Thứ Tư, 7 tháng 10, 2020

Liên Hiệp Quốc: Chỉ có 39 nước lên án TQ về nhân quyền

Hôm nay vào bệnh viện thăm bà cô 85 tuổi em mẹ mình, bà hỏi mình tình hình vụ Đồng Tâm thế nào, thế giới nói gì về nhân quyền ở VN... trong phiên điều trần định kỳ tại Geneva Thụy Sĩ vừa qua, mình bảo cháu không biết vì không muốn nói. Nhớ thời sống ở Geneva, năm nào mình cũng chứng kiến các nước phương Tây lên án tình hình vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, nhưng quanh quẩn cũng chỉ được một ít nước mạnh mồm. Như thông tin trong bài này viết, "điểm mới trong năm nay, đó là số các nước phương Tây lên án chính sách nhân quyền của Trung Quốc đã nhiều hơn, từ 23 lên thành 39 nước". Ngược lại, TQ huy động một số đông bạn bè phát biểu ủng hộ mình, như trong bài này viết "Pakistan và Cuba đọc tuyên bố ủng hộ chủ quyền của Trung Quốc về vấn đề Tân Cương và Hồng Kông, nhân danh 54 quốc gia, giống như năm ngoái". Vậy đó, số nước ủng hộ TQ luôn luôn nhiều hơn số nước phản đối. Theo quy định của LHQ, các nước đăng ký xếp hàng phát biểu, nước nào đăng ký trước thì phát biểu trước. TQ huy động các nước bạn bè 3-4 giờ sáng đã đến xếp hàng để được phát biểu trước. Vì thời gian điều trần có hạn, nên các nước ủng hộ TQ phát biểu ca ngợi nhân quyền ở TQ xong thì hết giờ; các nước phương Tây chỉ nói vớt vát được ít câu. Thành ra buổi điều trần định phê phán nhân quyền ở TQ lại biến thành buổi khen nhân quyền ở đó. Chán vậy đó. Vì thế, dân ta chẳng còn con đường nào khác ngoài ủng hộ tổng thống D. Trump vì thế giới bây giờ có mỗi ông này đang thực tâm đánh TQ.
Tại Liên Hiệp Quốc, 39 nước lên án mạnh mẽ Trung Quốc vi phạm nhân quyền
07/10/2020 - 
Trung Quốc bị lên án gay gắt vì vi phạm nhân quyền tại diễn đàn Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ, ngày 06/10/2020. Các nước phương Tây, do Đức đứng đầu, đã « vô cùng quan ngại đến tình hình nhân quyền ở Tân Cương và những diễn biến gần đây ở Hồng Kông ».
Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Geneve, Thụy Sĩ. 
Trong cuộc họp của Ủy ban thứ ba của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đặc trách nhân quyền, đại sứ Đức tại Liên Hiệp Quốc Christophe Heusgen kêu gọi « Trung Quốc tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là quyền của những người thuộc các sắc tộc và cộng đồng tôn giáo thiểu số, kể cả ở Tân Cương và Tây Tạng ». Trong số những nước ký vào bản kiến nghị có Hoa Kỳ, Canada, Haiti và Honduras Úc, Nhật Bản, New Zealand, Albanie, Bosnia.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã chuẩn bị phản công từ trước, theo thông tín viên Carrie Nooten tại New York :

Trung Quốc đã chuẩn bị phản công từ trước, vào thứ Ba 06/10 bằng cách để Pakistan và Cuba đọc tuyên bố ủng hộ chủ quyền của Trung Quốc về vấn đề Tân Cương và Hồng Kông, nhân danh 54 quốc gia, giống như năm ngoái. Bắc Kinh tiếp tục tìm cách thuyết phục rằng cần phải dựa vào nguyên tắc « hợp tác với nhau » về chủ đề này. Điểm mới trong năm nay, đó là số các nước phương Tây lên án chính sách nhân quyền của Trung Quốc đã nhiều hơn, từ 23 lên thành 39 nước.

Bà Sophie Richardson, giám đốc phụ trách về Trung Quốc của tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch) nhận định : « Đó là sự thức tỉnh phũ phàng với những nước này sau những gì đã xảy ra về Tân Cương, về đại dịch Covid-19, về Hồng Kông. Chiến lược đôi bên cùng có lợi hay hợp tác cùng có lợi của Trung Quốc ngày càng khó thuyết phục ! ».

Nhiều nước có lẽ sẽ cảnh giác hơn và sẽ ít chấp nhận những tuyên bố của phía Trung quốc. Họ nhắc lại rằng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vẫn đang đợi được đến thăm vùng Tân Cương. 

Bắc Kinh đã phản công gay gắt bằng cách lên án mạnh mẽ tình trạng vi phạm nhân quyền tại Hoa Kỳ, kể cả trong các vụ bạo lực cảnh sát cũng như trong cách xử lý đại dịch Covid-19 khiến hơn 210.000 người chết tại Mỹ.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201007-t%E1%BA%A1i-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-qu%E1%BB%91c-39-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-l%C3%AAn-%C3%A1n-m%E1%BA%A1nh-m%E1%BA%BD-trung-qu%E1%BB%91c-vi-ph%E1%BA%A1m-nh%C3%A2n-quy%E1%BB%81n

Trung Quốc được 70 nước ủng hộ về vấn đề Hong Kong, Tân Cương
 
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng nước này được khoảng 70 nước ủng hộ về lập trường và chính sách trong các vấn đề Hong Kong, Tân Cương.

Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 6/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết trước Ủy ban Nhân quyền Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Pakistan đã thay mặt 55 nước ra tuyên bố chung về các vấn đề liên quan đến Hong Kong, trong khi Cuba thay mặt 45 nước ra tuyên bố chung về các vấn đề liên quan đến Tân Cương, ủng hộ lập trường và biện pháp của Trung Quốc.

Theo bà Hoa, khoảng 70 quốc gia, trong đó có Nga, Syria, Triều Tiên, Venezuela, đều đồng ý rằng việc ban hành luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong có lợi cho việc duy trì sự thịnh vượng và ổn định của thành phố, phù hợp mô hình "một quốc gia, hai chế độ", đồng thời lưu ý các biện pháp ở Tân Cương phù hợp với luật pháp để chống lại mối đe dọa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và bảo vệ nhân quyền của người dân tất cả các dân tộc trong vùng.


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tại buổi họp báo ở Bắc Kinh hồi tháng 7. Ảnh: Reuters.

"Trung Quốc kiên quyết phản đối bất cứ ai, bất cứ quốc gia hay lực lượng nào gây bất ổn, chủ nghĩa ly khai hoặc hỗn loạn ở Trung Quốc, và chúng tôi cũng kiên quyết phản đối việc thao túng chính trị đối với các vấn đề liên quan Hong Kong, Tân Cương và can thiệp các vấn đề nội bộ của Trung Quốc", bà Hoa nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến Hong Kong và Tân Cương hoàn toàn "không phải vấn đề nhân quyền mà một số thế lực đang rêu rao và không nên bị chính trị hóa".

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân hôm 5/10 ra tuyên bố chung thay mặt 26 quốc gia chỉ trích Mỹ và các nước phương Tây vi phạm nhân quyền, kêu gọi dỡ bỏ hoàn toàn và ngay lập tức các biện pháp trừng phạt đơn phương, đồng thời bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về sự phân biệt chủng tộc có hệ thống.

Trung Quốc thời gian qua chịu nhiều áp lực từ Mỹ và các nước phương Tây vì ban hành luật an ninh Hong Kong và cáo buộc giam hàng loạt người dân tộc Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương trong các trại cải huấn. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc, cho hay đây là các trung tâm giáo dục nghề và họ đang ứng phó thích hợp với mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố trong khu vực.

Tuyên bố chung tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc được Pakistan và Cuba đưa ra sau khi 39 nước, chủ yếu là các quốc gia phương Tây, cũng ra tuyên bố chỉ trích cách đối xử của Trung Quốc với các nhóm thiểu số, đặc biệt là ở Tân Cương và Tây Tạng, và bày tỏ quan ngại nghiêm trọng trước tác động của luật an ninh quốc gia mới đối với nhân quyền ở Hong Kong.

Mỹ, nhiều nước châu Âu, Nhật Bản và các nước khác kêu gọi Trung Quốc cho phép các quan sát viên độc lập cùng trưởng ban nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet quyền "tiếp cận không hạn chế" ở Tân Cương và khẩn cấp trả tự do cho người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên dân tộc thiểu số khác. Các nước này cũng thúc giục Trung Quốc "duy trì quyền tự chủ, tự do ở Hong Kong, tôn trọng độc lập của cơ quan tư pháp Hong Kong".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét