Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2020

Đường sắt Nhổn - Ga HN Nhà thầu đòi thêm tiền

Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 3 hay còn được gọi là Tuyến Văn Miếu, là tuyến đường sắt trên cao đang được xây dựng. Tuyến bắt đầu tại ga Nhổn ở quận Bắc Từ Liêm và kết thúc ở ga Hà Nội, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm với tổng chiều dài là 12,5 km, trong đó đoạn trên cao (Nhổn–Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy–Ga Hà Nội) dài 4 km. Đây cũng là tuyến đường sắt siêu đắt vì tổng số vốn đầu tư ban đầu ước tính lên tới 1,2 tỷ USD, sau đó tiếp tục đội vốn thêm gần 400 triệu Euro (gấp hơn 1,5 lần tuyến Cát Linh - Hà Đông). Đáng nói là khoảng cách giữa hai ga rất xa, nên rất không thuận tiện cho người VN sử dụng. Một mặt khí hậu VN khắc nghiệt so với ở Âu Mỹ, đi bộ đến các ga rất vất vả. Mặt khác, trong khi người ở Âu Mỹ đi tàu thường tay không, không phải mang xách hàng hóa, thì người VN phải kết hợp mua sắm hàng hóa và xách tay lên tàu; nếu khoảng cách giữa hai ga xa như thế này thì họ sẽ không thể sử dụng phương tiện giao thông công cộng này được.
Nhà thầu Dealim đòi bổ sung kinh phí dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội
RFA 2020-07-09- Nhà thầu Dealim, nhà thầu chính gói thầu CP01 dự án đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội, tiếp tục đề nghị chủ đầu tư dự án phải bổ sung kinh phí, do tiến độ bị kéo dài. Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 9/7, và cho biết dự án đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội, được Thủ tướng điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án điều chỉnh từ 2018 kéo dài đến 2022.

Trước đó, gói thầu CP01 phải kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng là 26,5 tháng. Nhà thầu Daelim đã đề nghị phía Hà Nội bổ sung 19,1 triệu USD từ đầu năm 2018. Sau một thời gian dài đánh giá, tham vấn các đơn vị tư vấn, giá trị bổ sung do kéo dài thời gian thực hiện gói thầu này được tạm chốt là 6,6 triệu USD, giảm 12,5 triệu USD so với kiến nghị của nhà thầu.


Theo đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, đây là dự án lớn, phức tạp và là dự án thí điểm về đường sắt đô thị tại Hà Nội. Quá trình thực hiện dự án gặp nhiều vướng mắc, khó khăn về thủ tục đặc biệt liên quan đến việc kéo dài thời gian thực hiện Hợp đồng (EOT) và chi phí bổ sung do việc kéo dài thời gian thực hiện của các hợp đồng của dự án.

Ngoài ra, Dự án cũng gặp nhiều khó khăn liên quan giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật ngầm nổi, vướng mắc kết nối giữa các gói thầu dẫn đến hầu hết các hợp đồng đều phải kéo dài thời gian và các nhà thầu yêu cầu bổ sung chi phí.

Tin cũng cho biết, việc điều chỉnh tiến độ của dự án đúng luật pháp Việt Nam. Nhưng luật chưa có hướng dẫn chi tiết việc tính toán chi phí phát sinh khi điều chỉnh tiến độ hợp đồng.

Hiện nay, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đang tiếp tục đàm phán với nhà thầu theo hướng, 2 bên sẽ tuân thủ giá trị bổ sung theo quyết định của Kiểm toán Nhà nước. Ngoài ra, Ban Quản lý cũng đang xin ý kiến các bộ, ngành hướng dẫn quy trình để bổ sung kinh phí cho nhà thầu như thế nào? Vì quá trình này chưa được quy định tại bất kỳ văn bản nào.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/requested-additional-funding-for-nhon-hn-railway-project-07092020143232.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét