng là điều không hiếm, đặc biệt là với hệ thống mật vụ chính trị Liên Xô hay Cộng Hòa Dân Chủ Đức.

“Chỉ điểm” tại Hungary


Dùng mạng lưới chỉ điểm dày đặc để duy trì chính quyền và khiến người dân luôn trong cảnh sợ hãi và phục tùng cũng là vũ khí của thể chế cộng sản tại Hungary, thông qua các cơ quan mật vụ chính trị như AVH (tính đến năm 1956), và cơ quan tương ứng trục thuộc bộ Nội Vụ thời kỳ 1957-1989. Chỉ tính đến năm 1953, AVH đã có hệ thống chỉ điểm bao trùm khắp nước Hung với 40 ngàn “cộng tác viên” được tuyển dụng, theo dõi 1,28 triệu công dân.

Một thống kê chưa đầy đủ cho thấy trong thời gian 1945-1989, đã có chừng 200 ngàn “chỉ điểm viên”, “đặc tình” từng phục vụ thể chế độc tài tại Hungary, trong số đó, có cả các nhóm “kiều nữ” trẻ thành thạo tiếng Ả Rập và không ngần ngại nếu phải sử dụng thân xác cho “việc lớn”. Với thời gian, không ít những nhân vật có uy tín - những chính khách, tăng lữ, văn nghệ sĩ, nhà thể thao... của nước này đã bị lộ diện là những kẻ chỉ điểm.

Có thể kể đến ở đây những cái tên hết sức “gây sốc” khi họ bị phanh phui là đã hợp tác với mật vụ chính trị, như Đức Hồng y Paskai László (cựu chủ tịch Hội đồng Giám mục Hungary), Szepesi György (nhà bình luận thể thao cựu trào bậc nhất của nước này), hay cựu danh thủ bóng đá Novák Dezső của đội tuyển Hungary và tuyển Thế giới thập niên 60. Cần nói là mỗi người đều có những hoàn cảnh khác nhau khi bị cơ quan an ninh tuyển dụng.

Một bộ phận không nhỏ, vì lý do muốn thăng tiến trên đường hoạn lộ, sẵn sàng nhận vai trò báo cáo về bạn bè hoặc các nhân vật bị chính quyền nghi vấn, mà không có gì áy náy về lương tâm. Bộ phận khác bị cưỡng bức hợp tác cùng an ninh mật, như TS. Karikó Katalin, nhưng cố gắng giảm thiểu mọi rủi ro cho người khác. Không ít người bị bắt bí, do chính quyền nắm được những bí mật, hay bất lợi trong đời tư, và do đó đành theo con đường này.

Trường hợp của cựu danh thủ Novák Dezső ở trên là khá điển hình: như các đồng đội, ông thường buôn lậu đồng hồ trong các chuyến thi đấu ở nước ngoài. Một lần, ông bị cảnh sát phát giác, và gây sức ép tinh thần để phải lựa chọn: hoặc cộng tác, hoặc bị bỏ tù, thu hộ chiếu và tiêu tan sự nghiệp. Đồng thời, cảnh sát cho phóng xe chở tù đến nơi ông luận tập, như thể sẽ bắt đưa đi luôn. Lần thứ ba, ông đành nhắm mắt ký “mà không biết ký gì”!

Tuy nhiên, đây là trường hợp của những cá nhân có tiếng, còn đối với đa số thường dân, hợp tác với chính quyền theo con đường chỉ điểm không đem lại cho họ số phận khá hơn. Đa phần họ xuất thân công nhân, nông dân, với họ vào đảng cũng là “bước tiến” trong đời sống nên dễ tuyển dụng. Họ thường xuyên gặp một vấn đề đáng kể nếu cần phải nghe ngóng để báo cáo, ví dụ, về cuộc chuyện trò của 2-3 trí thức, thì không sao họ có thể hiểu nổi!

Bởi vậy, những tường trình kiểu ấy của giới chỉ điểm thường gây rối loạn cho bộ máy mật vụ cộng sản đương thời. Chỉ về sau, mới có thể biết rằng chỉ điểm không chỉ là cái nghề mạt hạng, bị coi thường nhất, mà nó cũng là “ngõ cụt” trên con đường hoạn lộ của các “báo cáo viên”, vì từ “vị thế” chỉ điểm không thể ngóc đầu lên được nữa. Ngoại lệ duy nhất có lẽ là ông Harangozó Szilveszter, một chỉ điểm đã leo tới chức thứ trưởng bộ Nội Vụ Hung.

Số phận những hồ sơ tuyển dụng


Vì tình trạng báo cáo, chỉ điểm lẫn nhau là một trong những vấn nạn về đạo đức lan tràn và nhức nhối thời cộng sản, nên trong hơn 3 thập niên qua, việc xử lý các hồ sơ tuyển dụng luôn là vấn đề nổi cộm của mọi nội các, tại các quốc gia Đông Âu hậu cộng sản. Nhu cầu thiết lập công lý, trừng phạt những tội ác trong quá khứ, để kẻ gieo gió phải gặp bão - nói rộng ra là trong sạch và trực diện triệt để với quá khứ - là nguyện vọng hợp lý của số đông cư dân.

Ở đây, vấn đề chia làm 2 hướng. Thứ nhất, người dân có nhu cầu biết đến kẻ nào đã báo cáo về mình, và nội dung những bản báo cáo ấy ra sao, ảnh hưởng như thế nào tới cuộc đời của họ. Thứ hai, những kẻ thủ ác trong giai tầng lãnh đạo, hoặc đơn thuần là những kẻ thừa hành của bộ máy mật vụ cho tới giờ hầu như không hề bị trừng phạt, có thể sinh sống và ra đi êm thấm. Thậm chí, không ít người có thể còn giữ địa vị cao trong chính quyền.

Tuy nhiên, một thực tế là việc đối diện với quá khứ và truy cứu trách nhiệm sau ngần ấy năm không hề đơn giản. Về mặt pháp luật, các nội các cầm quyền tại Hungary sau 1990 đều khước từ việc công khai hóa các hồ sơ tuyển dụng và thanh lọc quá khứ những người nắm giữ các vai trò chủ chốt trong chính quyền. Đặc biệt, phe cầm quyền cánh hữu trong hơn 10 năm qua, đã 23 lần từ chối đề xuất này của đảng nhỏ “Chính trị Có thể Khác” (LMP).

Những động thái của Hungary (như muốn trao hồ sơ mật vụ vào tay tư nhân, hoặc thành lập Ủy ban Ký ức Quốc gia với mục tiêu làm sáng tỏ và xử lý mọi vấn đề có liên quan tới quá khứ cộng sản), hay Ba Lan (giảm lương hưu của khoảng 32 ngàn cựu nhân viên mật vụ cộng sản nước này xuống mức lương hưu trung bình), bị coi là chưa thấm vào đâu trong việc phơi trần tội lỗi của những kẻ phục vụ chế độ cũ, và cũng phản ánh sự lúng túng.

Khó khăn khác trong thực tế, là rất nhiều nhân chứng không còn sống, những hồ sơ, tư liệu bị tiêu hủy và thiếu sót nên khó đưa ra được bức tranh toàn cảnh, sự buộc tội và chứng tỏ tội trạng rất khó khăn. Phe đối lập và một phần công luận thì cho rằng chính quyền vẫn giấu giếm, một là để bảo vệ những thành viên của mình, hai là nhằm “nắm gáy” các địch thủ chính trị, khi sở hữu trong tay những bí mật trong quá khứ của họ để dùng khi cần.

Đó là trường hợp cựu thủ tướng Medgyessy Péter, người đã đưa Hungary vào Liên Âu năm 2004, bị cáo buộc làm việc cho cơ quan an ninh mật cộng sản, khiến ông bị kiến nghị bất tín nhiệm và phải đệ đơn từ chức. Vụ việc của TS. Karikó Katalin cũng bị coi là “âm mưu” của một số kẻ ghen tức trước thành công của bà, cho dù cả bà lẫn vị cựu thủ tướng có tên trong hồ sơ tuyển dụng, nhưng không phải mà chỉ điểm theo nghĩa kinh điển của từ này.

Giải pháp thế nào?


Trong cuộc đua khốc liệt chuẩn bị cho kỳ bầu cử Quốc Hội Hungary mùa xuân sang năm, một chính khách đang chạy đua để giành cương vị ứng viên thủ tướng của phe đối lập - ông Márki-Zay Péter - đã tuyên bố rằng sau khi liên minh cầm quyền hiện tại bị thất bại, nội các mới sẽ bạch hóa toàn bộ các hồ sơ tuyển dụng không chỉ của thời cộng sản, mà còn của thể chế FIDESZ, để làm trong sạch bộ máy nhà nước và đáp ứng mong muốn của người dân.

Tất nhiên, đây là một tuyên bố mang tính “cao vọng” và nhằm mục tiêu tranh cử, nhưng trong thực tế, nếu chính quyền hiện tại thực hiện được lời hứa của họ, thì đến cuối năm nay, bất kỳ ai đều có thể ngồi nhà và sử dụng máy tính để xem những báo cáo về bản thân hoặc gia đình dưới thời cộng sản. Đó là tuyên bố của TS. Gergő Bendegúz Cseh, tổng Giám đốc Cơ quan Lưu trữ Lịch sử trực thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Hungary hiện tại.

Được biết, đây là kết quả một chương trình phát triển đã diễn ra từ nhiều năm, có thể đẩy nhanh tiến độ tìm hiểu các tư liệu thời xa xưa. Theo kế hoạch, qua cổng thông tin cá nhân, mọi công dân sau khi xác định nhân thân đều có thể “đặt hàng” miễn phí các dữ liệu mà trước đây, đội ngũ “cộng tác viên” đã báo cáo về bản thân họ hoặc gia đình họ. Hiện tại, việc nghiên cứu hồ sơ gặp phải nhiều hạn chế và chỉ có thể diễn ra tại chỗ, đích thân.

Bên cạnh đó, dựa án này cho phép bất kỳ ai cũng có thể tra vấn về quá khứ của các chính trị gia, chẳng hạn, về một ứng viên thị trưởng, xem đương sự có từng làm việc cho cơ quan mật vụ trước năm 1990 hay không. Nếu được thực hiện như lời hứa, đây là một bước tiến lớn, nhưng cũng có thể đem lại nhiều biến động khôn lường trong đời sống chính trị và xã hội Hungary, bên thềm cuộc bầu cử Quốc Hội 2020 hứa hẹn sẽ diễn ra quyết liệt.

Bởi lẽ, theo nhận định của sử gia Soós Viktor Attila thuộc Ủy ban Ký ức Quốc gia, mấu chốt vấn đề nhiều khi là ở chỗ khác : những kẻ “đầu sỏ” chỉ huy hệ thống chỉ điểm này thì tên tuổi vẫn bị mật hóa, và có những nhóm “bên ngoài” hợp tác khá toàn diện với mật vụ chính trị thì không có hồ sơ tuyển dụng và tường trình của họ thường là báo cáo miệng, không để lại dấu vết. Quá khứ chỉ điểm, như thế, không đơn thuần là hệ thống hồ sơ tuyển dụng.

Hơn thế nữa, còn rất nhiều hồ sơ trôi nổi ở các nơi khác, mà không thuộc sự quản lý của Cơ quan Lưu trữ Lịch sử bởi suy cho cùng, tất cả hệ thống mật vụ là để phục vụ “đơn đặt hàng” của đảng Cộng Sản một thời. Khả năng là sẽ không bao giờ hậu thế có thể có được cái nhìn bao quát và toàn diện về hệ thống chỉ điểm, một phần của bộ máy đàn áp mà thủ phạm chính là những kể “ngồi trên”, và hệ lụy này vẫn có thể kéo dài trong tương lai ...

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20210728-m%E1%BA%ADt-v%E1%BB%A5-v%C3%A0-ch%E1%BB%89-%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%B3ng-ma-c%E1%BB%99ng-s%E1%BA%A3n-v%E1%BA%ABn-%C3%A1m-%E1%BA%A3nh-hungary?fbclid=IwAR2rKkiSAv2-fPWfQAI536eTbQbALhNxr74PBz4OFC1E7W_3Hu0zHJsv8bA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét