Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2020

Tượng đài, cổng chào và Covid

Đúng là cần nói thẳng, doanh nghiệp sẵn lòng góp tiền làm từ thiện, cứu trợ người hoạn nạn, chẳng mấy ai chủ động, tự nguyện bỏ tiền ra xây tượng đài hay cổng chào. Tượng đài và cổng chào chỉ nên xây dựng nếu nó được lấy ý kiến toàn thể dân, được toàn thể nhân dân đồng thuận và mang những giá trị lịch sử lớn lao của thời đại. Tuy nhiên, lấy ý kiến phải là thực chất chứ không phải chính quyền ép dân phải bỏ phiếu theo ý chính quyền.
Tượng đài, cổng chào và Covid
10/7/2020 Tôi đã đi qua nhiều tượng đài trên thế giới, tất cả đều để lại những ấn tượng không bao giờ quên. Tượng đài là những công trình văn hóa mà cả về "hồn" và "xác" đều còn mãi với thời gian. 
Tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh.
tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh
Đến Mỹ không thể thiếu việc chụp ảnh với tượng Nữ thần tự do trên đảo Liberty ở cảng New York. Đây là tặng phẩm của nhân dân Pháp cho nhân dân Mỹ, được xây dựng vào tháng 9 năm 1886. Tượng cao tới 93 mét và hầu như cả thế giới hôm nay đều biết đến hình ảnh nữ thần này. Đến Berlin không thể không thăm tượng đài Tưởng niệm chiến tranh Soviet với hình ảnh người chiến sĩ Hồng quân bế một em nhỏ Đức, tay cầm cây kiếm dài. Tượng cao 12 mét và có đường kính tới 2,5 mét.

Đến Moskva không thể quên ghé thăm tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở quảng trường Hồ Chí Minh thuộc quận Akademichesky. Tượng đài mang hình ảnh Bác Hồ, được khánh thành ngày 18/5/1990 - nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác. Tôi còn có dịp đến thăm tượng đài Mẹ Tổ quốc với hình ảnh bà mẹ Soviet vung cao thanh kiếm, nhắc nhớ trận Stalingrad và sự hy sinh xương máu của cả một thế hệ trong chiến tranh vệ quốc. Bức tượng có một thần thái đặc biệt và cao tới 90 mét. Tôi cũng đã thăm tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ ở đồi D1, thành phố Điện Biên với hình ảnh ba anh bộ đội quay lưng vào nhau, tay bế em bé Thái và giương cao lá cờ quyết chiến quyết thắng.

Ở Hà Nội, không ai không biết đến tượng đài Lý Thái Tổ nhìn ra Hồ Gươm với hình ảnh người đã dời đô từ Hoa Lư về Đại La và lập nên kinh thành Thăng Long. Tượng cao 6,8 mét, trên bệ cao 3,3 mét và tốn đến 32 tấn đồng nguyên chất đúc liền khối. Tại vườn hoa Vạn Xuân ở Hàng Đậu, ta thấy tượng đài "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", ghi dấu chiến công anh hùng của quân dân Thủ đô chiến đấu suốt 60 ngày đêm để cầm chân giặc Pháp trong những ngày mùa đông năm 1946.

Những tượng đài như vậy sẽ sống mãi với thời gian và nhắc nhở con cháu ta những dấu ấn lịch sử không thể nào quên.

Vậy mà khi dịch Covid đang đè nặng lo âu và khó khăn lên vai nhà nước, doanh nghiệp, dân chúng thì một số địa phương dựng lên các tượng đài, cổng chào tiền tỷ, ngay tại các nơi còn khó khăn về kinh tế. Tiêu biểu là việc tốn kém đến 48 tỷ đồng để xây dựng tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh. Số tiền này lớn hơn cả kinh phí xây tượng đài Chiến thắng Điện Biên, do tỉnh Bình Định chi 70%, còn 30% được giải thích "do nhân dân huyện Vĩnh Thạnh đóng góp".

Công trình có phần tượng đài cao 20 mét, phần thân tượng đài cao 15,5 mét và bục cao 4,5 mét, sử dụng chất liệu đá nguyên khối, được xây dựng hoành tráng trong khuôn viên hơn 3.000 mét vuông ở đồi Lâm Viên, thị trấn Vĩnh Thạnh. Điều tôi cũng như nhiều người băn khoăn không chỉ ở số tiền quá lớn xây dựng tượng ở một huyện miền núi nghèo mà còn ở chỗ nhiều chi tiết điêu khắc của tượng đài không đúng với giá trị văn hóa, lịch sử. "Người Ba Na chúng tôi cầm giáo, mác khi tham gia cuộc khởi nghĩa, nhưng trên tượng đài lại là cầm búa", nghệ nhân Yang Danh người Ba Na cho biết, "người Ba Na mặc váy hở chứ không phải váy kín, hoa văn cũng không phải của người Ba Na. Dáng đứng cũng không phải của người Ba Na mà là dáng đứng bắn súng".

Nếu mọi địa phương, kể cả các vùng còn khó khăn, đều đua nhau xây dựng các tượng đài kể về thành tích chiến đấu của địa phương mình thì không hiểu sự đóng góp của nhân dân sẽ còn phải lớn đến mức nào. Vấn đề là, trong lịch sử giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta, nơi nào chẳng có thành tích chiến đấu.

Chúng ta vừa rất thành công trong chống dịch. Cả thế giới khen ngợi khi chúng ta ở gần tâm dịch, lại không bị bùng phát Covid-19 như Mỹ, Anh, Nhật, châu Âu. Tuy nhiên, giống như toàn cầu, sự phát triển kinh tế đã chậm lại đáng kể. Có tới 12 tỉnh, thành tính đến nay đã tăng trưởng kinh tế âm.

GDP 6 tháng đầu năm chỉ có 1,8%, GDP quý II/2020 ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong gần 10 năm qua.

Đã hết thời gian giãn cách xã hội, Thủ tướng vừa kêu gọi "phải nóng ruột lên","xắn tay áo lên" để tiếp tục vừa chống dịch, vừa đẩy nhanh các mặt phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Chính phủ và các chuyên gia đang loay hoay tính toán các gói kích thích kinh tế trước nguy cơ dịch bệnh hiện hữu trong khi suy giảm kinh tế thế giới tác động nặng nề ở nhiều phương diện. Nhà điều hành đang nghiên cứu các công cụ chính sách dài hơi để xây dựng kế hoạch tổng thể hỗ trợ tăng trưởng cho năm nay và cả năm tới. Trong đó, ngân sách quốc gia phải căng kéo rất nhiều vì tăng bội chi và sức ép tìm kiếm thêm các nguồn lực. Chính phủ đang kêu gọi cắt giảm các khoản chi không quan trọng để dành nguồn lực cho những nhiệm vụ cấp bách: chống dịch, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp. Ấy vậy mà ngoài việc xây dựng tượng đài, các địa phương còn vội vã xây dựng các cổng chào hoành tráng.

Đừng lấy lý do là có một phần nguồn tài chính từ xã hội hoá và cho đó là nhà nước không tốn tiền. Tiền nào chẳng phải là tiền. Doanh nghiệp làm ăn với biết bao mồ hôi nước mắt mới có tiền, nếu ai đó vận động hay "ép" họ "xã hội hoá tượng đài, cổng chào" là sự bất công.

Xin nói thẳng, doanh nghiệp sẵn lòng góp tiền làm từ thiện, cứu trợ người hoạn nạn, chẳng mấy ai chủ động, tự nguyện bỏ tiền ra xây tượng đài hay cổng chào. Tượng đài và cổng chào chỉ nên xây dựng nếu nó được lấy ý kiến toàn dân, được toàn thể nhân dân đồng thuận và mang những giá trị lịch sử lớn lao của thời đại.

Nguyễn Lân Dũng

https://vnexpress.net/tuong-dai-cong-chao-va-covid-4128292.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét