Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

SƠ BỘ PHIÊN TOÀ PHÚC THẨM CHỐNG BOT

Theo dõi một số phiên tòa và đến nghe các luật sư tranh luận tại trụ sở của Liên đoàn Luật sư VN và Hội đồng Luật sư toàn quốc tại tầng 1 và tầng 2 tòa nhà CT13B khu đô thị Nam Thăng Long, đường Võ Chí Công, Quận Tây Hồ, Hà Nội, tôi nhận thấy một điều rất bức xúc là các kiểm sát viên và thẩm phán tòa án không coi ý kiến các luật sư ra gì, thường xuyên có những lời nói và hành động vi phạm pháp luật trắng trợn đến mức như LS Luân Lê viết trong bài này là " không thể đáp ứng bất kỳ yếu tố và phẩm chất nào để đứng vào với vai trò công tố và kiểm sát pháp luật trong việc thực thi và bảo vệ luật pháp". Vậy mà nó cứ thế tồn tại kéo dài hết năm này sang năm khác trong hơn nửa thế kỷ qua, coi như hiện tượng tự nhiên bất khả kháng. Nghe các luật sư tranh luận rất hùng biện, tôi chợt nghĩ tại sao cá nhân các luật sư và tập thể Liên đoàn và Hội đồng luật sư không gửi đơn thư và trực tiếp đến các cơ quan có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước như các Ủy ban tư pháp và pháp luật của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng, Ban Nội chính trung ương, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ để tố cáo và kiến nghị họ có giải pháp xử lý vấn nạn này trong hệ thống tư pháp, chứ không thể để nền tư pháp Việt Nam tệ hại hơn thời phong kiến mãi thế được. Tôi nghĩ là nhiều luật sư rất giỏi, rất can đảm, nhưng lãnh đạo Liên đoàn Luật sư VN và Hội đồng Luật sư toàn quốc thì chưa chắc như vậy. Nhiều vị lãnh đạo là đại biểu quốc hội nhưng không dám phát biểu những vấn đề bức xúc của người dân. Tệ hơn, Liên đoàn Luật sư VN và Hội đồng Luật sư toàn quốc còn đang sống nhờ vào ngân sách nhà nước. Khi mà còn ăn bám Nhà nước thì khó mà dám có ý kiến phê phán đòi sửa đổi với nhà nước. Khi lực lượng tiên tiến nhất, tiêu biểu cho tiến bộ của dân tộc là giới luật sư mà còn như thế thì tương lai của đất nước này còn mù mịt lắm.
SƠ BỘ PHIÊN TOÀ PHÚC THẨM CHỐNG BOT
fb luật sư Luân Lê - Hôm qua 29/7/2020 tôi đã bảo vệ bà Huệ, với một hướng đích xác định rõ ràng cho động cơ hành động của họ về việc chống BOT ở ba vấn đề.
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, ngoài trời
Loạt câu hỏi ở dạng thứ nhất.
Đánh giá nhận thức của các bị cáo về vấn đề mà họ đấu tranh. Và trên cơ sở nhận thức đó họ đã kiến nghị hay thực hiện thủ tục nào với các cơ quan có thẩm quyền hay chưa. Và đã được giải quyết ra sao trên thực tế. Và bà Huệ đã lập tức hiểu được đó là một câu hỏi nhằm xác lập một hành động pháp lý, nên trả lời ngay rằng đã làm việc trực tiếp cũng như gửi đơn tố giác hành vi cưỡng đoạt tài sản của BOT Bắc Thăng Long Nội Bài lên công an huyện Sóc Sơn nhưng chưa hoặc không được giải quyết thoả đáng. Phía Bộ Giao thông đã làm việc đối thoại nhưng không có phương án cụ thể nào nên càng gây ra sự bức xúc cho dư luận.

Loạt câu hỏi ở dạng thứ hai.
Xác định bối cảnh dẫn tới hành động của bị cáo cũng như hệ quả của nó, bao gồm:

(i) cái sai cố hữu của chính sách đã kéo dài mà các cơ quan quản lý nhà nước cấp Bộ, cả đại biểu và đoàn đại biểu quốc hội đều thừa nhận sai và các phương tiện truyền thông đều đưa tin liên tục, với đề xuất dừng thu phí hoàn toàn (đã từng bị người dân phản đối dẫn tới xả trạm 3 tháng từ 12/2018 đến 3/2019), dỡ bỏ hoặc di dời trạm thu phí này - vì lý do đặt trạm một nơi thu phí một nẻo, người không sử dụng dịch vụ cũng phải trả phí cho thứ mà mình không dùng (tôi gọi là bị buộc phải trả tiền mà không sử dụng bất kỳ tiện ích nào của dịch vụ); và

(ii) cái sai trực tiếp của BOT và của lực lượng chức năng trong hành xử với các bị cáo ngày 11/06/2019 dẫn tới việc đẩy bị cáo vào tình thế không thể khắc phục (bị buộc phải vi phạm) khi chặn trước và chặn sau (nhốt) xe để không thể di chuyển được trong khi quyền khiếu nại trực tiếp vẫn đang có hiệu lực và đang trong khoảng thời hạn được phép dừng tại cabin; và

(iii) hiệu quả của hành động - với 03 BOT, gồm Tân Đệ (Thái Bình), Mỹ Lộc (Nam Định), T2 Cần Thơ, đã phải dỡ bỏ hoặc giảm giá thu phí nhờ vào các đấu tranh tương tự của chính các bị cáo. Điều này nói lên tính đúng đắn của hành vi của bị cáo và quan trọng hơn là giúp nhà nước có thể cải thiện chính sách và các bất công được xoá bỏ, nên các hành động kiểu này cần được khuyến khích hơn là bị đưa ra trừng phạt. Đó là nền tảng công lý.


Loạt câu hỏi ở dạng thứ ba.

Chủ yếu xác định các vấn đề của BOT với hai nhân chứng là người của trạm thu phí. Một nhân chứng, với tôi, luôn giơ một bàn tay lên tuyên bố từ chối trả lời trong khi đây là nghĩa vụ của họ. Có một vị thẩm phán còn bênh vực cho nhân chứng này khi cho rằng họ có quyền từ chối không khai trong khi điều luật quy định đó là nghĩa vụ và nếu từ chối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tôi đề nghị HĐXX phải xem xét lại quy định này và phổ biến lại quyền và nghĩa vụ của nhân chứng thêm một lần nữa. Nhưng có vẻ như nó không có tác dụng. Người trả lời này đã từng trả lời rất nhiều câu hỏi “bẫy” của tôi ở phiên toà sơ thẩm nên ông ta đã không ngần ngại từ chối tại phiên toà phúc thẩm. Nhân chứng còn lại thì hoặc không trả lời được hoặc trả lời sai hoặc được tôi chỉ ra nó là gian dối, trong khi đó họ vừa tuyên thệ trung thực với lời khai của mình.

Kiểm sát viên giữ quyền công tố đưa ra các lập luận, như đã phải nói, khiến tôi không chỉ bị sốc mà còn tiến tới phần kinh ngạc vì nhận thức đó không thể đáp ứng bất kỳ yếu tố và phẩm chất nào để đứng vào với vai trò công tố và kiểm sát pháp luật trong việc thực thi và bảo vệ luật pháp - khi họ coi rằng người hoặc cơ quan tiến hành tố tụng có thể tiến hành trên cơ sở “pháp luật không cấm” (Hiến pháp và Bộ luật TTHS nghiêm cấm điều này) và “việc họp liên ngành chỉ đạo án là không vi phạm pháp luật” hay “xác định án điểm là dựa trên quy định của pháp luật (tôi yêu cầu chỉ ra căn cứ của nó nhưng không được đáp ứng - phân loại tội phạm chỉ được phân ra theo mức độ - ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; và bất kỳ ai cũng được hương quyền bình đẳng trước pháp luật), hoặc với luận điểm thiếu cơ sở vật chất để từ chối trình chiếu chứng cứ gốc có tính quyết định để buộc tội với các bị (mặc dù không hề được tiếp cận hồ sơ vụ án để tự bào chữa, mà đó là quyền hiển nhiên cơ bản và tối cần thiết) là xâm phạm quyền được xét xử công bằng và việc chứng minh tội phạm - cơ sở vật chất thiếu thốn không phải là căn cứ của luật pháp mà chỉ là hiện trạng thực tế, nó là lỗi của nhà nước mà không được phép đẩy sự bất lợi đó về phía bị cáo và không đương nhiên bị bãi bỏ đi nghĩa vụ phải chứng minh tội phạm bằng các chứng cứ hợp pháp mà chúng phải được trực tiếp thẩm tra tại phiên toà. Việc tự chuyển cấu thành cơ bản của tội phạm mà không chứng minh là sai cơ bản về nguyên tắc định tội và kết tội.

Vị kiểm sát viên không đưa mắt nhìn tôi lấy một lần, sự bối rối và đứt đoạn, yếu ớt trong cớ luận và nội ngôn của họ làm tôi đau đớn thực sự trước một nền tố tụng chứ không chỉ là một phiên toà. Nó làm tôi thấy bất an trước viễn cảnh mà, tôi đã biện hộ giữa phiên toà, rằng “mỗi chúng ta nếu là một bị cáo và đứng vào trong hoàn cảnh này, chúng ta cần gì nhất, ngoại trừ sự công bằng sáng suốt và chắc chắn về luật pháp”?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét