Bệnh của nông thôn, Bệnh của thành thị…
FB Thái Hạo (Luong Tu Tuan) 31-5-2021 - Hôm trước, lúc đang ngồi uống trà thì nghe tiếng trống đám ma, bố tôi nói, “mấy năm rồi không có người chết già”. Vì không hiểu nên tôi hỏi lại, bố giải thích, “toàn tuổi 50-60, chết ung thư là chính, có những xóm đàn ông “chết láng”, giờ chỉ còn sót 2 ông”. Một người khác lên tiếng “xóm tôi hiện tại đã đến 39 người đàn bà chết chồng rồi”. Bất giác kinh hãi.Hôm nay là ngày đầu tiên gió Lào tràn tới, cả làng như một chiếc chảo rang vì không còn bóng cây xanh, chỉ có nền bê tông trải kín mặt đất và mái tôn đỏ rực trên đầu. Đất và nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề; lại thêm thực phẩm bẩn tràn lan và lối sống tiêu dùng tuỳ tiện, tất cả làm thành một môi trường sống “ủ bệnh” đối với tất cả. Mà tôi nghĩ, làng tôi cũng như bao ngôi làng khác trên đất nước này, cùng chung một mẫu số.
Nhưng tại sao tỉ lệ đàn ông mắc ung thư lại cao áp đảo đàn bà? Theo tôi, chính thói quen sinh hoạt “kiểu nam giới” là một tác nhân. Khi mà ngày nay cái đói đã lùi xa, đời sống no đủ hơn thì người ta có xu hướng hưởng thụ, lại cộng với tật rượu chè liên miên ngày này qua năm nọ đã tàn phá thân thể của họ. Cái hình ảnh ấy của đàn ông nông thôn là đặc trưng cho không khí ở những vùng quê: nhàn rỗi, thất nghiệp, trà vặt rượu nát… Một cuộc sống mang hơi thở yếu ớt, tù đọng, trì trệ. Đó là cái cuộc sống thiếu đi những lao động khoẻ khoắn, thiếu một nền sản xuất bài bài và một nếp sống văn minh.
Và tôi lại nghĩ, đây không phải chỉ là câu chuyện của riêng nông thôn. Thành phố cũng mang cái thể trạng ấy, chỉ có điều nó có một hình dáng khác mà thôi.
Tin rằng covid rồi sẽ qua đi sớm thôi. Nhưng những “mầm bệnh” nan y của lục phủ ngũ tạng còn đó, những mầm bệnh của tinh thần cũng còn đó. Đây mới thật sự là một “bài toán” nan giải và đáng sợ nhất. Chừng nào chưa có được một mô hình xã hội tiến bộ được quản trị bởi một nhà nước tiến bộ, chừng ấy, những mầm bệnh kia không những không thể diệt trừ mà sẽ ngày càng sinh biến thể và xâm chiếm một cách toàn diện, khốc liệt hơn. Đó chính là viễn tượng không xa của một “đường về nô lệ”.
Hình như chúng ta đang không những lạc hậu ngày càng xa so với thế giới văn minh, mà còn đang ngày càng lạc hậu so với chính mình. Càng đi thì càng cách xa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét