Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng chỉ mới giải ngân được gần 30%
RFA 2020-07-02 Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng được nhà nước Việt Nam ban hành theo Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-CP của Chính phủ, nhằm giúp đỡ các đối tượng bị mất nhiều thu nhập, mất việc, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tổng kinh phí hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch COVID-19 hiện chỉ mới đạt 17.500 tỷ đồng, tương đương gần 30% gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của chính phủ Hà Nội. Báo trong nước dẫn báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội loan tin ngày 2/7.Mọi người xếp hàng để lấy gạo từ máy rút gạo tự động 24/7 trong dịch bệnh COVID-19 tại Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 4 năm 2020.
Theo báo cáo, công tác hỗ trợ cho các đối tượng là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo các địa hương đã gần như hoàn thành. Trong khi đó, việc hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khác vẫn còn rất hạn chế.
Cụ thể, số người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương tại doanh nghiệp là 15.909 người, chỉ đạt 1,59% so với dự kiến ban đầu là 1 triệu người.
Đối với hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm, số lượng hộ kinh doanh do Ủy ban Nhân dân cấp xã gửi Chi cục Thuế đề nghị thẩm định là gần 31.000 hộ, trong khi dự kiến ban đầu là 760.000 hộ.
Ngoài ra, tới thời điểm này chưa có hồ sơ nào của người sử dụng lao động vay Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong khi dự kiến số tiền cho vay ban đầu là 16.000 tỷ đồng hỗ trợ cho 3 triệu lao động.
Đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa ra nguyên nhân cho rằng chính sách được nghiên cứu lúc dịch bệnh diễn ra phức tạp, chưa được kiểm soát tại Việt Nam nên đưa ra con số dự báo những đối tượng bị ảnh hưởng khá cao.
Trong thực tế, dịch bệnh sớm được kiểm soát đã tạo điều kiện cho việc mở cửa lại nền kinh tế, các doanh nghiệp quay trở lại phát triển sản xuất, kinh doanh. Do vậy, số lượng lao động mất việc làm, ngưng việc tiếp cận gói hỗ trợ này còn khá ít.
Bên cạnh đó, số đông người lao động làm việc tại các đơn vị sự nghiệp, cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập, hợp tác xã, tổ chức lại không thuộc đối tượng áp dụng Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15/2020.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP diễn ra ngày 2/7 đã phát biểu cho rằng các giải pháp hỗ trợ chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp nhìn chung chưa thực sự đáp ứng được sự mong đợi của doanh nghiệp và cũng rất ít doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ do nhiều yêu cầu không khả thi.
Trong cùng ngày, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an khi báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương cũng cho hay sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng đột biến do không có việc làm, đời sống khó khăn... Hiện công an cả nước đang tập trung vào nhóm tội phạm này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét